28/02/2018, 16:13

Kỷ lục nhịn thở 24 phút thách thức hiểu biết của giới khoa học

Một thợ lặn tự do lập kỷ lục nhịn thở 24 phút dưới nước vượt ngoài dự đoán của các nhà nghiên cứu. Khi Aleix Segura nhịn thở, anh thường nghĩ đến trái tim trong lồng ngực, theo Wired. Ở trên mặt đất, sự tập trung nhịn thở khiến nhịp tim của anh tăng lên, nhưng ở dưới nước, ảnh hưởng lại trái ...

Một thợ lặn tự do lập kỷ lục nhịn thở 24 phút dưới nước vượt ngoài dự đoán của các nhà nghiên cứu.

Khi Aleix Segura nhịn thở, anh thường nghĩ đến trái tim trong lồng ngực, theo Wired. Ở trên mặt đất, sự tập trung nhịn thở khiến nhịp tim của anh tăng lên, nhưng ở dưới nước, ảnh hưởng lại trái ngược. "Ngay khi các cơ bắp của tôi thả lỏng và tim tôi đập chậm lại, tôi có cảm giác giống như ngắt mọi kết nối", nhà vô địch nhịn thở thế giới chia sẻ. Đôi khi, Segura thư giãn tới mức ngủ quên.

Nhưng đó là trước khi sự co rút bắt đầu. Khi bạn nhịn thở, bản năng hô hấp được thúc đẩy không chỉ bởi tình trạng thiếu oxy mà cả do sự tích tụ khí carbon dioxide. Nếu bạn từng nhịn thở tới mức không thể chịu nổi, bạn sẽ hiểu rõ cảm giác. Phổi bạn nhói lên và cơ hoành co cứng, buộc bạn phải thở gấp. Hầu hết chúng ta nhanh chóng chịu thua trước sự thôi thúc này. Nhưng Segura có thể cầm cự trong vài phút.

Là một kiến trúc sư ở Barcelona, Tây Ban Nha, Segura là tên tuổi nổi tiếng trong môn lặn tự do, môn thể thao đòi hỏi vận động viên phải thực hiện nhiều kỹ xảo dưới nước với một hơi thở duy nhất mà không có dụng cụ lặn hỗ trợ. Một số đấu thủ chuyên lặn sâu. Những người khác cố gắng lặn xa. Nhưng mục tiêu của Segura là ngưng thở tại chỗ. Anh sẽ nằm úp sấp mặt giữa bể bơi, nín thở lâu hết mức có thể.


Aleix Segura lập kỷ lục nhịn thở dưới nước hồi tháng 2 năm ngoái. (Video: YouTube).

Năm 2016, Segura lập kỷ lục thế giới Guinness khi nhịn thở trong 24 phút 3 giây, lâu hơn 54 giây so với kỷ lục anh từng đạt được trước đó và lâu hơn hai lần so với kỷ lục 11 phút 34 giây do Hiệp hội phát triển kỹ năng nhịn thở quốc tế (IADA) công bố.

IADA không cho phép vận động viên hít khí oxy tinh khiết trước khi nhịn thở. Đối với những người yêu thích lặn tự do như Segura, nhịn thở nhờ hít khí oxy giống như một kỹ xảo bởi cách này cho phép thợ lặn lưu trữ lượng oxy lớn gấp đôi trong phổi.

Tiến trình lập kỷ lục thường tuân theo một đường cong hình chữ S. "Lúc đầu họ cải thiện khả năng một cách chậm rãi, sau đó nhanh chóng, sau đó lại chậm dần khi các đấu thủ tiến gần đối giới hạn sinh lý", Alan Nevill, nhà toán học ở Đại học Wolverhampton, người từng lập mô hình thành tích cho hàng chục kỷ lục thế giới, cho biết. Nói cách khác, kỷ lục của các vận động viên không được cải thiện theo đường thẳng.

Tuy nhiên, mô hình thống kê của Nevill chỉ gần đúng với kỷ lục thực tế mà Segura lập hồi tháng 2 năm ngoái. Kỷ lục của Segura là 24 phút 3 giây, lâu hơn đáng kể so với giới hạn mô hình dự đoán là 23 phút 44 giây. "Tôi không biết cậu ấy đã làm gì hoặc thực hiện như thế nào, nhưng kết quả là một màn biểu diễn rất khác thường. Bản thân một nhà thống kê học như ôi không thể nói gì nhiều bởi cậu ấy đã làm được một điều tương đối xuất chúng", Nevill chia sẻ.

Thợ lặn tự do luôn luôn thách thức những giới hạn và thách thức hiểu biết của giới khoa học.
Thợ lặn tự do luôn luôn thách thức những giới hạn và thách thức hiểu biết của giới khoa học.

Khi được nghe về mô hình của Nevill, Segura bật cười. "Anh ấy nên xem những gì tôi làm khi tập luyện, khi đó anh ấy sẽ biết đường thống kê của anh ấy không phải là một dự đoán hoàn hảo", Segura nói.

Segura cho biết trong lúc tập luyện, anh nhịn thở lâu hơn so với lần lập kỷ lục gần nhất. Trên thực tế, thợ lặn tự do có thời gian nhịn thở lúc tập tốt hơn lúc thi đấu. Áp lực thi đấu ảnh hưởng tới khả năng thư giãn của họ và tác động tiêu cực tới màn biểu diễn.

Segura không loại trừ khả năng kỷ lục của anh sẽ bị phá vỡ nhưng anh không chắc chắn về giới hạn cuối cùng. "Tôi không biết. Có thể là nửa tiếng hoặc hơn", Segura cho biết. Theo anh, thợ lặn tự do luôn luôn thách thức những giới hạn và thách thức hiểu biết của giới khoa học. Vào những năm 1940, các nhà nghiên cứu cho rằng áp suất ở độ sâu hơn 9 mét dưới mực nước biển sẽ làm vỡ phổi của thợ lặn. Ngày nay, thợ lặn tự do thường xuống tới độ sâu hơn 90m mà không sử dụng thiết bị hỗ trợ. "Chúng ta luôn luôn cho rằng mình đã đạt tới giới hạn. Nhưng chúng ta luôn luôn sai", Segura nói.

0