Kiến nghị bỏ tuyển sinh đại học theo khối năm 2015
Chiều qua 9/1, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ngoài công lập đã họp bàn để góp ý cho dự thảo quy định tuyển sinh ĐH, CĐ. Kết thúc cuộc họp, hiệp hội này kiến nghị Bộ GD&ĐT thực hiện "5 bỏ" : bỏ điểm sàn, bỏ thi theo khối, bỏ quy định các trường không được phép sử dụng kết quả ...
Chiều qua 9/1, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ngoài công lập đã họp bàn để góp ý cho dự thảo quy định tuyển sinh ĐH, CĐ.
Kết thúc cuộc họp, hiệp hội này kiến nghị Bộ GD&ĐT thực hiện "5 bỏ": bỏ điểm sàn, bỏ thi theo khối, bỏ quy định các trường không được phép sử dụng kết quả thi của trường khác làm căn cứ xét tuyển, bỏ việc bắt các trường phải nộp đề án tuyển sinh, từ năm 2015 bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ.
"Mỹ là một nước mà quyền tự chủ ĐH rất cao nhưng không có một trường ĐH nào của họ tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh. Tất cả các trường ĐH của Mỹ đều căn cứ vào kết quả thi của hai dịch vụ tuyển sinh là SAT và ACT để tuyển sinh.
Sở dĩ các trường của họ không tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh bởi nó rất tốn kém, rất khó khăn, đòi hỏi phải có một lực lượng chuyên gia về đánh giá hùng hậu. Các nước khác như Nga, Nhật… cũng không có trường ĐH nào tự tổ chức một kỳ thi tuyển sinh", GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết.
Hầu hết các thành viên của Hiệp hội có mặt trong cuộc họp đều đồng tình với quan điểm của GS Thiệp. Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng Bộ GD&ĐT nên bỏ khái niệm “kỳ thi tuyển sinh” thay vào đó bằng khái niệm “kỳ tuyển sinh” với hàm ý không nhất thiết tuyển sinh là phải tổ chức thi.
Các đại biểu tại hội nghị
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch hiệp hội cho rằng: “Tự chủ trong tuyển sinh là quyền đương nhiên của tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Bộ chỉ cần đưa ra các quy định về công tác tuyển sinh, không nên bắt từng trường phải trình duyệt đề án tuyển sinh".
Theo ông Quân, Bộ chỉ nên xem kỳ thi chung đang được tổ chức hiện nay cũng như sau này là một dịch vụ công ích cần thiết để hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đại học (GD ĐH) chứ không nên ép các trường nếu muốn sử dụng các kết quả của kỳ thi chung thì phải đăng ký với bộ và phải chấp nhận “luật chơi riêng” (điểm sàn, khối thi).
Ông Đỗ Văn Chừng Nguyên Vụ trưởng Vụ GD Đại học, hiện công tác tại Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà cho rằng: “Về lâu dài để giảm phiền hà và tốn kém cho người học nên nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ làm một là chỉ thi tốt nghiệp THPT và thực hiện trao quyền tự chủ xét tuyển sinh cho các trường”.
Muốn làm được điều này, các ý kiến tại hội nghị cho rằng, Bộ nên sớm triển khai đề án đổi mới.
Ông Nguyễn Ngọc Chu, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Công nghệ Đông Á Thi bày tỏ: “Bộ không nên buộc các trường phải nộp đề án rồi mới xem xét cho thực hiện hay không. Bộ đừng lo khi thả cho các trường tự chăm sóc lấy mình. Như vậy nền giáo dục mới đi lên được”.
Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng kể câu chuyện từng được chính lãnh đạo Bộ GD-ĐT chia sẻ về việc một số học sinh thi trượt ĐH, bố mẹ gửi ra nước ngoài học. Sau họ học tốt quay về lại làm thầy của nhiều sinh viên.
Vị hiệu trưởng cho rằng: “Đầu vào chỉ là một yếu tố, không phải tất cả. Quan trọng là quá trình giảng dạy, phương pháp học tập của sinh viên ra sao,…Chúng tôi đảm bảo và công khai chất lượng đầu ra của sinh viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế và tự tin chứng minh điều đó với lãnh đạo bộ hay các trường công”.
Ông Nghị cũng khuyên các trường sớm chuẩn hóa, khẳng định và công bố chất lượng đầu ra để thấy rằng học sinh trường ngoài công lập dù đầu vào nhiều nơi chưa cao nhưng học vẫn rất tốt.
Theo VNN-TP
>> Thi tốt nghiệp THPT sau năm 2015 chưa thể bỏ