Khuôn mặt mới của giáo dục đại học
Trong giáo dục đại học (GDĐH) trên thế giới 30 – 40 năm qua đã xảy ra một hiện tượng chưa từng thấy. Đó là sự “bùng nổ sĩ số” và chuyển nhiều nền GDĐH từ tinh hoa thành những nền GDĐH đại chúng . Số sinh viên (SV) trên thế giới đã tăng từ 13 ...
Trong giáo dục đại học (GDĐH) trên thế giới 30 – 40 năm qua đã xảy ra một hiện tượng chưa từng thấy. Đó là sự “bùng nổ sĩ số” và chuyển nhiều nền GDĐH từ tinh hoa thành những nền GDĐH đại chúng. Số sinh viên (SV) trên thế giới đã tăng từ 13 triệu năm 1960 lên đến 82 triệu năm 1995. Ở nhiều nước phát triển, cứ 100 thanh niên ở độ tuổi 18 – 22 thì có đến trên 50 SV đang “ngồi trên ghế” nhà trường ĐH. Đây là kết quả tất yếu của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ và quá trình dân chủ hóa GDĐH. Chính hiện tượng nầy, cùng với xu thế toàn cầu hóa, đã làm biến đổi một cách cơ bản khuôn mặt của GDĐH ngày nay.
Trước hết là sứ mệnh của GDĐH. Cho đến những năm đầu của thế kỷ vừa qua, cái lẽ tồn tại của trường ĐH vẫn còn thường được hiểu là: Để “mưu cầu tri thức cho chính nó”. Trường ĐH thường là những thể chế cổ đại nhất, có khi còn “cổ đại” hơn chính quốc gia có trường ĐH đó, với những vị giáo sư (GS) đầy quyền uy. Ngày nay, trường ĐH lại thường được hiểu một cách đơn giản là: “Nơi sản xuất và truyền bá tri thức vì lợi ích thiết thực của con người”, một “xí nghiệp tri thức”. Cũng đã có những trường ĐH bên trong công ty và trường ĐH được quản lý như một công ty (Corporate universities). Hơn nữa, GDĐH còn được xem là một loại dịch vụ, một loại hàng hóa vừa có tính chất tập thể (do Nhà nước và công chúng quyết định) vừa có tính chất thị trường (do thị trường quyết định). thầy giáo (TG) ở ĐH ngày nay cũng đã có tính “đại chúng” và mất bớt đi quyền lực, lợi thế trong công việc. Sự tôn trọng của công chúng đối với TG cũng như chính năng lực của đội ngũ TG, về trung bình, cũng không còn như trước (Hansey 1992). Ở Anh, lương trung bình của TG ở trường ĐH so với lương trung bình của công nhân công nghiệp năm 1929 gấp gần 4 lần, đến năm 1989 giảm còn 1,54 lần. Nghĩa là khi GDĐH đã được cung cấp cho số đông và đã được gắn chặt với cuộc sống, GDĐH sẽ được “bình thường hóa”.
Điều này có thể làm bất bình một số vị GS vốn được đào tạo và trưởng thành trong một môi trường ĐH tinh hoa, ĐH truyền thống. Nhưng với tư cách là một TG ở ĐH, tôi buộc phải thừa nhận rằng, đó là tất yếu. Không có nền GD thích hợp cho mọi thời đại.
Thứ hai là về chất lượng đào tạo. Năm 1996 có một khảo sát lấy ý kiến của 100 nhà lãnh đạo và quản lý ĐH trên thế giới, ở các trường ĐH kiểu cổ đại/ truyền thống và cả ở các trường ĐH “mới”. Kết quả, 76% ý kiến (tần số cao nhất) cho rằng, thách thức lớn nhất đối với họ vẫn là “duy trì được chất lượng với những nguồn lực ít hơn”. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là quan niệm về chất lượng đã có một phổ khá rộng. Học giả Harvey (1995) đã hệ thống thành 5 quan điểm khác nhau về GDĐH như sau:
- Quan điểm “Hết sức tốt” (Exceptional). Quan điểm nầy đồng nhất chất lượng với sự ưu tú và chỉ có thể phù hợp với loại trường ĐH truyền thống đào tạo tinh hoa;
- Quan điểm “Hoàn hảo” (Perfection). Sản phẩm phải không có mặt yếu;
- Quan điểm “Phù hợp với mục đích” (Fitness for purpose) theo nghĩa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng;
- Quan điểm “Giá trị để làm ra tiền bạc” (Value for money) theo nghĩa hiệu quả của đầu tư cho ĐH và
- Quan điểm “Khả năng thay đổi” (Transformation), có nghĩa, chất lượng là khả năng thay đổi từ một trạng thái nầy sang một trạng thái khác. Quan điểm nầy chú trọng đến khả năng tiếp cận, tranh thủ cơ hội v.v… của SV, của doanh nghiệp trong GDĐH đại chúng, trong một thời đại có nhiều sự thay đổi.
Thực ra thì các thể chế ĐH cũng như hầu hết các doanh nghiệp đều dựa trên, nếu không phải là tất cả thì cũng là phần lớn, các quan điểm đó để xem xét về chất lượng đào tạo. Mẫu số chung thường là: “Số lượng tri thức, kỹ năng và nghị lực tìm kiếm tri thức”. Trong đó, theo học giả Kogan (1985), trường ĐH thường nhấn mạnh đến tư duy phê phán, hiểu thấu các nguyên lý, liên kết lý luận với thực tiễn và kỹ năng học tập suốt đời; những người sử dụng (Employers) thì lại thường mong đợi nhiều hơn ở khả năng thích ứng/ linh hoạt, giải quyết vấn đề, kỹ năng truyền đạt và phân tích. Tuy nhiên, vấn đề muốn nói ở đây là, GDĐH ngày nay một mặt đã hướng đến nhiều hơn những lợi ích của khách hàng: SV, người sử dụng và Chính phủ; mặt khác đã chú trọng nhiều hơn đến hiệu quả “đầu tư trong GD” cũng như những yêu cầu mới của thời đại.
Thứ ba là tổ chức hệ thống GDĐH. Ở trạng thái “bùng nổ sĩ số”, chất lượng GDĐH như bị giảm xuống. Các nhà GD trên thế giới cũng đã tranh luận dai dẳng vấn đề này từ những năm 60, 70. Có 2 xu hướng. Xu hướng thứ nhất xem các trường ĐH phải là “tinh hoa” như nhau. Thực tiễn cho thấy, gần như không có một nước nào thiết lập được một hệ thống như vậy. Xu hướng thứ hai là từng bước hình thành một hệ thống GDĐH với nhiều loại trường ĐH, kể cả ĐH không truyền thống như ĐH mở, ĐH từ xa,… ở dạng phân lớp. Ít nhất là có 3 lớp.
- Phân lớp thứ nhất, theo kiểu đào tạo tinh hoa ở các ĐH truyền thống, hướng về nghiên cứu (Research – oriented), thường chỉ chiếm 10 – 12% tổng số SV;
- Phân lớp thứ hai, nặng về đào tạo nghề nghiệp, chương trình thường là 4 năm và chiếm khoảng 30 – 35% tổng số SV;
- Phân lớp thứ ba, chiếm phần còn lại, đào tạo về nghề nghiệp thích hợp với nhu cầu địa phương và chương trình thường là 2 năm hoặc cao đẳng.
Như vậy, sự phân lớp ở đây không chỉ là về trình độ mà quan trọng hơn là tính chất của lớp người được đào tạo, nhằm đáp ứng những yêu cầu đa dạng của xã hội. Nhiều nước đang hướng theo xu thế nầy. Ở Mỹ có 5 loại trường ĐH có tính chất khác nhau, 4 loại đầu lại chia thành trình độ 1 và 2, được chia thành 6 lớp về “độ khó” khi chọn vào trường, lớp cuối cùng là ở dạng ghi danh và có 11 lớp học phí khác nhau, chênh lệch nhau đến hàng chục lần.
Thứ tư là vấn đề kinh phí và học phí. Trước hết, có thể nói rằng, các vấn đề như: mối quan hệ giữa GDĐH miễn phí và thành phần xã hội của SV, miễn học phí có là chuyển bớt trợ cấp của Nhà nước từ người nghèo hơn sang người giàu hơn, tỷ lệ kinh phí Nhà nước và học phí bao nhiêu là hợp lý v.v…. còn là câu chuyện dài của các nhà làm chính sách và các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, trong GDĐH ngày nay chỉ còn một ít nước phát triển có mức thuế rất cao để có đủ ngân sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội mới có chính sách miễn học phí. Từ năm 1986, SV ở ĐH của Úc cũng đã bắt đầu trả học phí bằng 25% chi phí học tập. Anh cũng đã bắt đầu bỏ truyền thống miễn phí GDĐH. Đó là hệ quả trực tiếp của bùng nổ sĩ số và xu thế ngày càng giảm đi phần ngân sách Nhà nước tính theo đầu SV. Đến năm 1995, các ĐH công ở Mỹ chỉ còn nhận khoảng 40% ngân sách từ bang và 12% ngân sách từ liên bang, giảm bớt 10% ngân sách từ bang tính so với 15 năm trước đó. Trong thập kỷ qua, ngân sách Nhà nước cho GDĐH ở Anh cũng giảm đi khoảng 40%. Có lẽ, chính xu thế này cũng buộc các trường ĐH, nhất là các trường dạy nghề, chuyển dần sang hướng vận hành nhà trường như là một doanh nghiệp (Business Like).
Cuối cùng là những biến đổi về mô hình quản lý trường ĐH. Một đặc điểm lớn của nền GDĐH đại chúng là hết sức đa dạng về nhiều phương diện: Hình thức đào tạo, tính chất và trình độ của chương trình , quan hệ sở hữu v.v… Vì vậy, quản lý ở ĐH cũng trở thành một vấn đề hết sức phức tạp. Ngày nay, lãnh đạo ở ĐH, kể cả các chủ nhiệm bộ môn, không còn là những người quản lý “amateur” nữa mà phải là những người lãnh đạo có nghề nghiệp, được đào tạo. Và điều còn quan trọng hơn là cung cách quản lý ở ĐH khi mà GDĐH đã có một khuôn mặt mới.
Ở phạm vi quản lý trường ĐH, McNay (1995) dựa trên 2 mặt: “Xác định chính sách” và “Giám sát thực hiện”, theo mức độ “chặt chẽ” và “lỏng lẻo”, đã hệ thống thành 4 mô hình quản lý như ở hình bên.
Kiểu A xem bộ môn là đơn vị cơ bản của nhà trường, ra–quyết-định theo cách “đồng thuận” và quản lý lỏng lẻo. Kiểu B quản lý như ở một tổ chức hành chính, tất cả đều theo điều lệ, quy chế, kể cả vấn đề ra–quyết–định; quyền lực lớn nằm trong tay các nhà quản lý hành chính. Kiểu C là kiểu quản lý trường ĐH trong công ty, SV là những đơn vị khách hàng. Kiểu D nặng về tính chất “ủy thác”, ra–quyết–định rất uyển chuyển và nhấn mạnh trách nhiệm của các chuyên viên. Theo McNay, các trường ĐH thường vận dụng một số kiểu quản lý, nhưng nhìn chung các trường ĐH ở Anh và Úc thường chuyển dần tỷ trọng từ A sang B, sang C và sang D. Qua một khảo sát, về trung bình, người ta thấy, trong 10 năm qua (1985 – 1995), tỷ trọng kiểu A từ 35 – 55% đã xuống còn khoảng 15 – 17%, kiểu B giữ nguyên hay có giảm xuống một ít trong phạm vi 25 – 40%, kiểu C tăng từ 8 – 24% lên đến trên dưới 40% và kiểu D tăng từ trên dưới 10% lên đến 25% - 35%.
Có thể cho rằng, 5 đặc trưng hay 5 mặt biến đổi nói trên đã vẽ ra được phần nào khuôn mặt mới của GDĐH ngày nay. Ở VN, trong 10 năm qua cũng đã có hiện tượng “bùng nổ sĩ số”, số SV đã tăng lên hơn 7 lần và có lẽ niên học 2001 – 2002 sẽ đánh dấu mốc đạt được con số 1 triệu SV ở VN. Nền GDĐH VN tuy tỷ lệ SV trong độ tuổi còn chưa cao nhưng đã mang khá nhiều tính chất của một nền GDĐH đại chúng. Điều đáng tiếc là, thực tiễn đã thực sự chuyển biến theo hướng như vậy nhưng một số quan niệm, một số quy định và một số cung cách quản lý… vẫn như đang từ chối những xu thế đó.
Phát triển là quá trình chuyển đổi xã hội, bao gồm cả việc thay đổi về cách suy nghĩ. Và đó lại là điều cốt lõi. Thay đổi cách suy nghĩ thường đòi hỏi nhiều thời gian. Tuy nhiên, khi lợi ích của các thay đổi là dễ nhận thấy, hoặc dự báo được, hoặc quan sát được trên thực tiễn, việc từ chối lại đóng vai trò cản trở sự phát triển. Chính GD, GD đóng vai trò quan trọng không chỉ vì nó làm tăng “vốn xã hội” (nguồn nhân lực, mức độ đoàn kết xã hội và tinh thần sẵn sàng hành động vì những điều tốt đẹp) mà còn làm tăng lên khả năng chấp nhận các thay đổi.