13/01/2018, 10:49

“Không thầy đó mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn” – Văn hay lớp 7

“Không thầy đó mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn” – Văn hay lớp 7 "Không thầy đó mày làm nên" và "Học thầy không tày học bạn" – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Thanh Hóa Từ xưa, nhân dân ta đã coi trọng vị trí của người thầy trong xã hội. Có biết bao câu ...

“Không thầy đó mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn” – Văn hay lớp 7

"Không thầy đó mày làm nên" và "Học thầy không tày học bạn" – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Thanh Hóa

Từ xưa, nhân dân ta đã coi trọng vị trí của người thầy trong xã hội. Có biết bao câu ca dao tục ngữ thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư; Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy…

Trong nhà trường, người thầy giữ vai trò rất quan trọng, vì thế dân gian đã khẳng định: Không thầy đố mày làm nên. Nhưng bên cạch đó lại có quan điểm cho rằng: Học thầy không tày học bạn. Như vậy, xét về mặt ý nghĩa, hai câu trên có mâu thuân với nhau hay không?

Nếu mới đọc qua, chưa suy nghĩ sâu sắc, chắc chắn có người cho rằng hai câu tục ngữ trên chứa đựng hai quan điểm trái ngược nhau. Thực tế không phải như vậy. Cả hai câu đều nói đến vai trò của người dẫn dắt là thầy giáo và bạn bè trong học tập.

Câu thứ nhất: Không thầy đố mày làm nên đề cao đến mức tuyệt đối vai trò của người thầy đối với học sinh. Trong khi đó câu thứ hai: Học thầy không tày học bạn lại đề cao vai trò của bạn bè. Chúng ta nên hiểu nội dung hai câu tục ngữ này như thế nào cho đúng?

Trong nhà trường, vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Thầy dạy cho trò những tri thức cần thiết thông qua bài giảng trên lớp. Thầy là người dẫn đường, chỉ lối, mở rộng, nâng cao hiểu biết cho học sinh. Đồng thời với việc dạy chữ là dạy người. Người thầy dạy bảo những điều hay lẽ phải, quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh, giúp các em sống theo đạo lí làm người. Đối với việc trưởng thành và tạo dựng sự nghiệp của học sinh, công lao người thầy quả là to lớn.

Nhưng không phải người thầy thay thế được tất cả. Thầy hết lòng giảng dạy trò phải hết sức nỗ lực trong học tập, tiếp thu thì mới mong đạt được kết quả tốt. Như vậy, cố gắng của học sinh cũng là một phần đáng kể. Nếu phủ nhận mặt này, ý nghĩa của câu tục ngữ trên sẽ là nhận xét phiến diện.

Vai trò của người thầy quan trọng như vậy nhưng trong quá trình học tập, vai trò bạn bè cũng quan trọng không kém nên người xưa cho rằng: Học thầy không tày học bạn (không tày ở đây có nghĩa là không bằng). Đánh giá như vậy sợ có thiên lệch chăng? Ở đây, mục đích của người xưa là dùng cách nói cường điệu để nhấn mạnh tác động của bạn bè đối với sự tiến bộ và hiểu biết của mối người. Kiến thức thầy giảng trên lớp, có gì chưa hiểu, ta đem hỏi lại bạn bè. Bạn tận tình hướng dẫn cho mình, tức là bạn cũng đóng vai trò của người thầy cô trong chốc lát.

Thực tế cho thấy bạn bè tốt giúp đỡ, hỗ trợ nhau rất nhiều điều có ích trong quá trình học tập, làm việc và xây dựng sự nghiệp. Bạn bè cũng trang lứa tạo ra sự thông cảm, gần gũi nên việc học hỏi cũng dễ dàng tiếp thu hơn.

Vậy ta nên hiểu quan niệm học thầy, học bạn như thế nào cho đúng?

Mỗi học sinh phải chăm chỉ, cố gắng tiếp thu những điều hay lẽ phải do thầy dạy bảo, kết hợp với óc suy nghĩ, sáng tạo của bản thân để không ngừng nâng cao kiến thức. Luôn ghi nhớ truyền thống Tôn sư trọng đạo của dân tộc. Có kính trọng thầy thật sự thì mới có tâm thế trong sáng, nghiêm túc đón nhận lời thầy dạy bảo. Có điều gì chưa hiểu hoặc hiểu chưa kĩ, ta mạnh dạn hỏi lại bạn bè, tránh thái đọ tự ti, giấu dốt, bởi đó là điều hoàn toàn bất lợi cho việc học hành. Học thầy, học bạn không chỉ về kiến thức mà còn học ở tác phong, đạo đức để trở thành con người hữu ích cho xã hội.

Hai câu tục ngữ trên bổ sung ý nghĩa cho nhau để phản ánh quan niệm của người xưa về việc học. Ngày nay, cách học tốt nhất là học ở thầy, học ở bạn, học trong sách vở và học trong thực tế cuộc sống hằng ngày. Muốn nên người, chúng ta phải có thái độ tôn kính thầy cô, quý mến, tôn trọng bạn bè và khiêm tốn trong học tập. Con đường đến với tri thức là còn đường gập ghềnh, gian nan. Trên con đường ấy, thầy và bạn vừa là người chỉ lối, vừa là người đồng hành quan trọng biết bao đối với mỗi chúng ta.

"Không thầy đó mày làm nên" và "Học thầy không tày học bạn" – Bài làm số 2

Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Để tỏ lòng tôn trọng, biết ơn thầy giáo và ghi nhận vai trò to lớn của thầy giáo đối với sự thành đạt của mỗi cá nhân, tục ngữ ta có câu:

Không thày đố mày làm nên

Nhưng cũng lại có truyền thống hiếu học. Không chỉ học thầy, chúng ta còn học bạn:

Học thầy không tầy học bạn

Hai câu tục ngữ đều nói lên tinh thần hiếu học, nhưng thể hiện hai quan niệm dường như mâu thuẫn. Vậy chúng ta nên hiểu việc học thầy học bạn như thế nào cho đúng? Và bản thân chúng có mâu thuẫn hay không?

Xét cho cùng thì hai câu tục ngữ trên không hề mâu thuẫn vì cả hai câu đều nói về vai trò và tác dụng của người dạy đối với người học. Nhưng hai câu tục ngữ lại có chỗ khác nhau do sự tách biệt người dạy là thầy giáo và người dạy là bạn bè ở hai câu. Do sự tách biệt trong so sánh ở hai câu mà hai câu tục ngữ bị đẩy về hai thái cực. "Không thầy đố mày làm nên" thì tuyệt đối hoá vai trò của người thầy. "Học thầy không tầy học bạn" lại tuyệt đối hoá vai trò của người bạn.

Đề cao việc dạy, nhấn mạnh việc học, cả hai tục ngữ đều đúng, nhưng cả hai câu đều có điểm chưa thoả đáng. Câu "Không thầy đố mày làm nên" chưa thoả đáng vì quá đề cao vai trò của người thầy, tuyệt đối hoá tác dụng của người thầy đối với cuộc đời, sự nghiệp của người học. Không ai có thể phủ nhận được vai trò quan trọng của thầy giáo đối với sự thành đạt, "làm nên" của học trò, nhưng không thể vì thế mà người thầy hoàn toàn quyết định. Người học trò trưởng thành, "làm nên" một phần lớn nhờ công ơn chỉ đạo, hướng dẫn, dạy bảo của người thầy giáo, nhưng phần quyết định vẫn là sự nỗ lực chủ quan tự thân vận động của chính họ để học hỏi và tiếp thu tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng kỹ xảo… trong kho tàng tri thức chung của nhân loại. Trong quá trình tự vận động đó, có nhiều điều họ tiếp nhận từ gia đình, bạn bè, xã hội chứ không phải chỉ từ người thầy.

Câu tục ngữ "Học thầy không tầy học bạn" chưa thoả đáng vì quá hạ thấp vai trò của người thầy, quá đề cao tác dụng của bạn bè trong việc học. Trong học tập, thầy giáo là người chủ đạo, học trò là người chủ động, bạn bè là người hỗ trợ, giúp đỡ, "xúc tác". Vì vậy nói "học thầy không tầy học bạn" là thái quá, hạ thấp người thầy, quá đề cao vai trò, tác dụng của việc học hỏi bạn bè, xem học bạn hơn học thầy. "Học thầy không tầy học bạn" là sai.

Để đánh giá đúng hai câu tục ngữ nói trên, chúng ta cần lưu ý đặc trưng loại thể tục ngữ, một loại hình nghệ thuật dân gian thiên về lý trí, trí tuệ dùng để đúc kết kinh nghiệm sống và răn dạy về ứng xử. Nhằm mục đích đó và để cho dễ nhớ, tác giả dân gian thường dùng lối nói ngắn gọn hàm súc, ngoài nhịp điệu, nhiều khi dùng lối nói phóng đại, cường ngôn, lộng ngữ, một chiều để nhấn mạnh, khắc sâu, đề cao bài học trong bản thân câu tục ngữ. Hai câu tục ngữ trên có khả năng chủ yếu nói về kinh nghiệm học nghề học việc trong thời kỳ lao động xã hội được tổ chức theo hình thức thủ công là chính. Đặt trong bối cảnh đó và xét trên bình diện nghĩa tương ứng thì sẽ thấy hai câu tục ngữ trên khác hẳn câu " Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Khác chúng ta, cổ nhân quan niệm người hơn nửa chữ đã là thầy. Và theo triết học cổ về ý thức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, "Quân – quân, thần – thần, phụ – phụ, tử – tử", rõ ràng là thầy thì không còn là bạn nữa. Trong trường hợp đó (học chữ, dạy chữ), câu "Học thầy không tầy học bạn" sẽ rất chông chênh.

Thoáng nhìn, hai câu "Không thầy đố mày làm nên" và "Học thầy không tầy học bạn" dường như là mẫu thuẫn. Nhưng khi sóng đôi, chúng sẽ cho ta bài học bố ích, hoàn chỉnh: Vừa kính trọng thầy, vừa coi trọng bạn. Kính trọng thầy để tỏ lòng tôn sư trọng đạo đối với người đã dìu dắt ta "làm nên". Tôn trọng bạn để học hỏi, nâng đỡ nhau cùng tiến bộ.

"Không thầy đó mày làm nên" và "Học thầy không tày học bạn" – Bài làm số 3

Dân ta vốn có truyền thống hiếu học. tôn sư trọng đạo. Trong dân gian có biết bao câu tục ngữ giàu ý nghĩa nói về việc học cho chúng ta những hài học sâu sắc về việc học. Nói về vai trò. và tác dụng của việc học thầy, học bạn, ông bà cha mẹ la thường nhắc nhở con cháu:

‘‘Không thầy đố mày làm nên

Học thầy không tày học bạn”

Hai câu lục ngữ trên có gì đối lập nhau? Chúng ta cần phải quan niệm thế nào cho đúng về hai câu tục ngữ ấy?

Câu thứ nhất “Không thầy đố mày làm nên”, với cách nói phủ định để khẳng định vai trò to lớn, quyết định của ông thầy trong việc đào tạo nhân tài, mở mang dân trí cho xã hội. Không có sự dạy dỗ giáo dục của ông thầy thì học sinh không thể “làm nên”, nghĩa là học sinh không thể trở nên khôn ngoan, có văn hóa, đạo đức, v.v…

Câu thứ hai “Học thầy không tày học bạn “, bằng cách so sánh, nhân dân ta lại đề cao việc học bạn. “Tày”: tiếng cổ nghĩa là “bằng”. “Không tày” nghĩa là “không bằng”. So sánh việc học thầy với học bạn, câu tục ngữ khẳng định việc học bạn hơn việc học thầy.

Tóm lại cả hai câu tục ngữ đều nói về bài học kinh nghiệm trong học tập; việc học thầy và việc học bạn. Vai trò ông thầy trong giáo dục là quyết định. Việc học bạn không thể coi nhẹ được.

Cả hai câu tục ngữ đều đúng, tuy nhiên còn phiến diện, chưa toàn diện.

Trong việc học chữ, học văn hóa, khoa học kĩ thuật, học võ, học nghề…. vai trò của thầy rất to lớn, có tính chất quyết định. Thầy có vốn kiến thức rộng, có nghiệp vụ sư phạm, có đạo đức, là khuôn vàng thước ngọc, là tấm gương sáng để dạy dỗ học sinh, làm cho nhân cách học sinh phát triển. Nhờ thầy dạy dỗ trẻ em mới nên người, có văn hóa, trở thành con ngoan, mai sau lớn lên thành người lao động tốt, người công dân tốt của đất nước. Có thầy giỏi mới có học trò giỏi. Phải tầm sư học đạo như thế! Càng học lên cao, chuyên ngành, vai trò người thầy cực kì quan trọng. Thầy là trên hết, thầy là trước hết. Trong xã hội cũ, sách vở ít, mối giao lưu xã hội hạn hẹp, khép kín cho nên vai trò ông thầy là quyết định: “Không thầy đố mày làm nên”.

Việc học bạn cũng không kém phần quan trọng. Ngoài việc học thầy, học sinh cần biết học bạn. Bạn cùng lứa tuổi, gần gũi thân quen, bạn là gương sáng cho ta noi theo mà tiến bước. Bạn sẽ bày cho ta cách học, kinh nghiệm học. Có trường hợp sự giảng giải của bạn lại làm ta dễ tiếp thu và nhớ lâu vì bạn cùng trang lứa tuổi với ta. Chúng ta không chỉ học thêm văn hóa, học nghề… mà còn học tập ở bạn hữu về đạo đức, về cách sống đẹp.

Chỉ học thầy hoặc chi biết học bạn không thôi thì cũng chưa đủ. Vừa học thầy, vừa học bạn, hai cách học ấy bổ trợ cho nhau, giúp ta tiến bộ nhanh và vững chắc.

Trong xã hội xưa và nay, vai trò của ông thầy rất to lớn và quan trọng. Trong chế độ phong kiến, ba giềng mối của xã hội là: quán, sư, phụ. Có ông thầy, có nhà giáo lành mạnh thì đất nước mới có đội ngũ trí thức đông đảo, dân trí được mở mang, nền kinh tế mới hưng thịnh được. Vì đề cao “tôn sư trọng đạo”, nhân dân ta mới có câu ca:

“Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Học thầy thì phải kính trọng thầy, biết ơn thầy. Cùng với cái ơn sinh thành trời bê của mẹ cha, công ơn giáo hóa của thầy lo lớn lắm:

“Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy

Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”.

Học bạn rất thiết thực. Bạn tốt, bạn giỏi là tấm gương sáng, cho ta noi theo để học tập và tiến bộ. Chúng ta phải thật sự khiêm tốn thì việc học bạn mới có kết quả. Học bạn lại phải biết chọn bạn vì “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Chúng ta phải biết học thầy và học bạn và tự học trong cuộc sống “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Dù học thầy hay học bạn, chúng ta phải tự vận động, học một cách thông minh và sáng tạo.

Hai câu tục ngữ trên tuy phiến diện, nhưng đã coi trọng và đề cao học thầy và việc học bạn. Kính thầy mến bạn, siêng năng, chăm chỉ, khiêm tốn là những đức tính giúp ta tiến bộ và thành công.

Học để hiểu biết, học để làm người, học để phục vụ Tổ quốc, học để có cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp mai sau, cho nên ta phải coi trọn việc học, phải nhập tâm hai câu tục ngữ trên. Biển học bao la, phải học nhiều, học mãi. Phải tầm sư học đạo.

"Không thầy đó mày làm nên" và "Học thầy không tày học bạn" – Bài làm số 4

Nhân dân ta vốn có truyền thống "tôn sư trọng đạo" vì thế mà vai trò của người thầy trong cuộc sống luôn rất được đề cao. Từ xa xưa, dân gian ta đã dạy: không thày đố mày làm nên. Thế nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng; Học thầy không tày học bạn. Hai câu tục ngữ khiến chúng ta không khỏi băn khoăn. Bởi thực tế dường như chúng ta đang đứng trước hai lời khuyên hoàn toàn đối lập nhau.

Có thể nói, trong việc học, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của người thầy. Thầy giáo là người trực tiếp dạy bảo ta. Thầy truyền cho ta kiến thức. Thầy chỉ cho chúng ta con đường và cách thức tiếp cận những điều chưa hề có hoặc có mà chưa sâu sắc trong kho tàng tri thức của chúng ta. Và vì thế mà kho tàng tri thức của chúng ta phong phú và sinh động. Lúc ta còn nhỏ, thầy cô giáo dạy ta học ăn học nói. Khi lớn lên các thầy lại dạy bảo ta những kiến thức, những kỹ năng kỹ xảo để có thể độc lập mà giải quyết những công việc của mình. Vai trò của thầy cô như thế quả thực là vô cùng quan trọng và không thể nào thay thế được. Và như thế có nghĩa là lời dạy của nhân dân ta: không thày đố mày làm nên là hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên trong việc học, bên cạnh thầy cô, chúng ta còn có bạn. Bạn bè là những người sống gần gũi với chúng ta. Họ luôn sẵn sàng và dễ dàng chia sẻ với chúng ta nhiều điều trong cuộc sống. Có những điều chưa hiểu hoặc chưa biết, chúng ta có thể cảm thấy ngại ngùng khi phải hỏi thầy nhưng lại rất dễ dàng mang đến và sẻ chia với bạn. Bạn giúp chúng ta giải toả những khó khăn, lại có thể trao đổi để rút ra những bài học quý phù hợp với tâm lý, nhận thức và kinh nghiệm của chúng ta. Chính vì việc học từ bạn cũng mang lại cho chúng ta nhiều hữu ích mà nhân dân ta mới nói quá lên thành câu tục ngữ "Học thầy không tày học bạn".

Thực ra hai câu tục ngữ trên không hề mâu thuẫn với nhau. Mỗi câu là một bài học quý bởi thực tế cũng như chứng minh học thầy và học bạn đều quan trọng, đều rất hữu ích đối với quá trình lĩnh hội kiến thức của chúng ta. Thầy cung cấp kiến thức và phương pháp nhưng bạn bè lại là người luôn cùng chúng ta chung sức luyện rèn. Để học tốt, chúng ta phải thường xuyên coi trọng việc tiếp thu kiến thức và phương pháp của thầy. Đồng thời chúng ta cũng không ngừng học tập từ bạn bè cùng trang lứa. Học như thế chẳng những chúng ta được nâng cao hơn về kiến thức mà chúng ta còn luôn luôn tự nhắc nhở mình về ý thức học tập, về sự phấn đấu và thi đua.

Việc học là sự nghiệp của cả đời người. Trong quá trình ấy, chúng ta phải biết ơn những người đã dạy dỗ chúng ta. Thế nhưng đã trở t hành những con người hữu ích, chúng ta phải siêng năng học hỏi ở bạn bè và tự học trong cuộc sống. Nhà trường là một môi trường lớn nhưng xã hội còn là một môi trường giáo đục lớn hơn. Và như thế để giỏi giang trong học tập và trong nghề nghiệp sau này ngay tự bây giờ, chúng ta phải xác định: phải không ngừng học tập và phải luôn luôn có ý thức phấn đấu để vươn lên.

Hồng Loan tổng hợp

Bài viết liên quan

  • Ý nghĩa câu ca dao “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây …” – Văn hay lớp 8
  • Giải thích câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” – Văn hay lớp 7
  • Giải thích bài ca dao “Rủ nhau xuống bể mò cua …” – Văn hay lớp 8
  • Chứng minh câu tục ngữ “Một cây làm chẳng nên non …” – Văn hay lớp 8
  • Bình luận “Không thầy đố mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn” – Văn hay lớp 9
  • Bình luận câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” – Văn hay lớp 7
  • Bình luận câu tục ngữ “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” – Văn hay lớp 7
  • Nghị luận xã hội về câu nói: Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy – Văn hay lớp 12
0