26/04/2018, 17:56

Không có một hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học nghệ thuật - Ngữ Văn 12

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI có đoạn viết: “Không có một hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học nghệ thuật trong việc xây dựng những tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc đến nếp nghĩ, nếp sống của con người". ...

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI có đoạn viết: “Không có một hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học nghệ thuật trong việc xây dựng những tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc đến nếp nghĩ, nếp sống của con người".

BÀI LÀM

Văn học nghệ thuật là một hình thái tư tưởng. Nó là món ăn tinh thần cần thiết của con người. Nó có đặc trưng riêng, một sức mạnh riêng, rất riêng. “Không có một hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học nghệ thuật trong việc xây dựng những tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc đến nếp nghĩ nếp sống của con người”. ( Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI)

Văn học không tác động trực liếp và các giác quan của người. Nhưng qua ngôn ngữ và bằng ngồn ngữ để xây dựng nên hình tượng nghệ thuật, rồi một lần nữa, thông qua trí tưởng tượng của người đọc, một thế giới mênh mồng được mở ra. Chính sức mạnh riêng ấy đã khiến cho văn học nghệ thuật, nhất là văn học giữ vị trí độc tôn trong việc xây dựng con người những tình cảm lành mạnh, đưa đến sự thay đổi nếp nghĩ, nếp sống một cách tự giác.

Một giọng hò trong đêm trăng, một câu ca dao xao xác trưa hè... đến với ta một cách nhẹ nhàng, tha thiết, ngâm mãi vào hồn ta lúc nào không hay khiến ta lớn lên, đẹp lên. Tâm hồn con người là một thế giới kì diệu và con đường đi đến cũng không thể là con đường bình thường. Văn học, với đặc trưng của nó, tỏ ra hữu hiệu hơn nhiều bộ môn khoa học khác trong việc đi đến với con người. Văn học là tiếng nói tình cảm, là hình thức nhuần nhị và sắc bén của tư duy. Nó góp phần to lớn trong việc hình thành nhân cách, làm cho ta biết yêu, biết ghét, biết khinh bỉ, biết sống cao thượng, biết khát khao cống hiến.

Hỡi cô tút nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

Đây là cảnh lao động đầy chất thơ. Có cái dìu dịu, cái mát rượi của dòng nước, có cái ngọt ngào của ánh trăng nơi thôn dã... Tất cả cứ thấm sâu vào  tâm hồn ta biến thành tình yêu quê hương mặn nồng, tha thiết, tình yêu trong trẻo nồng nàn ngời ngời như ánh trăng lan trên mặt nước lóng lánh. Và tình yêu đất nước cũng bắt nguồn từ đây. Đất nước đẹp mà đau thương.

Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều  

(Nguyễn Đình Thi)

Câu thơ như rướm máu. Chỉ có dây thép gai trùm lên tất cả, nhức nhối một nỗi đau. Và trời chiều không còn êm ả mà chứa một màu đỏ ối, uất hận. Có bài lịch sử nào gây cho ta được niềm xúc động như thế ? Chỉ có văn học: Ta yêu đất nước quật cường, đất nước của những người chưa bao giờ khuất. Ta yêu và tự thấy cần phái bảo vệ:

Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt       

Như mẹ cha ta như vợ như chồng    

Ôi Tổ quốc nếu ta cần ta chết          

Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sông.

(Chế Lan Viên)

Chính văn học đã làm nảy mầm và nuôi chín trong ta tình cảm lớn lao ấy. Ta muốn hóa thân cho dáng hình xứ sở. Ta khát khao độc lập, tự do cho đất nước. Tố Hữu đã đốt lên trong ta ngọn lửa yêu say lí tưởng:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ      

Mặt trời chân lí chói qua tim        

Hồn tôi là một vườn hoa lá         

 Rất đậm hương và rộn tiếng chim.

Hình tượng, chủ đề thơ như dệt bằng ánh sáng, bằng sắc màu. làm cho người đọc say mê, rạo rực. Ta sẵn sàng cầm súng, sẵn sàng hi sinh thanh thản và tin tưởng ở tương lai. Những rung động ở trái tim đưa đến sự thay đổi nếp nghĩ, nếp sống. Ta sống nhiệt tình, sông mê say đấu tranh lên biên giới, ra hải đảo hay những vùng rừng núi cần khẩn hoang. Chính văn học đã góp phần làm nên điều đó.

Ta yêu thương những người lam lũ, “ những người khốn khổ”. Văn học làm cho ta sống vị tha, bao dung, độ lượng. Có khi vượt cả không gian và thời gian để thương cảm một Phăng tin phải bán răng, bán tóc và bán cả thân mình để nuôi con (Victo Huygô - Những người khốn khổ). Văn học còn làm cho ta rung động bởi những mối tình đẹp, hồn nhiên, kín đáo, mối tình trong sáng, thanh cao như mùi thơm của hương bưởi.

“Cô gái như chùm hoa lặng lẽ      

Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu

(Anh vô tình anh chẳng biết điều,

Tôi đã đến với anh rồi đấy..)”  

(Phan Thị Thanh Nhàn)

Văn học còn làm cho ta biết căm thù những cái xấu xa ti tiện: một tên Sở Khanh tráo trở, mội mụ Nghị Quế độc ác, bất nhân. Độc phòng số 6 của Sêkhốp, ta tự ngửi thây mùi ête nồng nặc, thấy màu trắng bệnh hoạn của bông băng, thây tiếng dao, kéo ghê rợn. Nó khiến ta kinh hoàng trong căn phòng chữa bệnh tâm thần. Cơn điên của Grômốp là phản ứng có tính chất tâm lí - xã hội đối với trật tự xã hội vô nhân đạo. Grômốp thức tỉnh, nhận ra sự thật và tuyên truyền phản kháng. Nó đốt lên trong ta câu hỏi “Làm gì ?” Tuy chưa đầy đủ, Sêkhốp đã khẳng định là không thể buông xuôi, thụ động, phải đâu tranh tin ở tương lai.

Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đưa ta đến với cảnh đời bị chà xát, vùi dập, để xót xa trước những lời than đau đớn, ê chề của người con gái.

Thân lươn bao chẳng lấm đầu 

Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.

Với Tắt đèn, Ngô Tất Tố muốn tố cáo nỗi khốn khổ của những kiếp người bị quằn quại trong cuộc sống đói cơm, rách áo, trong sự chà đạp của nhân phẩm để từ đây hiếu được giá trị của cuộc sống ngày nay, cho dù hiện thời chúng ta đang gặp vô vàn khó khăn và không ít điều nhức nhối.

Văn học kêu gợi người ta sống lương thiện hơn, thổi lên trong tâm hồn những kiếp người bị tha hoá, tưởng như không còn lương tri, tưởnsg như biến thành quỷ dữ, những tia sáng còn sót lại của tính người, cố gắng đưa họ trở lại thành người.

Một giai điệu ngọt ngào đó về quê hương, rất có thể khiến cho không ít người nghĩ về đất nước, mặc dầu trước đây họ cố tình rời bỏ. Những kỉ niệm về quê hương như:

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày   

Quê hương là đường đi học   

Con về rợp bướm vàng bay.  

Có khả năng đến được những nơi sâu kín nhất của tâm hồn con người, hướng con người đến những hành động tích cực.

Từng ngày, từng ngày, từng trang sách... cứ như dòng sông bồi đắp phù sa cho tâm hồn con người, khiến họ nghĩ tốt hơn lên, sống đẹp thêm lên. Tác dụng đó khó có thể có một hình thái tư tưởng nào có thể đảm nhận được. Nhận định đó đúng là hết sức sâu sắc : từ xây dựng tình cảm tác động tới nếp nghĩ, nếp sống. Văn học là tiếng nói của tình cảm. Nó đến với con người thực ra là từ tâm hồn tìm đến tâm hồn. Văn học xây dựng được những tình cảm đẹp và lắng đi đọng lâu dần, trở nên nếp nghĩ. Tình cảm, nếp nghĩ là động lực của hành động, có khả năng tạo nên một nguồn năng lượng mạnh mẽ thúc đẩy con người hành động. Tinh cảm mãnh liệt khiến con người say mê vươn lên cái cao thượng, rèn luyện ý chí, quyết tâm hành động cho cái chân, cái thiện và cái mĩ.

Nhận định đó rất đúng cho nền văn học nghệ thuật vô sản của chúng ta, nền văn nghệ chân chính luôn hướng tới, luôn giúp con người liến tới, luôn giúp con người tiến tới cái cao cả, trong quá trình đấu tranh diệt trừ cái ác ( Cũng nên lưu ý rằng, ngay bộ phận văn học lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, tuy những yếu tố tiêu cực và bạc nhược vẫn là chủ yếu, nhưng với Đoạn tuyệt, Đêm mưa gió... vẫn gieo vào tâm hồn người đọc niềm khái khao một cuộc sống được giải phóng).

Như vậy, văn học nghệ thuật khác cùng với các bộ môn khoa học kĩ thuật khác khám phá thế giới vi mô và vĩ mô, khám phá mọi lĩnh vực của cuộc sống con người."Và nay mai,dù  cho đến khi chữ nghĩa cộng sản thành công thì câu ca dao Việt Nam vần rung động lòng người Việt Nam hơn hết" (Lê Duẩn). Văn học nghệ thuật mãi mãi mới mẻ và hấp dẫn đối với con người. Thế giới hiện đại đang ở ngưỡng cửa của thế kỉ XXI với những thành tựu khoa học kĩ thuật đáng kinh ngạc, sản phẩm của trí tuệ loài người. Nhưng tâm hồn con người luôn luôn là một thế giới bí ẩn mà chỉ có văn học nghệ thuật mới có thể có biện pháp khám phá nó, hiểu được nó, lí giải nó.

Trần Thị Ngọc Hoa

(PTTH Phan Bội Châu, Nghệ Tĩnh)

soanbailop6.com

0