Khi nói về ý nghĩa của văn học, người ta nhắc nhở tới ba chức năng cơ bản: chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng thẩm...
– Khi nói về ý nghĩa của văn học, người ta nhắc nhở tới ba chức năng cơ bản: chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng thẩm mỹ. Anh (chị) hiểu gì về ba chức năng đó? Phân tích một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 12 để làm sáng tỏ những kiến . Văn học là một sáng tạo của con người ...
1. Nhập đề: Văn học là một sáng tạo của con người trong cuộc sống. Tác phẩm văn học từ xưa nay luôn luôn thể hiện và đánh dấu nền văn học của nhân loại. Thế nhưng, nhiều nhà văn, đứng trước những hoàn cảnh nghiệt ngã, lại băn khoăn tự hỏi liệu một tác phẩm văn chương có ích lợi gì khi người ta chết đói? Nói như vậy là một cách đặt lại vấn đề chức năng của văn học. Cho nên. những nhà lý luận văn học vẫn tiếp tục nghiên cứu về vai trò và tác dụng của văn chương. Dù công cuộc nghiên cứu về vai trò và tác dụng của văn chương. Dù công cuộc nghiên cứu ấy chưa dừng lại, nhưng ít nhất, người ta cũng thừa nhận rằng văn học có nhiều chức năng, trong đó cơ bản là: chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng thẩm mỹ. Xác định được ý nghĩa của những khái niệm đó và phân tích một tác phẩm cụ thể để minh họa, thiết tưởng đó cũng là một cách thiết thức để tìm hiểu vai trò của văn học.
2. Giải quyết vấn đề: Chức năng nhận thức:
a) Thế nào là chức năng nhận thức?
Đi từ chức năng cung cấp kiến thức: con người, trong quá trình phát triển, cần rất nhiều kiến thức: về địa lí, về lịch sử, về toán học, về vật lý, về sinh học, về xã hội, về cuộc sống, về con người. Nhìn chung, có hai loại kiến thức: kiến thức về khoa học tự nhiên và kiến thức về khoa học xã hội. Văn học cung cấp cho ta những kiến thức thuộc loại thứ hai.
– Đến chức năng nhận thức: kiến thức là cái gì còn nằm ở dạng khách quan, còn nhận thức là có tác động chủ quan. Khi vẽ nên bức tranh hai người đánh lộn, đó là thể hiện khách quan, nhưng khi vẽ nên cảnh đó để trẻ em thấy đánh lộn là xấu, không nên thì đó là tác động chủ quan. Từ đó có thể thấy chức năng nhận thức tức là chức năng giúp người ta phân biệt cái đúng, cái sai, cái hay, cái dở, cái tốt, cái xấu. Như thế, rõ ràng là văn học không phải chỉ cung cấp cho ta những kiến thức mà qua những kiến thức tác phẩm còn hướng người đọc tới nhận thức nhất định.
Tác phẩm văn học đem tới cho người đọc những kiến thức nhất định. Nhưng đấy không phải là mục đích cuối cùng của nhà văn. Qua một tiểu thuyết, ta có thể biết được vào thời kỳ nào đó, người ta trồng trọt như thế, kiến thức ra sao, cưới hỏi có giống hiện nay hay không. Nhưng nhà văn không ngừng lại ở đó, nhà văn muốn qua những kiến thức đó, hướng người đọc tới những nhân thức về con người, về cuộc sống.
b) Phân tích: Lấy một bài thơ quen thuộc – bài Tây Tiến của Quang Dũng để làm sáng tỏ điều đó. Lịch sử có thể miêu tà những trận đánh, nêu lên những đặc điểm của quân đội ta thời kỳ kháng chiến chống Pháp, về ưu điểm cũng như về khuyết điểm.
Sử học có thể mô tả con đường hành quân của đoàn binh Tây Tiến qua những địa danh cụ thể xác thực. Nhưng tuyệt nhiên, sử học không bao giờ ghi lại một cách sinh động, chân thực và hình tượng cánh đoàn quân như thế này:
Dốc lên khúc khuỷ, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Nhà thơ, qua những hình ảnh sống động ấy, giúp cho ta nhận thức được con người hành quân hết sức gian nan, và cao hơn nữa, giúp ta nhận thức rằng những người chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến là những thanh niên giàu lòng hy sinh và có tinh thần chịu đựng gian khổ một cách đáng khâm phục:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Những cái gì cho họ có khả năng chịu đựng như vậy? Bài thơ tiếp tục đẩy người đọc đi tới một hướng nhận định mới: chiến sĩ trong binh đoàn Tây Tiến là những con người tiêu hiểu của một thế hệ thanh niên Việt Nam có lòng yêu nước sâu sắc:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áó bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Chính vì nhận thức được như vậy nên có người đã nhìn thấy “bức chân dung tiêu biểu rất oai hùng của những chiến sĩ vô danh dám xả thân vì nghĩa lớn” – Phong Lan.
3. Chức năng thẩm mỹ:
a) Thế nào là chức năng thẩm mỹ? Chức năng thẩm mỹ tức là chức năng về cái đẹp. Bản chất của con người là yêu cái đẹp, thích mình đẹp và hướng về cái đẹp. Văn học cũng như những ngành nghệ thuật khác, là một trong nhiều phương tiện hướng con người tới cái đẹp. Cái đẹp làm thỏa mãn nhu cầu trái tim, nhu cầu tâm hồn của con người. Bản chất của văn học là cái đẹp – cái đẹp của ngôn ngữ, của hình tượng, của hành động – cho nên văn học đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của con người. “Tác phẩm văn học chân chính giúp cho con người phát triển những cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh, nâng cao năng lực cảm nhận cái đẹp, nâng cao thị hiếu và lý tưởng thẩm mỉ, hiệu chỉnh những sai lầm, uốn nắn những sự không lành mạnh hay thấp kém trong quá trình cảm thụ cái đẹp. Văn học thực hiện chức năng này một cách vô tư, không áp đặt với người đọc”.
b) Phân tích: Vậy thì, trong tác phẩm mà chúng ta thí dụ, chức năng về cái đẹp đã thể hiện như thế nào? ở trong hình ảnh:
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Ta cảm nhận được cái đẹp không? Xin hãy nghe một đoạn bình giảng về thơ: Trong Tây Tiến hiện lên khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ với đủ cả núi cao, vực thẳm, dốc đứng. Trên cái nền thiên nhiên kỳ vĩ, dữ dội đó nổi bật lên hình ảnh đoàn quân Tây Tiến thật bé nhỏ, nhưng chính sự đối lập tương phản đó làm tăng khí phách anh hùng của đoàn quân Cách mạng… Đoạn trích lời bình trên đây cho ta thấy nét đẹp của con người trong thiên nhiên. Con người vươn tới bất chấp những gian khổ, khó khăn.
Còn đây là một nét đẹp khác về con người:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Hồn thơ tinh tế của tác giả bắt rất nhạy từ một làn sương chiều mỏng, từ một dáng hoa lau núi phất phơ đơn sơ bất chợt, rồi ông thổi hồn mình vào đó và để lại mãi mãi trong ta nỗi niềm bâng khuâng thương mến và một áng thơ đẹp
Và cả bài Tây Tiến mang vẻ đẹp lý tưởng của mọi người thật rực rỡ. Người ta sống bằng lý tưởng, và nhìn những gian khổ mất mát bằng cái nhìn cao cả, bất cần, đôi khi ngây thơ nữa.
4. Chức năng giáo dục:
a) Thế nào là chức năng giáo dục? Đó là chức năng đem tới những bài học, những bổ ích của tác phẩm văn học. Nói cách khác tác phẩm văn học sẽ dạy ta những bài học thiết thực nào đấy bằng cách của nó. Có thể, qua một bài thơ, ta hiểu thế nào là tình yêu thiên nhiên, qua một tiểu thuyết ta học cách làm người cho xứng đáng. Nhưng nói như vậy là một cách nói tương đối và thoáng. Bởi vì tác phẩm không phải là những bài học giáo dục. Tác phẩm văn học còn được gọi là sự tự giáo dục. Nói cách khác, qua hình tượng nghệ thuật, mỗi một người đọc tự cảm nhận được điều bổ ích với chính mình, không nhất thiết giống với người khác. Tính giáo dục của tác phẩm văn học thông qua con đường của trái tim cho nên tác dụng của nó cực kì mãnh liệt. Nó làm thay đổi tầm hồn, làm phong phú tình cảm, làm thay đổi những suy nghĩ.
b) Phân tích: chính bằng những hình tượng nghe thuật giàu chất thẩrn mĩ, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng đem tới cho người đọc nhiều điều bổ ích thú vị.
Trước hết là tình đồng đội. Rõ ràng điểm xuất phát của bài thơ này nỗi nhớ đồng đội tha thiết, mãnh liệt và chân thực. Từ sự rung động của nhà thơ, nỗi nhớ ấy làm rung động trái tim người đọc và bài học về tình yêu đồng đội được cảm nhận sâu sắc trên từng câu thơ:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Và mặc dù nhà thơ không có một khái niệm trực tiếp nói về sự biết ơn, ca ngợi lòng biết ơn đối với những người chiến sĩ vô danh, nhưng toàn bộ bài thơ được người đọc đánh giá đó chính là tượng đài… bất tử mà nhà thơ Quang Dũng với tất cả tấm chân tình đã dựng nên để tưởng niệm những người chiến sĩ vô danh đã hy sinh vì nước… thấy được đó bức tượng đài tưởng niệm những người chiến sĩ không tên, ấy là gì, nếu không phải là bài học cụ thể mà tác phẩm nghệ thuật mang tới cho người đọc.
Kết luận: Thực ra thì rất khó có thể phân biệt ba chức năng ấy một cách dứt khoát và rõ ràng như vậy hởi vì bản chất của nó là gắn bó chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể nghệ thuật. Nhưng ở một mức độ tương đối, để dễ dàng nhận thức, chúng ta làm công việc tách rời đó. Dù khi tách rời, các chức năng ấy, trong một tác phẩm cụ thể là bài thơ Tây Tiến, vẫn tỏ ra có mối liên hệ. Bởi vì nhận thức mà tác phẩm đem tới là cảm nhận vẻ đẹp của hình tượng.
Chính vì những chức năng hết sức tinh tế và ảnh hưởng sâu sắc như vậy văn học luôn luôn cần thiết đối với con người trong quá trình phát triển nhân cách và đối với xã hội trong quá trình hoàn thiện.