18/06/2018, 12:17

Khánh Hoà - Bán đảo Đầm Môn

Vị trí: Đầm Môn nằm trong vịnh Văn Phong, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 80km theo quốc lộ 1A về phía bắc (cách 45km theo đường biển). Ðặc điểm: Bán đảo Đầm Môn hấp dẫn bởi những cồn cát chạy dài, khoảng 20 đảo lớn nhỏ có ...


 

Vị trí: Đầm Môn nằm trong vịnh Văn Phong, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 80km theo quốc lộ 1A về phía bắc (cách 45km theo đường biển).

Ðặc điểm: Bán đảo Đầm Môn hấp dẫn bởi những cồn cát chạy dài, khoảng 20 đảo lớn nhỏ có rừng nguyên sinh, những điều lạ, độc đáo ở làng chài Đầm Môn...

Bán đảo Đầm Môn có diện tích tự nhiên 128km², là một trong những điểm du lịch mà Tổ chức Du lịch thế giới đã tiến hành khảo sát và đánh giá rất cao. Ở đây có đầy đủ mọi điều kiện tự nhiên tối ưu cho sự phát triển du lịch sinh thái: khí hậu, bờ biển, rừng núi, cảnh quan, môi trường sinh thái, cảng biển, nguồn cung cấp hải sản... Và tất cả hầu như còn nguyên vẹn.

Tháng 6/2002, một con đường được làm dài 18,5km bắt đầu từ dưới chân đèo Cổ Mã chạy suốt đến Đầm Môn, mở đầu cho việc phát triển khu du lịch vịnh Văn Phong. Đi trên con đường mới mở này, xuyên suốt vùng bán đảo, du khách có thể nhìn thấy những ngôi nhà như bị chìm trong cát, những cồn cát mênh mông, trắng xóa chạy dài, chung quanh không một bóng nhà, một bóng người, khiến có cảm giác như con đường đang băng qua một sa mạc rộng lớn. Hết khu vực cồn cát sẽ hiện ra con đường chạy dọc ven biển kéo dài từ Đầm Môn đến tận Đại Lãnh. Và điểm cuối cùng của hành trình sẽ là một làng chài nhỏ nằm trong vịnh, kín đáo, quanh năm xanh rợp bóng dừa: Đầm Môn. Đầm Môn có ba thôn: Đầm Môn Hạ, Đầm Môn Thượng và Xuân Đừng.Ở làng chài nhỏ này du khách sẽ thấy người ta không mang dép và có thể ngồi hay nằm dài trên cát bất kể nơi nào. Đầm Môn Thượng có đồi cát cao, nơi du khách có thể leo lên ngắm biển xanh thẳm ngoài xa. Ở thôn Xuân Đừng, chỉ cần đào một gang tay sẽ tìm thấy nước ngọt ngay cạnh bờ biển. Tại đây có một làng người dân tộc thiểu số có tên là Đàng Hạ, nay dù không còn tên trên bản đồ phân bố dân cư Việt Nam, nhưng vẫn còn tồn tại trong vịnh Văn Phong.
Tham quan làng Đầm Môn xong, du khách bắt đầu đi thuyền thám hiểm khoảng 20 hòn đảo lớn nhỏ, trên đảo là những khu rừng nguyên sinh. Sau vùng núi, du khách bắt đầu thám hiểm dưới nước. Văn Phong là khu vực có hệ sinh thái san hô phát triển khá điển hình của Việt Nam. Tại đây có dịch vụ lặn biển nhìn ngắm các rặng san hô, tắm biển, đi thuyền ra vịnh Văn Phong...
Buổi tối du khách có thể đi câu mực hay sinh hoạt đốt lửa trại ngay trên bờ biển, và thật tuyệt vời khi có thể mua ngay những con cá mú nuôi trong lồng hay những ký tôm hùm thật to để thưởng thức vị ngọt của hải sản tươi vừa bắt lên từ biển khơi...



 
0