28/02/2018, 17:10

Khám phá cung điện dát vàng lớn nhất thế giới của nhà vua Brunei

Quốc gia bé nhỏ ở Đông Nam Á đang sở hữu tòa cung điện lớn nhất thế giới, vượt xa cung điện Buckingham ở Anh. “Ngôi nhà của đức vua” Cung điện Istana xa hoa tráng lệ nhìn từ xa. Nick Boulous, phóng viên tờ Independent của Anh đã không thể nói nên lời khi lần đầu đặt ...

Quốc gia bé nhỏ ở Đông Nam Á đang sở hữu tòa cung điện lớn nhất thế giới, vượt xa cung điện Buckingham ở Anh.

“Ngôi nhà của đức vua”

Cung điện Istana xa hoa tráng lệ nhìn từ xa.
Cung điện Istana xa hoa tráng lệ nhìn từ xa.

Nick Boulous, phóng viên tờ Independent của Anh đã không thể nói nên lời khi lần đầu đặt chân tới Brunei, một quốc gia nhỏ bé ở khu vực Đông Nam Á. Điều khiến phóng viên này “đứng hình” chính là “ngôi nhà của vua Bolkiah”, nằm tại thủ đô Bandar Seri Begawan.

Dù chỉ được gọi một cách khiêm tốn là “ngôi nhà”, nhưng tòa dinh thự này là cung điện lớn nhất thế giới và nếu so sánh với cung điện Buckingham ở Anh - nơi Nick quá thân thuộc – thì chẳng khác gì giữa núi cao và vực sâu.

Mái vòm bằng vàng tỏa sáng.
Mái vòm bằng vàng tỏa sáng.

Cung điện của đức vua Brunei Hassanal Bolkiah được gọi tên là Istana Nurul Iman (nghĩa là “Cung điện ánh sáng của các vị thần”). Đây là nơi ở của nhà vua Bolkiah, đồng thời là nơi cho quốc hội Brunei làm việc.

Cung điện Istana tọa lạc cạnh con sông Brunei, cách thủ đô Bandar chỉ vài kilomet về phía nam. Đây là tòa cung điện lớn nhất và sang trọng bậc nhất thế giới hiện nay. Tên gọi Istana Nurul Iman ghép từ tiếng Malaysia và Ả Rập. Cung điện được kiến trúc sư danh tiếng người Philippines Leandro Locsin thiết kế. Ông xây dựng lên một công trình tuyệt mỹ với mái vòm bằng vàng dựa theo thẩm mỹ kiến trúc của người Malaysia.

Mỗi góc của cung điện đều rất cầu kỳ.
Mỗi góc của cung điện đều rất cầu kỳ.

Việc xây dựng công trình này được công ty Ayala International của Philippines đảm nhiệm và hoàn thành vào năm 1984. Chi phí xây dựng lúc đó là 1,4 tỉ USD. Hoàng cung Istana Nurul Iman là nơi ở của quốc vương Hassanal Bolkiah và dòng dõi hoàng tộc của ông. Đồng thời cung điện cũng chính là chỗ ở và làm việc của Chính phủ Brunei và Văn phòng Thủ tướng.

Khi phóng viên Nick tới cung điện Istana, điều khiến anh ấn tượng nhất chính là màu vàng và xanh lá cây. Màu vàng tạo ra bởi những khối kiến trúc dát vàng toàn bộ, từ mái vòm tới cửa ra vào. Nick nói: “Tôi lóa mắt đúng nghĩa khi bước vào công trình tuyệt vời này. Cảm giác như một vị vua đích thực”.

Chi phí xây dựng lên tới 1,4 tỉ USD.
Chi phí xây dựng lên tới 1,4 tỉ USD.

Màu xanh của cung điện Istana đến từ những hàng cây được trồng nối nhau và bao quanh cung điện. Vẻ đẹp hiền hòa của con sông Brunei và sự tươi mát của hàng cây khiến cung điện Istana được nhiều lần vinh danh vì thiết kế chuẩn mực.

Thực sự choáng ngợp

Cung điện đẹp ở mọi vị trí.
Cung điện đẹp ở mọi vị trí.

Cung điện Istana có 1.788 phòng, trong đó có 257 phòng ngủ, một phòng họp có sức chứa 5.000 người. Ngoài ra, cung điện có một nhà thờ Hồi giáo có thể chứa 1.500 tín đồ cùng lúc. Cung điện này lớn gấp 3 lần cung điện hoàng gia Buckingham ở Anh.

Nhà thờ Jame Hassanal Bolkiah ở gần hoàng cung là nhà thờ Hồi giáo đẹp và lớn nhất Đông Nam Á. Nhà thờ này được xây dựng trong thời gian 6 năm với chi phí 200 triệu USD. Tất cả những khối kiến trúc hình bầu ở cung điện đều làm bằng vàng và nặng hàng chục tấn.

Bên trong cung điện cũng thực sự
Bên trong cung điện cũng thực sự "đẹp ngất ngây".

Một phóng viên từng kể rằng, riêng việc sơn tường bao quanh cung điện cũng mất tới...12 tháng. Điều này đồng nghĩa công nhân không bao giờ hết việc và cứ năm nọ nối tiếp năm kia sơn tường cho đức vua.

Do đam mê xe cộ nên nhà vua Bolkiah xây một gara có sức chứa 110 xe hơi và một chuồng ngựa với điều hòa nhiệt độ cho 200 con ngựa quý. Vua Bolkiah xây dựng thêm 5 bể bơi, vườn thượng uyển bên trong một diện tích lên tới 200.000m2. Với quy mô khủng khiếp như vậy, cung điện Istana cần tới 564 đèn chùm, 51.000 bóng đèn lớn nhỏ các loại, 44 cầu thang và 18 thang máy.

Kiến trúc đậm chất Brunei.
Kiến trúc đậm chất Brunei.

Điểm đặc biệt trong hơn 1.700 phòng của cung điện Istana là chúng đều được dát vàng, dù ít hay nhiều. Riêng phòng làm việc của vua Bolkiah là xa hoa hơn cả với nội thất làm bằng vàng ròng tinh xảo. Ngai vàng của vua Bolkiah được đúc hoàn toàn bằng vàng khối. Những bộ bàn ghế đón tiếp khách quý tại cung điện cũng làm bằng vàng. Khung tranh, ảnh, bát, ly nước cũng đúc bằng vàng.

Với người dân Brunei, cung điện Istana là biểu tượng quyền lực của nhà vua và sự giàu có của quốc gia bé nhỏ này. Người dân Brunei tự hào vì cung điện Istana, coi đây là điểm đến linh thiêng và cao quý, nơi họ gửi gắm mọi đức tin vào quốc vương của mình.

Vua Brunei và vợ cùng con trai.
Vua Brunei và vợ cùng con trai.

Cung điện là nơi ở của nhà vua nên không mở cửa cho công chúng vào tham quan. Dịp duy nhất người dân được vào trong năm là lễ Hari Raya diễn ra trong 3 ngày. Thông thường, khoảng 110.000 lượt khách sẽ ghé thăm cung điện trong 3 ngày này. Họ sẽ được đức vua phát thức ăn hoặc một món tiền nhỏ cho trẻ em.

0