25/05/2018, 10:03

Khái quát về Công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn

QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ, XÂY DỰNG CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ VÀ NGHIỆP ĐOÀN VỮNG MẠNH Công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn Công đoàn cơ sở được thành lập ở các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các đơn vị ...

QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ, XÂY DỰNG CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ VÀ NGHIỆP ĐOÀN VỮNG MẠNH

Công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn

Công đoàn cơ sở được thành lập ở các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các đơn vị sự nghiệp và cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội có 5 đoàn viên trở lên và được công đoàn cấp trên quyết định công nhận.

Nghiệp đoàn là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề, được thành lập theo địa bàn hoặc theo đơn vị lao động có 10 đoàn viên trở lên và được công đoàn cấp trên là Liên đoàn lao động cấp huyện hoặc công đoàn ngành địa phương trực tiếp quyết định thành lập (hoặc giải thể) và chỉ đạo hoạt động.

Công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn được tổ chức theo 4 loại hình:

+ Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn không có tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn.

+ Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn có tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn.

+ Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn có công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận, kế tiếp có tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn.

+ Công đoàn cơ sở có công đoàn cơ sở thành viên.

Công đoàn cơ sở thành viên

Công đoàn cơ sở thành viên là công đoàn trực thuộc công đoàn cơ sở được thành lập ở các đơn vị thành viên của Công ty, viện, trường, các ban, ngành Trung ương, địa phương và các công đoàn chưa có công đoàn ngành địa phương.

Công đoàn cơ sở thành viên là tổ chức công đoàn được công đoàn cơ sở thành lập, phân cấp quản lý hoặc uỷ quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể phù hợp với vai trò, nhiệm vụ của công đoàn cơ sở thành viên nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức năng của tổ chức công đoàn.

Công đoàn cơ sở thành viên có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu, được mở tài khoản tại ngân hàng. Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng đơn vị, công đoàn cơ sở thành viên được công đoàn cơ sở trực tiếp phân cấp quản lý tài chính, tài sản (nếu có)

Tổ chức và hoạt động của công đoàn lâm thời

Công đoàn lâm thời được thành lập ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn. Công đoàn lâm thời có nhiệm vụ và quyền hạn như tổ chức công đoàn cơ sở. Cụ thể là: Công đoàn lâm thời có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản được quản lý tài chính, tài sản công đoàn (nếu có); đại diện cho người lao động ký kết thoả ước lao động tập thể, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động tại doanh nghiệp, trước Toà án và có quyền khởi xướng đình công theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của công đoàn lâm thời

* Việc thành lập công đoàn lâm thời phải tuân theo các nguyên tắc tổ chức như sau:

  • Những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thì phải thành lập Công đoàn lâm thời.
  • Việc thành lập Công đoàn lâm thời phải được LĐLĐ tỉnh, thành phố hoặc cấp công đoàn do LĐTĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương uỷ quyền ra quyết định và chỉ định chủ tịch công đoàn lâm thời; Ban Chấp hành công đoàn lâm thời.
  • Chủ tịch công đoàn lâm thời là người lao động tại doanh nghiệp, trong trường hợp cần thiết thì công đoàn cấp trên cử cán bộ công đoàn chuyên trách làm Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch công đoàn lâm thời.
  • Quyết định thành lập công đoàn lâm thời được thông báo cho người sử dụng lao động biết để cộng tác làm việc.
  • Thời hạn của công đoàn lâm thời, Ban chấp hành Công đoàn lâm thời tối đa là 12 tháng. Trường hợp kéo dài phải được sự đồng ý của Công đoàn cấp trên.

* Nhiệm vụ và quyền hạn của Công đoàn lâm thời:

  • Đại diện cho tập thể lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong doanh nghiệp.
  • Tuyên truyền phổ biến về tổ chức công đoàn Việt Nam, hướng dẫn người lao động về thủ tục xin gia nhập công đoàn; phát triển đoàn viên.
  • Hướng dẫn giúp đỡ người lao động giao kết hợp đồng lao động cá nhân với người sử dụng lao động và thực hiện những điều đã cam kết. Đại diện cho tập thể lao động ký kết thoả ước lao động tập thể với người sử dụng lao động. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện những điều đã cam kết và các chế độ chính sách có liên quan đến người lao động.
  • Phối hợp với người sử dụng lao động có biện pháp nhằm làm cho sản xuất phát triển, đảm bảo có việc làm, chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho người lao động.

* Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch công đoàn lâm thời

Chủ tịch công đoàn lâm thời hoặc người được chủ tịch công đoàn lâm thời uỷ quyền được tham dự và tham gia ý kiến trong các cuộc họp của doanh nghiệp bàn về những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích người lao động, có quyền bảo lưu ý kiến trong các trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Khi cần thiết Ban chấp hành công đoàn lâm thời có quyền khởi xướng đình công theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch công đoàn lâm thời được sử dụng một số thời gian cần thiết trong giờ làm việc để làm công tác công đoàn và được người sử dụng lao động trả lương. Số thời gian này tuỳ theo quy mô của doanh nghiệp nhưng không ít hơn 3 ngày làm việc trong tháng đối với doanh nghiệp dưới 150 lao động, 6 ngày đối với doanh nghiệp có trên 150 lao động.

Chủ tịch công đoàn lâm thời được hưởng lương (nếu là chủ tịch hoặc Phó chủ tịch công đoàn lâm thời chuyên trách) và các khoản phụ cấp do quỹ công đoàn trả, được hưởng các quyền lợi và phúc lợi tập thể như mọi người lao động trong doanh nghiệp.

Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, công đoàn các cấp và người sử dụng lao động

Cơ quan Nhà nước các cấp và người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để thành lập và tổ chức hoạt động công đoàn lâm thời trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.

Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công đoàn ngành nghề toàn quốc có trách nhiệm tổ chức và thành lập công đoàn lâm thời trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm:

  • Hợp tác với tổ chức công đoàn lâm thời giải quyết các vấn đề trong quan hệ lao động. Tạo điều kiện, phương tiện làm việc, cung cấp thông tin cần thiết, trích một khoản kinh phí theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, chuyển vào quỹ công đoàn để công đoàn hoạt động.
  • Không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, thi hành kỷ luật với hình thức sa thải, chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn, đối với cán bộ công đoàn lâm thời khi chưa được sự thoả thuận bằng văn bản của công đoàn lâm thời; nếu là chủ tịch công đoàn lâm thời thì nhất thiết phải có sự đồng ý bằng văn bản của công đoàn cấp trên.

Bảo đảm điều kiện cho công đoàn cơ sở hoạt động

Doanh nghiệp, cơ quan có trách nhiệm cung cấp không thu tiền những phương tiện cần thiết cho công đoàn cơ sở hoạt động (nơi làm việc, phương tiện giao thông, liên lạc, văn phòng phẩm v.v...) phù hợp với điều kiện vật chất của mỗi doanh nghiệp, cơ quan; tạo điều kiện thuận lợi để Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người được phân công làm công tác công đoàn hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Ngoài tiền lương do công đoàn trả, cán bộ công đoàn chuyên trách vẫn được hưởng các quyền lợi về khen thưởng, nhà ở, phúc lợi khác như cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp, cơ quan.

Việc buộc thôi việc, cho thôi việc, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn và thuyên chuyển công tác đối với uỷ viên Ban chấp hành công đoàn thì phải được Ban chấp hành công đoàn cùng cấp thoả thuận; đối với Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn thì phải được công đoàn cấp trên trực tiếp thoả thuận.

0