25/05/2017, 09:28

Kể về một lần đi chợ quê – Văn mẫu lớp 6

Đánh giá bài viết Kể về một lần đi chợ quê – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An Tuổi thơ với mỗi người tựa như một câu chuyện dài bất tận mà mỗi khi nhớ lại ai cũng thấy bồi hồi. Tuổi thơ bao giờ cũng gắn với một kỉ niệm khó phai mờ. Kỉ niệm ấy như dòng sữa mát nuôi lớn tâm ...

Đánh giá bài viết Kể về một lần đi chợ quê – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An Tuổi thơ với mỗi người tựa như một câu chuyện dài bất tận mà mỗi khi nhớ lại ai cũng thấy bồi hồi. Tuổi thơ bao giờ cũng gắn với một kỉ niệm khó phai mờ. Kỉ niệm ấy như dòng sữa mát nuôi lớn tâm hồn của chúng ta. Với tôi, kỉ niệm ngày thơ ấu là một lần được đi chợ phiên với bà nội. Tuổi ...

Kể về một lần đi chợ quê – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An

Tuổi thơ với mỗi người tựa như một câu chuyện dài bất tận mà mỗi khi nhớ lại ai cũng thấy bồi hồi. Tuổi thơ bao giờ cũng gắn với một kỉ niệm khó phai mờ. Kỉ niệm ấy như dòng sữa mát nuôi lớn tâm hồn của chúng ta. Với tôi, kỉ niệm ngày thơ ấu là một lần được đi chợ phiên với bà nội.

Tuổi thơ với tôi gắn với làng quê, nơi chôn dấu bao kỉ niệm đáng nhớ. Đến nay nhắc lại mà tôi thấy gần gũi như mới diễn ra ngày hôm qua. Hồi nhỏ, tôi vốn là một cô bé hiếu động nên thường bị mọi người gọi là “anh Hồng”. Nhưng đối với con bé cá tính như tôi thì điều đó không có nghĩa lí gì, ngược lại tôi thấy thú vị nữa. Không giống với các bạn gái trong xóm thích mặc những cái áo điệu đà, thích chơi đồ hàng, chơi trốn tìm hay đòi theo mẹ đi chợ, tôi chỉ thích ngồi xem ông chơi cờ, chơi bóng với bọn con trai… Nhưng một hôm bà rủ tôi đi chợ phiên, điều mà chưa bao giờ tôi nghĩ đến.

Những ngày giáp Tết, quê tôi thường mở chợ phiên. Chợ trên huyện nên to lắm. Tôi vốn không thích đi chợ lại càng không thích những ngày đông người. Còn các bạn đều đòi mẹ, đòi bà cho đi nhất là những dịp chợ phiên. Thế là sáng hôm đó, lần đầu tiên tôi theo bà ra chợ. Vì đi chợ Tết nên phải đi từ sớm. Khi chú gà trống xuống chuồng, vỗ cánh phành phạch rồi cất lên tiếng gáy khàn khàn… bà tôi đã đánh thức tôi dậy. Mắt nhắm, mắt mở bước xuống giường tôi thấy trời đất vẫn còn tờ mờ tối. Lần đầu tiên, tôi dậy sớm hơn ông mặt trời. Sau khi chuẩn bị xong xuôi, hai bà cháu lên đường. Tôi cứ ngỡ chỉ có tôi và bà dậy sớm nhưng từ bao giờ các bà các bác cũng đã í ới gọi nhau đến chợ phiên làm cho con đường đến chợ vui nhộn như ngày hội lớn.

Chợ phiên những ngày này mới nhộn nhịp làm sao. Nhìn đâu cũng thấy người mua bán. Bước chân vào chợ, tôi có cảm giác như lạc vào một xứ sở mới lạ. Hàng hoá xếp nhiều vô kể, nhiều loại nhìn thật lạ mắt. Bà dẫn tôi vào khu hàng bán các loại gia súc. Đây là nơi ồn ào và náo nhiệt nhất. Những âm thanh hoà lẫn vào nhau. Tiếng ủn ỉn của mấy anh heo bị nhốt trong chuồng. Mấy chị gà nhảy dựng lên bên trong những lồng tre. Những cô ngan, cô vịt nằm dài trên mặt đất. Có khách đến mua, chú hàng lại mang ra giới thiệu làm các chị khó chịu lắm. Nhất là khi khách hàng lắc đầu không mua trông các chị đến tội. Qua hàng gia súc bà đưa tôi đến những quầy hàng khác: quầy bán rau, bán bánh kẹo, hoa quả và quầy bán quần áo. . Có mấy cô bé đang thử những chiếc áo mới. Lần đầu tiên, tôi thấy những chiếc áo điệu đà ấy duyên dáng đến thế. Bà cũng mua cho tôi một chiếc để mặc Tết.

Chợ tết mỗi lúc một đông. Hai bà cháu đã mua được bao nhiêu thứ và tôi cũng đã được ngắm nghía thỏa thích. Chợt tôi không thấy bà đâu cả. Trong biển người tôi chạy đi tìm vẫn không thấy. Vừa chạy tôi vừa gọi to “Bà ơi… Bà ơi. Một lúc vẫn không thấy bà, tôi bắt đầu lo sợ, nước mắt cứ chực trào ra. Chưa bao giờ tôi thấy mình yếu đuối đến thế. Bên cạnh cũng có một đứa trẻ hình như lạc mẹ khóc hu hu… Mọi người qua lại nhìn hai đứa trẻ lạc người lớn với vẻ cảm thông, Tôi đứng đó lo lắng, nếu không tìm được bà tôi sẽ không thể về nhà, không được gặp lại ông, gặp lại bố mẹ nữa… Đang lúc tuyệt vọng nhất thỉ bỗng tôi nghe thấy giọng nói quen thuộc của bà. Bà cũng đang lo lắng tìm tôi, dáo dác hỏi thăm mọi người. Vui quá, tôi chạy đến bên bà: Bà ôm tôi vào lòng mà khóc. Có lẽ bà cũng sợ như tôi vậy.  Đứa trẻ vừa rồi cũng đã tìm thấy mẹ. Cảm giác tìm được người thân thật hạnh phúc biết bao. Tự nhiên tôi thấy mình nữ tính hơn thường ngảy, biết lo sợ vẩn vơ, đặc biệt là khéo tưởng tượng nữa.

Từ đó đến nay tôi chưa được đi chợ phiên nào nữa. Vì học hết lớp ba, bố mẹ về quê đón tôi ra thành phố. Nhưng trong kí ức của tôi, chợ phiên mãi là kỉ niệm, là nơi đã ghi dấu một kí ức tuổi thơ của tôi.

Kể về một lần đi chợ quê – Bài làm 2

Cần Thơ có nhiều chợ nổi rất lạ, rất vui. Chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, chợ nổi Phụng Hiệp… Mỗi chợ nổi có một nét độc đáo riêng, rất hấp dẫn.

Chợ nổi Phong Điền cách trung tâm thành phố Cần Thơ độ 17 cây số. Nơi đây có thể mua lẻ vì ở cạnh một chợ lớn trên bờ. Mỗi con thuyền ở đây đều treo một cây sào lủng lẳng đầu mũi thuyền, gọi là cây bẹo. Trên mặt sông rộng bao la, thuyền ken dày đặc,dập dềnh, thuyền mua, bán ồn ào, ầm ĩ, đâu phải lúc nào người đi chợ,người mua hàng cũng áp sát mạn thuyền người bán được. Cứ nhìn cây bẹo từ xa mà biết thuyền bán trái gì, bán thứ gì,rồi lách thuyền đưa ghe tới mua thứ mà mình cần. Có thểnói, cây bẹo là một bảng hiệu, giới thiệu mặt hàng cổ nhất, tiện lợi nhất trên chợ nổi. Cây bẹo treo xoài thì bán xoài, treo cam thì bán cam, treo vú sữa thì bán vú sữa… Nhưng có những cái treo mà không bán. Cư dân sông nước sinh sống trên thuyền, áo quần, xoong nồi phơi, treo ở góc thuyền. Có chợ là đông người, là ồn ào tấp nập, dẫu là chợ nổi, nhưng ở đây lại có nhiều thứ khôngtreo mà lại bán. Đi chợ nổi một vài lần rồi sẽ quen.

Chợ nổi Phong Điền có nhiều hàng nhậu, từ xa ta có thể nhìn khói bốc lên, hương thơm ngào ngạt toả ra. Quán hủ tiếu, quán bún, quán cháo, quán cơm… là một con xuồng nhỏ, chèo len lách, táp vào nơi có người gọi. Quán cà phê, li đá, nắm xôi, đồ nhậu… đều phục vụ “thượng đế” tận nơi. Một đĩa xào, một tô hú tiếu, một li rượu đế tràn đầy,… kẻ bán người mua, kẻ trao người nhận, vui vẻ, mộc mạc, thân tình. Chẳng ai kì kèo, mặc cả!

Chẳng thiếu một thứ gì. Các dịch vụ sửa máy, bán xăng, sửa cân, các hàng tạp hoá, thuốc tây, các hàng bán mắm muối, gạo thóc… đều có hết để phục vụ cho cuộc sống cư dân trên sông nước. Có hiệu cắt tóc, hiệu sơn móng tay. Có tiếng hát cải lương mùi mẫn cất lên. Có nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh, lạ mà quen: có con mèo, con chó vểnh tai ngồi chồm hỗm đầu mũi thuyền, có hai, ba đứa trẻ cởi trần đuổi nhau, nhảy từ ghe này qua thuyền khác, có chị vừa bán hàng vừa cho con bú, có bà lão khoác khăn rằn ngồi nhai trầu bỏm bẻm… Thuyền, xuồng, ghe… như mắc cửi, qua lại, len lách nhộn nhịp mà không đụng độ, không va chạm. Tiếng nói, tiếng chào mời, tiếng mua bán cất lên ồn ào một khúc sông.

Buổi sáng sớm trên dòng Hậu Giang, hàng trăm con thuyền, hàng trăm chiếc ghe, chiếc xuồng cùng xuôi, ngược, cùng về một bến. Nông sản, trái cây đầy ắp xuồng, thuyền. Tiếng hò vẳng xa, tiếng sóng dội lại, ồn ào và tấp nập trong màn sương. Cho đến non trưa, chợ nổi Phong Điền vãn dần rồi trở nên vắng vẻ.

Hãy về với Cần Thơ, dù chỉ một lần đi chơi chợ nổi Phong Điền để cảm một chút thôi cái dư vị sông nước của miền Tây Nam Bộ. Một mảnh đất xa xôi của Tổ quốc thân yêu.

Bài viết liên quan

0