16/01/2018, 13:32

Kể một câu chuyện em đã làm có nội dung như câu Có công mài sắt, có ngày nên kim – Văn mẫu lớp 5

Kể một câu chuyện em đã làm có nội dung như câu Có công mài sắt, có ngày nên kim – Văn mẫu lớp 5 Kể một câu chuyện em đã làm có nội dung như câu Có công mài sắt, có ngày nên kim – Bài số 1 “Có công mài sắt có ngày nên kim”. ...

Kể một câu chuyện em đã làm có nội dung như câu Có công mài sắt, có ngày nên kim – Văn mẫu lớp 5

Kể một câu chuyện em đã làm có nội dung như câu Có công mài sắt, có ngày nên kim – Bài số 1

  “Có công mài sắt có ngày nên kim”.

   Đó là câu tục ngữ mà thầy thường dẫn ra trong lớp để khuyên nhủ chúng em. Nhiều bạn làm theo lời khuyên của thầy mà đã đạt kết quả mỹ mãn, trong đó có em.

   Còn nhớ hồi đầu năm cứ đến giờ tập làm văn là em ngồi thừ ra cắn bút trong khi các bạn khác trong lớp chữ nghĩa cứ tuôn trào. Đến khi các bạn viết đã đầy trang rồi, thế mà em cố gắng lắm cũng chỉ được sáu bảy dòng rồi cạn nguồn và em cứ ngồi loay hoay mãi.

   Chưa bao giờ em được điểm bảy hay tám về môn văn. Má em khuyên nhủ: “Con phải ráng mà kiên nhẫn, đừng chán nản. Phải có công mài sắt thì mới có ngày nên kim được con ạ! Văn ôn, võ phải luyện mà. Con ôn luyện đi. Má sẽ giúp sức cho con”.

   Lời căn dặn của má thúc giục em, từ đó, ngoài việc học và làm bài mới, em đã dành hẳn mỗi ngày một giờ đồng hồ để học văn. Thoạt tiên, em tìm lại sách lớp bốn, đọc kỹ phần ghi nhớ. Má hướng đẫn thật chu đáo khâu tìm hiểu đề, xác định nội dung và thể loại của nó. Má cho em đọc nhiều lần bài văn mẫu, bài đọc thêm ở sách tham khảo rồi yêu cầu em viết bài làm của mình không được giống với những điều gì đã đọc. Lúc đầu, em bắt chước các bài vàn mẫu ấy nhưng dần dần tập viết khác đi bằng cách diễn đạt của mình. Má dạy em cách dùng từ, diễn ý sao cho xác hợp mà thoát ý. Nghe lời má, em sắm một quyển sổ tay chép các đoạn văn hay của các nhà văn nổi tiếng. Lúc nào rảnh rỗi là em lấy số tay đọc để tìm hiểu và học tập cách dùng từ, diễn ý sinh động hấp của các bậc tiền bối này.

   “Học thầy không tầy học bạn”, trong lớp, em làm thân với Nguyên và Hương hai cây văn có tiếng. Hai bạn này truyền đạt lại các kinh nghiệm học văn mà các bạn ấy có được. Điều chi, bài nào khó quá, em mạnh dạn vào lớp hỏi cô. Cô vui vẻ chỉ dẫn tận tình, cho em mượn cả sách tham khảo mà em không có.

   Thấy em cố gắng, ba em cũng hết lòng khích lệ. Ba đã tìm mua cho các em sách tham khảo tập làm văn cần thiết.

   Ba tháng sau, em tiến bộ rõ. Không những biết làm dàn ý, em còn biết viết câu văn sao cho có hình ảnh gợi tả và gợi cảm. Tiến bộ ấy đã được cô em công nhận trong lớp. Bài tập làm văn và các bài tập tiếng Việt khác của em điểm số cứ tăng dần. Hai tuần trước đây, lần đầu tiên bài tập làm văn của em đạt điểm chín, được cô đọc cho cả lớp nghe và đặc biệt khen ngợi. Nhưng đặc biệt hơn là cuối học kì một, em được nhà trường tuyển chọn vào đội học sinh giỏi.

   Xúc động biết bao, nước mắt em cứ muốn trào lên. Câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim" sáng lên trong tâm trí em lúc này.

Kể một câu chuyện em đã làm có nội dung như câu Có công mài sắt, có ngày nên kim – Bài số 2

   Ít ai hiểu được ý nghĩa câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim" một cách sâu xa như Nguyên, bạn học cùng lớp với em.

   Thật vậy. Em còn nhớ như in là trong năm học trước, năm lớp bốn, lần nào trả bài kiểm tra môn toán thầy cũng, nhắc nhở bạn ấy bằng lời phê trên bài làm: “Toán còn yếu phải cố gắng nhiều” chưa lần nào bài tập cùa Nguyên đạt được điểm năm.

   Tuy là có thua kém với các bạn trong lớp nhưng Nguyên vẫn không nản lòng. Bạn ấy về nhà xin ba mua đủ các sách giải toán rồi miệt mài đọc kỹ và tập giải với mong muốn mãnh liệt là mình sẽ giỏi toán.

   Từ đó, nhất là từ đầu năm lớp năm, vào lớp em thấy Nguyên luôn để tâm nghe thầy giảng giải các bài toán, về nhà, hôm nào cũng vậy, dùng bữa xong là bạn bắt tay ngay vào việc giải toán. Nguyên đã tìm hỏi các bạn trong lớp trong đó có em, cách giải các bài toán mà bạn ấy bị điểm thấp. Em và các bạn đều vui vẻ chi dẫn rành rọt cho bạn mình.

   Có lần Nguyên đã khẩn khoản hỏi Nga, cô bạn học giỏi toán nhất lớp:

   – Nga ơi! Bạn có cách nào mà học giỏi toán như vậy. Bạn chỉ cho mình đi.

   Nga tươi cười cời mở:

   – Chẳng có gì khó hết bạn ơi! Bạn chỉ cần tbuộc và hiểu kỹ bài học và làm cho thật nhiều bài tập là được. Bạn cứ làm đi. Chỗ nào không làm được, nếu mình biết mình sẽ giúp. Ta sẽ cùng giải..

   Nghe lời bạn, Nguyên về nhà giải thật nhiều bài tập toán. Nhiều lúc, bạn ấy đã từ chối lời mời đi chơi của các bạn mình.

   Nguyên miệt mài làm cả các bài tập không có lời giải trong sách và mang tới nhờ thầy sửa giúp. Thấy Nguyên cố gắng, thầy vui mừng lắm và nhiều lần khuyến khích.

   Thế rồi điều phải đến đã đến. Bài kiểm tra toán của Nguyên lần ấy được điểm chín. Thầy rất hài lòng nên khen ngợi Nguyên trước lớp. Nhìn bạn mình phút ấy em biết lòng bạn sung sướng lắm.

   Nguyên ơi! Nhờ bạn, mình mới sáng thêm ý nghĩa câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” mà thầy thường nhắc nhở để khuyên chúng ta chăm chỉ học hành. Muốn học giỏi phải kiên trì cố gắng.

Kể một câu chuyện em đã làm có nội dung như câu Có công mài sắt, có ngày nên kim – Bài số 3

Trong các môn học, em sợ nhất môn Chính tả vì chữ em rất xấu. Mỗi lần đến giờ chép Chính tả theo lời cô đọc, em thấy khổ sở vô cùng. Mẹ em thường khuyên nhủ: “Con lớn rồi, phải cố tập viết sao cho đẹp, ông bà mình bảo nét chữ là nết người đấy con ạ !”. Em ngẫm nghĩ và thấy lời khuyên của mẹ rất đúng. Vì thế em quyết tâm tập viết hằng ngày, đến khi nào chữ trở nên sạch đẹp mới thôi.

Em tự đề ra cho mình một kế hoạch: mỗi ngày dành ra vài tiếng đồng hồ để tập chép. Trước hết, em chép lại những bài tập đọc trong sách giáo khoa. Mẹ dạy em cách cầm bút sao cho thoải mái để viết lâu không bị mỏi tay. Em học theo và đã quen dần với cách cầm bút ấy. Mỗi trang vở là một bài tập chép. Em viết nhiều lần ra nháp, sau đó mới chép vào vở. Xong một bài, em nhờ mẹ chấm điểm. Những bài đầu, mẹ chỉ cho điểm năm, điểm sáu vì còn sai chính tả và nét chữ chưa đều. Nhưng em không nản chí, càng cố gắng hơn.

Đến những bài sau, em đã có nhiều tiến bộ. Những dòng chữ đều đặn, ngay hàng thẳng lối hiện dần ra dưới ngòi bút của em. Mẹ và cô giáo không ngừng động viên em. Điều đó làm cho em tăng thêm quyết tâm phấn đấu. Lần đầu tiên, được cô giáo cho điểm 10 Chính tả, em vô cùng sung sướng! Thế là em đã chiến thắng được bản thân. Em đã trở thành người học sinh có ý chí và nghị lực trong học tập.

Từ nay, cái biệt danh Tuấn gà bươi mà mấy bạn tinh nghịch trong lớp đặt cho em không còn nữa. Dù vậy, em vẫn kiên trì tập viết để nét chữ ngày một đẹp hơn. Đúng là Có chí thì nên; Có công mài sắt, có ngày nên kim, phải không các bạn?!

Kể một câu chuyện em đã làm có nội dung như câu Có công mài sắt, có ngày nên kim – Bài số 4

Ông cha ta có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Câu nói đó quả thật ý nghĩa khi em đã trải qua những khó khăn trong học tập về môn tập làm văn.

Hồi ấy, tập làm văn là một môn khó với em trong học kì lớp Bốn. Những khi cô trả bài, em thường thất vọng với bài điểm kém trên tay. Để nghĩ ra những lời văn hay, phù hợp với đề bài, em đã phải suy nghĩ rất nhiều nhưng những lời văn vẫn không thể trôi chảy. Vì vậy, em đã quyết tâm ôn tập để học môn văn tốt hơn. Các bạn đều rất ủng hộ ý kiến của em. ánh sáng đam mê học tập như đang chiếu rọi vào tinh thần em. Buổi tối, khi đã xong bài, em tranh thủ đọc thêm các sách văn, tham khảo một số bài văn mẫu, đôi khi còn làm thêm cả đề văn. Bố mẹ thấy vậy đều ủng hộ em nhưng đồng thời vẫn nhắc nhở em phải giữ gìn sức khoẻ. Em vui vẻ vâng lời. Được một vài ngày, bài tập ở lớp trở nên nhiều hơn nên thời gian để ôn tập ít dần đi. Vậy là việc ôn tập phải tạm ngưng mà các bài văn của em vẫn khá lên. Cuối cùng, em cũng đã nghĩ ra cách để giảm bớt được số lượng bài. Vào những ngày nghỉ, em sẽ làm hết những ngày nghỉ, em sẽ làm hết những bài cô giao để những ngày khác trong tuần em có thời gian ôn tập. Thời gian trôi đi thật nhanh, thấm thoát cũng sắp đến ngày thi học kỳ và những bài văn của em đã có những tiến bộ vượt bậc. Từ điểm bảy, tám giờ đây đã lên điểm chín. Thầy cô và các bạn đều rất mừng cho sự tiến bộ này của em. Ông mặt trời như đang cười với em, những làn mây như đang nhảy nhót trên bầu trời xanh, lúc này mọi thứ đều trở nên đặc biệt trước mắt em. Cha mẹ và thầy cô đều rất vui lòng.

Qua câu chuyện đã trải qua, em càng hiểu rõ hơn về sự kỳ diệu của lòng kiên trì. Nếu ta chăm chỉ học tập thì sẽ đạt được điều mình mong muốn như câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Kể một câu chuyện em đã làm có nội dung như câu Có công mài sắt, có ngày nên kim – Bài số 5

Câu truyện cổ tích Việt Nam “có công mài sắt có ngày nên kim” là một câu truyện hay và có ý nghĩa nói về sự kiên trì, cố gắng, nhẫn nại để đạt được thành quả như mình mong muốn. Câu tục ngữ “có công mài sắt có ngày nên kim” cũng là một câu tục ngữ hay và có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống.

Câu truyện kể về một cậu bé ham chơi, không chịu khó học hành. Một hôm cậu bé chán học, lẻn đi chơi. Bỗng nhiên cậu gặp một bà lão đang cắm cúi mài một thanh sắt bên một tảng đá lớn. Cậu bé tò mò đến gần và hỏi thì được bà trả lời là mài thanh sắt để làm kim khâu. Ban đầu khi nghe câu trả lời của bà lão cậu cho đó là truyện không thể, nhưng rồi khi nghe bà nói một cách tin tưởng: Mãi mãi cũng phải được, kẻ có công mài sắt thì có ngày nên kim thì cậu bé đã hiểu ra nhiều điều và từ đó chuyên tâm vào học hành sau này cậu trở thành một người tài.

Câu truyện tuy đơn giản nhưng có ý nghĩa rất lớn và sâu sắc. Truyện đề cao tinh thần kiên trì nhẫn nại. Đồng thời cũng nêu lên một bài học vô cùng quý giá những ai có sự cần cù nhẫn nại làm việc thì sẽ đạt được thành quả như mình mong muốn.

Em sẽ kể cho cô và các bạn một tấm gương sáng về sự kiên trì, vượt qua khó khăn. Đó là tấm gương của anh Nguyễn Ngọc Ký, anh bị liệt cả hai tay nhưng điều đó không có nghĩa là anh chấp nhận đầu hàng số phận. Anh vẫn thích đi học nhưng vì tay bị liệt nên điều này rất khó khăn, thế rồi anh tập viết bằng chân. Điều này tưởng như không tưởng nhưng lại trở thành hiện thực với anh. Những ngày đầu tập viết bằng chân của anh vô cùng khó khăn, những nét chữ nó không theo ý muốn của anh cứ nguệch ngoạc không thành chữ. Nhưng rồi với sự kiên trì chịu khó của mình, ngày nào anh cũng luyện tập, tập viết mọi lúc mọi nơi anh đã thành công. Mặc dù viết bằng chân nhưng chữ của anh rất đẹp, thậm chí còn đẹp hơn nhiều chữ của những bạn viết bằng tay.

Năm học nào anh cũng đạt thành tích cao trong học tập, các bạn bè trong lớp trước đây từ thái độ xem thường, miệt thị anh bao nhiêu thì giờ đây lại khâm phục anh bấy nhiêu. Để rồi sau này anh trở thành một thầy giáo giỏi tâm huyết với sự nghiệp trồng người của mình.

Câu truyện “có công mài sắt có ngày nên kim” là một câu truyện có ý nghĩa và có giá trị nhân văn cao cả khuyên răn con người ta phải rèn luyện tính kiên trì, nội dung của câu truyện xứng đáng là một bài học quý báu để mọi người học tập.

Vũ Hường tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm

  • câu chuyện về tấm gương có chí thì nên
  • tục ngữ có câu Có công mài sắt có ngày nên kim Em hãy kể một câu chuyện đúng với tinh thần đó
  • câu chuyện liên quan đấn có chí thì nên
  • có chí thì nên nêu câu chuyện có liên quan đến bản thân
  • Có công mài sắt có ngày nên kim Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ kể câu chuyện bản thân có liên quan đến vẻ
  • dàn bài kể lại câu chuyện em đã làm có nội dung có công mài sắt có ngày nên kim
0