28/05/2017, 15:07

Kể lại kỉ niệm đáng nhớ với thầy cô giáo cũ của em – Văn mẫu lớp 8

Kể lại kỉ niệm đáng nhớ với thầy cô giáo cũ của em – Bài làm 1 Các bạn thân mến! Trong đời học sinh, ai cũng có những kỉ niệm vui buồn về thầy cô, bè bạn. Có những kỉ niệm sâu sắc đến mức nó sẽ theo ta suốt cả cuộc đời. Sau đây, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm như thế về thầy Đức, ...

Kể lại kỉ niệm đáng nhớ với thầy cô giáo cũ của em – Bài làm 1 Các bạn thân mến! Trong đời học sinh, ai cũng có những kỉ niệm vui buồn về thầy cô, bè bạn. Có những kỉ niệm sâu sắc đến mức nó sẽ theo ta suốt cả cuộc đời. Sau đây, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm như thế về thầy Đức, chủ nhiệm lớp 8A năm ngoái. Thú thật với các bạn, tôi chẳng thể nào yêu thích nổi môn Toán. Không phải do thầy dạy dở mà là vì tôi dốt. ...

Kể lại kỉ niệm đáng nhớ với thầy cô giáo cũ của em – Bài làm 1

Các bạn thân mến!

Trong đời học sinh, ai cũng có những kỉ niệm vui buồn về thầy cô, bè bạn. Có những kỉ niệm sâu sắc đến mức nó sẽ theo ta suốt cả cuộc đời. Sau đây, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm như thế về thầy Đức, chủ nhiệm lớp 8A năm ngoái.

Thú thật với các bạn, tôi chẳng thể nào yêu thích nổi môn Toán. Không phải do thầy dạy dở mà là vì tôi dốt. Cho nên cứ đến giờ Toán là tôi cảm thấy chán ngán, đầu óc vẩn vơ đâu đâu. Lời thầy giảng vào tai nọ ra tai kia, chẳng đọng chút gì trong óc tôi cả. Nhìn các bạn giải bài tập vừa nhanh, vừa đúng, lại trao đổi với nhau hào hứng, sôi nổi, tôi phục lắm!

Ấy thế nhưng tôi lại là “cây Văn” và “cây Anh văn” của lớp đấy nhé! Điểm 8, 9 hai môn này với tôi chỉ là chuyện thường thôi. Tôi tự hào về điều đó nên cũng hơi “kiêu”.

Nhiều lần, thầy Đức khuyên tôi không nên học lệch, phải cố gắng học các môn tự nhiên để đạt kết quả tốt hơn. Nếu không, sang năm lên lớp 9 là gay. Nghe lời thầy, tôi đã nhờ bạn Trí kèm thêm môn Lí và bạn Hùng kèm thêm môn Hoá. Còn thầy Đức, thầy sẵn sàng giảng lại thật kĩ những bài nào tôi chưa hiểu hoặc hiểu lơ mơ. Nhiệt tình của thầy khiến tôi cảm động. Tôi tự nhủ sẽ nghiêm túc và tự giác học tập để thầy vui.

Thế nhưng chuyện buồn lại xảy ra ngay sau đó. Mà nguyên nhân cũng lại do tính chủ quan, lơ là của tôi trong học tập.

Tôi còn nhớ hôm ấy là thứ năm. Đầu tiết 1, thầy Đức cho làm bài kiểm tra 15 phút về lí thuyết của bài Hình học tuần trước. Tôi hoảng sợ và lúng túng mất hồi lâu vì đã quên hết cả. Nhìn sang bên cạnh, các bạn đang chăm chú viết. Tôi loay hoay cô vắt óc nhớ lại nhưng nội dung định lí cứ trốn đâu mất cả. Năm phút trôi qua. Mồ hôi đã bắt đầu rịn ra trên trán và chảy dọc sống lưng tôi.

Bất chợt, trong đầu tôi loé lên một tia sáng và tôi bám chặt lấy nó như người chết đuối vớ được phao: Giờ Hình tuần trước, tôi quên mang theo vở nên đã chép bài vào cuốn nháp, mà cuốn nháp thì tôi đang dùng để kê tờ giấy làm bài kiểm tra. May quá! Nhân lúc thầy nhìn sang dãy bàn bên trái, tôi lật giở rất nhanh, tìm đúng chỗ và cố giữ vẻ mặt thản nhiên, tôi chép lia chép lịa, không sót chữ nào.

Thầy Đức báo đã hết giờ kiểm tra. Bạn Hùng lớp trưởng đi thu bài mang lên nộp cho thầy. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì hành động gian dối không bị ai phát hiện. Tuy thế, trong thâm tâm, tôi vẫn lo lắng.

Đúng một tuần sau, thầy Đức trả bài. Tôi đi học muộn, chẳng dám vào, đành ngồi nép dưới chân tường chỗ cửa sổ cuối lớp. Tiếng thầy Đức nói, tôi nghe rõ mồn một:

– Hôm nay, thầy tuyên dương bạn Hải đã có tiến bộ vượt bậc. Hải rất thuộc bài. Thầy cho Hải điểm 10 toán đầu tiên. Rất tiếc, Hải không có mặt ở đây! Các em hãy học tập tinh thần phấn đấu vươn lên của Hải!

Trời ơi! Giá như lúc ấy đất dưới chân tôi nứt ra để tôi chui xuống trốn thì hay biết mấy! Tôi xấu hổ vô cùng và không ngớt thầm mắng nhiếc mình là đồ dối trá vô liêm sỉ. Cũng may mà đi học muộn chứ nếu ở trong lớp lúc này, chỉ cần các bạn nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ và giễu cợt thì tôi cũng đủ “chết đứng” rồi!

Tôi lom khom cúi rạp xuống để không ai phát hiện ra rồi len lén vòng qua hồ nước, ngồi ở đó chờ hết tiết Toán mới dám vào. Vừa thấy tôi, đám bạn trai cùng bàn hét tướng lên: Hải được 10 điểm Toán, chuyện lạ thế giới! Tâm đưa bài cho tôi. Tôi giật phắt lấy rồi cất ngay vào cặp, cúi mặt chẳng dám nhìn ai.

Cái điểm 10 không xứng đáng ấy hành hạ tôi đến mức ăn không ngon, ngủ không yên. Nửa tháng sau, tôi đã gặp thầy Đức, trình bày mọi chuyện và thành thật xin lỗi thầy, mong thầy giữ kín. Thầy Đức hứa và đã giữ đúng lời hứa. Thầy tha lỗi cho tôi, khen tôi dám dũng cảm nhận khuyết điểm như vậy là tốt.

Từ đó, tôi đề ra cho bản thân một nội quy học tập khá chặt chẽ, nghiêm túc. Các bạn thấy đấy, học kì I vừa qua, điểm kiểm tra các môn tự nhiên và xã hội của tôi chênh nhau không đáng kể. Được kết quả như vậy, tôi biết ơn thầy Đức rất nhiều bởi thầy đã kiên trì giúp đỡ và động viên tôi học tập. Có được một người thầy tận tụy, hết lòng vì học sinh như thế, quý biết bao, phải không các bạn?!

Kể lại kỉ niệm đáng nhớ với thầy cô giáo cũ của em – Bài làm 2

Em có một kỉ niệm sâu sắc với thầy Thanh, chủ nhiệm của em hồi lớp 6. Em không bao giờ quên kỉ niệm ấy, nó nhắc em tình thầy nghĩa bạn, những tình cảm tốt đẹp của tuổi thơ.

Hồi ấy em là một học sinh nghịch ngợm, ít vâng lời thầy. Chẳng hạn, giờ ra chơi, em đem vở bạn này bỏ vào cặp bạn kia. Trong một lần đi xem văn nghệ ở trường, em giấu dép của một cô giáo. Nhà trường cấm đốt pháo trong trường (dạo ấy nhà nước chưa cấm pháo) thì trong cặp em vào mấy tháng Tết lúc nào cũng có đủ các loại pháo. Thỉnh thoảng em ném vào chỗ bất ngờ, làm mọi người giật mình. Vì những việc ấy mà thầy chủ nhiệm lớp em, thầy Thanh thường gặp em, nhắc em, thậm chí phê bình, nêu tên em, găp cả bố mẹ em để lưu ý. Em cảm thấy như thầy thành kiến với em, luôn để mắt tới em, khiến em không thoải mái.

Nhưng một lần lớp em được phân công đi trồng cây ở bãi ven sông xa thành phố, nơi có dòng sông sâu chảy xiết. Thầy chủ nhiệm nhắc nhở cả lớp: Chỉ được xuống bến rửa chân tay, chứ không được bơi lội, giữa dòng nguy hiểm.

Hôm ấy, trồng cây buổi sáng xong, em xuống bến rửa chân tay. Nhìn dòng nước trôi, em sinh ra tò mò. Trời lại nóng; Em nghĩ tắm ven bờ chắc không sao, phải thử một cái mới được. Trưa ấy, khi mọi người nằm, ngồi dưới mấy gốc cây nghỉ ngơi, em lặng lẽ rủ một bạn ra bở sông. Bạn ấy không dám. Em bảo: "Sợ à? Nhìn tớ đây!". Rồi bị kích thich bởi sự hăng hái của chính mình, em bắt đầu cởi áo xuống nước. Lúc đầu ở ven bờ nước không chảy xiết, không sao. Nhưng lòng sông dốc. Em bất ngờ trượt chân và lập tức bị cuốn ra xa, càng vùng vẫy, càng xa bờ. Bạn em vội kêu to: "Có người chết đuối! Có người chết đuối!" Còn em, mới bơi được một lúc đã thấy đuối sức, vừa hoảng sợ, vừa chới với, cảm thấy mình chìm dần… Sau đó, các bạn em kể lại. Khi nghe tiếng kêu, thầy Thanh vội chạy tới. Chung quanh vắng ngắt không có đò giang gì, chỉ thấy em đang chới với giữa dòng nước. Thầy vội vàng lao ra, bơi về phía em. Thầy khéo léo túm tóc em rồi dìu vào. Nước trôi nhanh quá. Phải cách bến mấy trăm mét mới đưa em vào bờ được. Thầy nhanh chóng dốc ngược em cho nước thoát ra rồi làm hô hấp cho em thở đều. Mọi người lúc ấy xúm đến và đưa em lên bờ. 

Mọi người nói. May là thầy Thanh là người thích thể thao, biết bơi lội. Nếu không thì việc làm vô kỉ luật ấy của em đã gây ra hậu quả to lớn.

Sau lần ấy, nhà trường đã phê bình và nhắc nhở em. Nhưng em thấy việc nhắc tên ấy lại quá nhẹ nhàng. Lỗi của em đáng phải xử nặng hơn mới phải. Nhất là sau đợt ấy, thầy Thanh lại phải ốm một thời gian.

Đã mấy năm trôi qua, nhưng em không khi nào quên được tấm gương quên mình cứu trò của thầy chủ nhiệm. Em hiểu ra sự nghịch ngợm của chúng em gây thêm khó khăn cho thầy cô. Em thấy hối hận và tự nhiên thấy kính trọng thầy cô, kính trọng các qui định của nhà trường.

Kể lại kỉ niệm đáng nhớ với thầy cô giáo cũ của em – Bài làm 3

Ngày ấy khi tôi vào lớp sáu thì ngôi trường tôi học mới được xây dựng xong trên một bãi đất trống. Toàn sân trường không có một bóng cây. Vào học được một tuần thì nhà trường phát động phong trào trồng cây lấy bóng mát. Ngoài những cây trồng theo quy định chung trong sân, trước mỗi lớp được phép trồng một cây tùy theo ý thích. Thế là trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần, chúng tôi tranh cãi rất hăng xem nên trồng cây gì. Vì là con nít nên chỉ có việc trông một cây mà chúng tôi cãi nhau suốt một tiết, không đứa nào chịu nghe theo đứa nào. Đứa này muốn trồng cây sứ, đứa kia muốn trồng cây phượng, đứa lại thích cây xoan. Cuối cùng thầy Anh – thầy chủ nhiệm nói:

– Qua ý kiến của các em, thầy thấy mỗi em có ý thích riêng. Thầy có ý kiến thế này, ngày mai chủ nhật cả trường đều nghỉ, thầy sẽ mang một loại cây vào trồng. Còn thầy trồng cây gì thì khi trồng xong các em sẽ rổ. 

Một bạn giơ tay:

– Thưa thầy ngày mai tụi em vô tiếp thầy được không ạ?

Thầy tôi bảo:

– Thôi các em cứ nghỉ ở nhà, thầy trồng một mình cũng được.

Thế nhưng sáng hôm sau, không ai bảo ai, chúng tôi kéo vào trường gần hết lớp. Đứa xẻng, đứa thùng tưới… Hầu như đứa nào cũng có dụng cụ lao động trên tay. Trồng có một cái cây mà chúng tôi làm như trổng cả vườn cây không bằng! Thiệt đúng là con nít! Chúng tôi vào đến trường thì đã thấy thầy lúi húi trồng cây. Chúng tôi tiến đến gần, vòng tay thưa:

– Dạ thưa thầy chúng em mới vô. Một bạn nhìn cây thầy trồng và reo lên:

– A! Thầy trồng cây phượng!

Thầy Anh cười:

– Cây này không phải cây phượng mà là cây điệp đó các em,

Đứa nào đứa nấy mắt tròn xoe. Tôi hỏi:

– Thưa thầy trong trường người ta trồng cây phượng sao thầy trồng cây điệp?

Thầy Anh vần cười, một nụ cười hiền lành:

– Đúng rồi, trong sân trường người ta thường trồng cây phượng. Nhưng cây phượng chỉ nở hoa vào mùa hè, mà mùa hè các em nghi học nên các em đâu thấy hết được vẻ đẹp của nó. Còn cây điệp tuy người ta ít trồng nhưng điệp có vẻ đẹp, có nét đáng yêu riêng của điệp. Hơn nữa điệp lại nở hoa suốt bốn mùa, nên ngày thường các em cũng thấy được vẻ đẹp của điệp.

Thầy nói chúng tôi phải nghe chứ thật ra chúng tôi không đồng ý lắm với cách giải thích của thầy. 

Thấm thoắt mà năm học cuối cùng đã đến. Cây điệp trước lớp chúng tôi ngày nào đã vươn cao, biết bao bông hoa khoe sắc. Lớp 12 tôi học tình cờ lại được xếp học ngay ở lớp 6 tôi học khi xưa. Mặc dù lớp 6A của chúng tôi ngày trước không còn học chung với nhau nhung mỗi năm chúng tôi có một ngày họp mặt. Đó là Ngày nhà giáo. Trong buổi họp mặt Ngày Nhà giáo năm ấy, ngoài phần quà cho thầy Anh, một bạn đề nghị nên cài lên áo thầy một bông hoa điệp do chính tay thầy trồng. Ý kiến đó được chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh. Và tôi là người được vinh dự thay mặt cả lớp cài lên áo thầy bông hoa ấy.

Sau khi cài hoa lên áo thầy, tôi đã hỏi thầy một câu hỏi không liên quan gì đến Ngày Nhà giáo:

– Thưa thầy vì sao thầy lại thích hoa điệp?

Thẩy Anh cười:

– À… à tại vì ngày xưa đi học, thầy có một người bạn gái tên Điệp.

Không biết thầy nói thật hay nói chơi nhưng chúng tôi vẫn cười ầm lên.

Một bạn lém lỉnh nói:

– A vậy mà từ đó tới giờ thầy giấu tụi em.

Thầy Anh vẫn cười:

– Thầy có giấu mấy em đâu, tại mấy em không hỏi đấy thôi!

Chúng tôi lại cười rất vui vẻ.

Mùa thi sắp đến. Trong lòng chúng tôi buồn vui lẫn lộn. Những giờ ra chơi, chúng tôi không còn đùa giỡn mà đứng lặng im nhìn những bông hoa điệp vàng đong đua trong gió. Một hôm, trong lúc chúng tôi đang đứng ngắm những bông hoa diệp, mồi đứa thả hồn theo suy nghĩ riêng tư thì thầy Anh đến bên cạnh chúng tôi tự lúc nào mà chúng tôi không hề hay biết. Thầy cất tiếng hỏi:

– Sao, bây giờ các em có thấy đúng là hoa điệp đẹp không?

Chúng tôi cùng cười. Nhung rồi mắt chúng tôi chợt thấy cay cay…

Mới đó mà đă hơn mười năm. Cây điệp ngày xưa còn đây mà bạn bè mỗi người một ngả! Còn thầy Anh, không biết thầy đã về phương nào?

Những bông điệp vàng lung linh trong nắng như muốn đốt cháy cả hồn tôi.

Từ khóa từ Google

0