13/01/2018, 16:26

Kể lại chuyến đi thăm di tích lịch sử – Văn hay lớp 6

Kể lại chuyến đi thăm di tích lịch sử – Văn hay lớp 6 Kể lại chuyến đi thăm di tích lịch sử – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn thành phố Hà Nội Vào một sáng cuối xuân, đầu hạ, khi bầu trời còn mờ ảo trong buổi bình minh thì đoàn xe tham quan của trường em đã bắt đầu ...

Kể lại chuyến đi thăm di tích lịch sử – Văn hay lớp 6

Kể lại chuyến đi thăm di tích lịch sử – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn thành phố Hà Nội

Vào một sáng cuối xuân, đầu hạ, khi bầu trời còn mờ ảo trong buổi bình minh thì đoàn xe tham quan của trường em đã bắt đầu chuyển bánh. Những chiếc xe đáy ắp tiếng cười lướt nhẹ qua cây cầu bắc ngang dòng sông Đáy hiền hoà rồi tiếp tục bon bon trên quốc lộ 1

Chuyến đi thăm cố đô Hoa Lư – Ninh Bình vừa qua đã để lại trong em những ấn tượng sâu sắc. Em nhớ mãi cảm xúc háo hức, phấn khởi và ngạc nhiên, thích thú trong chuyến đi ấy.

Vào một sáng cuối xuân, đầu hạ, khi bầu trời còn mờ ảo trong buổi bình minh thì đoàn xe tham quan của trường em đã bắt đầu chuyển bánh. Những chiếc xe đáy ắp tiếng cười lướt nhẹ qua cây cầu bắc ngang dòng sông Đáy hiền hoà rồi tiếp tục bon bon trên quốc lộ 1. Xa xa, dãy Non Nước hiện lên thấp thoáng qua màn sương. Chúng em đều cảm thấy hồi hộp vì tuy nghe danh đã lâu nhưng chưa ai được đặt chân tới mảnh đất “cờ lau dẹp loạn” này bao giờ.

Hoa Lư đây rồi! Kinh đô đầu tiên của nước Đại Việt chính là đây. Toàn bộ khu di tích nằm trong một thung lũng, xung quanh bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp. Tạo hoá đã khéo sắp đặt cho nơi này một cảnh quan hùng vĩ, trên là núi, dưới là sông, đẹp như một bức tranh sơn thuỷ.

Đến Hoa Lư hôm nay, tuy chúng em không còn được nhìn thấy những cung điện nguy nga, những thành cao hào sâu… nhưng mỗi tấc đất, mỗi ngọn núi nơi đây đều ghi đậm dấu ấn vẻ vang của một thời oai hùng. Nào là núi Cột Cờ cao hơn 200 mét, nơi Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ khởi nghĩa. Nào là ngòi Sả Khê chảy qua hang Luồn, là nơi thuỷ quân ta luyện tập hằng ngày. Rồi hang Muối, hang Tiền với những nhũ đá lóng lánh. Phải chăng đây là kho dự trữ lương thực của đạo quân thiện chiến ngày xưa?

Giữa khu di tích Hoa Lư có đền thờ Đinh Tiên Hoàng. Ngôi đền sừng sững mái cong vút, lợp ngói hình vảy cá, rêu xanh đã phủ dày dấu thời gian. Cột dé làm bằng những cây gỗ to, một vòng tay ôm không xuể. Sân đền còn lưu lại dấu tích bệ đặt ngai ngự của nhà vua. Đó là một phiến đá to, bằng phẳng. Các nghệ nhân tài hoa thuở trước đã khéo léo khắc chạm hình rồng bay rất đẹp. Xung quanh là hình con nghê dũng mãnh, hình chim phượng cao quý tượng trưng uy quyền của vua chúa. Chúng em ngắm chiếc sập đá mà thầm khâm phục hoa tay tài hoa của các nghệ nhân thuở trước.

Trong chính cung là tượng Đinh Tiên Hoàng uy nghi ngự trên ngai. Nhà vua mặc áo thêu rồng, đầu đội mũ bình thiên, bàn tay xoè rộng, đặt nhẹ trên gối vẻcương nghị đọng lại ở đôi môi mím chặt, đôi mắt mở to nhìn thẳng. Thắp một nén hương tưởng niệm, lòng em dâng lên niềm cảm phục đối với người đã có công xây dựng Hoa Lư thành kinh đô của nước Đại Việt xưa.

Tạm biệt đền Đinh Tiên Hoàng, chúng em đến thăm đền thờ vua Lê ở phía bên trái khu di tích. Vua Lê vận long bào, đầu đội mũ miện vàng, kiếm đeo ngang lưng trông rất oai nghiêm. Trong khu vực đền thờ còn có bức tượng một phụ nữ gương mặt phúc hậu, đoan trang. Đó là thái hậu Dương Vân Nga, bậc liệt nữ đã ghé vai gánh vác sự nghiệp cả hai triều Đinh – Lê. Những vị được tôn thờ ở đây đều có tài năng kiệt xuất, xứng đáng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Không đủ thời gian để leo núi nên chúng em đứng trong thung lũng, ngẩng đầu ngắm nhìn bốn phía để cảm nhận rõ thêm vị thế hiểm trở của cố đô. Có bạn đã giở sổ tay, phác nhanh vài nét kí hoạ. Nhiều người lên tiếng bình luận sôi nổi về phong trào cờ lau dẹp loạn thuở nào.

Trời đã xế chiều. Chúng em lưu luyến ra về và nuối tiếc vì chưa kịp bẻ mấy bông lau làm cờ cắm trước đầu xe cho thêm khí thế. Đến thăm Hoa Lư. chúng em được biết thêm một cảnh đẹp và hiểu thêm về lịch sử oai hùng của dân tộc. Chuyến đi tham quan này đã trở thành đề tài của những cuộc trò chuyện sôi nổi trong lớp em suốt những ngày sau đó.

Kể lại chuyến đi thăm di tích lịch sử – Bài làm số 2

Chúng tôi đã có sự chuẩn bị thật kĩ càng cho chuyến tham quan từ nhiều ngày trước, bạn nào cũng mong ngóng háo hức và đón đợi. Lần lượt từng nhóm chuẩn bị kế hoạch cho việc tham quan và chơi trò chơi vì đã được cô giáo chủ nhiệm báo trước.

Đúng 8 giờ, cả đoàn xe nối đuôi nhau nhằm hướng Cổ Loa – Đông Anh thẳng tiến trong tâm trạng  vô cùng hào hứng. Chưa đầy 1 giờ  vùng đất lịch sử gắn liền với bao huyền thoại linh thiêng đã hiện ra. Mỗi lớp chúng tôi xếp thành hai hàng ngay ngắn tập trung trước sân đền thờ vua An Dương Vương. Tại đây chúng tôi đã được cô hướng dẫn viên kể về lịch sử đất Cổ Loa với một chất giọng truyền cảm nghe thật hấp dẫn. Qua đó chúng tôi đã thấy được một Cổ  Loa của mấy nghìn năm lịch sử hiện ra trước mắt cùng lòng quyết tâm đánh giặc của vua tôi nước Âu Lạc, mối tình đáng thương của nàng công chúa Mỵ Châu xinh đẹp và Trọng Thuỷ, và đặc biệt chúng tôi ghi nhớ thật sâu sắc hình ảnh một Cổ Loa của 9 vòng thành được xây hình xoáy trôn ốc với sự giúp đỡ của thần Kim Quy. Tất cả, tất cả chúng tôi lắng nghe về Cổ loa một cách say sưa.

Và tiếp theo là đến phần tham quan các khu di tích. Theo sự chỉ dẫn của cô hướng dẫn viên, cô giáo đưa chúng tôi vào thăm đền thờ vua An Dương Vương, quan sát dấu tích 9 vòng thành còn lưu lại, thăm giếng Cổ Loa. Chúng em còn được chứng kiến hình ảnh tướng quân Cao Lỗ hiên ngang cùng nỏ thần. Điểm tham quan cuối cùng chính là am Mỵ Châu và khu nhà trưng bày hiện vật lịch sử Cổ Loa. Đó là những chứng tích về một làngViệt cổ với bề dày lịch sử mấy nghìn năm.

Hào hứng hơn nữa đó là các cuộc thi! Các lớp tập trung trước một bãi cỏ rộng mênh mông. Các cuộc thi lần lượt diễn ra. Ở một góc nhỏ gần 30 hoạ sĩ nhí đang mải miết thể hiện tất cả cảm xúc mới mẻ về chuyến đi trên giấy vẽ. Nơi tập trung đông nhất là khu vực diễn ra trò kéo co và nhảy bao. Ai cũng quyết tâm chơi, quyết tâm cổ vũ hết mình để giành phần thắng. Không chỉ có chúng tôi mà các thầy cô, các bác phụ huynh cũng cổ vũ thật lớn trong tiếng trống giục thùng …. thùng.

Cuối cùng các giải thưởng cũng tìm được chủ nhân xứng đáng của nó

Vẽ tranh:

– Hoạ sĩ giành giải nhất thuộc về Giang Minh Huyền lớp 3A7,

– Giải nhì: Nguyễn Hồng Giang lớp 5A1, Hồ Vũ Thiên An lớp 4A2

– Giải ba: Nguyễn Thu Thảo 3A6, Hoàng Hà Thu lớp 3A7, Kim Thúy Hiền lớp 3A1.

Kéo co:

– Giải nhất: Lớp 4A2, 3A8.

– Giải nhì: Lớp 5A1, 3A6.

– Giải ba: Lớp 3A2, 3A4

Nhảy bao:

– Giải nhất:  Lớp 4A2

– Giải nhì: Lớp 4A1

Chúng tôi nhận phần thưởng, nghỉ ngơi ăn uống rồi lên xe về trường trong niềm hào hứng tràn đầy và sự sảng khoái với bao tiếc nuối.

Tham quan Cổ Loa thực sự là một chuyến đi ý nghĩa biết bao! Chúng tôi được dịp về một làng quê cổ xưa thanh bình, được gần gũi với thiên nhiên. Đặc biệt, chúng tôi có được thêm những hiểu biết sâu sắc về những trang sử Việt cùng những câu chuyện kể mang đầy sắc màu huyền thoại và linh thiêng.

Kể lại chuyến đi thăm di tích lịch sử – Bài làm số 3 

Hôm ấy là một sáng cuối xuân, trời thật đẹp. Đoàn xe tham quan của trường em chuyển bánh. Những chiếc đầy ắp tiếng cười lướt nhẹ qua cây cầu bắc ngang qua sông Trà Khúc. Chúng em đưa mắt xuống dòng sông. Sông dịu hiền như chiếc áo the xanh duyên dáng. Đi hết cây cầu, đoàn xe rẽ xuống hướng đông. Xe vẫn bon bon trên con đường nhựa mịn màng, cảnh vật nơi đây thật đẹp, núi Thiên An uy nghi, trầm mặc hướng ra sông. Sông ôm bóng núi và quyện với mây trời. Nhìn núi Ấn sông Trà, ẹm lại càng tự hào về quê hương Quảng Ngãi – nơi đã ghi dấu ấn của một thời oanh liệt, hào hùng. Chúng em cùng nhau ôn lại lịch sử đấu tranh của người dân nơi đây. Ai cũng muốn đi ngược thời gian để tưởng nhớ những người chiến sĩ đã ra đi từ núi sông này. Dòng suy nghĩ chưa dứt thì đoàn xe tham quan đã đến nơi. Như không hẹn trước tất cả cùng nhau hô to:

– Đến nơi rồi! Đến nơi rồi!

Xe giảm tốc độ và dừng lại, đoàn tham quan lần lượt xuống xe. Lá cờ đỏ sao vàng cắm ở trên đầu xe tung bay trong gió. Chúng em xếp hàng ngay ngắn rồi theo cô hướng dẫn viên tiến vào trong khu di tích. Cô hướng dẫn viên đưa chúng em đi thăm nhà lưu niệm. Những hiện vật vẫn còn đó, được lưu giữ rất cẩn thận. Sau vụ thảm sát ngày 16-3-1968 tại đây, 504 người dân vô tội đã ra đi, trong đó phần lớn là cụ già, phụ nữ và trẻ em. Cô hướng dẫn viên còn đưa chúng em ra thắp hương tại tượng đài – hình ảnh một người mẹ đang che chở cho nhũng đứa con khi cái chết cận kề. Ôi! Thật thương tâm: Chúng em không sao kìm được xúc động, căm thù. Em thầm nghĩ: Đây là một chứng tích phơi bày tội ác man rợ của quân hiếu chiến, cướp nước. Đấy là nơi tưởng niệm đồng bào vô tội đã bị tàn sát dã man trong chiến tranh. Chúng em đi thăm những căn hầm, những chiến hào đã từng che bom chắn đạn, thăm con mương cạn mà quân đội Mỹ đã dồn phụ nữ và trẻ em vào đó để xả súng bắn. Nghe kể lại, tất cả chúng em đều ghê rợn, kinh hoàng. Tận mắt chứng kiến những bức ảnh về vụ thảm sát do một người Mỹ có lương tâm chụp và công bố lá bằng chứng quan trọng, buộc tòa án Mỹ phải đem vụ thảm sát Sơn Mỹ ra xét xử.

Ba giờ đồng hồ trôi qua đoàn tham quan đã thăm viếng hết khu chứng tích, đã chứng kiến những cảnh thương tâm. Ai cũng muốn nói lên lời giã từ quá khứ đau thương, phẫn nộ chiến tranh và ước vọng hòa bình. Chúng em thành kính thắp những nén hương tưởng niệm trước lúc ra về.
 
Tạm biệt khu di tích Sơn Mỹ, chúng em ai nấy đều hiểu thêm lịch sử về quê hương, đất nước, con người. Chúng em mong sao thế giới này mãi mãi hòa bình.

Kể lại chuyến đi thăm di tích lịch sử – Bài làm số 4

Mùa hè năm nay, nhân dịp kỉ niệm 35 nặm giải phóng miền Nam, cơ quan bố có tổ chức một tua du lịch xuyên Việt. Điểm đến là Thành phố Hồ Chí Minh, nơi từng được coi là hòn ngọc Viễn Đông. Tôi được bố cho đi cùng.

Cho đến lúc này, kỉ niệm về lần tham quan đó vẫn còn nguyên vẹn trong kí ức của tôi. Chuyến đi thật thú vị. Đoàn đã đến Thảo Gầm Viên, khu đù lịch Suối Tiên, khách sạn Ca-ra-ven – nơi diễn ra những trận đánh lừng danh của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn,… Đặc biệt nhất là được tham quan dinh Độc lập, một di tích lịch sử nổi tiếng của đất nước, kể từ ngày giải phóng miền Nam 30 – 4 – 1975;

Suốt hành trình, tôi có tâm trạng háo hức, nôn nóng. Trong tưởng tượng của tôi dinh Độc lập cũng bí hiểm hệt như Tử Cấm Thành trong phim truyện Trung Quốc, hay cái gì đó đại loại như dinh Bảo Đại ở Đà Lạt vậy. Mong mỏi mãi rồi cuối cùng, đoàn chúng tôi cũng đã có mặt ở nơi đó. Trong cái nắng phương Nam óng vàng rực rỡ, Dinh Độc lập thật tráng lệ.

Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch trước 1945, tiền thân của dinh Độc lập là dinh Nô-rô-đôm, được xây dựng từ năm 1868, sau đó, nó lần lượt mang tên dinh Thống đốc, dinh Toàn quyền. Cho đến năm 1955, Ngô Đình Diệm đã đổi thành dinh Độc lập. Ngày 01 tháng 7 năm 1962, dinh mới được khởi công xây dựng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người đoạt giải tế Khôi nguyên La Mã, thiết kế. Phong cách kiến trúc có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại; vừa theo thuật phong thuỷ và kiến trúc phương Đông, vừa có sự tiếp nhận những tinh hoa kiến trúc phương Tây hiện đại. Do được đặt ở vị trí đầu rồng nên dinh Độc lập còn có tên gọi là Phủ Đầu rồng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dinh mang tên mới: dinh Thống nhất.

Dinh toạ lạc trong một khuôn viên rộng hàng chục hecta rợp mát bóng cây. Diện tích sử dụng của dinh Độc lập là 20.000 m2 với hơn 100 phòng được bày trí theo các phong cách khác nhau tùy theo mục đích sử dụng. Trong đó bao gồm các phòng khánh tiết, phòng họp hội đồng, phòng làm việc của Tổng thống và Phó Tổng thống, phòng trình quốc thư, phòng đại yến… Mặt tiền của dinh được trang trí cách điệu các đốt mành trúc theo phong cách kiến trúc Á Đông, vừa thanh nhặn, vừa chắc chắn.Trước cửa dinh có thảm cỏ xanh mượt hình ô van trông thật mát mắt.

Nơi khuôn viên trước dinh có chiếc máy bay F5E do trung úy phi công Nguyễn Thành Trung điều khiển đã dội bom xuống dinh Độc lập vào 8 giờ sáng ngày 8 tháng 4 năm 1975. Sự kiện này đã khiến cho Tổng thống Thiệu lúc ấy vô cùng hoảng loạn. Ớ đó còn trưng bày hai chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và số hiệu 390 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 anh hùng. Lúc 10 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử, chiếc xe tăng 843 đã húc nghiêng cổng phụ của dinh Độc lập. Tiếp đó, xe tăng 390 húc  tung cổng chính, tiến thẳng vào dinh. 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc đinh Độc lập. Tổng thống Dương Văn Minh, người thay thế Nguyễn Văn Thiệu, đã đầu hàng vô điều kiện. Sự kiện này đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, kết thúc 30 năm chiến tranh, mở ra kỉ nguyên độc lập thống nhất cho Tổ quốc. Ai nấy đều chụp ảnh kỉ niệm bên hại chiếc xe tăng lịch sử. Tôi còn táo bạo leo lên tháp pháo của chiếc xe tăng 843 lừng tiếng để chụp ảnh! (Chắc là thấy tôi còn nhỏ, không biết lệnh cấm nên các chú trong khu di tích đã miễn tội, chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng!)

Mỗi hiện vật trong dinh đã làm sống lại không khí rực lửa của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, giúp mọi người được hoà nhập vào thời khắc thiêng liêng của lịch sử và không khỏi tự hào trước những chiến công vang dội của các chiến sĩ quân Giải phóng anh hùng.

Sau khi tham quan hầu hết các phòng ở tầng một, tầng hai, tầng ba, xem dấu vết cuộc oanh kích, bằng máỵ bay của trung úy Nguyễn Thành Trung trên sân thượng củạ dinh, chúng tôi xuống hầm ngầm cố thủ nằm sâu trong lòng đất của Tổng thống Thiệu. Tường hầm được thiết kế bằng thép, dày tới 1,2 mét, chống được bom tấn. Xem ra nhà thiết kế đã tính đến những phương án xấu nhất có thể xảy ra trong chiến tranh. Nhưng điều đó cũng không thể nào cứu vãn được sự sụp đổ tất yếu của chính quyền Sài Gòn cũ. Ngắm nhìn các hiện vật, tôi tưởng tượng ra những ngày Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu mặc sức làm mưa làm gió, hình dung sự thảm bại của chế độ Mĩ – Ngụy trước bão táp của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Tôi hiểu rằng chiến thắng của dân tộc là chiến thắng của khát vọng độc lập tự do, của lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo…

Rời dinh Độc lập trong cảm giác bâng khuâng, bồi hồi, tôi biết rằng phải rất lâu sau này mới có dịp trở lại nơi đây. Có thể, theo thời gian, mọi thứ sẽ đổi thay. Nhưng những gì tội dã thấy, đã nghe và cảm nhận sẽ còn lại trong tâm tưởng của tôi mãi mãi mới mẻ, rực rỡ như sắc nắng của Sài Gòn buổi trưa hè ấy!

Hồng Loan tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm:

  • bài văn kể chuyến đi di tích lịch sử
  • kể về một cuộc đu thăm di tích lịch sử

Bài viết liên quan

  • Phân tích tác phẩm Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) – Văn hay lớp 8
  • Phân tích tác phẩm Phú sông Bạch Đằng (Trương Hán Siêu) – Văn hay lớp 10
  • Phân tích tác phẩm Tương tư (Nguyễn Bính) – Văn hay lớp 11
  • Phát biểu cảm nghĩ về truyện Cây bút thần – Văn hay lớp 6
  • Kể lại nội dung Bài ca nhà tranh bị gió thu phá – Văn hay lớp 7
  • Phân tích tác phẩm Hầu trời (Tản Đà) – Văn hay lớp 11
  • Phân tích tác phẩm Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh – Văn hay lớp 9
  • Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Nhân bất học bất tri lý – Văn hay lớp 12
0