Kể lại bài thơ Đêm nay bác không ngủ
Đánh giá bài viết Đề bài: Kể lại bài thơ đêm nay bác không ngủ. Mùa thu năm 1950, Đảng và Chính phủ ta mở chiến dịch Biên giới (hay còn gọi chiến dịch Cao – Bắc – Lạng) nhằm phá vỡ phòng tuyến của thực dân Pháp xâm lược, giải phóng căn cứ Việt Bắc và mở đường liên lạc với các quốc gia anh em như ...
Đánh giá bài viết Đề bài: Kể lại bài thơ đêm nay bác không ngủ. Mùa thu năm 1950, Đảng và Chính phủ ta mở chiến dịch Biên giới (hay còn gọi chiến dịch Cao – Bắc – Lạng) nhằm phá vỡ phòng tuyến của thực dân Pháp xâm lược, giải phóng căn cứ Việt Bắc và mở đường liên lạc với các quốc gia anh em như Liên Xô, Trung Quốc… Trước khi chiến dịch ...
Đề bài: Kể lại bài thơ đêm nay bác không ngủ.
Mùa thu năm 1950, Đảng và Chính phủ ta mở chiến dịch Biên giới (hay còn gọi chiến dịch Cao – Bắc – Lạng) nhằm phá vỡ phòng tuyến của thực dân Pháp xâm lược, giải phóng căn cứ Việt Bắc và mở đường liên lạc với các quốc gia anh em như Liên Xô, Trung Quốc…
Trước khi chiến dịch mở màn, Bác đến thăm đơn vị tôi đang đóng quân và nghỉ lại. Trời lạnh, đêm mưa, tôi cùng những người đồng đội của mình nằm quây quần bên Bác. Nhưng khi chợt tỉnh giấc, tôi giật mình vì Bác vẫn còn thức.
Cảnh vật ngoài trời tối đen như mực, giữa bốn bề không gian tĩnh lặng của màn đêm, tiếng giọt mưa rơi tí tách nghe thật rõ ràng, vang vọng, như tiếng kim giây của chiếc đồng hồ đang chạy thật đều. Những người đồng đội của tôi đang say giấc sau ngày hành quân vất vả, còn tôi lại lặng lẽ ngắm nhìn người Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Lúc này trời đã về khuya, trong căn lán tranh nhỏ liêu xiêu, Bác ngồi bó gối bên đống lửa, nét mặt trầm ngâm dường như có nhiều điều cần suy nghĩ, những vết nhăn trên vầng trán cao rộng của bác lại càng hằn sâu hơn.
Bác khơi bếp lửa cháy bùng lên, cho hơi ấm lan tỏa khắp căn lều dã chiến. Rồi bỗng nhiên bác đứng dậy, nhón chân nhẹ nhàng tiến đến phản nằm, dém chăn cho từng chiến sĩ. Hình ảnh Bác chăm lo cho những người chiến sĩ của mình khiến tôi chợt liên tưởng tới người Cha già tóc bạc, chăm sóc cho đàn con thơ.
Từng cử chỉ ân cần của Bác đều khiến tôi cảm động, trong lòng trào dâng tình cảm thương yêu và biết ơn vô bờ bến. Tình thương của Bác với những người chiến sĩ như chúng tôi còn ấm áp hơn cả ngọn lửa đang cháy bập bùng kia. Tôi, một người chiến sĩ sắp ra trận đối mặt với sinh tử, cảm thấy như tự tin hơn, vững bước hơn vì được che trở trong tình yêu bao la của Bác.
Tôi thì thầm hỏi nhỏ:
– Thưa Bác, sao Bác vẫn còn chưa ngủ ạ?
Bác có lạnh lắm không?
Bác ân cần nhìn tôi và khuyên nhủ:
– Chú cứ việc ngủ ngon, ngày mai mới có sức đánh giặc.
Tôi vâng lời Bác, nhắm mắt đi ngủ nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm không yên, Bác đã cao tuổi như thế rồi, không nghỉ ngơi làm sao chịu được?
Lần thứ ba tỉnh giấc, trời đã gần sáng, tôi giật mình khi Bác vẫn còn ngồi đó, đôi mắt nặng trĩu suy tư nhìn ngọn lửa hồng không rời mắt. Không thể kìm lòng, tôi nằng nặc nói với Bác:
– Thưa Bác! Trời đã gần sáng rồi, xin Bác ngủ một chút để giữ sức khỏe, kháng chiến còn dài, còn cần Bác chỉ đạo ạ!
Bác cất giọng trầm ấm bảo tôi:
– Chú cứ việc ngủ ngon, mặc Bác. Bác không ngủ được, Bác lo đoàn dân công ngủ ngoài rừng bị ướt, không có chiếu cũng chẳng có chăn. Chỉ mong sao trời mau sáng.
Nghe Bác nói, tôi càng thêm yêu và kính trọng Bác hơn. Bác lo cho từng miếng ăn giấc ngủ của từng người chiến sĩ với tất cả tấm lòng yêu thương nồng đượm, như cha, như mẹ lo cho những đứa con ruột thịt của mình.
Trong lòng tôi dâng lên một niềm tự hào, vui sướng lớn lao, vì được là một chiến sĩ cứu quốc, chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc dưới ngọn cờ vinh quang của Bác, của Đảng.
Tôi ra khỏi chăn, bước đến ngồi bên bếp lửa, cùng Bác thức chờ trời sáng. Những ngọn lửa hồng như hiểu được lòng Bác, lòng tôi nên nhảy múa không ngừng. Có lẽ chúng đang muốn báo hiệu một thắng lợi vẻ vang ngay trước mắt của toàn quân, toàn dân trong cuộc chiến bảo vệ non sông, gấm vóc Vua Hùng.