10/05/2018, 23:45

Hướng dẫn tối ưu hóa cho game Metal Gear Solid V: The Phantom Pain với laptop ROG GL552JX

Metal Gear Solid V: The Phantom Pain, một tựa game offline đỉnh cao mà trước khi rời khỏi Konami, nhà làm game huyền thoại Hideo Kojima dành cho game thủ đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc tuyệt vời về cốt truyện lẫn cơ chế gameplay và đồ họa đỉnh cao sử dụng engine đồ họa Fox Engine. Có thể nói tựa ...

Metal Gear Solid V: The Phantom Pain, một tựa game offline đỉnh cao mà trước khi rời khỏi Konami, nhà làm game huyền thoại Hideo Kojima dành cho game thủ đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc tuyệt vời về cốt truyện lẫn cơ chế gameplay và đồ họa đỉnh cao sử dụng engine đồ họa Fox Engine. Có thể nói tựa game này gần như chắc chắn sẽ dành vị trí game hành động hay nhất năm trên các tạp chí game danh tiếng trên thế giới với số điểm đánh giá gần như 10 điểm tuyệt đối.






Điểm đặc biệt ở game này là dù sở hữu nền tảng đồ họa gần như là đẹp nhất trong số các game hành động hiện nay nhưng được Kojima và các đồng sự tối ưu hóa rất xuất sắc, giúp cho nhiều game thủ vẫn có thể trải nghiệm đồ họa đỉnh chỉ với nền tảng hệ thống trung bình khá. Tuy nhiên, đó là chuyện chỉ xảy ra trên máy bàn, vậy còn laptop thì sao? Đặc biệt là với các game thủ đang sở hữu chiếc laptop chơi game giá rẻ của ASUS có mã model là ROG GL552JX có tầm giá dưới 22 triệu đồng (Tham khảo tại trang bán hàng Laptopno1).






Hôm nay tôi sẽ có bài hướng dẫn các bạn cách tối ưu hóa hiệu năng chơi game MGSV: The Phantom Pain sử dụng laptop ROG GL552JX. Lưu ý bài viết này được thực hiện trên phiên bản laptop sử dụng vi xử lý Intel Core i7-4720HQ, phiên bản còn lại là i5-4200H thì có thể áp dụng một vài tweak trong bài viết này nhưng chỉ mang tính tham khảo vì có thể chúng không hiệu quả so với phiên bản chip Core i7.


Đầu tiên tôi sẽ post cấu hình của chiếc máy tôi đang sử dụng để làm đối tượng thực nghiệm là GL552JX.





Như các bạn thấy đấy, tôi sử dụng bản i7-4720HQ cho bài này để đảm bảo hiệu năng Metal Gear Solid V: The Phantom Pain tốt nhất có thể, nhưng cũng đừng vì thế mà các bạn nào sở hữu bản i5-4200H buồn, vì thực tế phần lớn các tweak trong bài viết này ứng dụng trên GPU (tức card đồ họa) nhiều hơn so với CPU. Các bạn i5 có thể yên tâm phần nào.


Có lẽ các bạn đang tự hỏi, máy này dùng card đồ họa GTX 950M của NVIDIA. Vậy thì sao không dùng ứng dụng chính chủ NVIDIA GeForce Experience để phần mềm tự tối ưu hóa luôn cho rồi? Thực ra thì các bạn dùng GE để tối ưu game cũng được thôi, nhưng vấn đề ở đây là những gợi ý tối ưu của GE hầu hết được lấy ý kiến từ nhiều game thủ trên thế giới với nhiều loại phần cứng cũng như phần mềm khác nhau. Nó có thể đúng với người này và sai với người kia, do phần cứng máy tính không có sự đồng nhất như máy chơi game console PS4 hay Xbox One. Hay nói cách khác, cấu hình máy của mỗi người là khác nhau, vì thế những gợi ý của GE chỉ mang tính tham khảo mà thôi.






Đến đây chắc chắn sẽ có người đặt vấn đề: Nếu GE đã tối ưu các thiết lập cho game này nhưng liệu đấy có là những gì tốt nhất mà laptop chơi game của tôi đã có thể đáp ứng? Để trả lời cho câu hỏi này thì tôi sẽ có hỏi ngược bạn 2 câu hỏi:
  • Bạn có chấp nhận hạ độ phân giải chơi game xuống (mặc định của GL552JX là 1920x1080) và thiết lập các thông số cấu hình game lên cao?
  • Hay bạn có thể giữ nguyên độ phân giải mặc định và thiết lập lại cấu hình tối ưu của GE cho riêng mình để có trải nghiệm tốt nhất?

Trong phạm vi của bài viết này, tôi sẽ chọn hướng thứ nhì vì trước nhất tôi không phải là người dễ tính và tôi thích trải nghiệm game đẹp ở độ phân giải cao. Do đó hướng đi thứ nhất đã không còn phù hợp vì theo tôi được biết rất ít người chịu hạ độ phân giải xuống để chơi game trên laptop, một phần do màn hình laptop nhỏ khi hạ độ phân giải xuống dưới mức mặc định, hình ảnh sẽ bị hiện tượng nhòe và mờ, rất khó chịu khi ngồi ở khoảng cách gần. Nói vậy nhưng hướng đi thứ nhất sẽ là hướng được nhiều game thủ PC chọn vì màn hình họ to và khi chơi game những đối tượng này thường ngồi xa màn hình hơn là game thủ laptop. Vì thế mà game thủ PC rất ít khi để ý những chi tiết mờ nhỏ nhặt, trong khi game thủ laptop lại thấy rất rõ những điểm này.


Sau đây là từng bước tối ưu hóa game Metal Gear Solid V: The Phantom Pain trên laptop chơi game ROG GL552JX đã được tôi thử nghiệm trong suốt những ngày qua.


1 - Sử dụng hệ điều hành Windows bản quyền


Đây là điều hiển nhiên bạn cần phải làm để hạn chế tình trạng lỗi có thể xảy ra trong quá trình chơi game, với mẫu GL552JX của tôi thì khi mua về không cài sẵn Windows. Nhưng tôi đã có bản quyền Windows 8.1 Pro nên sẽ an tâm hơn về hệ thống khi chơi game so với các bản bẻ khóa bản quyền Windows.





2 - Cài đặt đầy đủ driver và các phần mềm cần thiết


Tiếp tục là một điều cần phải làm sau khi bạn cài đặt Windows xong cho chiếc máy chơi game của mình. Bạn có thể vào trang hỗ trợ của ASUS để tải về driver mới nhất cho chiếc laptop của mình.





Ngoài ra, để game có thể chạy được mà không bị lỗi vặt, bạn cần cài thêm các phần mềm sau của Microsoft:
  • Microsoft Visual C++ 2005 SP1, 2008 SP1, 2010, 2013 (cả hai bản x86 và x64)
  • Microsoft dotNet Framework 3.5 SP1, 4.0, 4.5
  • Microsoft DirectX EndUser Runtime June 2010

Các phần mềm trên thông thường sẽ được cài đặt khi bạn sử dụng chức năng Windows Update, nhưng bạn phải tick thêm vào phần đóng khung đỏ trong mục Change your Windows Update settings.





Về driver card đồ họa NVIDIA GTX 950M bạn vào trang chủ NVIDIA để tải về bản mới nhất và cài đặt. Hiện tại ở thời điểm bài viết này thì tôi đang dùng driver 358.91 WHQL mới nhất của NVIDIA.





3 - Chuyển sang chế độ sử dụng High Performance và cắm sạc cho laptop


Bạn không muốn mất hứng khi máy đột ngột hết pin hay hiệu năng game bị giảm sút liên tục? Bạn nên chuyển chế độ sử dụng High Performnace và cắm sạc cho laptop nhé.





4 - Sở hữu bản quyền game Metal Gear Solid V: The Phantom Pain


Hiện game đã bị bẻ khóa bởi nhóm chuyên làm việc này là 3DM. Tuy nhiên do game sử dụng cơ chế bảo vệ Denuvo rất mạnh thường được sử dụng ở các tựa game lớn, vì vậy mà game phiên bản bẻ khóa có hiệu năng chơi game rất tệ thậm chí là không thể chơi được vì những lỗi lớn xuất hiện với tần suất rất dày đặc. Vì thế, bạn nên sở hữu cho mình bản quyền của siêu phẩm hành động này. Hiện hệ thống bán lẻ Steam đang bán Metal Gear Solid V: The Phantom Pain với giá $60 chưa kèm theo nội dung phụ tải về (DLC). Một cái giá khá cao, tuy nhiên bạn có thể liên hệ các thương gia Việt Nam để mua game với giá rẻ hơn Steam như KeyGamePC, Hungwar, RainyGame...





5 - Cài đặt Fraps


Ứng dụng này dùng để theo dõi số khung hình trên giây (FPS) trong game. Bạn hãy cài đặt Fraps để giám sát số FPS trên màn hình để có những tinh chỉnh cấu hình kịp thời để duy trì số FPS lý tưởng (Với game này, số FPS lý tưởng là 60). Bạn có thể tải về phần mềm tại đây.





6 - Tham khảo và tìm hiểu ý nghĩa các thông số cấu hình của Metal Gear Solid V: The Phantom Pain


Đây là hình ảnh các thông số mà chúng ta sắp phải tinh chỉnh để có được hiệu năng chơi game tốt nhất và ý nghĩa của chúng.






  • Windows Mode: có 3 tùy chọn là Borderless Fullscreen, Fullscreen và Window. Borderless Fullscreen dành cho hệ thống chơi game có 2 màn hình trở lên, Fullscreen dành cho 1 màn hình và Window là chế độ cửa sổ.
  • Display: thiết lập màn hình làm màn hình chính nếu có từ 2 màn hình trở lên.
  • Vertical Sync: chế độ quét hình chiều dọc, giúp hình ảnh không bị xé khi xoay camera.
  • Frame Rate: thiết lập số khung hình trên giây (FPS) tối đa cho game, chỉ có 2 mức là 30 FPS Lock và Auto.
  • Motion Blur: thiết lập chế độ mờ chuyển động, thường thấy ở những pha hành động nhanh, có 3 mức OFF, Low, High.
  • Depth of Field: bật tắt độ sâu trường ảnh (DOF).
  • Model Detail: thiết lập độ chi tiết các vật thể và môi trường, có 4 mức Low, Medium, High, Extra High.
  • Texture: mật độ phủ vân bề mặt trên các vật thể và môi trường, có 4 mức Low, Medium, High, Extra High.
  • Texture Filtering: mức độ lọc vân bề mặt trên các vật thể và môi trường, có 3 mức Medium, High, Extra High.
  • Shadows: độ chi tiết của bóng đổ, có 4 mức Low, Medium, High và Extra High.
  • Lighting: hiệu ứng ánh sáng, có 3 mức Low, High, Extra High.
  • Post Processing: mức độ hậu xử lý hình ảnh liên quan trực tiếp đến khả năng khử răng cưa ảnh, có 4 mức OFF, Low, High, Extra High.
  • Effects: hiệu ứng hình ảnh, có 3 mức Low, High, Extra High.
  • Ambient Occlusion: mức độ phủ bóng khi ánh sáng đi qua 2 vật thể, có 3 mức OFF, High, Extra High.
  • Volumetric Clouds: bật tắt mức độ mây phủ trên bầu trời.

Ở các thông số trên, tôi chỉ đặc biệt quan tâm đến các thông số sau vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu năng chơi game:
  • Depth of Field: độ sâu trường ảnh, chế độ này rất thích hợp cho các game thủ thích sự nghệ thuật trong các đoạn phim cắt cảnh, tuy nhiên cái giá phải trả là rất lớn vì FPS sẽ sụt giảm ít nhất là 5 khung hình.

Xem chi tiết tại đây: international.download.nvidia.com/geforce-com/international/comparisons/metal-gear-solid-v-ground-zeroes/metal-gear-solid-v-ground-zeroes-screen-filtering-depth-of-field-cut-scenes-comparison-2-pc-vs-playstation-4-2.html
  • Model Detail: độ chi tiết vật thể và môi trường, trong ví dụ dưới đây nếu bạn nhìn vào phần cây cối ở khoảng cách xa sẽ thấy điểm khác biệt rất rõ ở mức Low và High. Độ ảnh hưởng hiệu năng của thông số này khá nhỏ, tuy nhiên nếu để mức Low thì khi chơi game bạn sẽ gặp hiệu ứng fade in/fade out (hình ảnh vật thể lúc hiện lúc không) gây ảnh hưởng khá lớn đến trải nghiệm chơi game.

Xem chi tiết tại đây: international.download.nvidia.com/geforce-com/international/comparisons/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain-model-detail-interactive-comparison-1-high-vs-low.html
  • Texture: mật độ phủ vân bề mặt trên các vật thể và môi trường, thể hiện rất rõ ở phần chi tiết vân trên hàng rào gỗ ở mức Low và High. Thông số này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào dung lượng VRAM của card đồ họa.

Xem chi tiết tại đây: international.download.nvidia.com/geforce-com/international/comparisons/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain-texture-quality-interactive-comparison-1-high-vs-low.html
  • Texture Filtering: mức độ lọc vân bề mặt trên các vật thể và môi trường, đây là một thông số rất khó để nhận biết khi thiết lập giữa Extra High và Medium. Ở ví dụ dưới đây là hình ảnh thấy tương đối rõ về Texture Filtering.

Ví dụ 1: international.download.nvidia.com/geforce-com/international/comparisons/metal-gear-solid-v-ground-zeroes/metal-gear-solid-v-ground-zeroes-texture-filtering-comparison-1-extra-high-vs-medium.html


Phần vân bề mặt đất ở ví dụ 1 thể hiện rõ nét ở mức Extra High còn Medium không được nét bằng. Tuy nhiên, ở ví dụ 2 dưới đây thì gần như tôi không thể nhìn ra được sự khác biệt nào giữa Extra High và Medium.


Ví dụ 2: international.download.nvidia.com/geforce-com/international/comparisons/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain-texture-filtering-interactive-comparison-1-extra-high-vs-medium.html


Texture Filtering ảnh hưởng khá ít ỏi đến hiệu năng của game và khá nhiều người chỉnh Extra High cho mục này.
  • Shadows: độ chi tiết của bóng đổ, thông số này càng chỉnh lên cao thì hiệu năng giảm không ít nhưng bù lại chất lượng bóng đổ rất thực và đẹp. Dưới đây là hình ảnh đổ bóng mức High và Low.

Xem chi tiết tại đây: international.download.nvidia.com/geforce-com/international/comparisons/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain-shadow-quality-interactive-comparison-1-high-vs-low.html
  • Lighting: hiệu ứng ánh sáng, ngược lại với bóng đổ, Lighting lại không ảnh hưởng đến nhiều đến hiệu năng và ở ví dụ dưới đây sẽ cho thấy sự khác biệt rất quan trọng của ánh sáng trong trải nghiệm chơi game giữa mức Low và Extra High.

Xem chi tiết tại đây: international.download.nvidia.com/geforce-com/international/comparisons/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain-lighting-quality-interactive-comparison-4-extra-high-vs-low.html
  • Post Processing: mức độ hậu xử lý hình ảnh, như đã nói trước đó, thông số này ảnh hưởng đến khả năng khử răng cưa hình ảnh, do đó có thể nói đây là thông số ảnh hưởng nặng nề nhất đến số FPS trung bình khi chơi game. Sau đây là hình ảnh so sánh giữa mức OFF và High, hãy chú ý đến 2 ánh đèn phía tay trái để thấy rõ sự khác biệt.

Xem chi tiết tại đây: international.download.nvidia.com/geforce-com/international/comparisons/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain-post-processing-interactive-comparison-1-high-vs-off.html
  • Effects: số lượng hiệu ứng hình ảnh xuất hiện trên game, thông số này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu năng chơi game. Dưới đây là hình ảnh so sánh giữa mức Low và Extra High, để ý kỹ phần tia lửa từ súng cũng như phần cát tung bay dưới đất.

Xem chi tiết tại đây: international.download.nvidia.com/geforce-com/international/comparisons/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain-effects-interactive-comparison-1-extra-high-vs-low.html
  • Ambient Occlusion: mức độ phủ bóng khi ánh sáng đi qua 2 vật thể, AO ảnh hưởng khá ít đến hiệu năng và độ khác biệt giữa Extra High và OFF ở hình ảnh dưới đây thể hiện rõ nét ở phần bóng ở 2 can nước trên kệ đựng bên phía trái của ảnh.

Xem chi tiết tại đây: international.download.nvidia.com/geforce-com/international/comparisons/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain-ambient-occlusion-interactive-comparison-3-extra-high-vs-off.html
  • Volumetric Clouds: bật tắt mức độ mây phủ trên bầu trời. Đây cũng là một thông số ảnh hưởng khá nặng đến hiệu năng nhưng vẫn chưa thể so sánh với hiệu ứng bóng đổ.

Xem chi tiết tại đây: international.download.nvidia.com/geforce-com/international/comparisons/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain/metal-gear-solid-v-the-phantom-pain-volumetric-clouds-interactive-comparison-1-on-vs-off.html


7 - Trải nghiệm chơi game và so sánh hình ảnh với thiết lập của GE và bản thân


Điều khá lạ là GE của NVIDIA không thể quét ra thiết lập hiện thời trên máy GL552JX của tôi nên tôi phải thiết lập các thông số hình ảnh trong game bằng tay.




Sau đây là hình ảnh thông số sau khi đã được tôi thiết lập bằng tay xong.






Với các thông số được GE cho là tối ưu cho chiếc GL552JX thì tôi sẽ thử nghiệm các thông số này ở 2 màn chơi được cho là lý tưởng để test đó là Mission 1: The Phantom LimbsMission 31: Sahelanthropus.


Mission 1: The Phantom Limb là một màn chơi hội đủ mọi yếu tố để thử nghiệm bao gồm thời tiết, khung cảnh môi trường, ánh sáng ban ngày và đêm... Và để có thể xử lý tốt hình ảnh để trải nghiệm game hiệu quả buộc chúng ta phải điều chỉnh các thông số sao cho phù hợp với cấu hình laptop.






Tôi sẽ dùng Fraps để đo số khung hình trung bình từ lúc cắt cảnh đầu nhiệm vụ cho tới khi kết thúc nhiệm vụ. Sau đây là kết quả benchmark với thông số cấu hình do GE tối ưu:


Mã:
Frames: 40369 - Time: 765687ms - Avg: 52.723 - Min: 32 - Max: 62




Như bạn đã thấy, với card đồ họa khá yếu như GTX 950M rất khó để có giữ mức FPS trung bình 60, do đó với GE thì mức FPS trung bình gần 53 cũng là một con số tạm chấp nhận được, ít nhất là nó không lọt xuống mức 40 là mức khó chấp nhận với một tựa game hành động góc nhìn thứ ba.


Tiếp theo sẽ là Mission 31: Sahelanthropus. Đây là một màn chơi chủ yếu tập trung vào các hiệu ứng khói lửa, súng ống là yếu tố rất khó để giữ mức FPS trung bình 50-60 để trải nghiệm game một cách tốt nhất.






Theo phần mềm Fraps đo được thì kết quả FPS trung bình cho ra khá tốt ở mức 55 FPS.


Mã:
Frames: 16256 - Time: 293078ms - Avg: 55.466 - Min: 34 - Max: 61




Nhìn chung GE đã tối ưu rất tốt cho chiếc laptop GL552JX của tôi, nhưng liệu đó có phải là tất cả những gì mà chiếc GL552JX này đã làm được? Sau đây là thông số cấu hình mà tôi đã tinh chỉnh dựa trên GE để đạt được mục tiêu hình ảnh đẹp hơn lẫn hiệu năng tốt hơn.






So với GE, tôi thay đổi vài thông số như sau:
  • Model Detail: High thay vì Medium, tại sao phải hy sinh độ chi tiết của vật thể và môi trường để có mức FPS cao hơn trong khi thông số này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm chơi game nhất là lỗi vật thể fade in/fade out rất khó chịu.


  • Texture Filtering: Medium thay vì High, thông số này thực tế rất khó thấy sự khác biệt khi chơi game cũng như không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm chơi game, do đó tôi hạ xuống Medium để dành tài nguyên card đồ họa cho thông số khác xứng đáng hơn.


  • Lighting: High thay vì Extra High, thực ra bạn để Extra High cũng được do hiệu ứng này khá nhẹ nhàng. Tuy nhiên tôi muốn để dành tài nguyên cho thông số khác nên sẽ xuống mức High. Hơn nữa, trên thực tế chơi game, High hay Extra High không có quá nhiều điểm khác biệt về hình ảnh ảnh hưởng đến trải nghiệm chơi game.


  • Post Processing: OFF thay vì Low, thực tế khi chơi game tôi để ý khả năng khử răng cưa mức Low và OFF gần như tương đồng nhau về mặt hình ảnh. Vì thế không có lý do gì mà tôi phải hy sinh hiệu năng cho khả năng khử răng cưa Low gần như bằng không cả. Vì thế OFF sẽ là lựa chọn khôn ngoan hơn.


  • Effects: Low thay vì High, tiếp tục là một hiệu ứng làm giảm hiệu năng không đáng nữa nếu bạn là người yêu chuộng hiệu năng chơi game và tập trung vào nhiệm vụ. Trừ khi bạn là người thích xem phim Hollywood, riêng tôi thì không.


  • Volumetric Clouds: ON thay vì OFF, môi trường là yếu tố ghi điểm hàng đầu của tựa game này, và hiệu ứng mây cũng không phải ngoại lệ. Nhưng để có bầu trời mây trung thực nhất có thể thì bạn phải hy sinh không ít số FPS trung bình. Đó là lý do tôi giảm bớt các thông số phía trên dành cho hiệu ứng này.



Sau khi thiết lập và test lại 2 màn chơi trên thì số FPS trung bình của cả 2 màn đều cao hơn khoảng 2-3 FPS.
  • Mission 1: Phantom Limbs

Mã:
Frames: 45005 - Time: 830218ms - Avg: 54.209 - Min: 32 - Max: 62


  • Mission 31: Sahelanthropus

Mã:
Frames: 21934 - Time: 324309ms - Avg: 57.199 - Min: 38 - Max: 62




Thế là bài hướng dẫn tối ưu hóa hiệu năng chơi game Metal Gear Solid V: The Phantom Pain của tôi đã xong. Bạn nào đang sử dụng laptop này phiên bản i5 có thể thử nghiệm các tweak trong bài này để test xem hiệu năng thế nào. Nếu không khả quan có thể hạ mỗi thông số xuống một chút để có trải nghiệm tốt hơn.
0