14/01/2018, 00:54

Hướng dẫn thủ tục đăng kí khai sinh có yếu tố nước ngoài

Hướng dẫn thủ tục đăng kí khai sinh có yếu tố nước ngoài Thủ tục đăng kí khai sinh Thủ tục đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài Người nước ngoài đến Việt nam nhập cư, làm ăn sinh sống lâu dài, kết hôn ...

Hướng dẫn thủ tục đăng kí khai sinh có yếu tố nước ngoài

Thủ tục đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài

Người nước ngoài đến Việt nam nhập cư, làm ăn sinh sống lâu dài, kết hôn và lập gia đình, sinh con đẻ cái ở Việt Nam là một xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. Do đó nhu cầu về thực hiện các thủ tục pháp lí có yếu tố nước ngoài càng gia tăng, trong đó có vấn đề đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài.

Trình tự thực hiện:

  • Người đi đăng ký khai sinh nộp hồ sơ đăng ký khai sinh tại Sở Tư pháp tỉnh/thành phố;
  • Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh/thành phố ký và cấp một bản chính Giấy khai sinh cho người đi khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.

Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Sở Tư pháp kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.

Cách thức thực hiện

  • Trực tiếp nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp tỉnh/thành phố hoặc có thể ủy quyền cho người thứ ba nộp hồ sơ thay.

Hồ sơ:

* Thành phần hồ sơ:

  • Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu);
  • Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) hoặc giấy tờ thay cho Giấy chứng sinh như: Văn bản xác nhận của người làm chứng trong trường hợp sinh ra ở ngoài cơ sở y tế. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực;
  • Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ (nếu có đăng ký kết hôn);
  • Giấy thoả thuận về chọn quốc tịch cho con (nếu cha.mẹ lựa chọn quốc tịch nước ngoài cho con); Giấy thoả thuận về việc chọn quốc tịch phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài là công dân về việc chọn quốc tịch cho con là phù hợp với pháp luật của nước đó.

Các giấy tờ trong thành phần hồ sơ là bản sao: có thể là bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.

* Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

Thời giạn giải quyết

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ; trong trường hợp cần xác minh, thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

Cơ quan thực hiện TTHC

  • Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Sở Tư pháp tỉnh/thành phố;
  • Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Sở Tư pháp tỉnh/thành phố;

Đối tượng thực hiện TTHC: Cá nhân.

Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai

  • TP/HT-2012-TKKS.1: Tờ khai đăng ký khai sinh

(Thông tư số 05/2012/TT-BTP ngày 23 tháng 5 năm 2012 của Bộ Tư pháp).

Phí, lệ phí: Không thu.

Kết quả của việc thực hiện TTHC: Giấy khai sinh.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC

- Trong trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài; nếu cha, mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con, thì cũng phải có thỏa thuận bằng văn bản của cha, mẹ theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam; trường hợp không có thỏa thuận của cha, mẹ về việc lựa chọn quốc tịch cho con (vì lý do cha, mẹ không liên hệ được với nhau), thì quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam theo quốc tịch của người cha hoặc người mẹ là công dân Việt Nam.

- Đối với trẻ em sinh ra ở nước ngoài mà chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Trẻ em có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, còn người kia là công dân Việt Nam; cha và mẹ có đăng ký kết hôn;
  • Trẻ em về nước cư trú.
  • Khi đăng ký khai sinh, người đi khai sinh phải cam đoan về việc trẻ em đó chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài.

(Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP)

Căn cứ pháp lý của TTHC

Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ;

Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực;

Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP;

Thông tư 08.a/2010/TT-BTP ngày 25/3/2010 của Bộ Tư pháp ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch;

Thông tư số 05/2012/TT-BTP ngày 23 tháng 5 năm 2012 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch;

Thông tư số 09b/2013/TT-BTP ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP ngày 25 tháng 3 năm 2013 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch và Thông tư số 05/2012/TT-BTP ngày 23 tháng 5 năm 2012 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP.

*Ghi chú: "Phần chữ in nghiêng là nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế".

0