22/07/2018, 21:59

Hosting là gì, tìm hiểu khái niệm web Hosting để lưu trữ website

Hosting là gì, giải thích khái niệm web hosting là gì và tìm hiểu dịch vụ lưu trữ, chia sẻ website cũng như cách nhận biết, phân loại các gói hosting phổ biến hiện nay. Chúng ta biết rằng Internet là môi trường giúp chúng ta kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau, trong đó website là hình thức phổ biến ...

Hosting là gì, giải thích khái niệm web hosting là gì và tìm hiểu dịch vụ lưu trữ, chia sẻ website cũng như cách nhận biết, phân loại các gói hosting phổ biến hiện nay. Chúng ta biết rằng Internet là môi trường giúp chúng ta kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau, trong đó website là hình thức phổ biến cho những hoạt động này. Nhưng liệu bạn có tự đặt câu hỏi là tại sao lúc nào mình truy cập vào website cũng được, và liệu dữ liệu của nó được lưu trữ ở đâu, chúng sử dụng các công nghệ gì để kết nối.

Hosting là gì

Trên thực tế, dữ liệu website của bạn phải được lưu trữ trên một máy tính vật lý đặt ở đâu đó. Nó phải được cắm điện, kết nối internet 24/7 và cài đặt các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ cho việc truy cập của người dùng, nó gọi là Web hosting hay Web server. Bạn cũng có thể biến máy tính của mình thành hosting, nhưng liệu PC của bạn có đủ “trâu bò” để hoạt động liên tục cả ngày, cả tháng hay không, rồi liệu khi mất điện, mất internet thì sao. Bởi vậy mới sinh ra dịch vụ cung cấp web hosting chuyên nghiệp, và bạn chỉ việc thuê một server rồi cài đặt website, tải dữ liệu lên thôi.

Hosting là gì?



Web hosting là không gian trên máy chủ có cài đặt các dịch vụ Internet như world wide web (www), truyền file FTP, Mail … mà bạn có thể lưu trữ dữ liệu website lên đó. Nói nôm na dễ hiểu, Hosting là dạng máy tính chuyên biệt để lưu trữ nội dung website và thực hiện các hoạt động để kết nối người dùng với các dịch vụ trên đó.

Như vậy, Hosting vừa là không gian để chứa files, dữ liệu, nội dung của một website, lại vừa là nơi diễn ra tất cả các hoạt động giao dịch, trao đổi thông tin giữa website và người dùng Internet.

Thường thì chúng ta đi thuê Web Hosting, nếu đủ giàu thì sẽ tự xây dựng hệ thống Web Hosting riêng. Lý do chúng ta phải dùng web Hosting là vì địa chỉ máy chủ (địa chỉ IP) của chúng luôn cố định, thêm nữa mạng và điện luôn hoạt động, máy “trâu” cày được cả ngày, cả năm. Ngoài việc chạy website, bạn có thể dùng Hosting để làm hòm thư webmail, chạy phần mềm, ứng dụng, sao lưu, chia sẻ trực tuyến.

Hệ điều hành Hosting

Máy chủ Hosting cũng chỉ là máy tính vật lý, nên cần có hệ điều hành để chạy ứng dụng và tạo giao tiếp giữa máy và người. Phần lớn Hosting trên thế giới dùng 2 hệ điều hành chính là Linux và Windows.

-Hosting Linux: dùng hệ điều hành mã nguồn mở Linux, tất nhiên Linux miễn phí. Máy chủ này hỗ trợ ngôn ngữ lập trình PHP, MySQL, trình quản lý WordPress, Joomla.

-Hosting Windows: chạy hệ điều hành Microsoft Windows mà như bạn biết thì HĐH này phải mua bản quyền. Hosting Windows sẽ hỗ trợ ngôn ngữ lập trình ASP, ASP.net…

Các loại Control Panel phổ biến trên Hosting

Do Hosting chạy nhiều chương trình để hỗ trợ kết nối Internet, dịch vụ email, FTP… nên rất khó để bạn thao tác “thô” trên hệ điều hành. Như Windows giao diện đồ họa thì còn dễ, chứ Linux chủ yếu dùng dòng lệnh (giống Dos) nên rất khó để bạn cấu hình nhằm xây dựng website. Bởi thế mà bạn cần tới phần mềm hỗ trợ gọi là Control Panel. Trong đó, nổi tiếng nhất là cPanel cho Linux và Plesk cho Windows. Chúng ta có thể kể một số cái tên như:

  • Direct Admin Hosting chạy trên nền tảng linux
  • cPanel Hosting chạy trên nền tảng linux
  • Plesk Hosting chạy trên nền tảng Windows Server
  • Ngoài ra còn nhiều control panel quản lý Hosting miễn phí khác như: Sentora, VestaCP, CWP Control Panel, Webuzo, ISPConfig, VirtualMin

Phân loại Hosting

Ngoài việc phân loại dựa trên Hệ điều hành, bạn còn có thể chia Hosting dựa vào hình thức hoạt động của nó, ví dụ như đó là Hosting dùng máy chủ riêng, hay máy chủ ảo, hay dạng shared hosting dùng chung.

-Dedicated Server – Máy chủ riêng: Dedicated Server là loại máy chủ vật lý riêng, tức bạn có toàn quyền sử dụng nó. Từ Dedicated Server, nhờ công nghệ ảo hóa mà chúng ta có thể chia nhỏ thành nhiều VPS, mỗi VPS là 1 hệ điều hành độc lập và lại có thể chia nhỏ thành nhiều gói Shared Hosting khác nhau. Dedicated Server dùng cho doanh nghiệp, công ty cần tài nguyên lớn, nhưng giá của nó thì cũng khá chát.

Collocated Hosting (thuê chỗ đặt máy chủ): đây là gói hosting dành cho những công ty, doanh nghiệp, website của họ có tổng sổ lượng truy cập cao mỗi ngày. Đây là dạng hosting mà khách hàng có quyền tự cài đặt và cấu hình máy chủ. Nó là dạng như Dedicated Server, nhưng thay vì thuê máy chủ, thì bạn tự mua máy chủ của mình rồi chỉ thuê chỗ đặt thôi. Chỗ đặt chỉ cung cấp điện, mạng và xử lý khi lỗi. Còn Dedicated Server là dạng cho thuê máy chủ với các gói có sẵn.

Virtual Private Server (VPS) – Máy chủ ảo riêng: Đây là một máy ảo được sinh ra từ máy chủ vật lý Dedicated Server.  Bạn cũng có quyền làm mọi thứ từ  cài đặt hệ điều hành, phần mềm cho đến việc sử dụng toàn bộ tài nguyên có trên VPS đó. Giá của VPS mềm hơn Dedicated Server nhưng lại đắt hơn Shared Host.

Shared Hosting – Host sử dụng chung tài nguyên (còn gọi tắt là Host, hosting): đây là các gói host sử dụng chung tài nguyên trên máy chủ như RAM, CPU, dung lượng, băng thông. Tất nhiên, chúng đền nằm trên cùng một máy chủ vật lý. Nhờ các phần mềm quản lý File, hay công cụ như cPanel, DirectAdmin mà một máy tính vật lý (như Dedicated Server) hay máy chủ ảo (như VPS) được chia nhỏ thành nhiều gói Hosting có cài đặt sẵn ứng dụng cần thiết để website hoạt động. Bạn không thể thay đổi hệ điều hành, control panel mặc định. Và do dùng chung, nên anh nào dùng nhiều thì sẽ chiếm nhiều tài nguyên hơn. Hosting rẻ và dễ sử dụng hơn VPS hay Dedicated server nhưng lại hạn chế về tài nguyên, chỉ phù hợp với web nhỏ và những người mới làm quen với web.

Cloud Hosting: Cloud Hosting (hệ thống host sử dụng công nghệ điện toán đám mây – Cloud Computing) nghĩa là một mạng nhiều máy chủ tập hợp lại thành một mạng đám mây và cho phép người dùng truy cập nó cùng thời điểm.

Trên đây là khái niệm cơ bản giải thích Hosting là gì. Tùy vào điều kiện tài chính và khả năng quản lý của mình mà bạn có thể lựa chọn gói hosting phù hợp. Mỗi loại Hosting sẽ còn chia thành từng loại nhỏ khác nữa, nhưng trước tiên bạn chỉ cần nhớ những kiến thức cơ bản ở trên trước đã rồi học thêm dần.

0