Học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin
Học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin Một trong những nội dung trọng tâm của học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin là chỉ rõ các quy luật kinh tế của quá trình ra đời, phát triển và tất yếu diệt vong của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong tiến trình phát triển của lịch sử ...
Học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin
Một trong những nội dung trọng tâm của học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin là chỉ rõ các quy luật kinh tế của quá trình ra đời, phát triển và tất yếu diệt vong của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, trên cơ sở đó chỉ ra tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Để làm rõ điều đó, kinh tế chính trị học Mác - Lênin bắt đầu từ việc xây dựng học thuyết giá trị, học thuyết giá trị thặng dư.
Một trong những nội dung trọng tâm của học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin là chỉ rõ các quy luật kinh tế của quá trình ra đời, phát triển và tất yếu diệt vong của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, trên cơ sở đó chỉ ra tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Để làm rõ điều đó, kinh tế chính trị học Mác - Lênin bắt đầu từ việc xây dựng học thuyết giá trị, học thuyết giá trị thặng dư.
a) Học thuyết giá trị
- Nội dung cơ bản của học thuyết giá trị:
Học thuyết giá trị là xuất phát điểm trong toàn bộ lý luận kinh tế của c. Mác. Bằng việc phân tích hàng hoá, Mác vạch ra quan hệ giữa người với người thông qua quan hệ trao đổi hàng hoá, đó chính là lao động, cơ sở của giá trị hàng hoá.
Hàng hoá là sản phẩm của lao động, dùng để thoả mãn những nhu cầu của con người thông qua trao đổi mua bán.
Hàng hoá có hai thuộc tính cơ bản là giá trị và giá trị sử dụng.
Gíá trị sử dụng của hàng hoá là công dụng của hàng hoá để thoả mãn nhu cầu nào đó của con người. Giá trị sử dụng đó do thuộc tính tự nhiên của vật thể hàng hoá và lao động của người sản xuất ra nó quyết định. Trong kinh tế hàng hoá, giá trị sử dụng là cái mang giá trị trao đổi.
Giá trị trao đổi là một tỷ lệ theo đó những giá trị sử dụng loại này được trao đổi với những giá trị sử dụng loại khác. Ví dụ: 1 mét vải đổi được 10kg thóc.
Giá trị của hàng hoá là lượng lao động xã hội cần thiết của người sản xuất hàng hoá kết tinh trong hàng hoá. Giá trị trao đổi chỉ là hình thái biểu hiện của giá trị hàng hoá. Giá trị của hàng hoá được đo bằng thời gian lao động xã hội cần thiết, vì một loại hàng hoá đưa ra thị trường là do nhiều người sản suất ra nhưng mỗi người sản xuất do điều kiện sản xuất, trình độ tay nghề là không giống nhau, nên thời gian lao động cá biệt để sản xuất ra hàng hoá của họ khác nhau, do đó lượng giá trị cá biệt của hàng hoá mà từng người sản xuất ra là khác nhau. Để trao đổi hàng hoá đó với nhau, không thể căn cứ vào giá trị cá biệt của hàng hoá mà phải căn cứ vào giá trị xã hội của nó, vào lượng lao động xã hội cần thiết hay thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hoá đó.
Thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian cần thiết để sản xuất ra một hàng hoá trong điều kiện bình thường của xã hội, tức là với một trình độ kỹ thuật trung bình và cường độ lao động trung bình so với hoàn cảnh xã hội nhất định. Thời gian lao động xã hội cần thiết không phải cố định, nó phụ thuộc vào năng suất lao động xã hội và chất lượng của lao động. Năng suất lao động xã hội là năng lực sản xuất của lao động được tính bằng số lượng sản phẩm được sản xuất ra trong một đơn vị thời gian, hoặc lượng thời gian cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm. Năng suất lao động tỷ lệ nghịch với thời gian lao động xã hội để sản xuất ra hàng hoá hay tỷ lệ nghịch với giá trị của hàng hoá. Chất lượng của lao động hay mức độ phức tạp của lao động tỷ lệ thuận với giá trị của hàng hoá. Theo mức độ phức tạp của lao động có thể chia lao động thành lao động giản đơn và lao động phức tạp. Lao động giản đơn là lao động của bất kỳ một người bình thường nào có khả năng lao động cũng có thể thực hiện được. Lao động phức tạp là lao động đòi hỏi phải được huấn luyện, đào tạo thành lao động lành nghề.
Việc sản xuất và trao đổi hàng hoá thể hiện sự liên hệ giữa những người sản xuất riêng lẻ với nhau, do thị trường làm trung gian. Sự phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hoá tất yếu sẽ dẫn đến sự xuất hiện của tiền tệ. Tiền là sản phẩm của lưu thông hàng hoá, bắt đầu từ những hành vi trao đổi riêng lẻ ngẫu nhiên, qua nhiều bước, cuối cùng đến hình thái tiền tệ. Giá trị của hàng hóa biểu hiện ra bên ngoài dưới hình thức tiền tệ là giá cả của hàng hóa đó.
Quy luật giá trị là quy luật kinh tế căn bản của sản xuất và trao đổi hàng hoá. Ở đâu có sản xuất hàng hoá thì ở đó có sự tồn tại và phát huy tác dụng của quy luật giá trị. Theo quy luật giá trị sản xuất và trao đổi hàng hoá phải theo nguyên tắc ngang giá, dựa trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết.
Giá trị là cơ sở của giá cả, còn giá cả là sự biểu hiện bằng tiền của giá trị nên trước hết giá cả phụ thuộc vào giá trị. Hàng hoá nào nhiều giá trị thì _giá cả của nó sẽ cao và ngược lại.
Tuy nhiên trên thị trường, ngoài giá trị, giá cả còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như cạnh tranh, cung cầu, sức mua của người tiêu dùng... Tuy nhiên, nó hoàn toàn nằm trong cơ chế hoạt động của quy luật giá trị.
- Ý nghĩa của học thuyết giá trị:
Nắm vững học thuyết giá trị là tiền đề lý luận để nghiên cứu học thuyết giá trị thặng dư, đồng thời cũng cho chúng ta hiểu đúng quy luật cơ bản của mọi nền sản xuất hàng hóa và có thể vận dụng quy luật ấy vào việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
b) Học thuyết giá trị thặng dư
- Nội dung cơ bản của học thuyết giá trị thặng dư:
Học thuyết giá trị thặng dư là học thuyết giữ vị trí “hòn đá tàng” trong toàn bộ học thuyết kinh tế của Mác, là một phát kiến vĩ đại của ông trong lịch sử tư tưởng nhân loại trên lĩnh vực nghiên cứu kinh tế chính trị về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa - tức là một phương thức sản xuất hàng hóa ở trình độ phát triển.
Trước khi có sự ra đời của phương thức sản xuất tư bản, công thức chung của lưu thông hàng hóa là H (hàng hóa) - T (tiền) - H (hàng hóa), nghĩa là bán một hàng hóa đi để mua một hàng hóa khác, tiền (T) chỉ đóng vai trò là môi giới trung gian trong quá trình lưu thông hàng hóa. Trái lại, trong phương thức sản xuất tư bản, công thức chung của tư bản là T - H - T nghĩa là mua để bán nhằm có thêm lợi nhuận (T’ > T). Phần tăng thêm đó của giá trị lúc đầu của số tiền bỏ vào lưu thông được gọi là giá trị thặng dư mà hình thái biểu hiện của nó chính là lợi nhuận. Vậy, giá trị thặng dư do đâu mà có?
Theo quy luật giá trị trong nền sản xuất hàng hóa thì giá trị thặng dư không thể do lưu thông mà có, vì lưu thông hàng hóa chỉ là việc trao đổi ngang giá, do đó nó không có khả năng làm tăng thêm giá trị mới trong quá trình trao đổi. Muốn có giá trị thặng dư, người có tiền phải tìm ra được trên thị trường một loại hàng hóa đặc biệt, đó là loại hàng hóa mà khi sử dụng nó thì nó có thể tạo ra một giá trị lớn hơn nó - đó là hàng hóa sức lao động. Trong lịch sử phát triển kinh tế của các nước phương Tây, loại hàng hóa đặc biệt này bắt đầu phát triển từ thế kỷ XV - XVI.
Sức lao động là toàn bộ những năng lực (thể lực và trí lực) tồn tại trong một con người lao động và được người đó sử dụng vào sản xuất hàng hoá. Sức lao động chỉ trở thành hàng hoá khi có hai điều kiện: người có sức lao động hoàn toàn tự do về thân thể có toàn quyền bán sức lao động của mình trong một thời gian nhất định; khi họ bị tước đoạt mọi tư liệu sản xuất, để sống họ buộc phải bán sức lao động của mình cho nhà tư bản. Cũng như mọi hàng hoá khác, hàng hoá sức lao động cũng có hai thuộc tính giá trị và giá trị sứ dụng.
Giá trị hàng hoá sức lao động là toàn bộ những tư liệu sinh hoạt cần thiết để sản xuất và tái sản xuất ra sức lao động. Giá trị hàng hoá sức lao động bao gồm: giá trị tư liệu sinh hoạt cần thiết đủ để duy trì sức khoẻ của người lao động ở trạng thái bình thường; chi phí đào tạo tuỳ theo tính chất phức tạp của lao động; giá trị tư liệu sinh hoạt cho những người thay thế, tức con cái của công nhân. Trên thực tế, giá trị của hàng hóa sức lao động được thể hiện bằng tiền công, tiền lương. Tiền công hay tiền lương chỉ là sự biểu thị bằng tiền giá trị sức lao động, hay là giá cả của sức lao động.
Giá trị sử dụng của hàng hoá sức lao động thể hiện ra trong quá trình tiêu dùng sức lao động để sản xuất ra một loại hàng hoá nào đó. Trong quá trình lao động, người công nhân có thể tạo ra một lượng giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân nó, phần giá trị dôi ra so với giá trị sức lao động là giá trị thặng dư. Như vậy, giá trị thặng dư chính là phần giá trị dôi ra ngoài giá trị sức lao động do người công nhân sáng tạo ra trong quá trình lao động của họ nhưng trong phạm vi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nó không thuộc về người công nhân mà thuộc về nhà tư bản, tức bị nhà tư bản chiếm không. Bởi vì, trên thực tế nhà tư bản trả cho người bán sức lao động (tức người công nhân làm thuê) một lượng tiền công (hay tiền lương) để người công nhân đó làm việc cho nhà tư bản trong một khoảng thời gian nhất định, sản phẩm lao động của người công nhân làm thuê ấy đương nhiên thuộc về nhà tư bản. Khi nhà tư bản đem bán các sản phẩm do người công nhân làm ra họ thu về một lượng tiền (giá trị) lớn hơn tiền công đã trả cho người công nhân. Nói cách khác, khi sử dụng hàng hóa sức lao động thì lại tạo ra một lượng giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân nó, đó chính là quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư; đó cũng chính là nguồn gốc của lợi nhuận, nguồn gốc giàu có của chủ tư bản, của toàn bộ giai cấp những nhà tư bản.
Mục đích của các nhà tư bản là sản xuất ra giá trị thặng dư tối đa. Để đạt được mục đích đó họ thường sử dụng hai phương pháp chủ yếu là phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối và phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối.
Phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối được thực hiện bằng cách kéo dài thời gian lao động vượt quá thời gian lao động tất yếu, trong khi năng suất lao động, giá trị sức lao động và thời gian lao động tất yếu không thay đổi. Ví dụ, các nhà tư bản thường sử dụng các biện pháp như kéo dài ngày lao động, tăng cường độ lao động, giảm tiền công...
Phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối được thực hiện do rút ngắn thời gian lao động tất yếu bằng cách nâng cao năng suất lao động xã hội, nhờ đó tăng thời gian lao động thặng dư lên ngay trong điều kiện độ dài ngày lao động vẫn như cũ. Biện pháp mà các nhà tư bản thường dùng là áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động xã hội để thu nhiều giá trị thặng dư. Sản xuất ra giá trị thặng dư là quy luật tuyệt đối, là cơ sở tồn tại và phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nội dung của nó là sản xuất ra giá trị thặng dư tối đa bằng cách tăng cường bóc lột công nhân làm thuê.
Do ưu thế của sản xuất đại công nghiệp, do khoa học và công nghệ ngày càng hiện đại, năng suất lao động ngày càng cao đã làm phá sản hàng loạt những người sản xuất hàng hoá nhỏ, buộc họ phải tham gia vào đội ngũ những người làm thuê cho nhà tư bản. Từ đó quy mô giá trị thặng dư tăng lên, tích luỹ tư bản càng lớn, thủ tiêu sản xuất nhỏ càng nhanh, sản xuất lớn phát triển và thu giá trị thặng dư ngày càng lớn hơn.
Sự cạnh tranh trong sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ hàng hoá, thị trường nguyên liệu... là nguyên nhân của nhũng cuộc khủng hoảng kinh tế với quy mô ngày càng lớn. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động bị bóc lột càng nhiều hơn. Tính chất xã hội hoá của sản xuất ngày càng cao mâu thuẫn gay gắt với quan hệ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Các hoạt động đấu tranh chống giai cấp tư sản, chống chế độ chiếm hữu tư nhân tư liệu sản xuất tất yếu sẽ bùng nổ.
Ý nghĩa của học thuyết giá trị thặng dư:
Học thuyết giá trị thặng dư đã bóc trần bản chất của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là phương thức bóc lột của giai cấp tư sản đối với
Những người lao động làm thuê, từ đó tiến hành luận chứng một cách khoa học về những mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản - đó là mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản.
Học thuyết giá trị thặng dư còn trang bị cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động công cụ nhận thức các quy luật kinh tế, thúc đẩy cải tiến kỹ thuật, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều hàng hoá... phục vụ cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa.
Học thuyết giá trị thặng dư là biểu hiện mẫu mực của việc nghiên cứu và vận dụng quan điểm duy vật biện chứng và quan điểm duy vật lịch sử vào sự phân tích các quá trình kinh tế trong xã hội tư bản. Nó cung cấp tri thức về lịch sử phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, xác lập cơ sở khoa học để phân tích nguyên nhân cũng như đưa ra những dự báo về chiều hướng phát triển và tất yếu diệt vong của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
c)Về chủ nghĩa tư bản độc quyền
- Đặc điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản độc quyền:
Đầu thế kỷ XX, khoa học, kỹ thuật phát triển dẫn đến sự phát triển nhanh của lực lượng sản xuất. Chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền với 5 đặc điểm kinh tế cơ bản:
Một là, sự lập trung sản xuất và tích tụ tư bản đã làm hình thành các tố chức độc quyền. Quá trình thay thế các xí nghiệp nhỏ, phân tán bằng các xí nghiệp lớn có vốn tư bản lớn, đông công nhân và làm ra một khối lượng sản phẩm lớn. Sự tích tụ và tập trung tư bản đã dẫn tới sự tích tụ và tập trung sản xuất, đến một mức độ nhất định sẽ hình thành các tổ chức độc quyền. Tổ chức độc quyền là liên minh giữa các nhà tư bản để nắm trong tay phần lớn việc sản xuất và tiêu thụ một số loại hàng hoá nào đó nhằm thu lợi nhuận cao. Do nắm giữ việc sản xuất phần lớn một số hàng hóa nào đó, tư bản độc quyền quyết định được giá rẻ khi mua nguyên nhiên liệu và giá cao khi bán.
Hai là, hình thành tư bản tài chính và đầu sỏ tài chính. Đồng thời với sự tích tụ và tập trung sản xuất công nghiệp, trong ngân hàng cũng có tích tụ và tập trung tư bản, hình thành nên các ngân hàng lớn cạnh tranh với nhau, ra đời các tổ chức độc quyền ngân hàng. Do nắm được lượng tư bản tiền tệ lớn, các ngân hàng có khả năng chi phối nhiều hoạt động kinh tế - xã hội.
Tư bản tài chính là loại tư bản được hình thành trên cơ sở xâm nhập lẫn nhau giữa tư bản công nghiệp và tư bản ngân hàng. Tư bản ngân hàng tham gia vào các tổ chức độc quyền sản xuất công nghiệp để theo dõi việc sử dụng vốn vay. Để hạn chế sự chi phối của ngân hàng, các nhà tư bản công nghiệp cũng can thiệp vào hoạt động của tư bản ngân hàng bằng cách mua cổ phiếu, hoặc thành lập ngân hàng cho riêng mình. Hai quá trình thâm nhập ấy gắn kết với nhau, làm cho tư bản công nghiệp và tư bản ngân hàng dần trở nên thống nhất, hình thành nên nhóm tư bản tài chính. Các nhóm tư bản tài chính có tiềm lực đủ mạnh trở thành các đầu sỏ tài chính, thao túng đời sống kinh tế - chính trị ở các nước.
Ba là, xuất khấu tư bản là thủ đoạn để các nhà tư bản ở các nước phát triển tiến hành bóc lột sức lao động, tài nguyên thiên nhiên,... ở các nước chậm phát triển dưới hình thức đầu tư nhà máy, xí nghiệp tổ chức sản xuất hoặc cho vay, bóc lột giá trị thặng dư và một số nguồn lợi khác ở các nước nhập khẩu tư bản.
Bốn là, sự phân chia thế giới về kinh tế giữa các tổ chức độc quyền. Khi lượng hàng hoá sản xuất tăng, nảy sinh nhu cầu thị trường và nguyên liệu ngoài nước. Mặt khác, hàng hoá bán ở nước ngoài cũng như đầu tư tư bản ở ngoài thu được lợi nhuận lớn hơn so với bán hàng hoá và đầu tư trong nước nên giữa các nước tư bản diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt giành thị trường thế giới. Những thoả thuận có tính chất lũng đoạn giữa các tổ chức độc quyền trong việc sản xuất và tiêu thụ một số loại hàng hoá, tạo nên những tổ chức độc quyền quốc tế. Liên minh giữa các tổ chức độc quyền lớn của các nước để phân chia thị trường thế giới, độc chiếm nguồn nguyên liệu, quy định quy mô sản xuất, định ra giá cả độc quyền nhằm thu lợi nhuận độc quyền cao.
Năm là, sự phân chia thế giới về lãnh thổ giữa các cường quốc là hệ quả tất yếu của sự phân chia thế giới về kinh tế, biểu hiện ở việc các nước đế quốc xâm chiếm và thuộc địa hoá những nước chậm phát triển hòng độc chiếm nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ hàng hoá và địa điểm lập căn cứ quân sự. Quá trình phát triển kinh tế của chủ nghĩa tư bản ở các nước diễn ra không đều, diễn ra sự tranh chấp thị trường. Phương pháp phổ biến là tổ chức chiến tranh để phân chia lại thị trường thế giới.
Sự xuất hiện chủ nghĩa tư bản độc quyền không làm thay đổi bản chất của chủ nghĩa tư bản. Đây chỉ là một giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản, nó vẫn dựa trên chế độ sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, bóc lột sức lao động của người công nhân, thu lợi nhuận độc quyền cao.
Quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản đã làm cho lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ với trình độ từ kỹ thuật thủ công, kỹ thuật cơ khí sang tự động hoá, tin học hoá, công nghệ hóa và công nghệ ngày càng hiện đại. Cùng với quá trình đó là quá trình giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả khám phá và chinh phục thiên nhiên của con người.
- Ý nghĩa của việc nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản độc quyền:
Chủ nghĩa tư bản độc quyền thúc đẩy nền sản xuất hàng hoá phát triển đạt tới mức điển hình trong lịch sử sản xuất của nhân loại. Sự phát triển cả về chiều rộng, chiều sâu đã dẫn đến phân công lao động xã hội, sản xuất tập trưng với quy mô hợp lý. Quá trình sản xuất được liên kết và phụ thuộc lẫn nhau thành hệ thống. Trình độ chuyên môn hoá sản xuất và hợp tác lao động, mối liên hệ kinh tế giữa các ngành, các lĩnh vực ngày càng chặt chẽ. Sản xuất độc quyền góp phần xây dựng tác phong công nghiệp, thay đổi thói quen của người sản xuất nhỏ, hoàn thiện hơn một bước nền dân chủ tư sản so với trước.
Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản độc quyền gắn với quá trình bóc lột chiếm lợi nhuận cao; bản chất bóc lột thể hiện rõ dưới nhiều hình thức. Các mâu thuẫn xã hội vốn có trong xã hội tư bản không những không khắc phục nổi mà càng gay gắt hơn. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất phát triển mang tính xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất ngày càng lớn lên về quy mô và phạm vi, thể hiện trong xã hội tư bản là các cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng kéo dài, trầm trọng, mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động với giai cấp tư sản ngày càng sâu sắc. Sự cạnh tranh kinh tế quyết liệt giữa các nước tư bản với nhau, các nước tư bản với các nước đang phát triển là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến xung đột và chiến tranh đe dọa hòa bình và ổn định của nhân dân toàn thế giới.