Hoạn quan Trung Quốc chỉ huy hạm đội 3 vạn người chu du khắp thế giới
là người đã 7 lần chỉ huy hạm đội 300 chiến thuyền chu du thế giới và được đánh giá là một trong những Đô đốc nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa. Theo History, Trịnh Hòa (1371–1433) , là hoạn quan phục vụ dưới triều đại của hoàng đế Minh Thành Tổ. Ông được ghi nhớ là một trong những Đô ...
là người đã 7 lần chỉ huy hạm đội 300 chiến thuyền chu du thế giới và được đánh giá là một trong những Đô đốc nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Theo History, Trịnh Hòa (1371–1433), là hoạn quan phục vụ dưới triều đại của hoàng đế Minh Thành Tổ. Ông được ghi nhớ là một trong những Đô đốc nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa, với những chuyến du hành khắp thế giới, đem về nhiều ngọc ngà, châu báu.
Xuất thân là người Hồi giáo
Phác họa hình ảnh Đô Đốc Trịnh Hòa.
Trịnh Hòa sinh ra trong một gia đình Hồi giáo. Ông nội và cha của ông, đều từng có những chuyến hành hương tới thánh địa Mecca ở Ả Rập Saudi. Nhờ đó mà Trịnh Hòa ngay từ nhỏ được cha kể về những chuyến đi xa.
Năm 11 tuổi, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương phát động cuộc chiến tranh, đánh chiếm vùng đất cuối cùng của nhà Nguyên là Vân Nam. Đây cũng là quê hương của Trịnh Hòa.
Ông sớm bị tịnh thân, vào cung làm thái giám, rồi trở thành người tháp tùng Yên vương Chu Đệ, con thứ 4 của Minh Thái Tổ.
Trong suốt thời gian này, Trịnh Hòa đã thể hiện bản lĩnh của một sĩ quan chỉ huy có trách nhiệm khi hộ tống chủ nhân trong nhiều chiến dịch quân sự. Nhờ lòng trung kiên và tài lãnh đạo tuyệt vời, Trịnh Hòa sớm trở thành một trong những người thân tín nhất của Yên vương Chu Đệ.
Trong giai đoạn này, mâu thuẫn nổ ra trong nội bộ triều đình nhà Minh. Năm 1399, Yên vương Chu Đệ đem quân chống lại Minh Huệ Đế, hoàng đế thứ hai của Nhà Minh.
Nhờ kinh nghiệm trên chiến trường, Yên vương Chu Đệ mau chóng đánh bại quân triều đình, lật đổ Minh Huệ Đế để trở thành Hoàng đế thứ ba của nhà Minh, gọi là Minh Thành Tổ.
Tên gọi Trịnh Hòa do vua Minh Thành Tổ đặt cho ông, để thưởng công giúp lật đổ Minh Huệ Đế.
Dưới thời triều đình mới, Trịnh Hòa đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, cuối cùng trở thành Đô đốc. Trong 3 thập kỷ sau đó, Trịnh Hòa 7 lần chu du thế giới theo lệnh hoàng đế, nhằm phô trương sự giàu có và quyền lực của nhà Minh đối với thế giới.
Theo các học giả Trung Quốc, các chuyến du hành của Trịnh Hòa có thể nhằm bí mật truy tìm Minh Huệ đế, người bỏ trốn đến vùng Đông Bắc Á sau khi mất ngôi. Nhưng các tài liệu chính thống ngày nay chép rằng, Minh Huệ đế đã qua đời trong một vụ hỏa hoạn ở hoàng cung.
7 lần vượt biển khám phá thế giới
Trịnh Hòa trải hành trình hơn 50.000km, khám phá 37 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Người chắp cánh cho những chuyến chu du của Trịnh Hòa không ai khác chính là hoàng đế Minh Thành Tổ.
Năm 1403, Minh Thành Tổ ra lệnh xây dựng đội chiến hạm, mỗi chiếc dài 121,9 mét và rộng 56,7 mét. Đội chiến hạm được chia 7 thành phần khác nhau, bao gồm tàu chở châu báu, tàu hậu cần, tàu chở quân, tàu chở ngựa, tàu chiến, tàu tuần tra và tàu mang theo nước ngọt.
Chỉ 2 năm sau, Đô đốc Trịnh Hòa thống lĩnh 317 chiến thuyền, 27.870 người, tổ chức thành hạm đội viễn dương đi sứ phương nam.
Trên thuyền khi đó có cả giáo sĩ, phiên dịch viên, thợ thủ công, bác sĩ và các nhà khí tượng học. Những con tàu cũng chất đầy hàng hóa như tơ lụa, đồ sứ, những món đồ vàng bạc để đem trao đổi trong chuyến hải hành dài ngày.
Chuyến hải hành đầu tiên đã đưa Trịnh Hòa đến thành Calicut, phía Tây Bắc Ấn Độ, thủ phủ của gia vị. Đây là nơi nổi tiếng với bột gia vị, cây quế và tiêu. Trước khi đến Calicut, hạm đội đã đặt chân đến nhiều khu vực khác nhau ở Đông Nam Á.
Trên đường trở về Trung Hoa, Trịnh Hòa đụng độ thủ lĩnh cướp biển Trần Tổ Nghĩa. Nhóm cướp biển này sở hữu một hòn đảo, chuyên cướp hàng hóa, vàng bạc châu báu của các thương nhân vô tình đi qua.
Nhưng nhóm cướp biển đó không ngờ rằng mình đụng độ với đoàn thuyền được trang bị hùng hậu, có 2 vạn binh lính hộ tống. Trần Tổ Nghĩa bị bắt sống ngay trong đêm và được Trịnh Hòa đem về kinh thành nộp cho Minh Thành Tổ.
Sứ giả các nước mà Trịnh Hòa đi qua đến hội kiến Minh Thành Tổ, dâng những lễ vật quý. Hoàng đế tỏ ra hết sức hài lòng khi thấy Trịnh Hoà đi sứ hoàn thành nhiệm vụ.
Đoàn thuyền Trịnh Hòa chỉ huy có thời điểm lên tới 30.000 người.
Trịnh Hòa từng viết về các chuyến đi biển dài ngày của mình: “Chúng tôi đã vượt qua hơn 50.000km giữa vùng nước mênh mông, nhìn thấy trên đại dương những con sóng khổng lồ như trái núi sừng sững phía chân trời...”.
Trong giai đoạn hơn 2 thập kỷ sau đó, Trịnh Hoà 6 lần thống lĩnh hạm đội ra khơi nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Hoa, tăng cường buôn bán với các nước. Hạm đội có thời điểm lên tới 30.000 người.
Đoàn thuyền của Trịnh Hoà đem bản sắc văn hóa Trung Hoa đến các nước trên thế giới, bao gồm đồ sứ, đồ đồng, vàng bạc và nhiều vật dụng bằng tơ lụa, gấm vóc.
Trịnh Hòa cũng mang về Trung Hoa những sản vật đặc biệt của các nước châu Á, châu Phi như hồ tiêu, ngà voi, đá quý, thuốc nhuộm, lưu huỳnh, hương liệu và nhiều động vật quý hiếm.
Việc Minh Thành Tổ qua đời năm 1424 cũng phần nào làm giảm tầm ảnh hưởng của Trịnh Hòa trong triều đình. Năm 1430, Trịnh Hòa lên đường thực hiện chuyến hải hành cuối cùng ở tuổi 59.
National Geographic dẫn một số tài liệu cho biết, ngôi mộ Trịnh Hòa tại Nam Kinh thực chất là giả. Trịnh Hòa có thể đã chết trong chuyến hải hành cuối cùng vì tuổi cao và được thủy táng ngoài khơi.
Có thể nói, trong 28 năm, xuất thân từ một hoạn quan, Đô đốc Trịnh Hòa đã đi biển hơn 50.000 km, đặt chân tới 37 quốc gia, vùng lãnh thổ, trải từ Đông Nam Á, Trung Đông đến châu Phi.