Hình tượng bóng tối ánh sáng trong văn chương Thạch Lam
Có ai đó từng cho rằng “nơi những nhà văn sáng tác , văn phẩm luôn luôn là một thực tại đa nghĩa, mỗi tác phẩm đều chứa đựng những yếu tố cần thiết cho việc giải thích chính nó” . Và nhan đề của câu chuyện chính là một trong những yếu tố góp phần hướng đến công việc ấy. Nhan đề truyện ngắn Thạch ...
Có ai đó từng cho rằng “nơi những nhà văn sáng tác , văn phẩm luôn luôn là một thực tại đa nghĩa, mỗi tác phẩm đều chứa đựng những yếu tố cần thiết cho việc giải thích chính nó” . Và nhan đề của câu chuyện chính là một trong những yếu tố góp phần hướng đến công việc ấy. Nhan đề truyện ngắn Thạch Lam thường gợi lên cho người đọc nhiều ám ảnh và suy nghĩ, có khi gây cho ta cảm giác nhẹ nhàng thi vị như “Dưới bong hoàng lan” “gió lạnh đầu mùa”, có khi để người đọc phải ngẫm nghĩ về ý nghĩa ...
Hãy nghe Thạch Lam gọi tên cho truyện ngắn của mình: “Đêm ba mươi”. Đọc nhan đề người ta đã nghĩ ngay đến một buổi tối cuối tháng , ba mươi và nhất là ngày ba mươi của tháng cuối năm, ngày cùng tháng kiệt …càng gợi cho ta nhiều liên tưởng. Liên tưởng đầu tiên là giây phút nghĩ đến một đêm đen mù tối , khó tìm thấy lối đi. Và liên tưởng tiếp theo người đọc sẽ băn khoăn tự hỏi rằng liệu cuộc đời của những nhân vật có ảm đảm không lối thoát như đêm ba mươi? Và qua thật khi đọc truyện , nghĩ đến số phận đáng thương của các cô gái bán hoa trong đêm cuối năm xa nhà ta càng hiểu sâu sắc hơn dụng ý của tác giả khi đặt tựa đề cho tác phẩm này.
Một truyện ngắn khác của Thạch Lam, “Trong bong tối buổi chiều”. Ở đây nhà văn thể hiện hình tượng Tối trực tiếp ở ngay đầu đề tác phẩm. Nó làm cho người đọc phải thắc mắc và mong muốn tìm được lời giải đáp rằng , liệu trong “bóng tối buổi chiều” ấy điều gì sẽ xảy ra với những kiếp người?
Ta cũng có thể thấy thêm một hình tượng tối nữa thể hiện ở nhan đề truyện đó là tác phẩm “Hai lần chết”. Rõ ràng ở đây , cái chết chính là bóng tối bao trùm lấy truyện, chi phối mạch truyện , và chính những tựa đề như thế này đã làm cho truyện ngắn Thạch Lam trở nên hấp dẫn hơn , lôi cuốn người đọc hơn.
2. Những mảng tối bao trùm cảnh vật, thiên nhiên
Nếu để ý kĩ thấy có một điều rất lạ: trong các văn phẩm Thạch Lam, bóng tối hiện diện tràn lan với tất cả các sắc độ đậm nhạt khác nhau của nó. Hãy chưa kể đến Hai đứa trẻ, ở rất nhiều câu chuyện, và có thể nói là hầu hết, bóng tối lại cứ có mặt, cứ lại thấy các nhân vật âm thầm trong bóng tối cả. Tối ba mươi, Trong bóng tối buổi chiều, toàn bóng tối đã hẳn rồi! Ở những truyện khác, bằng một cách hết sức tự nhiên, các nhân vật của Thạch Lam thể nào cũng lại có lúc ăn nói, nghĩ ngợi, đi về trong bóng tối (Người lính cũ, Ðói, Người đầm, Tiếng chim kêu, Cô hàng xén…); hoặc trong bóng tối ở một sắc độ nhẹ hơn là những bóng rợp (Dưới bóng hoàng lan), bóng trăng (Nhà mẹ Lê), bóng đèn (Người bạn trẻ), v. v…
Nếu nhìn sang các nhà văn khác cùng thời, đương nhiên nhiều khi họ cũng dùng khung cảnh đêm tối, nhưng rõ ràng là không nhiều, vả lại, đêm tối của họ chỉ thuần là việc tuân theo thời gian tự nhiên, chảy trôi tuần tự hết ngày sang đêm, là chuyện thường tình, không hàm một nghĩa gì đặc biệt. Ví như Nam Cao chẳng hạn, ngoài chuyện Trăng sáng, Nửa đêm - thời gian, không gian đêm chỉ có ý nghĩa vật lí - còn lại hầu hết các truyện khác, câu chuyện cứ xảy ra ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật, các nhân vật cứ cọ sát, sục sôi, căng thẳng, nhức nhối, quyết liệt. Vậy thì bóng tối trong văn Thạch Lam hẳn là có duyên cớ và mang một ý nghĩa gì đặc biệt…
Khung cảnh của Hai đứa trẻ là một ga xép trong một đêm trôi đầy bóng tối mênh mông, quạnh quẽ mà khởi đầu là tiếng trống thu không báo một ngày tàn, kết thúc là vào lúc rất khuya “đêm trong phố tịch mịch và đầy bóng tối”. Trong cái đêm trôi ấy, các nhân vật hiện ra như những vụn đời bé nhỏ, âm thầm, yên lặng nhiều hơn là cử động, nếu có cử động thì cũng là khẽ khàng, se sẽ, chầm chậm, “tù tù” (hai chị em Liên những chỉ “gượng nhẹ”, “cúi nhìn”, “lặng ngước mắt lên”, “khẽ quạt”, “gượng nhẹ ngồi”…); và nghĩ nhiều hơn nói, nếu có nói cũng lại nhỏ nhẹ, “chậm rãi”, “bâng quơ”, “vẩn vơ”, nói để cho có chuyện, ơ hờ, chứ cũng chẳng cần phải nói. Các nhân vật được lược giản tối đa, được thu gọn lại hết sức tựa hồ như những bóng thầm trong một bóng đêm rộng lớn vô cùng. Không chỉ có con người, mà tất cả các đồ vật hiện lên cũng cỏn con, bé mọn: những chiếc đèn con, cái chõng nan con, bếp lửa con, con đom đóm, chấm lửa đi trong đêm và trên cao là hàng ngàn vì sao li ti xa hút. Khung cảnh chung quanh (thời gian, không gian, tiếng động) cũng lại chìm dần, rỗng ra, êm đềm lặng trôi, xa vắng: trống thu không “tùng tiếng một vang ra”, “chiều êm ả như ru”, “bóng tối ngập đầu”, “đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”, “đồng ruộng mênh mang yên lặng”, “chỉ còn đêm khuya, tiếng cầm canh và chó cắn”, “gió đã thoáng lạnh”, “đêm trong phố tịch mịch và đầy bóng tối”… Trong cái thế giới lặng thầm và có nguy cơ chìm khuất ấy liệu có gì khuấy lên, níu giữ được không? Một bà cụ “hơi điên” đột nhiên xuất hiện, vang lên tiếng cười “giòn giã”, “khanh khách” trong một chốc lát, rồi lại thản nhiên “đi dần vào bóng tối”, không để lại một dấu vết gì. Lại nữa, tiếng rít của đoàn tàu “rầm rộ đi tới” rồi “vụt qua”, và ngay lập tức “xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre”. Ðây là tiếng vang của sự sống cuối cùng trong đêm còn sót lại để rồi lịm hẳn. Nó là sự bấm nút quan trọng khiến cho nhân vật hồi nhớ, chạnh lòng, chạnh nghĩ và mơ tưởng. Như thể nốt nhấn trong âm hưởng đêm trôi, hai tiếng động - một của người, một của con tàu, đã làm cho bóng đêm tới chỗ ngự trị hoàn toàn, chiếm lĩnh hoàn toàn. Các nhân vật lọt thỏm vào đêm mênh mông, hiu quạnh, tựa như những viên sỏi rơi xuống mặt hồ đêm tịch mịch, không một tiếng vang, chỉ còn lại vài vòng sóng đủ để nhận biết là còn tồn tại. Liên, An, chị Tí, bác Siêu, bố con bác xẩm, cứ thế, như những bóng thầm hoà lẫn vào bóng tối, lặn chìm, khuất dạng vào bóng tối, thuận theo bóng tối mà mất hút. Nhờ thế câu chuyện phả vào ta một niềm thương cảm mênh mông, một nỗi bâng khuâng dìu dặt, một nỗi lo lắng mơ hồ… Hết thảy cứ miên man, quyện lấy, ám lấy tâm hồn độc giả.
Có phải không, trong đêm người ta được sống với mình, được sống là mình nhiều nhất và sâu sắc nhất. Như một tập tính tâm linh dẫn dụ, mê hoặc, Thạch Lam cứ để bóng tối tràn ra đầu ngòi bút. Tạng của ông không thích những cái gì sáng trắng, chói gắt, sinh sự, sự sinh , ồn ĩ. Hẳn là trong một đêm khuya vắng lắm, cặp mắt u buồn nhiều bóng tối Thạch Lam cứ tư lự thả vào một khoảng không vô định, rồi bỗng ông run rẩy với từng dòng của Hai đứa trẻ một mạch đến con chữ chót cùng. Bóng đời của ông, của tâm hồn thanh tao và yếu đuối hợp vào bóng tối trong trang viết đã sinh thành Hai đứa trẻ như một bài thơ ngân rung.
Không riêng gì “Hai đứa trẻ”, các truyện ngắn khác của Thạch Lam cũng đa phần gắn liền với không gian đêm tối.
Cố nhiên, gắn liền với cái thời gian của se lạnh, của tái tê, buồn bã thường thấy trong sáng tác của nhà văn là một không gian u tịch và dù ở thành thị hay nông thôn, không gian đó thường có rất nhiều khoảng tối. “Chung quanh tôi, cái đen tối của đêm khuya dày dằng dặc”, “Diên nấc lên một tiếng rồi chạy trốn vào trong bóng tối của buổi chiều vừa xuống”. “Nàng cúi đầu đi mau vào trong ngõ tối”. “Ngoài đường trời hãy còn mưa, mưa buồn rầu và âm thầm trong tối” (tr. 132) “Trường qua một cái cửa hẹp. Bóng tối bao bọc lấy chàng như một tấm màn lạnh lẽo” (tr. 221). Quả có như Phong Lê nói: “Những khoảng tối” và sức gợi của nó thường trở đi trở lại nhiều lần trên trang văn của Thạch Lam. (Lời giới thiệu, tr. 15). Để xác định cái trục thời gian - không gian mà ở đó nhân vật Thạch Lam hoạt động người ta chỉ còn có cách dùng những chữ: buồn, xám, nhợt nhạt, và … vô vọng. Vâng, vô vọng, không lối thoát, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Kể ra, ở một thiên truyện như Dưới bóng hoàng lan, còn thấy có mùa hè, những tiếng reo vui, một ít ánh sáng, nó khiến cho bóng tối thì dịu dàng mà không buốt lạnh. Nhưng đặt vào toàn bộ sáng tác của Thạch Lam nói chung, thì nó lại đứng riêng ra, như một trang sách sắp lạc. Đúng hơn, cái mơ màng trong Dưới bóng hoàng lan có vẻ như không có thực. Nó chỉ là một kỷ niệm. Chẳng qua, trước cơn xô đẩy của trường đời (một sự xô đẩy khiến nhân vật chính là Thanh “cảm thấy mình bé quá và lại đi xa”), người ta phải gắng tìm lấy một chỗ dựa về mặt tinh thần. Nhưng có chắc là chỗ dựa ấy bền vững không, không ai dám nói! Thành thử bên cạnh phần bóng tối miên man không dứt trong tác phẩm Thạch Lam, cái điểm tươi sáng mà thiên truyện Dưới bóng hoàng lan gợi lên thật cũng chẳng khác gì những kỷ niệm thời thanh xuân còn rơi rớt lại trong nhân vật cô hàng xén mang tên Tâm. Dù những ngày chợ búa có bừng lên rực rỡ và nhiều màu sắc đến đâu, chúng cũng chỉ là một quãng thời gian ngắn ngủi. Bởi phần chính trong cuộc đời ấy là một cái gì nhạt nhoà, âm điệu chính của cuộc đời ấy là một cái gì mòn mỏi. Mà đó không phải là trường hợp riêng của Tâm trong Cô hàng xén. Số phận những Mai (Trong bóng tối buổi chiều), Liên (Một đời người), Dung (Hai lần chết), nhân vật xưng tôi trong Người bạn cũ v. v đều thế cả.
Trước Nam Cao khá lâu, Thạch Lam đã bày ra cho thấy những kiếp sống mòn. Ông không đi vào một trường hợp nào thật sâu, thật kỹ. Nhưng ông thấy nó ở khắp nơi. Nó là quá khứ, là hiện tại lại cũng là tương lai. Nó là cái mẫu số chung làm nên cuộc sống nhiều người. Đứng về mặt kết cấu mà xét, trong vẻ đa dạng của đời sống, người ta thường bắt gặp trong tác phẩm Thạch Lam những truyện ngắn dựa trên tình thế chung là cả cuộc đời nhân vật. Cuộc đời ấy đồng thời là một quá trình chuyển cảnh, sự di chuyển lặng lẽ, nhưng rõ rệt; trong cuộc đời ấy, ánh sáng cứ nhạt dần, con người cứ héo hon dần, cho đến khi chính họ mất hút đi trong bóng tối. Riêng trong Hai đứa trẻ, thì sự biến chuyển xảy ra chỉ trong thời gian ngắn, gói gọn trong một buổi chiều, nhưng cái hướng biến chuyển cũng đã rất rõ. Đầu truyện còn thấy có ánh sáng; cuối truyện, bóng tối đã quánh đặc lại. Trong bóng tối một vài biểu hiện của sự sống có được khắc hoạ như những điểm sáng linh động (mấy người phu ngồi hàng nước, gia đình bác xẩm và cả chuyến tàu nữa, chuyến tàu “rầm rộ đi tới”). Nhưng rồi chúng cũng tan biến, nhường chỗ cho bóng tối càng đậm đặc và chắc chắn hơn.