Hình thành cơ cấu công nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải
Hình thành cơ cấu công nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải Phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm và các trung tâm công nghiệp chuyên môn hóa. ...
Hình thành cơ cấu công nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải
Phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm và các trung tâm công nghiệp chuyên môn hóa.
a) Phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm và các trung tâm công nghiệp chuyên môn hóa
Công nghiệp của vùng hiện đang phát triển dựa trên một số tài nguyên khoáng sản có trữ lượng lớn, nguồn nguyên liệu của nông-lâm-thủy sản và nguồn lao động dồi dào, tương đối rẻ. Do những hạn chế về điều kiện kĩ thuật, vốn nên cơ cấu công nghiệp của vùng chưa thật định hình và sẽ có nhiều biến đổi trong những thập kỉ tới. Một số tài nguyên khoáng sản của vùng vẫn ở dạng tiềm năng hoặc khai thác không đáng kể (crômit, thiếc…). Trong vùng có một số nhà máy xi măng lớn như Bỉm Sơn, Nghi Sơn (Thanh Hóa), Hoàng Mai (Nghệ An). Nhà máy thép liên hợp Hà Tĩnh (sử dụng quặng sắt Thạch Khê) đã được kí kết xây dựng vào tháng 5-2007.
Vấn đề phát triển cơ sở năng lượng (điện) là một ưu tiên trong phát triển công nghiệp của vùng. Do những hạn chế về nguồn nhiên liệu tại chỗ nên việc giải quyết nhu cầu về điện chủ yếu dựa vào lưới điện quốc gia. Một số nhà máy thủy điện đang được xây dựng như Bản Vẽ (320 MW) trên sông Cả (Nghệ An), Cửa Đạt (97 MW) trên sông Chu (Thanh Hóa), Rào Quán (64 MW) trên sông Rào Quán (Quảng Trị).
Các trung tâm công nghiệp của vùng là Thanh Hóa-Bỉm Sơn, Vinh, Huế với các sản phẩm chuyên môn hóa khác nhau. Huế nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ có lợi thế trong phát triển.
b) Xây dựng cơ sở hạ tầng trước hết là giao thông vận tải
Việc đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đang tạo ra những thay đổi lớn trong sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Cho đến nay, mạng lưới giao thông của vùng chủ yếu gồm quốc lộ 1. Đường sắt Thống Nhất (đường sắt Bắc-Nam) và các tuyến đường ngang là các quốc lộ 7, 8,9. Đường Hồ Chí Minh hoàn thành sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các huyện phía tây, phân bố lại dân cư, hình thành mạng lưới đô thị mới. Cùng với phát triển giao thông Đông-Tây, hàng loạt cửa khẩu được mở để tăng cường giao thông với các nước láng giềng, trong đó Lao Bảo là cửa khẩu quốc tế quan trọng. Quốc lộ 1 nâng cấp, hiện đại hóa, đặc biệt là việc làm đường hầm ô tô qua Hoành Sơn, Hải Vân đã làm tăng đáng kể khả năng vận chuyển Bắc-Nam trên tuyến đường huyết mạch này, đồng thời sẽ tạo sức hút lớn cho các luồng vận tải theo quốc lộ 9 tới cảng Đà Nẵng. Một số cảng nước sâu đang được đầu tư xây dựng và hoàn thiện (Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây) gắn liền với sự hình thành các khu kinh tế cảng biển. Các sân bay Phú Bài (Huế), Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình) được nâng cấp giúp phát triển kinh tế, văn hóa và tăng cường thu hút khách du lịch.