Hình ảnh Bác Hồ qua những bài thơ em đã học và đọc thêm trong chương trình Ngữ văn THCS, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những danh nhân...
Nghị Luận Xã Hội Lớp 8 – Hình ảnh Bác Hồ qua những bài thơ em đã học và đọc thêm trong chương trình Ngữ văn THCS. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới… là Bác Hồ giản dị muôn vàn kính yêu của mỗi chúng ta Thế giới có hơn 6 tỉ người nhưng ...
Thế giới có hơn 6 tỉ người nhưng danh nhân văn hoá là con số đếm được trên đầu ngón tay. Và trong số đó lại càng hiếm hơn những người là danh nhân văn hoá kiệt xuất. Nước Việt Nam của chúng ta tự hào vì đã có một con người như thế. Người là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Bác Hồ giản dị muôn vàn kính yêu của mỗi chúng ta.
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ
Bác đã từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng của thơ và nhạc. Hình ảnh Bác vị lãnh tụ kính yêu từ cuộc đời thật bước vào tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ lạ kì: vừa giản dị, gần gũi vừa vĩ đại thiêng liêng. Hình ảnh Bác là bất tử, là bài ca không bao giờ tắt trong dòng văn học Việt Nam.
Hình ảnh Bác thể hiện ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Thơ ca Việt Nam theo chân Người trong cuộc ra đi tìm đường cứu nước rồi đến khi Người trở về Tổ quốc thân yêu, ít có nhà thơ nào lại viết được hay như Chế Lan Viên. Cảm xúc về cuộc hành trình của vị lãnh tụ được nhà thơ diễn tả thật xúc động:
Đất nước đẹp vô cùng.
Nhưng Bác phải ra đi.
(Người đi tìm hình của nước)
Người cất bước ra đi mà lòng nặng trĩu nỗi buồn chia xa đối với quê hương xứ sở, một cuộc hành trình thầm lặng của một con người mà đầy ý nghĩa lớn lao với lịch sử của một dân tộc. Cái tôi vĩ đại ở Bác đã hoà vào cái “ta” chung của dân tộc, đối lập với những “cái tôi” bé nhỏ tầm thường:
Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con.
Hạnh phúc dựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.
Và sau những tháng năm cay đắng, khổ tận đã đến ngày cam lai, Người đã tìm ra con đường, tìm ra chân lý sống còn cho cả dân tộc.
Luận cương đến. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin
Bốn bức tường im nghe
Bác lật từng trang sách
Tưởng bên ngoài đất nước mong tin
Trong niềm xúc động nghẹn ngào vì đã tìm ra ánh sáng của con đường cách mạng mà Người đã cố kiếm tìm, Bác đã reo lên với nhiều cảm xúc vui mừng khôn xiết. Từ lời kể chân thành giản dị của Người, Chế Lan Viên đã viết lên nhiều vần thơ như tạc vào lịch sử một sự kiện vô cùng trọng đại:
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
Hình ảnh Đảng lồng trong hình của nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười.
Còn niềm sung sướng nào hơn niềm sung sướng này? Còn sự xúc động nào ngọt ngào hơn với Bác như lúc này? Người đã phát hiện ra chỉ có con đường cách mạng vô sản mà luận cương của Lên-nin đã chỉ ra mới đem lại hạnh phúc ấm no cho dân tộc. Vậy là dân tộc Việt Nam đã có ánh sáng thái dương đem áng sáng lí tưởng cách mạng soi rọi cho triệu triệu người, là biểu hiện của nỗi khát khao độc lập vô bờ của nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Cảm xúc của Bác lắng đọng trong từng câu chữ của Chế Lan Viên và hình ảnh Bác trong “Người đi tìm hình của nước” thật vĩ đại, là ước vọng của tự do, độc lập của các dân tộc khắp năm châu.
Không chỉ thế, hình ảnh Bác với tình thương bao la của mình là đề tài chủ yếu của thơ ca Việt Nam. Với toàn thể nhân dân, tình thương của Bác thể hiện thật sâu sắc. Minh Huệ đã phản ánh điều này trong bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” rất chân thực.
“Rồi Bác đi đêm chăn
Từng người từng người một
Sợ cháu mình giật thột
Bác nhón chân nhẹ nhàng.”
Đó là sự chăm sóc ân cần với những người chiến sĩ. Còn đây là tình cảm của Người đối với đoàn dân công vất vả, thiếu thốn, chịu đựng gian khổ khó khăn vì cuộc kháng chiến dân tộc:
Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chân
Trời thì mưa lâm thâm
Làm sao cho khỏi ướt
Càng thương càng nóng ruột
Mong trời sáng mau mau.
(Đêm nay Bác không ngủ)
Tình thương của Bác thể hiện ở nhiều cung bậc khi là sự “nóng ruột’ bồn chồn không ngủ được vì lo cho bộ đội, dân công, khi lại thao thức năm canh vì lo vận mệnh đất nước. Đặc biệt tình cảm Bác dành cho đồng bào Miền Nam thật sâu nặng nghĩa tình. Tố Hữu cho ta cảm nhận được điều đó trong bài “Bác ơi”:
Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác nỗi mong cha.
Quả là những tình cảm gắn bó máu thịt thiết tha. Tiếc thay đến ngày nước nhà thống nhất thì Bác đã không còn. Người ra đi vĩnh viễn nhưng vẫn để lại muôn vàn tình thương.
Tình thương ấy rõ nét nhất với thiếu niên nhi đồng. Bác thương một cháu bé trong nhà lao Tân Dương của Tưởng Giới Thạch mới nửa tuổi đã phải đến ở chốn tù lao với mẹ vì cha cháu trốn lính:
Oa…! Oa…! Oa…!
Cha trốn không đi lính nước nhà
Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi
Phải theo mẹ đến ở nhà pha.
(Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh)
Nhà thơ Tố Hữu trong “Theo chân Bác” đã nói được niềm sâu thẳm trong tâm hồn Bác nỗi lòng hướng đến trẻ thơ, đến các cháu thiếu niên nhi đồng:
Ô! vẫn còn đây của các em
Chồng thư mới mở, Bác đang xem
Chắc Người thương lắm lòng con trẻ
Nên để bâng khuâng gió động rèm.
Tình thương luôn là vô hình nhưng lại hữu hình trong tình thương của Người với dân tộc. Một tình thương bao la rộng lớn mà ta cảm thấy và muôn triệu lớp lớp người Việt Nam đều cảm thấy ấm lòng khi nghĩ về vị cha già dân tộc Hồ Chí Minh.
Không những thế ta còn cảm nhận qua các bài thơ về Bác nhiều phong cách Hồ Chí Minh rất gần gũi, đặc biệt. Người là con người giản dị thanh đạm
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
Cuộc đời của vị Chủ tịch nước mà thanh đạm vô cùng.
Nhà gác đơn sơ một góc vườn
Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn
Giường máy chiếu cói đan chăn gối
Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn.
Ở Bác ta luôn thấy phong cách của một con người bình thường mà vĩ đại, một con người hiểu biết uyên thâm nhưng rất gần gũi, bình dị.
Thêm nữa ta thấy ở Người một bản lĩnh phi thường, một phẩm chất cao quí có sự hoà hợp giữa chất thép và tình. Dẫu hoàn cảnh tù đầy nhưng Người luôn kiên cường bất khuất, giữa chốn địa đầy đau khổ nhưng vẫn yêu thiên nhiên.
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
Ôi! Thật là sang cuộc đời cách mạng, thơ ca Việt Nam đồng tình với Người, đồng tình với tư tưởng và lòng yêu nước cao cả. Hình ảnh Bác với phong thái của mình sẽ mãi là bài ca yêu nước và tự hào dân tộc mà Viễn Phương đã viết lên bản tình ca về Bác thật sâu sắc, cảm động.
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bẩy mươi chín mùa xuân.
(Viếng lăng Bác)
Người đã ra đi nhưng thơ ca Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam còn nhắc mãi tên Người: “Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ”. Quả như vậy, hình ảnh Bác Hồ là hình của nước là muôn thế hệ sau vẫn ngợi ca tự hào, vẫn mãi là nguồn cảm hứng không nguôi cho mảnh đất văn nuói dưỡng tâm hồn.
Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
Đố ai đếm được công lao Bác Hồ
Bác Hồ là vị cha chung
Là sao Bắc Đẩu, là vầng Thái Dương.