27/02/2018, 23:19
Hèn nhát hay dũng cảm đều do hoóc môn
Các nhà khoa học tin rằng một số người sinh ra để trở thành anh hùng, bởi cơ thể họ có ít hoóc môn gây cảm giác căng thẳng hơn đa số chúng ta. Binh lính Mỹ trong một cuộc truy quét chiến binh Taliban tại Afghanistan vào năm 2007. Ảnh: silicon.com. ...
Các nhà khoa học tin rằng một số người sinh ra để trở thành anh hùng, bởi cơ thể họ có ít hoóc môn gây cảm giác căng thẳng hơn đa số chúng ta.
Binh lính Mỹ trong một cuộc truy quét chiến binh Taliban tại Afghanistan vào năm 2007. Ảnh: silicon.com. |
“Rõ ràng là có những cá nhân luôn bình tĩnh trong các tình huống căng thẳng hay chết chóc. Hàm lượng các hoóc môn gây căng thẳng trong cơ thể họ thấp hơn nhiều so với phần đông chúng ta”, Deane Aikins, tiến sĩ tâm lý Đại học Yale (Mỹ), nhận xét.
Deane và cộng sự mời nhóm binh sĩ vừa trải qua đợt huấn luyện các kỹ năng sống sót trong môi trường giả lập tham gia một nghiên cứu. Những binh sĩ này phải đối mặt với nhiều hoàn cảnh đáng sợ, như chiến tranh và nhà tù. Nhóm nghiên cứu liệt kê những người xuất sắc nhất dựa vào kết quả huấn luyện của họ rồi lấy mẫu máu của tất cả tình nguyện viên để phân tích.
Kết quả cho thấy nồng độ cortisol – còn được gọi là hoóc môn gây căng thẳng - ở nhóm binh sĩ xuất sắc nhất thấp hơn nhiều so với những người còn lại. Trong khi đó, hàm lượng neuropeptide Y – một hợp chất có khả năng làm giảm mức độ phản ứng của cơ thể đối với cảm giác căng thẳng – trong cơ thể nhóm xuất sắc lại cao hơn. Trên thực tế, neuropeptide Y làm mất tác dụng của cortisol.
Phát biểu trong cuộc hội thảo thường niên của Hiệp hội Tiến bộ khoa học Mỹ, tiến sĩ Deane khẳng định rằng phát hiện của ông giúp giải thích tại sao phi công Chesley Sullenberger có thể duy trì tâm trạng bình tĩnh để điều khiển chiếc máy bay chở khách đáp xuống sông Hudson tại New York sau khi nó đâm trúng chim vào tháng trước.
Deane nhận định rằng nếu kiểm tra nồng độ cortisol và neuropeptide Y của một cá nhân, chúng ta có thể dự đoán người đó có thể giữ bình tĩnh khi đối mặt với tình huống căng thẳng hay không. Các quan chức quân đội rất quan tâm tới nghiên cứu của Deane vì nó có thể giúp họ tạo ra những người lính dũng cảm.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, bằng cách phối hợp một số hóa chất trong cơ thể với các biện pháp tập luyện thần kinh, họ có thể biến một kẻ hèn nhát thành anh hùng. Một trong những hóa chất giúp khống chế cảm giác sợ hãi là dehydroepiandrosterone (DHEA) - loại hoóc môn do các tuyến thượng thận ở cả nam và nữ tiết ra.
"Khi tuyển tân binh, Bộ Quốc phòng không thể loại bất kỳ ai nếu họ đáp ứng được các tiêu chuẩn về sức khỏe và thể chất. Vì thế vấn đề nằm ở chỗ chúng ta phải tìm ra cách biến những anh chàng nhút nhát thành những chiến binh gan dạ trên sa trường. Giờ đây quân đội đã có một giải pháp để làm việc đó", Deane phát biểu.