Hé lộ căn nguyên khác biệt văn hóa Đông - Tây
Giới khoa học từ lâu vẫn băn khoăn tại sao Mỹ và châu Âu lại có nền văn hóa quá khác biệt với các nước Á Đông, chẳng hạn như Việt Nam. Các nhà nghiên cứu rốt cuộc tìm ra câu trả lời ở một lĩnh vực gây bất ngờ: phương pháp làm nông nghiệp khác biệt của cư dân ở phương Đông và phương tây. Trong ...
Giới khoa học từ lâu vẫn băn khoăn tại sao Mỹ và châu Âu lại có nền văn hóa quá khác biệt với các nước Á Đông, chẳng hạn như Việt Nam. Các nhà nghiên cứu rốt cuộc tìm ra câu trả lời ở một lĩnh vực gây bất ngờ: phương pháp làm nông nghiệp khác biệt của cư dân ở phương Đông và phương tây.
Trong khi người phương Tây nổi tiếng về tính cá nhân và cách tư duy phân tích, người phương Đông có xu hướng ưa chuộng kiểu phụ thuộc lẫn nhau và coi trọng tính tập thể.
Các giả thuyết nhằm lí giải sự khác biệt này bao gồm cả quan niệm cho rằng, sự giàu có và nền giáo dục đã nhen nhóm chủ nghĩa cá nhân ở phương Tây, trong khi tỉ lệ bệnh truyền nhiễm cao ở phương Đông khiến cư dân ở đây đề phòng người bên ngoài.
Cách trồng lúa gạo (trái) và lúa mỳ (phải) được cho là nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt trong văn hóa Đông - Tây. (Ảnh: Corbis)
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới, lí do thực sự có thể đơn giản là cách người dân ở hai nửa thế giới trồng cấy lúa gạo và lúa mỳ khác nhau.
Các nhà nghiên cứu nhận định, cây lúa gạo không thể sinh trưởng nếu thiếu nguồn nước cung cấp dồi dào, buộc những người hàng xóm phải bắt tay hợp tác để tưới tiêu cây trồng của họ. Ngoài ra, việc trồng lúa gạo cũng đòi hỏi nhiều giờ lao động, gấp đôi thời gian so với quá trình từ trồng cấy đến thu hoạch cây lúa mỳ.
Ngược lại, nông dân trồng lúa mỳ có thể dựa vào mưa và hoạt động độc lập hơn nhiều.
Để kiểm tra giả thuyết của mình, nhóm nghiên cứu đã đánh giá mức độ của tính tập thể và tính cá nhân ở 1.000 người thuộc các vùng trồng lúa gạo và lúa mỳ khác nhau tại Trung Quốc. Kết quả công bố trên tạp chí Science đã cho thấy các khác biệt tâm lý dễ nhận thấy, tương tự như khác biệt giữa người phương Đông và phương Tây.
Chuyên gia Thomas Talhelm đến từ Đại học Virginia (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu, tuyên bố: "Rất dễ để nghĩ rằng, Trung Quốc là một nền văn hóa thống nhất. Tuy nhiên, chúng tôi phát hiện, Trung Quốc có sự chia rẽ văn hóa tâm lý bắc - nam thấy rõ. Lịch sử trồng lúa gạo ở miền nam Trung Quốc có thể lý giải tại sao cư dân ở miền nam nước này có tính phụ thuộc lẫn nhau lớn hơn những cư dân trồng lúa mỳ ở miền bắc".
Ông Talhelm khẳng định, khám phá trên chứng tỏ di sản của hoạt động nông nghiệp tiếp tục ảnh hưởng tới mọi người trong thế giới hiện đại.