24/02/2018, 18:06

Hãy kể một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc về một người có nghị lực.

Hãy kể một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc về một người có nghị lực – Chuyện "Bàn chân kì diệu” Ngày nay, ai cũng biết thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là người viết bằng chânchứ không viết bằng tay vì thầy bị liệt hai tay từ bé. Để trở thành thầy giáo Ký ...

Hãy kể một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc về một người có nghị lực – Chuyện "Bàn chân kì diệu”

Ngày nay, ai cũng biết thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là người viết bằng chânchứ không viết bằng tay vì thầy bị liệt hai tay từ bé. Để trở thành thầy giáo Ký ngày nay, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký đã trải qua gian khổ như thế nào, em xin kể lại câu chuyện ghi lại quá trình rèn luyện gian khổ đó: chuyện “Bàn chân kì diệu”.

Ký bị liệt hai cánh tay từ nhỏ. Hằng ngày thấy các bạn đi học, Ký thèm lắm. Ký muốn được đến trường như các bạn bình thường khác. Ký đến lớp cô giáo Cương xin được vào học. Cô giáo cầm tay Ký – hai cánh tay mềm nhũn, buông thõng, bất động, cô giáo lắc đầu, an ủi Ký:

–   Khó lắm em ạ. Em hãy về nhà đợi thêm ít nữa xem sao đã!

Cô thoáng thấy đôi mắt Ký ngấn nước. Ký quay người đi, chạy về nhà. Cậu vừa chạy, vừa khóc. Mấy hôm sau, cô giáo Cương tìm đến nhà Ký. Cô rất ngạc nhiên và xúc động khi thấy Ký đang ngồi giữa sân hí hoáy tập viết, cậu kẹp một mẩu gạch vào ngón chân và vẽ xuống đất những nét chữ ngoằn ngoèo. Cô giáo hỏi thăm sức khỏe của Ký rồi cho em mấy viên phấn.

Rồi cô giáo Cương nhận Ký vào học. Cô giáo dọn một chỗ ở góc lớp, trải chiếu cho Ký ngồi tập viết. Ký kẹp cây viết vào ngón chân rồi tập viết vào trang giấy. Mới đầu, Ký không điều khiển cây bút được. Bàn chân cậu giẫm lên trang giấy, cựa quậy một chút là giấy nhàu nát, mực lem luốc trang giấy. Mấy ngón chân Ký mỏi nhừ. Cô thay bút chì cho Ký, cậu lại kiên nhẫn tập viết. Giữ cây bút viết bằng chân cho thăng bằng đã khó, đưa cây bút viết thành nét chữ còn khó hơn. Dù vậy, Ký vẫn cố gắng viết. Bỗng cậu nằm ngửa ra, giơ chân lên xuýt xoa nhăn nhó. Cô giáo và mấy bạn chạy tới, thì ra bàn chân Ký bị chuột rút, co quắp, không duỗi ra được. Chứng “chuột rút” làm Ký rất đau, có lúc tái cả người. Cậu nản chí định thôi học nhưng nhờ cô giáo Cương an ủi, động viên, Ký kiên nhẫn tập dần từng tí một. Các bạn cũng an ủi, giúp Ký những việc nhỏ như xoa chân, giữ giấy… Tình yêu thương của cô giáo và các bạn tiếp thêm sức mạnh cho Ký, Ký lại kẹp bút vào ngón chân, hì hục tập viết. Ký kiên nhẫn viết từng chút một dù sức khỏe yếu ót, dù cậu đau luôn, dù nắng hay mưa, cậu đều đến lớp rất chuyên cần. Luyện tập kiên trì, Ký đã thành công, hết lớp một, Ký đã đuổi kịp các bạn. Chữ Ký ngày một đều hơn, đẹp hơn, có lần cậu đạt điểm tám môn tập viết. Rồi Ký thi vào Đại học, trở thành sinh viên trường Đại học Tổng hợp.

Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương sáng về ý chí vượt khó. Ký đã hai lần được Bác Hồ gửi tặng huy hiệu của Người.

Là người bình thường, học tập trong điều kiện bình thường đôi khi cũng khó khăn cho những ai kém ý thức hoặc chưa thực sự cố gắng. Nguyễn Ngọc Ký là người đầy nghị lực, là tấm gương sáng cho học sinh chúng em noi theo.

Hãy kể một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc về một người có nghị lực – Chuyện “Vua tàu thủy Bạch Thái Bưởi”

Hầu hết các doanh nhân giàu có trên thế giới đều nói rằng thành công của họ đều bắt đều từ một cơ hội, một chút may mắn và rất nhiều nghị lực. “Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi cũng đã bắt đầu như thế.

Bưởi xuất thân nghèo khổ. Ông mồ côi cha từ bé, phải theo mẹ bán hàng rong. May mắn, nhờ khôi ngô và tư chất thông minh, ông được nhà họ Bạch nhận làm con nuôi và cho ăn học.

Năm hai mươi mốt tuổi, Bạch Thái Bưởi làm thư ký cho một hãng buôn. Một thời gian sau, ông kinh doanh độc lập. Ông kinh doanh đủ các ngành: lâm sản (gỗ), nông sản (ngô), rồi mở hiệu cầm đồ, lập nhà in, khai thác mỏ… Ông trải qua nhiều gian nan thất bại, có lúc phá sản nhưng không nản chí.

Nhận thấy việc vận chuyển hàng hoá và đi lại của người dân chủ yếu bằng đường thủy vì nước ta sông ngòi nhiều, bờ biển dài và rộng, ông quyết định mở công ty vận tải đường thủy. Thời bấy giờ, việc kinh doanh ngành này tập trung trong tay các chủ tàu giàu có người Hoa. Để có nhiều khách hàng và khuếch trương tên tuổi hãng tàu do mình thành lập, ông cho người đến các bến tàu diễn thuyết. Trên mỗi chiếc tàu phục vụ khách của ông, ông dán biểu ngữ: “Người ta thì đi tàu ta” và cho treo một cái ống để khách nào đồng tình với ông thì vui lòng bỏ ống tiếp sức cho chủ tàu. Khách đi tàu ủng hộ ông rất nhiều, khách mỗi ngày một đông. Nhiều chủ tàu người Hoa, người Pháp phải bán lại tàu cho ông. Để đảm bảo an toàn cho tàu và khách, ông mua xưởng sửa chữa tàu, thuê kĩ sư giỏi trông nom. Công ty đường thủy của ông ngày một thịnh vượng, số lượng tàu lên đến ba mươi chiếc tàu lớn nhỏ đều mang những cái tên theo lịch sử Việt Nam như; Hồng Bàng, Lạc Long, Trưng Trắc, Trưng Nhị…

Trong vòng mười năm, Bạch Thái Bưởi trở thành “một bậc anh hùng kinh tế”, được mọi người vị nể, đánh giá cao.

Ông Bạch Thái Bưởi có nhiều nghị lực vượt khó khăn. Ông là một doanh nhân yêu nước, là người khởi đầu cho ngành đường thủy nước ta ngày càng mở rộng. Em rất cảm phục nghị lực của ông, ngưỡng mộ và nguyện noi gương ông học tập tốt để trở thành người kinh doanh giỏi sau này.

Hãy kể một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc về một người có nghị lực – Chuyện kể về nghị lực phi thường của nhạc sĩ Bết-tô-ven

Nhạc sĩ thiên tài Lút-vít-van Bết-tô-ven là một người có nghị lực phi thường. Cuộc đời ông từ lúc sinh ra, sống, học tập, sáng tác nhạc là chuỗi ngày dài luôn chiến đấu với mọi hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Câu chuyện em kể sau đây minh chứng cho nhận định đó.

Bết-tô-ven sinh năm 1770, tại Bon, nước Đức, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Từ bốn tuổi, Bết-tô-ven đã được học tập, rèn luyện các loại đàn piano và violon. Quá trình học tập, sinh sống của ông rất vất vả. Vì gia đình của ông nghèo, ông phải bỏ học từ mười tuổi. Kiến thức ông có được đều do ông tự học. Năm mười bảy tuổi, ông đến Viên và theo học nhạc sĩ Bach, cũng năm này, người mẹ thân yêu của ông qua đời. Chịu tang mẹ xong,ông quay lại Viên và tiếp tục học nhạc. Năm hai mươi hai tuổi, Bết-tô-ven đã thu hút được sự chú ý của mọi người bằng sự thể hiện độc đáo những tư tưởng âm nhạc và phong cách biếu diễn. Tưởng rằng tài năng nở rộ thì cuộc đời của ông sẽ tươi sáng hơn. Nhưng không, năm hai mươi sáu tuổi, ông bị điếc tai nặng. Bệnh của ông không có khả năng chữa khỏi. Bị điếc nghĩa là không nghe được tiếng nhạc nữa, điều này thật đáng sợ đối với một nhạc sĩ. Nó như giết chết cuộc đời nghệ thuật của ông. Tuy nhiên, ông không chịu đầu hàng số phận. Ông ngồi vào ghế, cầm lấy giấy và bút, viết thật nhanh, cho đến lúc trăng lên cao, ông đã viết xong bản hợp tấu đàn piano, ông lướt tay lên phím đàn đầy hào hứng, sôi nổi. Tuy ông không nghe tiếng đàn nhưng ông nhìn thấy các phím đàn cùng với sức tưởng tượng dồi dào, mạnh mẽ, ông như nghe được tiếng nhạc êm tai, quyến rũ, tăng thêm sức mạnh để ông sống tiếp. Bệnh phát triển, dày vò ông đau đớn, tiều tụy nhưng ông vẫn kiên trì chống chọi và sáng tác nhạc. Ông không thể nghe thấy âm thanh nhạc của ông khi người ta diễn tấu nhưng ông đánh giá được mức độ thành công thông qua thái độ hưởng ứng, thưởng thức của công chúng.

Ngày hai sáu tháng ba năm 1827, trái tim nhạy cảm và giàu yêu thương của nhạc sĩ ngừng đập. Thế giới mất đi một thiên tài âm nhạc. Ba mươi năm dài chiến đấu với bệnh tật, ông để lại cho đời những bản giao hưởng công-xéc-tô nổi tiếng. Hạt ngọc sinh ra từ trong vỏ trai bệnh tật, những năm tháng đau buồn lận đận giúp thêm sức cho Bet-tô-ven cống hiến cho đời những bản nhạc bất hủ.

Khép sách lại, em nghe tim mình dâng lên niềm thương cảm và tôn kính một bậc tài hoa. Em ngưỡng mộ và khâm phục nghị lực phi thường của nhạc sĩ. Bet-tô-ven là tấm gương sáng chói lọi cho chúng ta sống, học tập và làm việc. Ngày nay, dù tình cờ nghe được một đoạn nhạc của ông, em hiểu rằng em đang được thưởng thức tác phẩm nghệ thuật của bậc tinh anh, tài hoa kiệt xuất.

Từ khóa tìm kiếm nhiều:

0