Hãy chừng minh rằng bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta
Hướng dẫn Trên suốt dải đất hình chữ S của Tổ quốc thân yêu, đâu đâu cũng có rừng. Những cánh rừng đại ngàn Tây Bắc, Việt Bắc, Trường Sơn, miền Đông Nam Bộ… Những khu rừng nguyên sinh Cúc Phương, Cát Tiên, Bạch Mã, cần Giờ, u Minh… là nguồn tài nguyên thiên nhiên ...
Hướng dẫn
Trên suốt dải đất hình chữ S của Tổ quốc thân yêu, đâu đâu cũng có rừng. Những cánh rừng đại ngàn Tây Bắc, Việt Bắc, Trường Sơn, miền Đông Nam Bộ… Những khu rừng nguyên sinh Cúc Phương, Cát Tiên, Bạch Mã, cần Giờ, u Minh… là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá tồn tại tự bao đời. Tục ngữ có câu: Rừng vàng, biển bạc. Quả là rừng đã đem lại cho con người những lợi ích lớn lao. Con người không thể sống thiếu rừng, cho nên bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, rừng gắn bó thân thiết với con người: Núi giăng thành lũy thép dày, Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù (Tố Hữu). Núi rừng Việt Bắc đã trở thành thủ đô của cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp. Núi rừng Trường Sơn với đường mòn Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước hào hùng và oanh liệt… Hãy thử hình dung trong những năm tháng ấy nếu không có rừng ta lấy gì để chở che. Và trong thắng lợi lẫy lừng của hai cuộc kháng chiến, rừng như một chiến sĩ trong đội quân anh dũng trên tuyến đầu. Trong cuộc sống đời thường, rừng cung cấp cho chúng ta bao tài nguyên vô giá cùng với những lợi ích to lớn không sao kể hết. Vành đai rừng phòng hộ đầu nguồn là những rào chắn hữu hiệu ngăn chặn nạn xói mòn, lở đất để bảo vệ tài sản và tính mạng của con người. Rừng là bộ máy thiên nhiên khổng lồ điều hòa khí hậu, cung cấp nguồn oxy, duy trì sự sống trên mặt đất. Rừng còn là kho tàng phong phú, đa dạng về thế giới muôn loài. Cảnh quan đẹp đẽ của rừng đem lại cho con người những phút giây thư giãn tuyệt vời sau những ngày làm việc, học tập mệt nhọc và căng thẳng, cho người ta nguồn dược liệu quý để chữa bệnh, giữ gìn sức khỏe. Rừng cho ta vô số loài thú quý hiếm như: hỗ, báo, hươu, nai…
Rừng bị tàn phá sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày. Diện tích rừng của nước ta càng ngày càng bị thu hẹp một cách đáng lo ngại một phần bởi nạn "lâm tặc" phá rừng lấy gỗ quý, làm giàu bất chính, một phần bởi sự kém hiểu biết của người dân địa phương phá rừng lấy đất trồng trọt. Cung cách làm ăn thô sơ, lạc hậu như đốt nương làm rẫy, đốt ong lấy mật… chỉ sơ ý một chút là gây ra tổn hại khôn lường. Hàng ngàn hécta rừng nguyên sinh bị cháy rụi, hàng ngàn loài động vật bị tiêu diệt, sự cân bằng sinh thái bị phá vỡ… biết mấy trăm năm nữa mới khôi phục lại được những khu rừng như thế?
Cho nên bảo vệ rừng là bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của chính con người. Mỗi chúng ta phải có ý thức tự giác trong việc giữ gìn và phát triển rừng để quê hương, đất nước mãi mãi xanh một màu xanh đầy sức sống.
Thu Trang