Hãy bình luận câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách.
Hãy bình luận câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách. Câu tục ngữ nêu lên một triết lý sống đẹp: người với người là bạn nên ai cũng phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Con người chỉ đẹp khi sống giàu tình thương. Xã hội không chỉ đẹp vì sự giàu sang vật chất mà còn vì văn minh, nhân ái. ...
Hãy bình luận câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách.
Câu tục ngữ nêu lên một triết lý sống đẹp: người với người là bạn nên ai cũng phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Con người chỉ đẹp khi sống giàu tình thương. Xã hội không chỉ đẹp vì sự giàu sang vật chất mà còn vì văn minh, nhân ái.
Lao động tình thương, lẽ phải là vẻ đẹp tính cách của con người Việt Nam. Đặc biệt, tình thương là biểu hiện cao quý của đạo lý dân tộc. Kho tàng văn học dân gian có nhiều bài ca dao, tục ngữ tuyệt hay nói về tình thương người. Một trong những câu tục ngữ được cha ông nhắc nhở con cháu là câu:
“Lá lành đùm lá rách”
Chúng ta cần tìm hiểu câu tục ngữ trên thế nào cho đúng?
1. Giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng, đưa ra ý nghĩa:
a. "Lá lành, lá rách” là hai trạng thái sống tương phản của cỏ cây trong thiên nhiên. “Đùm" nghĩa là đùm bọc, bao bọc che chở, bảo vệ. “Lá lành đùm lá rách". “Lá lành" đùm bọc, bao bọc, che chở, bảo vệ cho “ lá rách" để cùng tồn tại trong một cơ thể sống của cây cỏ trước nắng gió, thời gian. "Lá rách" có được "lá lành" đùm bọc, chở che thì đất trời mới có màu xanh, mới có sự sinh sôi nảy nở của thực vật. Hình ảnh bình dị dân dã mà xúc động lòng người: sự đùm bọc của những người bình dân.
b. Nhân dân ta mượn cây cỏ làm ẩn dụ nói lên mối quan hệ giữa con người với con người. "Lá lành" – biểu tượng nói về những con người có cuộc đời ấm no, hạnh phúc, vui tươi, khoẻ mạnh. "Lá rách"- biểu tượng chỉ những con người bất hạnh, đói rét, ốm đau, hoạn nạn... Lấy biểu tượng "Lá lành đùm lá rách", nhân dân ta nhằm nhắc nhở mọi người biết thương yêu, đùm bọc đồng loại, biết tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Vượt qua hoạn nạn khó khăn, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no. hạnh phúc lâu đài.
Có thể nói, câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" nêu lên đạo lý về tình thương nhằm giáo dục mọi người.
2. Bình:
Câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" là hoàn toàn đúng.
Nó biểu trưng mối quan hệ tốt đẹp, gắn bó trong nhân dân ta từ bao đời nay. Cùng sinh sống trong một vùng quê, một đường phố, học chung mội mái trường, với tình làng nghĩa xóm, lúc tắt lửa tối đèn có nhau, ngọt bùi đắng cay cùng chia sẻ. Vì tình người và nghĩa đồng bào mà mọi người đều biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, biết sống đẹp “Lá lành đùm lá rách".
Cuộc sống đầy rẫy khó khăn. Khi gặp thiên tai, địch hoạ, lúc hoạn nạn ... mọi người biết dựa vào nhau trên tình thương yêu. Nhờ thế mà cuộc sống đẹp đẽ hơn, đầy màu sắc ý vị hơn. Nào ai sống biệt lập, sống cô đơn, ích kỷ mà được hạnh phúc thật sự bao giờ ?
Mọi người đùm bọc, che chở, thương yêu nhau... sẽ cho ta thêm sức mạnh, sống nhân đạo hơn, xã hội ngày một văn minh, tốt đẹp hơn. Mọi người trong cộng đồng phải biết tương thân tương ái để mưu cầu hạnh phúc và làm sáng đẹp đạo lý của dân tộc "Thương người như thể thương thân".
Bài học mà câu tục ngữ “ Lá lành đùm lá rách” nêu lên luôn luôn mới mẻ với mọi người. Nó nhắc ta biết hướng thiện và làm việc thiện.
3. Luận:
Tình nhân ái là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta được hun đúc qua hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Tình thương là thước đo phẩm chất, nhân cách của mỗi thành viên trong gia đình, ngoài xã hội.
Tình thương phải thể hiện được bằng việc làm cụ thể: săn sóc người già yếu, bệnh tật, an ủi người đau thương, giúp đỡ trẻ mồ côi, chi viện cho đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh. Một miếng khi đói bằng một gói khi no; một con ngựa đau cả tàu bỏ có; chị ngã em nâng... lá lành đùm áú rách là như vậy. “Gia huấn ca” tương truyền là của Nguyễn Trãi(?) có những vần thơ đầy tình người:
Tiếng rằng ngày đói, tháng đông,
Thương người bớt miệng, bớt lòng mà cho.
Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng
Mấy chục năm chiến tranh, bão lụt cơ hàn triền miên... thế mà nhân dân ta van vượt qua để đi tới. Phong trào giúp đỡ miền Trung bị bão lụt, quỹ giúp đỡ học sinh nghèo, trẻ mồ côi, phong trào xoá đói giảm nghèo... do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã được đông đảo nhân dân ta hưởng ứng nhiệt liệt. Một ngày công, một quyển vở một chiếc áo... gửi tặng nói lên tấm lòng thơm thảo nghĩa tình, làm cho tình yêu thương đoàn kết dân tộc thêm keo sơn, gắn bó.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã viết:
"Đứa ăn mày cũng trời sinh.
Bệnh còn cứu đặng, thuốc dành cho không”
Tình thương người được nhân lên dưới ánh sáng cách mạng:
“Thương nhau chia củ sắn lùi,
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng"
Đó không chỉ là câu thơ đẹp mà còn là tấm lòng đẹp, tình nhân ái, nghĩa đồng bào đồng chí, và biểu hiện sâu sắc nhất “Lá lành đùm lá rách”.
Tóm lại, câu tục ngữ nêu lên một triết lý sống đẹp: người với người là bạn nên ai cũng phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Con người chỉ đẹp khi sống giàu tình thương. Xã hội không chỉ đẹp vì sự giàu sang vật chất mà còn vì văn minh, nhân ái.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta phấn đấu vì một mục tiêu cao cả: dân giàu nước mạnh. Đến với một ngày mai tốt đẹp ấy, mọi người Việt Nam càng yêu thương, giúp đỡ nhau hơn. Đời đã đẹp và tình người càng thêm đẹp.
Trích:loigiaihay.com