26/04/2018, 12:11

Hậu phương kháng chiến phát triển mọi mặt...

Hậu phương kháng chiến phát triển mọi mặt. Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam . Về chính trị, từ ngày 3 đến ngày 7-3-1951, Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam ( Mặt trận Liên Việt) do Tôn Đức ...

Hậu phương kháng chiến phát triển mọi mặt. Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam .

Về chính trị, từ ngày 3 đến ngày 7-3-1951, Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Mặt trận Liên Việt) do Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch, Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự.

Ngày 11-3-1951, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Khơme Ixarắc, Mặt trận Lào Ítxala họp Hội nghị đại biểu để thành lập Liên minh nhân dân Việt-Lào. Liên minh thành lập đã tăng cường khối đoàn kết ba nước trong đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và can thiệp Mĩ.

Hình 52. Các đại biểu dự Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh-Liên Việt (1951)

Phong trào thi đua yêu nước ngày càng thấm sâu, lan rộng trong các ngành, các giới, làm nảy nở nhiều đơn vị, cá nhân ưu tú. Ngày 1-5-1952, Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất đã tổng kết, biểu dương thành tích của phong trào thi đua ái quốc và chọn được 7 anh hùng đó là : Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên,  Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh.

Về kinh tế, năm 1952, Chính phủ mở cuộc vận động lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm. Cuộc vận động đã lôi cuốn mọi ngành, mọi giới tham gia. Năm 1953, vùng tự do và vùng căn cứ du kích từ Liên khu IV trở ra đã sản xuất được hơn 2,7 triệu tấn thóc và hơn 65 vạn tấn hoa màu.

Sản xuất thủ công nghiệp và công nghiệp về cơ bản đáp ứng được những yêu cầu về công cụ sản xuất và những mặt hàng thiết yếu của đời sống. Năm 1953, ta sản xuất được 3 500 tấn vũ khí đạn dược, cung cấp tạm đủ cho bộ đội về thuốc men, quân trang, quân dụng.

Đi đôi với việc đẩy mạnh sản xuất , Chính phủ còn đề ra những chính sách nhằm chấn chỉnh chế độ thuế khóa, xây dựng nền tài chính, ngân hàng, thương nghiệp.

Để bồi dưỡng sức dân, nhất là nông dân, đầu năm 1953, Đảng và Chính phủ quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất. Từ tháng 4-1953 đến tháng 7-1954, ta đã thực hiện 5 đợt giảm tô và 1 đợt cải cách ruộng đất tại 53 xã thuộc vùng tự do ở Thái Nguyên, Thanh Hóa.

Về văn hóa, giáo dục, y tế: Ta tiếp tục công cuộc cải cách giáo dục (từ năm 1950), thực hiện theo ba phương châm :”phục vụ kháng chiến, phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất”, nhà trường gắn với đời sống xã hội.

Tính đến năm 1952, ở các liên khu: Việt Bắc, III, IV và V đã có trên 1 triệu học sinh phổ thông. Đến năm 1952, phong trào bình dân học vụ đã giúp khoảng 14 triệu người thoát nạn mù chữ và đến tháng 9-1953, công tác bổ túc văn hóa đã có 10 450 lớp học với 335 946 học sinh.

Văn nghệ sĩ hăng hái thâm nhập mọi mặt của cuộc sống, chiến đấu và sản xuất, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóc hóa kháng chiến”.

Công tác vận động vệ sinh phòng bệnh, thực hiện đời sống mới, bài trừ mê tín dị đoan ngày càng có tính chất quần chúng rộng lớn.

Công tác chăm lo sức khỏe cho nhân dân được coi trọng. Bệnh viện, bệnh xá, phòng y tế, trạm cứu thương được xây dựng.

0