21/06/2018, 13:43

Hai “nữ tư lệnh” của làng báo đầu thế kỷ XX

(ĐHVH HN) - Những năm đầu thế kỷ XX, tại Việt Nam, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và xuất phát từ chủ trương dùng báo chí để cai trị của chính quyền thực dân, nghề viết báo đã phát triển rầm rộ. Bên cạnh những tờ báo có chủ bút hoặc chủ nhiệm là nam giới, xuất hiện một số nữ chủ bút là nữ ...



(ĐHVH HN) - Những năm đầu thế kỷ XX, tại Việt Nam, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và xuất phát từ chủ trương dùng báo chí để cai trị của chính quyền thực dân, nghề viết báo đã phát triển rầm rộ. Bên cạnh những tờ báo có chủ bút hoặc chủ nhiệm là nam giới, xuất hiện một số nữ chủ bút là nữ giới. Điều đáng nói là, dù làm nghề ở một giai đoạn mà xã hội đang từng bước dò dẫm trên con đường hiện đại hóa và chịu sự kiểm duyệt khắt khe của thực dân Pháp, nhưng những“nữ tư lệnh” đầu tiên của làng báo vẫn thể hiện được tài năng, sự mạnh mẽ, táo bạo của họ trên mặt trận tư tưởng: từng bước khẳng định và nâng cao vị thế của người phụ nữ. Bài viết dưới đây xin giới thiệu về hai người trong số họ.

1. Bà Sương Nguyệt Anh – Chủ bút báo Nữ giới chung

          Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê (cũng có tư liệu cho là Nguyễn Thị Xuân Khuê; trên bia mộ hiện nay của bà ghi là Nguyễn Ngọc Khuê), sinh ra và lớn lên tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.  Bà sinh năm 1864, đúng năm xảy ra cuộc bạo động tại kinh thành Huế của một số con em dòng dõi hoàng tộc nhằm phản đối việc triều đình ký hòa ước với Pháp. Là con gái của cụ Đồ Chiểu nổi danh vùng Bến Tre với Lục Vân Tiên, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc…, bà và người chị gái Nguyễn Thị Xuyến được cha truyền dạy chữ Hán, chữ Nôm và sớm ảnh hưởng từ cha tình yêu văn chương. Riêng bà Sương Nguyệt Anh còn sớm bộc lộ khả năng sáng tác. Hai ái nữ của cụ Đồ Chiểu vừa thông minh, giỏi giang vừa xinh đẹp nên được người trong vùng gọi là “nhị Kiều”.
          Trước khi chính thức bước chân vào làng báo, cuộc đời bà Sương Nguyệt Anh trải qua nhiều biến cố: cha mất khi mới 24 tuổi; hai lần chuyển chỗ ở để tránh kẻ tiểu nhân hãm hại; kết hôn và sinh con, nhưng con gái mới lên hai thì chồng qua đời… Để nuôi con, bà mở trường dạy chữ Hán cho trẻ em trong vùng. Cũng từ thời điểm này, bà thêm từ “Sương” vào trước bút danh “Nguyệt Anh” (Nguyệt Anh góa chồng), vừa để nói lên tình cảnh góa bụa của mình, vừa ngầm thể hiện sự thủ tiết, một lòng thờ chồng nuôi con.
          Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh có lẽ sẽ chỉ được biết đến như một người phụ nữ yêu văn chương, giỏi Hán học, dung nhan xinh đẹp nhưng cuộc đời nhiều truân chuyên nếu không có một sự kiện đặc biệt xảy ra đối với làng báo vào năm 1917. Lần đầu tiên trong lịch sử non trẻ của nền báo chí Việt Nam, một người phụ nữ đứng ra nhận trách nhiệm chèo lái một tờ báo: báo Nữ giới chung. Người phụ nữ dũng cảm, mạnh mẽ, tài năng ấy chính là bà Sương Nguyệt Anh.
          Sau cái mốc 1865 với sự xuất hiện của Gia Định báo - tờ báo tiếng Việt đầu tiên - bước vào những năm đầu thế kỷ XX, rất nhiều tờ báo tiếng Việt, tiếng Pháp khác  ra đời. Tờ Nữ giới chung cũng xuất hiện trong khoảng thời gian này. Tuy chỉ hoạt động khoảng nửa năm thì bị đình bản (1/2/1918 – 7/1918), nhưng vai trò bước đầu của nó trong việc khẳng định và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, làm tiền đề cho sự xuất hiện của nhiều tờ báo về phụ nữ khác sau này là vô cùng to lớn. Để làm được như vậy, không thể bỏ qua vị trí “đứng mũi chịu sào” của bà Sương Nguyệt Anh – “nữ tư lệnh” đầu tiên của làng báo Việt.
          Đã từng trải qua những ngày tháng tha phương để tránh bị trả thù chỉ vì không đồng ý làm vợ kẻ tiểu nhân… hơn ai hết, người phụ nữ góa chồng ấy hiểu được những thiệt thòi, bất công mà nữ giới phải gánh chịu. Lại thêm tinh thần yêu nước sớm ảnh hưởng từ người cha và được tiếp thu tư tưởng dân chủ, tiến bộ từ những chí sĩ yêu nước đầu thế kỷ XX…, nữ chủ bút Sương Nguyệt Anh đã dồn tâm sức để phát triển tờ Nữ giới chung thành diễn đàn của phụ nữ. Tờ báo của bà tập trung vào các nội dung như: dạy nữ công, phê phán sự khắt khe của lễ giáo đối với phụ nữ, đặt ra các vấn đề về bình đẳng giới… Sáu tháng tòa báo hoạt động với hơn 20 số báo, tờ báo đầu tiên có “tư lệnh” là nữ ấy đã “góp phần chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà, thức tỉnh, cổ vũ phái nữ trước thời thế mới” (Theo báo Pháp lý – 29/6/2015)
          Tháng 7/1918, tờ Nữ giới chung bị thực dân Pháp bắt đình bản. Điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng to lớn của báo đối với xã hội nói chung và đối với vấn đề nữ quyền nói riêng. Trong khi thực dân Pháp đang có nhiều chính sách ru ngủ, mị dân nhằm khiến người dân từng bước quên đi những vấn đề gắn với vận mệnh quốc gia, dân tộc thì việc chấn hưng, cổ vũ, thức tỉnh tinh thần nữ giới của tờ Nữ giới chung quả đáng cho chúng lo ngại.
          Không còn được làm báo, bà Sương Nguyệt Anh đưa cháu ngoại về lại Mỹ Chánh Hòa, Ba Tri để sống nhờ gia đình người em trai và chạy chữa cho đôi mắt đang mờ dần. Nhưng ít lâu sau, mắt bà lòa hẳn. Những năm cuối đời, người “nữ tư lệnh” đầu tiên của làng báo dù sống trong cảnh mù lòa vẫn dạy học, bốc thuốc và sáng tác thơ văn. Vào một buổi sáng mùa đông năm 1922, ở tuổi 58, bà mãi mãi ra đi, tạm biệt quãng thời gian tuy không dài nhưng vô cùng ý nghĩa nơi cõi tạm.

2. Bà Phan Thị Bạch Vân – Người sáng lập Nữ lưu thư quán

          So với kho tư liệu khá phong phú về nữ chủ bút tờ Nữ giới chung thì các bài viết về chủ nhân của Nữ lưu thư quán – bà Phan Thị Bạch Vân – lại vô cùng khiêm nhường.
         Theo tác giả Võ Văn Nhơn, tên thật của bà Phan Thị Bạch Vân là Phan Thị Mai, quê ở làng Bình Trước, tổng Phước Vĩnh Thượng, tỉnh Biên Hòa (nay là phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa). Tuy có cha là tri huyện nhưng do cha mất sớm nên gia đình bà luôn sống trong cảnh nghèo túng. Năm 17 tuổi, cũng như bao cô gái cùng trang lứa, Phan Thị Mai được gả chồng. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đầu nhanh chóng tan vỡ. Từ lúc ấy, bà bắt đầu bước chân vào con đường làm báo, viết văn. Bà được coi là một trong những nhà báo nữ đầu tiên ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX cộng tác với tờ Đông Pháp thời báo. Ngoài ra, cùng với nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm (Nguyễn Thị Manh Manh), bà còn viết bài cho báo Phụ nữ tân văn – một tờ báo đình đám chuyên đấu tranh cho nữ quyền thời bấy giờ.  Trong thời gian cộng tác với Đông Pháp thời báo, bà Phan Thị Bạch Vân đã gặp người chồng thứ hai, ông Võ Đình Dần. Không rõ cuộc gặp gỡ này có được coi là những viên gạch lát đầu tiên cho sự ra đời của Nữ lưu thư quán hay không, chỉ biết rằng sau đó ít lâu, họ về chung một nhà, và Nữ lưu thư quán ra đời năm 1928 dưới sự bảo trợ của chính ông Phan Đình Dần (lúc này đang là chủ nhà thuốc gia truyền nổi tiếng miền Nam mang tên ông). “Nữ tư lệnh” của Nữ lưu thư quán, tất nhiên không phải ai khác, chính là bà Phan Thị Bạch Vân.
          Dưới sự điều hành của “áng mây trắng” mềm mại nhưng cũng vô cùng  tài năng, mạnh mẽ ấy, Nữ lưu thư quán đã tập hợp được hàng loạt những cây bút đình đám đương thời như Đạm Phương nữ sử,  Á Nam Trần Tuấn Khải… Đọc tôn chỉ sáng tác của thư quán, có thể thấy được nỗi trăn trở của người sáng lập và các cây bút thành viên, đó là : “Lựa chọn để bán ra cho cả thảy chị em bạn gái bằng cái giá thật hạ những truyện sách xuất bản trong xứ, có ích cho tinh thần đạo đức và nền luân lý nước nhà, giúp cho trí thức nữ lưu được chóng mở học vấn thêm cao” (Theo Võ Văn Nhơn). Đây cũng chính là mong muốn của bà Sương Nguyệt Anh mấy chục năm trước đó, bởi việc “trí thức nữ lưu” có học vấn cao hơn đồng nghĩa với việc giá trị và quyền lợi của họ sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Với một tôn chỉ sáng tác có tầm cùng đội ngũ cộng tác viên có tài, thư quán của bà Phan Thị Bạch Vân đã nhanh chóng tạo được uy tín trong giới sáng tác lúc bấy giờ. Từ các nhà thơ Nam kỳ như Mộng Tuyết, Đông Hồ đến các nhà thơ Trung kỳ như Nguyễn Vỹ… tất cả đều say mê các ấn phẩm của Nữ lưu thư quán. Điều này không khó giải thích, bởi đến với thư quán, độc giả không chỉ đọc tiểu thuyết ái tình mà còn được tiếp cận với các tư tưởng triết học, chính trị và các học thuyết vốn vô cùng xa lạ với đại chúng lúc bấy giờ như học thuyết của Darwin, Montesquieu, Rousseau… Ngoài ra, còn có cả sách dạy đạo vợ chồng, dạy cách sinh sản, cách nuôi nấng con cái như Sản dục giám và khá nhiều sách dành riêng cho phụ nữ nhằm giúp họ “mở học vấn thêm cao” như Tân nữ học sinh, Phụ nữ tân giáo khoa, Nữ công thường dụng… (Theo Võ Văn Nhơn)
           So với người tiền bối Sương Nguyệt Anh, bà Phan Thị Bạch Vân có vẻ đa tài hơn. Không chỉ làm thơ, viết báo, chủ nhân Nữ lưu thư quán còn dịch thuật, sáng tác tiểu thuyết và làm thơ trào phúng. Dù viết theo thể loại nào thì tư tưởng xuyên suốt các tác phẩm của bà vẫn luôn là vấn đề giải phóng phụ nữ và khẳng định nữ quyền.
           Cũng như tờ Nữ giới chung và nhiều tờ báo tiến bộ cùng thời, Nữ lưu thư quán hoạt động được gần hai năm thì bị Pháp bắt đóng cửa. Bà Bạch Vân thậm chí còn bị nhà cầm quyền gán cho tội phá rối trị an và phải hầu tòa khi đang bụng mang dạ chửa. May mắn thay, bà không phải chịu cảnh lao tù.
         Tròn 100 năm đã trôi qua kể từ khi tờ Nữ giới chung do nữ nhà báo Sương Nguyệt Anh làm chủ bút ra đời. Góp mặt trong làng báo sau Nữ giới chung mười năm, mới đó mà Nữ lưu thư quán cũng đã tròn 90. Cách ngày hôm nay hàng thế kỷ, vậy mà tư tưởng của những “nữ tư lệnh” đầu tiên của làng báo Việt dường như không hề cũ. Nhìn lại cuộc đời họ, đọc lại tác phẩm của họ, xem lại cách họ chèo lái những cơ quan ngôn luận do họ đứng đầu rồi soi lại chính mình, mới thấy mình bé nhỏ, kém cỏi biết bao! 

        Nhân ngày 21/6 – ngày của những người làm nghề báo – xin kính cẩn nghiêng mình!

--
Tác giả: TS. Trần Hồng Liễu (Khoa Viết văn – Báo chí)
 
-
 
0