Giải thích và chứng minh câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương …” – Văn hay lớp 8
Giải thích và chứng minh câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương …” – Văn hay lớp 8 Giải thích và chứng minh câu ca dao "Nhiễu điều phủ lấy giá gương…" – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Nghệ An Một trong những nội dung chủ yếu của ca dao là lối sống ...
Giải thích và chứng minh câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương …” – Văn hay lớp 8
Giải thích và chứng minh câu ca dao "Nhiễu điều phủ lấy giá gương…" – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Nghệ An
Một trong những nội dung chủ yếu của ca dao là lối sống giàu tình nặng nghĩa của dân tộc ta. Chính tình thương yêu đùm bọc của người trong một nước trở thành một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, được thể hiện qua câu ca dao:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Chúng ta cùng nhau tìm hiểu câu ca dao trên như thế nào?
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương” ; nhiễu điều là tấm nhiễu đỏ, chiếc gương soi bằng đồng bóng loáng được đỡ bởi giá gương. Đó là vật dụng trong phòng trang điểm của những tiểu thư khuê cát ngày xưa. Tấm nhiễu đỏ phủ trên giá gương sẽ tôn lên vẻ đẹp sang quý của tấm gương. Ngược lại, chiếc gương sáng cũng làm tăng vẻ rực rỡ của tấm nhiễu điều.
“Người trong một nước phải thương nahu cùng” ; từ hình ảnh của nhiễu điều phủ lấy giá gương câu ca dao ngụ một lời khuyên: người trong một nước phải thương nhau cùng tức là phải thương yêu, đoàn kết với nhau. Lòng thương yêu đùm bọc, tình đoàn kết đồng bào ruột thịt sẽ tạo nên cuộc sống an vui cho cộng đồng, bảo vệ được nền độc lập cho dân tộc.
Bỡi lẽ, lời khuyên về nghĩa tình đồng bào, tình đoàn kết nói trên mang những giá trị tình cảm, đạo đức to lớn. Trong cuộc sống đời thường mọi người phải đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau khi gặp cơ nhỡ, hoạn nạn:
Lá lành đùm lá rách
Thực vậy, xuất phát từ cùng nguồn cội, tổ tiên, người trong một nước cần chung lưng đấu cật để xây dựng và phát triển đời sống cộng đồng
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Thực tế đã chứng minh, trong lịch sử dựng nước và giữ nước. mỗi người đều có thể tạo cho mình một tài sản,.một ngôi nhà. Nhưng mọi người đều có cùng tài sản chung, ngôi nhà chung đó là đất nước, là dân tộc. khi tài sản chung ấy mất đi thì không tài sản riêng nào có thể tồn tại được. cho nên công cuộc bảo vệ đất nước không thể do một người hay một nhóm người nào làm nổi. lịch sử mấy ngàn năm giữ nước của ông cha ta là một biểu hiện sinh động về bài học đoàn kết dân tộc để giữ nước.
Từ chiến thắng quan nam Hán trên sông Bạch Đằng của Ngô Vương Quyền, ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân thời trần, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn tập hợp nhân dân bốn cõi một nhà đến đoàn quân áo vải Tây Sơn quyets sạch mấy mươi vạn quân thanh ra khỏi bờ cõi, tất cả đều do sức mạnh đoàn kết muôn người như một của dân tộc ta.
Từ khi lãnh đạo các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc,bác Hồ đã chủ trương:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công
Cho nên nhân dân ta đã đạt từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: cách mạng tháng Tám 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước.
Bài học đã đi vào ca dao là bài học dduocj đúc kết bằng tâm huyết của nhân dân ta từ lâu đời, có giá trị thực tiễn to lớn. nghĩa tình đồng bào, tình đoàn kết chứa đựng trong câu ca dao trên là bài học lớn nhất của dân tộc qua mấy ngàn năm lịch sử giữ nước và dựng nước mà chúng ta cần luôn luôn tâm niệm.
Giải thích và chứng minh câu ca dao "Nhiễu điều phủ lấy giá gương…" – Bài làm số 2
Tình thương yêu đùm bọc nhau của nhân dán ta được thể hiện qua một số tục ngữ, ca dao. Một trong những nội dung chủ yếu của ca dao là lối sống giàu tình nặng nghĩa của dân tộc ta.
Chính tình thương yêu đùm bọc của người trong mỗi nước trở thành một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, ông cha ta đã dùng hình ảnh ví von rất gần gũi để khuyên nhủ con cháu:
“Nhiễu điều phú lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Ta hãy tìm hiểu ý nghĩa câu ca dao trên để thấy được sự biểu hiện của tình đồng bào ruột thịt của cha ông ta.
Nhiễu điểu là tấm nhiễu đỏ, là một loại hàng tơ mềm mịn màu đỏ rất sang quý. Chiếc gương soi bằng đồng sáng loáng được đỡ bởi giá gương. Giá gương là vật dụng bằng gỗ được chạm khắc công phu để đỡ lấy gương soi, vừa là vật trang trí trong nhà. Đó là vật dụng trong phòng trang điểm của những tiểu thư khuê các ngày xưa. Nhiễu điều và giá gương hai vật ấy nếu để riêng rẽ không có gì đặc sắc mà trái lại, tấm nhiễu cũng bỏ phí, giá gương lại bị bụi phủ mờ, dễ bị hư hỏng, hoen ố. Tấm nhiễu đỏ phủ lên giá gương sẽ tôn lên vẻ sang quý của gương. Ngược lại, chiếc gương sáng cũng làm tăng vẻ rực rỡ của tấm nhiễu điều. Nhiễu tránh cho gương khỏi bị bụi phủ mờ. Gương sáng được lồng trong tấm nhiễu điều rực rỡ sẽ ánh lên sắc màu trang trọng biết bao. Đó là vẻ đẹp hài hòa, rất ưa nhìn, là vẻ đẹp của sự bảo bọc và tình thương yêu.
Từ hình ảnh của nhiễu điều phủ giá gương, câu ca dao ngụ một lời khuyên: người trong một nước phải thương yêu, đoàn kết với nhau. Lòng thương yêu đùm bọc, tình đoàn kết đồng bào ruột thịt sẽ tạo nên cuộc sống an vui cho cộng đồng, bảo vệ được nền độc lập cho dân tộc.
Về mặt tình cảm, người trong một nước có chung một nguồn gốc lịch sử, cùng chung những giờ phút tự hào vinh quang cũng như cùng chia sẻ những hoạn nạn trong những ngày đen tối của đất nước. Chung lịch sử còn có nghĩa là chung cả tổ tiên, chung một tiếng nói, một phong tục, tập quán, một điều kiện sống, một bầu không khí thương yêu với biết bao gắn bó, biết bao kỉ niệm. Người trong một nước Việt Nam sẽ đau xót biết bao nếu như đồng bào mình bị ngoại bang coi thường khinh rẻ, bị lấn lướt hoặc đối xử bất công. Ngược lại, nếu đồng bào ta được quý mến trọng vọng, ta cũng vui lây, cũng cảm thấy tự hào.
Lời khuyên về nghĩa đồng bào, tình đoàn kết nói trên mang những giá trị tình cảm, đạo đức to lớn. Trong cuộc đời thường: Mọi người phải đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau
khi gặp cơ nhỡ, hoạn nạn:
Lá lành đùm lá rách.
Trong đời sống hàng ngày, sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau những lúc ngặt nghèo, giỗ chạp, dựng nhà, cưới xin, tang lễ… đầy nghĩa tình đã trở thành một nét văn hoá của dân tộc ta.
Vì xuất phát từ cùng nguồn cội tổ tiên, người trong một nước cần chung lưng đấu cật để xây dựng và phát triển đời sống cộng đồng.
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Trong công cuộc giữ nước: Mỗi người đều có thể tạo cho mình một tài sản, một ngôi nhà. Nhưng mọi người đều có cùng tài sản chung, ngôi nhà chung, đó là đất nước, là dân tộc. Khi tài sản chung ấy mất đi thì không tài sản riêng nào có thề tồn tại được.
Từ hình ảnh gợi cảm ví von đặc sắc đó, nhân dân ta muốn giữ mãi truyền thống nhân đạo cao quý: phải thương nhau cùng. Lí do yêu thương thật cảm động và đơn giản vì là người trong một nước.
Người trong một nước vốn có quan hệ gắn bó chặt chẽ để tồn tại và phát triển. Chúng ta là một tập thể lớn gồm nhiều ngành nghề, ngành nghề này trao đổi với ngành nghề khác để sinh sống. Khu vực này trao đổi với khu vực khác về nhiều lãnh vực. Ý thức rõ mối quan hệ đó, ta phải duy trì và phát triển xã hội. Đất nước ta đang phát triển, ta càng phải thương yêu nhau, đồng tâm hiệp lực để đấu tranh với thiên tai, lũ lụt hàng năm. Những tấm lòng lá lành đùm là rách được thực hiện trong những lúc thiên tai, hoạn nạn thật là một tấm nhiễu điểu thần kì tạo nên tình yêu thương, đoàn kết dân tộc.
Cho nên công cuộc bảo vệ đất nước không thể do một người hay một nhóm người làm nổi. Lịch sử mấy ngàn năm giữ nước của cha ông ta là một biểu hiện sinh động về bài học đoàn kế dân tộc để giữ nước.
Từ chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng của Ngô Vương Quyền, ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân đời Trần, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn tập hợp nhân dân bốn cõi một nhà đến đoàn quân áo vải Tây Sơn quét sạch mấy mươi vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi, tất cả đều do sức mạnh đoàn kết muôn người như một của dân tộc ta.
Từ khi lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Bác Hồ đã chủ trương:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công.
Từ ngày đất nước thống nhất hòa bình, toàn dân cùng nhau xây dựng một đất nước hòa bình, phát triển. Cho nên nhân dân ta đã đạt từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Bài học đã đi vào ca dao là bài học được đúc kết bằng tâm huyết của nhân dân ta từ lâu đời, có giá trị thực tiễn to lớn. Nghĩa đồng bào, tình đoàn kết chứa đựng trong câu ca dao trên là bài học lớn nhất của dân tộc qua mấy ngàn năm lịch sử giữ nước và dựng nước mà chúng ta cần luôn luôn tâm niệm.
Là một công dân trẻ tuổi của một dân tộc có truyền thống nhân ái tốt đẹp, em vô cùng tự hào đã được sinh ra và lớn lên từ nguồn yêu thương ấy. Em nguyện sẽ giữ mãi tình cảm đồng bào ruột thịt, sẽ mãi mãi sống trong truyền thống nhân ái của dân tộc.
Giải thích và chứng minh câu ca dao "Nhiễu điều phủ lấy giá gương…" – Bài làm số 3
Ca dao tục ngữ từ xưa đến nay vẫn luôn là những bài học vô cùng quý báu mà ông cha ta đúc kết để lại cho con cháu. Chúng không cũ đi, mà vẫn luôn có giá trị trong cuộc sống của chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau. Có những câu ca dao khuyên bảo chúng ta cần phải biết yêu thương gia đình, có những câu cao dao khuyên chúng ta phải biết yêu đất nước, cả dân tộc phải biết đoàn kết. Câu cao dao: “ Nhiễu điều phủ lấy giá gương – Người trong một nước phải thương nhau cùng” là một bài ca dao về chủ đề tình yêu quê hương đất nước. Bài ca dao khuyên chúng ta phải biết yêu thương đùm bọc đồng bào của mình, dù không có quan hệ huyết thống, nhưng để là con rồng cháu tiên, cùng chung một nguồn gốc, cùng sống trong một bờ cõi.
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu về câu ca dao. Nhiễu điều, đó là tấm vải được phủ lên giá giương khi không sử dụng, nhằm giữ cho giá gương luôn sạch sẽ, không bị bụi bẩn và luôn bền đẹp. Giá gương luôn cần tấm nhiễu, cũng như tấm nhiễu chỉ phát huy được tác dụng của mình khi được phủ lên giá gương. Đó là nghĩa đen của câu ca dao. Và ngay ở câu tiếp theo, ý nghĩa của hai hình ảnh tượng trưng nhiễu điều – giá gương đã trở nên rõ ràng. Đó chính là hình ảnh những người trong một nước. Ông cha ta đã khuyên con cháu rằng phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, phải biết đoàn kết để tạo lên sức mạnh tập thể, cũng như nhiễu điều – giá gương, lúc nào cũng ở bên cạnh, bổ sung cho nhau, khiến cho vật kia trở nên có ý nghĩa hơn, đẹp hơn. Bác Hồ đã dạy chúng ta: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” để nói lên sức mạnh của đoàn kết, sức mạnh của tập thể.
Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng. Như vậy, chúng ta đâu phải là người xa lạ. Chúng ta đều có chung tổ tiên, chung nguồn gốc, đều là anh em một nhà trên dải đất hình chữ S. Năm mươi tư dân tộc anh em cùng nhau đoàn kết, chung tay xây dựng và bảo vệ đất nước.
Từ xưa đến nay, nhân dân ta đã có tinh thần đoàn kết vô cùng to lớn. Trong rất nhiều các cuộc kháng chiến, nhân dân ta phải đối mặt với những kẻ thù mạnh hơn, tàn ác hơn gấp nhiều lần. Nhưng bằng tinh thần đoàn kết, sự mưu trí, dũng cảm, mà sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, rồi đến những kẻ thù từ phương Tây với những vũ khí tối tân, hiện đại, chúng ta vẫn là một nước tự do, độc lập. Chỉ với những gậy gốc. Rồi những năm kháng chiến gian khổ, mọi hoạt động đều tập trung tại Việt Bắc. Nếu không có sự giúp đỡ của đồng bào và người dân nơi mảnh đất ấy, làm sao kháng chiến có thể thành công, làm sao chúng ta có thể giành được độc lập.
Ngày nay, trong thời đại hòa bình, tinh thần đoàn kết ấy vẫn luôn luôn sáng mãi trong lòng mỗi chúng ta. Chúng ta vẫn cảm thấy đau khi nhìn thấy những đồng bào miền Trung gặp bão lũ. Chúng ta vẫn hết lòng quan tâm, chăm lo cho những người già neo đơn, những em nhỏ cơ nhỡ, những người khó khăn xung quanh ta. Chia sẻ khó khăn với người khác khiến cho chúng ta thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, mọi người cũng thêm xích lại gần nhau hơn. Trong cuộc đời mỗi chúng ta, không phải lúc nào mọi chuyện cũng thuận lợi. Ai rồi cũng cần người khác giúp đỡ, dù là về vật chất hay tinh thần. Vì vậy, hãy cứ cho đi khi có thể. Rồi một ngày bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn những gì bạn cho đi. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết bài hát trong đó có câu: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”
Đoàn kết, yêu thương tạo ra sức mạnh tập thể vô cùng to lớn. Chẳng thế mà chỉ với giáo mác gậy gộc, chúng ta chiến thắng được những đế quốc vô cùng hùng mạnh, tàn ác. Chính lòng yêu thương, sự sẻ chia của những người xung quanh khiến những người có hoàn cảnh khó khăn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn, ấm áp hơn bao giờ hết. Nhờ những tấm lòng, em bé vùng cao có áo ấm, được học cái chữ, được học điều hay. Nhờ những tấm lòng, những cụ già neo đơn không còn phải cô đơn một mình nữa. Nhờ những tấm lòng, kết nối những yêu thương. Những chương trình vô cùng có ý nghĩa như “ Áo ấm vùng cao”, “Trung thu cho em”, “ Tết trọn vẹn” đã giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn có được một cuộc sống tốt hơn, và quan trọng hơn, là giúp họ nhận được những sẻ chia, ấm áp của tình người.
Tuy nhiên, vẫn còn có những người thờ ơ với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình. Đó là khi chúng ta nhìn thấy người đi đường bị đổ xe nhưng không ai chịu dừng lại vài phút để giúp. Hay những cánh tay xua đuổi những em bé ăn xin tội nghiệp. Người ta ngày càng ích kỉ, chỉ biết bo bo giữ mình, sợ bị lừa, sợ bị thiệt. Nhưng may mắn thay, đó chỉ là số ít người trong xã hội mà thôi. Hãy thử nghĩ mà xem, chúng ta sống một cuộc sống mà chỉ biết mình, thì sẽ buồn chán, tẻ nhạt đến thế nào? Không chỉ thế, xã hội không có sự giúp đỡ, sẽ thụt lùi, chậm phát triển. Thật là một hậu quả đáng sợ, đáng suy ngẫm.
Bác Hồ của chúng ta đã từng nói: “Non sông Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí đó không bao giờ thay đổi.”. Hãy luôn nhớ rằng dân tộc ta luôn là một thể thống nhất, dù có khác nhau về ngôn ngữ, nhưng 54 dân tộc vẫn là anh em, vẫn luôn phải đoàn kết để cùng nhau giữ gìn và phát triển đất nước.
Giải thích và chứng minh câu ca dao "Nhiễu điều phủ lấy giá gương…" – Bài làm số 4
Lật lại những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam, ta thấy rằng ông cha ta đã để lại cho thế hệ trẻ ngày nay nhiều bài học quý giá về sự đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong lao động, trong cuộc sống cũng như trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. Những câu tục ngữ đậm đà bản sắc dân tộc đã nói lên điều đó. Mà một trong số đó chúng ta phải nhắc đến câu tục ngữ:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Nhân dân ta là những người có chung tổ tiên, được sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, là con rồng cháu tiên cùng chung một nguồn gốc. Vì vậy mà chúng ta phải biết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.
Từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành, vấp ngã, sai lầm và thất bại cũng là điều không thể tránh khỏi đối với bất kì ai. Vì lẽ đó mà chúng ta phải biết cảm thông với những người có hoàn cảnh rủi ro, không may gặp trắc trở trong cuộc sống. Con người sống là để yêu thương lẫn nhau. Khi bạn biết chia sẻ, quan tâm đến người khác thì dù có thể bạn không nhận được gì, thế nhưng niềm vui, sự hạnh phúc sẽ đến với bạn. Sống tình cảm là việc cần có ở mỗi người, nó là phẩm chất đạo đức không thể thiếu ở mỗi chúng ta. Nếu sống ích kỉ, chỉ biết cho bản thân, bạn sẽ cô đơn, lạc lõng. Cuộc sống này sẽ chỉ toàn mưu tính, xã hội trở nên vô cảm nếu ai cũng chỉ sống ích kỉ như thế. Hãy biết yêu thương để bạn có thể cảm nhận được sức mạnh của tình thương mang lại. Chính tình thương là động lực lớn lao nhất giúp con người có những động lực mạnh mẽ để vượt qua thử thách của cuộc sống.
Trong lao động, sản xuất ngày nay cũng vậy. Những người dân nghèo, nếu như không có sự giúp đỡ của mọi người thì chẳng thể nào họ có thể thoát khỏi cảnh nghèo túng, khó khăn. Vì vậy, chúng ta phải trải lòng mình để yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh, dù là một việc nhỏ nhất. Thế nhưng, vẫn còn đâu đó những con người mang trái tim sắt đá, thờ ơ trước những cảnh đời bất hạnh, khốn khổ. Vâng, họ không bao giờ hiểu được giá trị của hai chữ “yêu thương” mà lẽ ra họ cũng có thể nhận được. Yêu thương là biết quan tâm, giúp đỡ người khác với tấm lòng nhân ái. Đưa một em nhỏ hay cầm tay một cụ già, giúp họ qua đường một cách nhanh chóng hơn cũng là một biểu hiện đơn giản của tình thương. Bạn biết chia sẻ nỗi buồn, niềm vui cùng những người khác. Thấu hiểu nỗi niềm như chính mình là người trong cuộc thì bạn là người xứng đáng nhận hai chữ yêu thương từ người khác.
Vậy nên, hãy biết quan tâm đến người khác để cuộc sống thêm ý nghĩa và đầy màu sắc tình yêu. Câu tục ngữ trên là bài học vô giá giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc sống, về tình thương, sự đùm bọc giữa con người với con người. Hãy học cách để yêu thương và nắm chặt tay nhau cùng vững tin bước qua thử thách của cuộc sống. Chúng ta phải làm điều đó vì chúng ta cùng chung nòi giống con Rồng cháu Tiên hay chỉ đơn giản vì chúng ta là con người!
Hồng Loan tổng hợp
Bài viết liên quan
- Nghị luận xã hội về câu ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng – Văn hay lớp 10
- Nghị luận xã hội về câu ca dao: Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao – Văn hay lớp 10
- Phân tích tác phẩm Cảm xúc mùa thu – Văn hay lớp 10
- Bình luận câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương …” – Văn hay lớp 7
- Bình luận câu ca dao “Ai ơi giữ chí cho bền, …” – Văn hay lớp 7
- Giải thích bài ca dao “Rủ nhau xuống bể mò cua …” – Văn hay lớp 8
- Nghị luận xã hội về câu ca dao: Ta về ta tắm ao ta .Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn – Văn hay lớp 12
- Phát biểu cảm nghĩ về Những câu hát châm biếm – Văn hay lớp 7