Giải thích và bình luận câu tục ngữ “Ta về ta tắm ao ta, …” – Văn hay lớp 7
Giải thích và bình luận câu tục ngữ “Ta về ta tắm ao ta, …” – Văn hay lớp 7 Giải thích và bình luận câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta,…" – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn thành phố Đà Nẵng Nước ta có nền văn hiến rực rỡ lâu đời. Nhân dân ta có ý thức tự chủ, ý ...
Giải thích và bình luận câu tục ngữ “Ta về ta tắm ao ta, …” – Văn hay lớp 7
Giải thích và bình luận câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta,…" – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn thành phố Đà Nẵng
Nước ta có nền văn hiến rực rỡ lâu đời. Nhân dân ta có ý thức tự chủ, ý chí tự cường, gắn bó và bảo vệ quê hương đất nước, từng làm thất bại mọi âm mưu đồng hoá của ngoại bang. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dân ta vẫn giữ vững nền độc lập của đất nước và bản sắc riêng của nền văn hoá Việt Nam. Gắn bó với cội nguồn, với xứ sở bằng tất cả niềm tự hào ấy, tổ tiên vẫn nhắc nhở cháu con ghi sâu vào lòng câu tục ngữ:
Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn
Đất nước đã có nhiều đổi mới. Nhân dân ta đang cùng các dân tộc trên thế giới bước vào thế kỉ XXI. Trong hoàn cảnh ấy, tìm hiểu ý nghĩa câu tục ngữ, mỗi chúng ta sẽ được bao điều thú vị.
Bờ tre, mái rạ, cây cau, mảnh vườn, chiếc ao… là những cảnh vật thân thuộc với nhân dân, với làng xóm ta từ bao đời nay. Cái ao dù nhỏ, đều là sở hữu thân thiết của mọi gia đình nông thôn. Ao là nơi tắm, giặt giũ là nguồn nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đó là ao cạn vớt bèo cấy muống trong thơ Nguyễn Trãi hay xuân tắm hồ sen, hạ tắm áo trong một ý thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Cầu ao, bờ ao cũng là những hình ảnh đã trở thành mảnh của hồn người dân quê:
Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
(Ca dao)
Cái ao là một biểu tượng của gia đình, quê hương, xứ sở. Nó gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của người dân cày quê ta. Được tắm mát ở ao nhà, nhớ cái ao nước trong veo, họ thầm nhắc:
Ta về ta tắm ao ta
Ba chữ ta nhắc đi nhắc lại, cùng với bốn tiếng ta tắm ao ta vang lên, biểu lộ niềm tự hào và tấm lòng yêu quí đối với gia đình, quê hương. Nó còn thể hiện một quan niệm, một triết lí sống đẹp: tự tôn tự cường, tin yêu mình, trân trọng những giá trị tốt đẹp do mồ hôi và xương máu mình xây dựng nên.
Vế thứ hai là một so sánh ao nhà với ao người. Ao người thì xa lạ. Còn ao nhà thì thân thiết yêu thương. Vì thế dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Niềm tự hào, ý thức tự lập tự cường được khẳng định: ao nhà vẫn hơn.
Câu tục ngữ ra đời trong xã hội phong kiến, giữa một nền sản xuất tiểu nông, khi đất nước ta phải đương đầu với âm mưu đồng hoá – nô dịch của ngoại bang, nên nó mang nội dung tư tưởng tích cực. Nó thể hiện tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương. Nó biểu thị ý thức tự chủ và niềm tự hào dân tộc chính đáng.
Điều kiện lịch sử và xã hội của nông thôn ta, đất nước ta ngày nay đã có nhiều đổi thay. Con người Việt Nam vẫn phải phát huy cao độ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần tự lập tự cường, đồng thời phải biết hoà hợp, vừa phát huy nội lực và tiếp thu văn minh các thành tựu khoa học kĩ thuật, văn hoá tiên tiến của các nước gần xa. Một mặt phải chống tư tưởng bảo thủ, khép kín, mặt khác biết giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc, nhất là nền văn hoá Việt Nam.
Một nước Việt Nam hiện đại, phồn vinh, có nền vãn hoá giàu bản sắc và một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng dân tộc. Muốn hoà nhập mà không bị hoà tan, mở cửa nhưng không bị biến thành cái bóng mờ của thiên hạ thì phải phát huy nội lực, nêu cao tinh thần tự lực tự cường để tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
Thế kỉ XXI là thế kỉ của nền văn minh trí tuệ. Việt Nam mở cửa đón gió mát bốn phương với rất nhiều thời cơ và thách thức lớn. Nhân dân ta sẽ "tắm" ao hồ của người khắp bốn phương nhưng vẫn không bao giờ quên cái mát trong của ao nhà. Câu tục ngữ:
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn
dù nội dung, ý nghĩa có ít nhiều thay đổi, nhưng cái tâm, cái tấm lòng hồn hậu, chất phác, thật thà, trong sáng của con người Việt Nam đối với gia đình, quê hương, đất nước thật là đáng quý trọng muôn ngàn lần.
Giải thích và bình luận câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta,…" – Bài làm số 2
Tinh thần tự chủ, thái độ tự trọng và niềm tin yêu gắn bó với cội nguồn là những yếu tố cần thiết cho mỗi con người trong cuộc sống. Đất nước Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử đã phải trải qua bao thăng trầm, thử thách nghiệt ngã mà vẫn tồn tại và phát triển là bởi dân ta có lòng tự hào, tự tôn và tình cảm gắn bó sâu nặng với quê hương xứ sở. Ông bà ta xưa thường khuyên con cháu:
Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn.
Ý nghĩa của câu tục ngữ trên là đúng hay sai? Chúng ta hãy cùng nhau bàn luận.
Trước đây, nền kinh tế nước ta là một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Hình ảnh nông thôn với những mái rạ nghèo, chiếc sân đất nện, mảnh vườn nhỏ và cái ao thả bèo, thả muông… rất quen thuộc trong đời thường cũng như trong ca dao, tục ngữ. Cầu ao là nơi người nông dân rửa rau, vo gạo, tắm táp, giặt giũ… Cầu ao còn là nơi gặp gỡ, trao đổi tâm tình làng xóm và nó đã trở thành người bạn âm thầm chứng kiến bao nỗi buồn vui của con người:
Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ…
Giã ơn cái cọc cầu ao,
Đêm đêm khuya sớm có tao có mày…
Cái ao gắn bó với người nông dân đến thế nên nó đã trở thành một trong những biểu tượng của hình ảnh quê hương; giống như mái đình, lũy tre, con đò, cây đa, giếng nước… Ta thử hình dung người nông dân sau một ngày làm việc vất vả trên đồng ruộng, được ngồi trên chiếc cầu ao nhà mình, thong thả múc từng gáo nước dội lên thân thể cho trôi đi bao giọt mồ hôi nhọc nhằn. Cái mát mẻ thấm vào da thịt khiến cho đầu óc thoải mái, thảnh thơi. Thế là sung sướng, là thích thú bởi mình được tự do, tự chủ, chẳng phải phiền lụy đến ai, giữ kẽ với ai.
Một tình huống khác: vào tiết nông nhàn, người nông dân thường rời quê đi làm ăn xa. Cuộc sống tha phương ít ngọt bùi mà nhiều cay đắng nên nỗi nhớ nhà, nhớ quê càng day dứt không nguôi. Họ phải chịu đựng tất cả vì miếng cơm manh áo, vì sự mưu sinh. Lăn lóc kiếm sống nhưng lòng chỉ mong đến thời vụ để trở về quê hương, sum họp với gia đình, tiếp tục cái cảnh chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa tuy cực nhọc mà đầm ấm. Và nhất là được tắm ở cái ao nhà mình, cái ao cho dù chưa rộng, chưa trong như nhiều ao khác đã gặp trên đường đời nhưng nó gần gũi, thân quen, nông sâu đã tường, nên ta thỏa chí vẫy vùng mà không phải e ngại, đề phòng bất trắc.
Nghĩa hiển ngôn của câu tục ngữ: Ta về ta tắm ao ta… có thể hiểu là như vậy nhưng người xưa đâu chỉ dừng ở đó. Họ muốn mượn cái hình thức đơn giản ấy để gửi gắm tình yêu quê hương sâu nặng và một triết lí sống tự do, tự chủ và tự tin vào chính bản thân mình. Tất cả những gì của mình (dù chưa hoàn hảo) cũng đều đáng quý, đáng trân trọng.
Nhà mình dẫu sang, dẫu hèn vẫn mang đến cho mình tâm thế của người làm chủ. Tâm thế ấy tạo nên sự tự do, thoải mái tinh thần mà ở những nơi khác, nhà khác không sao có được. Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn là vậy.
Ở thời điểm xuất hiện câu tục ngữ này, ý nghĩa trên của nó là đúng là tích cực vì tinh thần tự chủ, tự tin, tự hào là cần thiết và quan trọng đối với mỗi người, mỗi cộng đồng dân tộc trong quá trình tồn tại và phát triển.
Còn ở thời đại ngày nay, liệu câu tục ngữ trên có còn giữ nguyên giá trị?
Có người cho rằng, quan điểm Ta về ta tắm ao ta… là bảo thủ, tiêu cực, là thái độ an phận và tự mãn cần phê phán. Nhận xét như vậy là đã bỏ qua yếu tố khách quan của lịch sử, yếu tố đạo lí và có phần khắt khe.
Hiện nay, khoa học kĩ thuật phát triển mạnh mẽ và sự giao lưu giữa các quốc gia, các dân tộc trên thế giới ngày càng được nâng cao, mở rộng. Để hội nhập với xu thế chung của toàn cầu, chúng ta không thể khư khư giữ mãi quan điểm đóng cửa, tự mãn, tự hào về những gì mình đã có mà phải mở cửa học hỏi cái hay, cái đẹp, cái mới, cái tiến bộ của nhân loại. Trên cơ sở tiếp thu những thành quả khoa học kĩ thuật tiên tiến một cách có chọn lọc, sáng tạo, phù hợp với bản thân và đất nước, chúng ta sẽ thực hiện được mục đích cao cả là xây dựng một xã hội giàu mạnh và văn minh. Lúc đó, đất nước Việt Nam sẽ tự hào sánh vai với các cường quốc năm châu như ý muốn của Bác Hồ kính yêu.
Học hỏi nước ngoài không có nghĩa là vọng ngoại, sùng ngoại để rồi đánh mất lòng tin và mất ý thức tự lực, tự cường. Bởi mất những yếu tố quan trọng đó, chúng ta sẽ mất tất cả.
Dân tộc và hiện đại là chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn đổi mới hiện nay. Giữ gìn truyền thông và bản sắc dân tộc vẫn là mục tiêu hàng đầu. Dù hiện đại đến đâu chăng nửa, ta vẫn là ta, hòa nhập chứ không phải hòa tan, không để bị biến thành cái bóng mờ của người khác. Thực tế ở một số nước cho thấy yếu tố dân tộc và yếu tố hiện đại vẫn có thể song song tồn tại, phát triển.
Câu tục ngữ: Ta về ta tắm ao ta, Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn có mặt tích cực là đã phản ánh cái tâm rất đáng quý của con người Việt Nam: yêu mến, gắn bó, tự hào về quê hương xử sở, đề cao ý thức tự chủ. Song, trong thời đại mới, chúng ta phải biết vận dụng linh hoạt ý nghĩa của nó để tránh thái độ bảo thủ, tự mãn, hẹp hòi và nâng cao ý thức học hỏi, tiếp thu cái hay, cái mới của nhân loại để xây dựng một đất nước văn minh, tiến bộ mà vẫn mang đậm bản sắc dân tộc độc đáo. Đó là ước nguyện, là mục đích của tất cả chúng ta.
Giải thích và bình luận câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta,…" – Bài làm số 3
Từ ngàn đời xưa, ông cha ta đã đúc kết được bao nhiêu kinh ngiệm trong thực tế cuộc sống xã hội cũng như trong lao động sản xuất. Những kinh nghiệm quý báu đố đã được đưa vào kho tàng ca dao, tục ngữ. Câu ca dao:"Ta về ta tắm ao ta/Dù ttrong dù đục ao nhà vẫn hơn" đã cho chúng ta một lời khuyên sâu sắc về tinh thần độc lập tự chủ, tâm trạng yêu quý những cái của ta, do ta làm chủ không phụ thuộc vào người khác…
"Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn"
Câu ca dao đã dùng hình ảnh gần gũi, dể hiểu như lời nói hằng ngày của người nông dân: Hãy về tắm ao nhà mình dù nước có trong hay vẫn đục hơn nơi khác. Qua hình ảnh thơ này tác giả dân gian muốn khuyên mọi người: Con người ai cũng có gia đình, xã hội, môi trường sống của mình ; phải biết trân trọng môi trường sống của mình, dùng những cái vốn có của mình hơn là đi nhờ vả, sử dụng của người khác. Câu ca dao muốn dề cao ý thức độc lập, không phụ thuộc vào người khác. Những gì thuộc về quyền làm chủ của ta ta nên quý trọng và sử dụng nó.
Với nội dung trên, câu ca dao vừa có mặt đúng, vừa có mặt còn hạn chế. Trước tiên ta hãy bàn về mặt đúng của vấn đề. "Ao ta" thuộc quyền sở hữu của ta, ta có thể tắm thoải mái, tự do không e dè khi phải tắm nhờ ao của người khác.
Trong cuộc sống cũng vậy,sử dụng những gì của mình vẫn thích hơn là đi mượn của người khác. Mặt khác nhà mình có ao thì mình tắm, xã hội mình có sản phẩm thì mình dùng ; đi sử dụng của người khác trong khi mình cũng có thứ đó là hành động thiếu tôn trọng xã hội mình, coi thường chính bản thâm mình. Ấy là chưa kể đến việc almf cho "ao nhà" bẩn đi vì khônbg được sử dụng, tu sửa.
Trong hoàn cảnh mở cửa hiện nay, hàng ngoại ngập tràn, canh tranh với hàng nội, các cấp cũng đã nêu câu ca dao trên để động viên nhân dân dùng hàng nội. Theo em, đây là một chủ trương đúng đắn, vì ta dùng hàng của ta tức là ta trân trọng danh dự của chính ta, quý trọng sức lao động của bản thân. Nếu được tiêu thụ nhiều, hàng hóa sẽ được sản xuất nhiều và do đó ngày càng được cải tiến tốt hơn lên. Nhờ đó "ao nhà" ngầy càng sạch, nền kinh tế của nước nhà ngày càng phát triển
Đối với những người con xa quê hương, xa tổ quốc, nội dung câu ca dao trên càng có ý nghĩa sâu sắc. Sống trên đất nước người, họ có thể có cuộc sống vật chất khá hơn trên quê hương mình. Nhưng nước người vẫn là "ao" của người khác. Làm sao họ có thể thích ứng hoàn toàn với phong tục tập quán, vớia cách sống, cách sinh hoạt của miền đất lạ. Làm sao họ có thể tìm được hồn quê hương dù là trong khoảnh khắc ở những con người xa lạ. "Ta về ta tắm ao ta", nhiều Việt kiều xa quê hương nhưng tâm hồn luôn hướng về tổ quốc. nhiều người đã trở về sống với mãnh đất thương yêu để tìm nguồn an ủi, sự cảm thông và sự gắn bó máu thịtnơi chôn nhau cát rốn.Rõ ràng câu ca dao đã là lời khuyên chân thành, lời chỉ bảo đúng đắn cho mỗi người Việt chúng ta.
Tuy nhiên nội dung của câu ca dao vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Như hần trên đã bàn, câu ca dao khuyên ta phải tắm ao ta, phải sử dụng những cái của ta và lời khuyên đó là đúng là hợp đạo lí. Nhưng câu ca dao lại nêu: "Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn" thì thật là chưa thỏa đáng. Nếu "ao nhà" ta đục, xã hội ta trì trệ, lạc hậu thì làm sao có thể "vẫn hơn" được. Chẳng nhẽ ta cứ an phận tắm nước ao đục, cứ an phận ssống trong xã hội nghèo nàn, lạc hậu mãi hay sao?
Ta không nên bảo thủ, không nên bằng lòng với cuộc sống nghèo nàn lạc hậu, càng không nên coc tâm lí tự cao mù quáng cho rằng cái gì của mình cũng nhất, cái gì của ta thì hơn tất cả mọi người. Hiện nay trong xã hội không ít người còn quan niệm lạc hậu như vậy. Thậm chí có người còn cho rằng ta phải sống trong cái xã hội xủa ta với tất cả các hiện trạng "trong" "đục" vốn có của nó, vì sống như thế mới không lai căn, sống như thế mới là dân tộc.
Không phải phân tích nhiều ta cũng thấy quan niệm đó là bảo thủ, vô trách nhiệm đối với xã hội, đói với chính mình. Quan niệm đó sẽ làm xã hội trì trệ, cuộc ssống nghèo nàn. Trở lại với cuộc vận động dùng hàng nôị hóa hiện nay. Nếu ta lại vận động nhân dân dùng hàng nội với khẩu hiệu: "Dù tốt dù xấu cũng là hàng của ta", vẫn hơn hàng ngoại thì cuộc vận động sẽ hoàn toàn thất bại, sẽ không lôi kéo được đông đảo quần chúng. Vì trong thời buổi hàng hóa tràn ngập thị trường. Không ai dại gì đi dùng hàng xấu, hàng đắt dù những thứ ấy là của ta đi chăng nữa. Rõ ràng quan niệm "Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn" Không còn phù hợp với thực tiễn với xã hội ngày nay, càng không phù hợp với đường lối mở cửa,đổi mới để phát triển không ngừng của chúng ta nữa.
Vậy chúng ta phải nhận thức vấn đề này như thế nào cho đúng, cho phù hợp? Chúng ta không chấp nhận quan niệm an phận" dù trong dù đục" vẫn cứ tắm ao nhà, không có nghĩa là tâ đồng tình với thái độ lẫn tránh, bỏ đi sống ở nơi khác khi quê nhà còn nghèo nàn lạc hậu. Nhận thức đúng đắn nhất hiện nay là phải tôn trọng, sử dụng cái của ta với thái độ "Khơi trong gạn đục" Như một đồng chí lãnh đạo Đảng ta trước đây đã nói:
"Ta về ta tắm ao ta
Khơi trong gạn đục ao nhà vẫn hơn"
Giải thích và bình luận câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta,…" – Bài làm số 4
Con người Việt Nam vốn có niềm tự hào sâu sắc về làng xóm, quê hương, đất nước. Chính vì vậy, từ xa xưa, cha ông ta đã nói:
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù dục, ao nhà vẫn hơn.
Nghĩa đen của câu tục ngữ cho rằng tắm ở ao nhà mình dù nước có sạch hay bẩn vẫn cảm thấy dễ chịu, tự nhiên hơn tắm ở những ao hồ lạ. Còn nghĩa bóng thể hiện lòng tự hào, yêu mến, gắn bó với những gì thân thuộc nơi “chôn rau cắt rốn
Đặt câu tục ngữ này vào hoàn cảnh ra đời của nó thì chúng ta mới thấy được ý nghĩa sâu xa.
Thật vậy, khi nền kinh tế của chúng ta còn đang trong giai đoạn tự cung tự cấp, thiếu thôn mọi mặt, nông dân khổ cực ngày đêm trên đồng ruộng, công nhân vất vả trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ,… thì những gì tự tay mình làm ra vẫn đáng trân trọng, tự hào hơn cả. Thế nên câu tục ngừ đã kích thích mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân ta, của dân tộc ta.
Tuy nhiên, khi xã hội ngày nay càng tiến bộ, khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, sự trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa trên khắp địa cầu trở thành một đặc điểm chung của thời đại thì câu tục ngữ trên có còn phù hợp nừa không? Chẳng lẽ chúng ta chĩ vì yêu quê hương một cách ích kĩ, mù quáng mà sẵn sàng đóng cửa không chịu tiếp thu những thành tựu mới của thế giới hay sao?
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, nước ta còn lạc hậu về khoa học kĩ thuật, đời sống nhân dân ta còn thấp. Nước ta là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Từ ngày tổ tiên ta dựng nước đến bây giờ, Việt Nam phải trải qua biết bao nhiêu cuộc đấu tranh để đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi. Vết thương chiến tranh gần đây nhất – cuộc kháng chiến chông Mĩ cứu nước – vẫn chưa được hàn gắn hoàn toàn.
Do đó, chúng ta cần xem xét lại ý thứ hai của câu tục ngữ: “Dù trong dù dục, ao nhà vẫn hơn”. Đây là một quan niệm hẹp hòi, bảo thủ, khuyến khích con người hướng đến tư tưởng an phận, bằng lòng với cuộc sống nghèo khó, lạc hậu. Hơn nữa, quan điểm ấy còn cản trở con đường phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng và Nhà nước ta trong thời kì đổi mới. Do đó, chúng ta cần có thái độ “gạn dục khơi trong”, nghĩa là phát huy mặt tích cực của câu tục ngữ và không ủng hộ mặt tiêu cực của nó. Cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh đã điều chỉnh câu tục ngữ như sau:
Ta về ta tắm ao ta
Khơi trong gạn đục, ao nhà vẫn hơn.
Quan điểm này có sự kết hợp nhuần nhị tính dân tộc mà cha ông ta đã dày công vun đắp, dựng xây trong suốt bốn nghìn năm qua. Mặt khác chúng ta sẩn sàng mở cửa giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các nước trên thế giới theo chính sách: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”. Mục đích là nhằm đưa đất nước ta tiến đến giàu mạnh, để trong tương lai có thể sánh vai cùng các cường quốc trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, trong thời đại mở cửa ngày nay, chúng ta cần phải tuyên truyền để người dân không sùng bái văn hóa ngoại quốc, sính hàng ngoại.
Trong quá khứ, câu tục ngữ trên khuyên khích, nhắc nhở chúng ta trở về cội nguồn. Còn trong hiện tại, chúng ta không nên bảo thủ mà cần phải năng động, sáng tạo, nhạy bén với thời đại mới theo xu thế quốc tế hóa cũng như không quên phát huy nội lực của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Giải thích và bình luận câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta,…" – Bài làm số 5
Là con người, ai cũng mang trong lòng hình bóng của quê hương, nơi mình sinh ra và lớn lên với biết bao kỉ niệm vui buồn. “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Lời thơ của Đỗ Trung Quân đã nhắc nhở ta điều ấy. Cho nên yêu quê hương là một tình cảm thiêng liêng cao quý không thể thiếu được ở mỗi con người. Mỗi khi nhắc đến quê hương thì ai cũng cảm thấy tự hàọ về quê mình. Và một tâm lí rất quen thuộc của con người chúng ta là: Xấu tốt gì cũng là của quê mình thì mình yêu quý. Điều đó thể hiện rất rõ ở câu ca dao:
“Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn"
Lời ca dao gợi trong ta nhiều cảm xúc và biết bao điều suy nghĩ:
"Ao ta”, đó là cái ao thật thân quen và gần gũi, cái ao ở nhà ta, ở quê ta do chính ông bà, cha mẹ đã bỏ công sức để tạo ra, nó thuộc chủ quyền của ta. Cho nên dù cho “ao ta” có “đục” hay "trong”, sâu hay cạn, ta vốn cảm thấy thoải mái, tự hào khi được tự do lặn ngụp trong nguồn nước mát của cái ao đổ. “Ao người” dầu có trong hơn, đẹp hơn nhưng ta vẫn không cảm thấy tự nhièn như khi tắm ở "ao mình”. – Bởi nó đâu phải là của ta, mình đâu có được tự do lặn ngụp, làm sao biết được chỗ sâu, chỗ cạn mà lường mà tránh! Nói đến “cái ao” nhân dân ta muốn đề cập đến những gì thân thuộc của quê hương xứ sở, đến những di sản văn hóa dân tộc, cả những mặt kinh tế, chính trị, xã hội… do chính con người Việt Nam tạo dựng nên. Phải gắn bó và sử dụng, trân trọng và giữ gìn chúng – Đó chính là ý mà câu ca dao muốn đề cập đến.
“Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”
Tại sao ta phải trân trọng, giữ gìn cái "ao ta” như vậy? Bởi "ao ta” chính là quê hương ta, đất nước ta. Đó là nơi ta sinh ra và lớn lên, từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Quê hương đã đi vào lòng ta, thấm vào tim óc ta bằng thứ tình cảm thiêng liêng gắn bó. Trong quê hương ấy có cả một lịch sử oai hùng, có biết bao anh hùng hi sinh vì quê hương. Quê hương ấy có cả một thời vàng son huy hoàng của cha ông mà tổ tiên đã gìn giữ và để lại cho ta. Những di sản ấy được tạo dựng bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của cha ông, bằng những tỉnh hoa của sông núi, của con người Việt Nam. Vì thế nên những di sản ấy quý giá vô ngần, ta phải trân trọng và giữ gìn nó. Do vậy, thái độ đề cao di sản văn hóa dân tộc chính là một thái độ đúng đắn và cần thiết đối với mỗi chúng ta.
“Ao nhà vẫn hơn” ý thơ chan chứa tình yêu quê hương vốn có ở mỗi con người. Cái gì của mình là hơn cả, có xấu, có tốt gì thì cũng của ta, ta làm chủ nó vẫn hơn là của người. Của người có đẹp cách mấy, có sang cách mấy đối với ta cũng là xa lạ, không tự nhiên, không gần gũi được. Cho nên “ao nhà vẫn hơn” là vậy!
Càng đọc ta càng thấm thía ý nghĩa của lời ca dao. Nó mang một tình cảm có tính chất địa phương cục bộ, chỉ bó buộc ở làng mình, quê mình, không mở rộng ra phía trước, nhưng tình cảm ấy lại rất thiêng liêng cao quý. Nó kêu gọi, nhắc nhở ta nhớ về cội nguồn, nhớ về tổ tiên, về quê cha đất tổ của mình. Lời ca dao còn khơi gợi trong ta trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ tài sản quý giá của ông cha bao đời nay: Đừng để cái mới của người làm mờ đi truyền thống cũ vì ao người đẹp, ao người sang mà chạy theo “ao người", bỏ lơ “ao mình".
Trong thời kì mở cửa hiện nay, cái mới, cái đẹp, cái lạ du nhập vào rất nhiều. Đây là điều kiện tốt giúp ta học hỏi nhiều điều hay của người để cải tạo cái thiếu sót của mình. Nghĩa là ta biết tiếp thu có chọn lọc, phải biết gạn đục khơi trong để “ao mình” mãi mãi đẹp hơn. Đây chính là bổn phận của mỗi chúng ta trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy truyền thống của dân tộc.
Nói tóm lại, câu ca dao trên là lời khuyên, là ý thức để đưa ta trở về cội nguồn của mình, để thúc đẩy tinh thần tự lực tự cường của nhân dân ta.
Mỗi chúng ta cần cố gắng phát huy ngày càng cao tinh thần ấy!
Hồng Loan tổng hợp
Từ khóa tìm kiếm:
- suy nghĩ về câu ta về ta tắm ao ta dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn
Bài viết liên quan
- Giải thích câu tục ngữ “Ta về ta tắm ao ta, …” – Văn hay lớp 8
- Nghị luận xã hội về câu ca dao: Ta về ta tắm ao ta .Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn – Văn hay lớp 12
- Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng – Văn hay lớp 12
- Phân tích tác phẩm Câu cá mùa thu (Thu điếu) – Văn hay lớp 11
- Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm Bài ca nhà tranh bị gió thu phá – Văn hay lớp 7
- Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Có chí thì nên – Văn hay lớp 12
- Phát biểu cảm nghĩ về bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta – Văn hay lớp 7
- Bình luận câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”- Văn hay lớp 9