Giải thích cho bạn lời tâm sự của nhà thơ Xuân Diệu
Đề: Em hãy viết thư để giải thích cho bạn lời tâm sự sau đây của nhà thơ Xuân Diệu: ‘Yêu quốc văn, yêu văn Việt thì tâm hồn ta sẽ dạt dào thêm sức mạnh, sức cảm xúc, mến yêu và suy nghĩ, do đó mà thêm sức chiến đấu’. BÀI LÀM Ngày... tháng... năm.. Bạn Quang Tuấn thân mến, ...
Đề: Em hãy viết thư để giải thích cho bạn lời tâm sự sau đây của nhà thơ Xuân Diệu: ‘Yêu quốc văn, yêu văn Việt thì tâm hồn ta sẽ dạt dào thêm sức mạnh, sức cảm xúc, mến yêu và suy nghĩ, do đó mà thêm sức chiến đấu’.
BÀI LÀM
Ngày... tháng... năm..
Bạn Quang Tuấn thân mến,
Đã lâu mình chưa viết thư cho bạn, vừa thi xong học kì, được ‘xả hơi’ mấy ngày mình tranh thủ viết vài dòng thăm bạn, chắc bạn vẫn khỏe và học giỏi. Nhân đây trao đổi với bạn đôi điều mà mình lấy tâm đắc nhân khi đọc bài ‘Tâm sự với các em về tiếng Việt’ của nhà thơ Xuân Diệu, trong đó ông có nói: '... Yêu quốc văn, yêu văn Việt thì tâm hồn ta sẽ dạt dào thêm sức sống, sức cảm xúc, mến yêu và suy nghĩ, do đó mà thêm sức chiến đấu’.
Cũng như Tuấn, mình là học sinh yêu thích văn, đặc biệt đối với những áng văn chương nước nhà. Dân tộc ta rất đỗi tự hào về một nền văn học nước nhà phong phú, đẹp đẽ. Người ta vẫn nói văn chương là sản phẩm của tình cảm
vì thế văn học nước nhà là hơi thở, tâm hồn của con người Việt Nam ta. Những tác phẩm văn học đã đem lại cho ta những cảm xúc rung động trước những cái đẹp của cuộc sông. Mình yêu thích những bài ca dao trữ tình tha thiết, chắc bạn còn thuộc nhiều bài ca dao, trong đó có bài ‘Con cò mà đi ăn đêm’. Mỗi lần đọc lại bài ca dao này mình thấy thương cò và quý mến cò. Phải chăng thân phận của cò cũng là thân phận của con người? Tội nghiệp, đến khi chết cũng chỉ mong mỏi tha thiết một điều: được chết trong sạch. Phẩm giá con người lao động Việt Nam mình như thế đấy.
Chắc Tuấn cũng như mình, từ ngày ấu thơ mình thường nghe bà kể chuyện ‘ngày xửa, ngày xưa... ‘, mình thương chị Tấm và căm ghét mẹ con mụ dì ghẻ độc ác. Vì thế nhà thơ Xuân Diệu có lí khi nói: ‘Yêu quốc văn, yêu văn Việt thì tâm hồn sẽ dạt dào sức sống, sức cảm xúc... ‘. Tuấn biết không, khi đọc ‘Tắt đèn’ của Ngô Tất Tố, đến đoạn chị Dậu dỗ dành cái Tí để bán cho nhà Nghị Quế, nó khóc van: '... u bán con thật đấy ư? Con van u, con lạy u... ‘ mình đã không cầm được nước mắt. Đây không còn là chuyện văn chương nữa mà chuyện cuộc đời, cuộc đời của những đứa trẻ bất hạnh trong xã hội cũ.
Văn chương bồi đắp tâm hồn tình cảm cho con người, đúng vậy, vì nó đến với ta bằng con tim, đem đến cho ta nỗi buồn, niềm vui, tình thương, lòng căm giận. Chắc bạn còn nhớ ‘Lão Hạc’ của Nam Cao chứ? Gấp trang sách lại hình ảnh ông lão cứ hiển hiện trước mắt mình. ‘Lão tru tréo, bọt mép sùi ra... ‘, một cái chết vật vã, dữ dội. Mình thương ông lão và cảm phục nhân cách ông lão.
Tuấn à, vừa rồi trong một giờ học văn, thầy giáo có kể mẩu chuyện mình rất thích thú. Thầy kể rằng: nhà thơ Tố Hữu khi bị giam trong nhà tù đế quốc vẫn làm thơ, thơ ông được bạn tù học thuộc lòng; ra tù, những chiến sĩ cách mạng đó phổ biến thơ Tố Hữu cho quần chúng. Những bạn tù mỗi lần bị tra tấn dã man, nhẩm đọc thơ Tố Hữu để tự động viên mình vượt qua thử thách, chiến thắng kẻ thù:
Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu Dấn thân vô là phải chịu tù đày Là gươm kề tận cổ, súng kề tai...
Thơ Tố Hữu trong những ngày đen tối của cách mạng là tiếng hát của niềm say mê tin tưởng của những con người chiến đấu hi sinh vì lí tưởng. Văn chương đích thực bao giờ cũng đem đến cho con người những cảm xúc dạt dào, làm tăng thêm sức mạnh và ý chí chiến đấu.
Chúng ta đều biết Xuân Diệu là nhà thơ nổi tiếng, những lời tâm sự của ông được đúc kết từ những suy ngẫm sâu sắc của một người ‘yêu quốc văn,
yêu văn Việt’ và cống hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp giàu, đẹp của nền văn học nước nhà.
Bạn thân mến, thưđã dài, mình dừng bút. Chúc bạn học giỏi và tranh thủ thời gian đến với những áng văn chương nước nhà để bồi đắp cho tâm hồn, ý chí càng trở nên phong phú, cương nghị.
Bắt tay bạn,
Hùng