25/05/2017, 09:36

Giải thích câu tục ngữ Tiên học lễ hậu học văn – Văn mẫu lớp 7

Giải thích câu tục ngữ Tiên học lễ hậu học văn – Văn mẫu lớp 7 2.5 (50%) 2 votes Giải thích câu tục ngữ Tiên học lễ hậu học văn – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Thanh Hóa Nhân dân ta có truyền thống tôn sư trọng đạo và rất hiếu học. Trong mỗi gia đình Việt Nam dù khó khăn ...

Giải thích câu tục ngữ Tiên học lễ hậu học văn – Văn mẫu lớp 7 2.5 (50%) 2 votes Giải thích câu tục ngữ Tiên học lễ hậu học văn – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Thanh Hóa Nhân dân ta có truyền thống tôn sư trọng đạo và rất hiếu học. Trong mỗi gia đình Việt Nam dù khó khăn đến mấy, các bậc cha mẹ đều lo cho con cái được học hành nên người. ...

Giải thích câu tục ngữ Tiên học lễ hậu học văn – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Thanh Hóa

Nhân dân ta có truyền thống tôn sư trọng đạo và rất hiếu học. Trong mỗi gia đình Việt Nam dù khó khăn đến mấy, các bậc cha mẹ đều lo cho con cái được học hành nên người. Có biết bao câu tục ngữ, bài ca, lời hay ý đẹp nói về  việc học hành được truyền tụng trong dân gian. Cổ nhân cũng có câu:

"Tiên học lễ, hậu học văn".

Đó là câu nói của "thánh hiền" mà các cụ đồ nho ngày trước thường dùng để răn dạy học trò. Nó không phải là một câu tục ngữ nhưng được lưu truyền như một câu tục ngữ, hàm chứa một bài học đạo lí sâu sắc.

"Tiên" là trước, "hậu" là sau. "Học lễ" nghĩa là học lễ nghĩa, đạo đức… "Học văn" nghĩa là học văn chương, văn hóa, chữ nghĩa, khoa học, kĩ thuật… "Tiên học lễ, hậu học văn" nghĩa là, trước tiên phải học lễ nghĩa đạo đức, đạo lí làm người, sau mới học đến văn chương, chữ nghĩa, học các kiến thức khẳng định việc giáo dục đạo đức cho học sinh là vô cùng quan trọng để hình thành nhân cách văn hóa cho thanh thiếu nhi.

Câu "Tiên học lễ, hậu học văn" là một châm ngôn đã được khắc sâu vào hồn người qua hàng nghìn năm lịch sử.

Mục đích học tập là gì? Học để làm người, con người có nhân cách và có văn hóa. Học để trở nên tài giỏi, người công dân tốt, người lao động giỏi, đem đức tài làm rạng rỡ cho gia đình, phục vụ đắc lực cho Tổ quốc vì mục tiêu "dân giàu nước mạnh".

Đức và tài là hai tố chất hợp thành nhân cách văn hóa. Học để phát triển đức, tài. Đạo đức là cái gốc của con người. Tài năng chỉ có thể phát triển rực rỡ trên nền tảng đạo đức. Cây cối phải sâu rễ, gốc bền mới có nhiều hoa thơm trái ngọt. Con người cũng vậy, đạo đức, tư cách là điều kiện làm nảy nở tài năng. Do đó, người dạy cũng như người đọc phải biết "Tiên học lễ, hậu học văn" một cách sâu sắc. Một khi người học chưa được giáo dục đến nơi đến chốn thì đừng vội "học văn" vì có "học văn" cũng vô ích. Kẻ có tài mà kém đức là vô dụng, chỉ làm nên những chuyện bất lương. Học giỏi văn, toán… được điểm cao, nhưng bất hiếu, vô lễ, càn quấy… thì có giá trị gì? Chúng ta phải phấn đấu trở nên con ngoan, lễ phép, vâng lời, chăm học chăm làm… của cha mẹ. Phải là người học sinh biết kính thầy, mến bạn, giúp đỡ bạn bè và nỗ lực học giỏi.

"Tiên học lễ, hậu học văn" là một định hướng, một phương châm giáo dục giúp học trò trở thành những con người vừa có đức, vừa có tài.

Câu nói của cổ nhân trên đây làm chứa một nội dung sâu sắc về việc dạy và việc học. Nhân dân ta đề cao đạo lí, đạo đức, lễ nghĩa, không phải tư tưởng phong kiến mà trong lời dạy "Tiên học lễ, hậu học văn" đã mang màu sắc và tính chất của đạo đức nhân dân. Nguyễn Trãi, người anh hùng, nhà thơ lớn trong thế kỉ 15 đã từng viết trong "Quốc âm thi tập": "Trồng cây đức để con ăn". Muốn trồng được "cây đức" thì trước hết phải dạy con cái "Tiên học lễ, hậu học văn".

Nói "học lễ" trước, "học văn" sau không có nghĩa tách rời hai khâu trong một quá trình dạy và học. Học lễ để đảm bảo cơ sở cho việc học văn, học văn để phát huy việc học lễ. Hai khâu học gắn bó với nhau, tác động nhau để hình thành nhân cách văn hóa cho thế hệ trẻ.

Nói "học văn" sau không có nghĩa là coi nhẹ việc học tập văn hóa. Con người mới phải là con người yêu nước, có trình độ cao về văn hóa, khoa học kĩ thuật. Người có đức mà không có tài cũng chẳng làm nên trò trống gì! Bởi vậy, đừng nên học văn hóa một cách đơn thuần mà không coi trọng việc rèn luyện đạo đức. Hoặc chỉ coi trọng việc "học lễ" mà coi nhẹ "học văn" cũng là cách học bất cập.

Giáo dục là thước đo tầm vóc của một dân tộc. Trong bốn nghìn năm dựng nước, dân tộc ta rất coi trọng mở mang việc học hành. Văn miếu với bia đá khắc tên hàng nghìn tiến sĩ. Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm… là những ông thầy vĩ đại, đã đào tạo cho đất nước bao nhiêu nhân tài lỗi lạc. Các cụ đã đề cao "Tiên học lễ, hậu học văn" nên mới làm rạng rỡ nền văn hiến Đại Việt.

Năm điều dạy thiếu nhi của Bác Hồ: "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt…. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm…" đã bao hàm ý nghĩa "Tiên học lễ, hậu học văn" dưới ánh sáng đường lối giáo dục của Đảng.

Hiện nay, đó đây còn có một số thanh thiếu nhi lười học, nói tục, chửi bậy, vô lễ với thầy cô giáo, thô bạo với bạn bè… Hiện tượng ấy nói lên việc giáo dục đạo đức trong gia đình, trong nhà trường chưa được coi trọng đúng mực.

Câu "Tiên học lễ, hậu học văn" có giá trị như một châm ngôn giúp học sinh chúng ta nâng cao nhân cách, trau dồi đạo đức, có ý thức học tập tốt. Qua hàng nghìn năm tồn tại, câu nói của cổ nhân, không hề bị phù mờ lớp bụi thời gian mà trái lại, chân lí ấy vẫn tỏa sáng. Nó vẫn có giá trị định hướng việc tu dưỡng và học tập cho thế hệ trẻ.

Thời cắp sách với bao mộng đẹp: Lớn lên mang đức tài làm rạng rỡ Tổ Quốc. Câu nói của cố nhân giúp ta đi đúng hướng để thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu"… 

Em hiểu thế nào về câu Tiên học lễ hậu học văn – Bài làm 2

Từ bao đời nay, ông cha ta luôn nêu cao và giữ gìn truyền thống đạo đức của dân tộc. Bao giờ mọi người cũng xử sự với nhau bằng lễ nghĩa, xem lễ nghĩa là bài học hàng đầu đối với con người. Ngay từ lúc còn bé thơ, chúng ta cũng luôn được cha mẹ dạy dỗ và nhắc nhở Tiên học lễ, hậu học văn. Trải qua mấy nghìn năm văn hiến, câu tục ngữ ấy vẫn luôn có giá trị, luôn là bài học quý đối với chúng ta.

Quả thật, học lễ nghĩa đầu tiên là điều cần thiết. Chính vì vậy mà ngay từ thuở còn nằm nôi, chúng ta đã được mẹ dạy lễ nghĩa qua từng lời ru, qua những câu hát trong dân gian đúc kết bao truyền thống đạo đức tốt đẹp. Lớn lên, chúng ta lại được cha mẹ hướng dẫn cho cách xử sự từ những điều đơn giản nhất, chẳng hạn lời cám ơn sau khi được cho quà, tiếng xin lỗi khi bị vi phạm, dạ thưa với người lớn tuổi, đi phải thưa, về phải trình… Rõ ràng lễ nghĩa đạo lí hầu như đã thấm nhuần trong nhận thức của mỗi chúng ta từ lúc chưa bước chân đến trường. Đến khi đi học, song song với việc tiếp thu kiến thức, ta cũng vẫn được thầy cô giáo dục lễ nghĩa, đạo đức, biết kính yêu những người thân, quý mến gần gũi bạn bè, giúp đỡ nhau khi khó khăn hoạn nạn. Như vậy ở môi trường nào, đạo lí cũng đóng vai trò chủ chốt và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Một đứa con ở nhà không nghe lời cha mẹ, vô phép, bất hiếu thì không thể nào trở thành một học sinh tốt và chắc chắn, sau này cũng không thể nào là một công dân có ích. Nếu như ai cũng xem thường phép tắc, trật tự thì trước hết, gia đình ấy cũng sẽ mất kỉ luật, không còn kỉ cương, nền nếp. Gia đình là một tế bào của xã hội, gia đình như thế thì xã hội sẽ rối loạn. Xã hội rối loạn, hỗn độn thì không thể nào văn minh tiến bộ. Cuối cùng là cảnh đất nước thua kém, sa sút mãi không thôi. Bài học đạo lí không bao giờ cũ, cũng không bao giờ hết. Học kiến thức văn hoá ta có thể học mười năm, hai mươi năm. Nhưng học làm người có khi suốt cả cuộc đời ta vẫn chưa học hết. Chính vì vậy, câu tục ngữ là một lời dạy đồng thời cũng là lời cảnh tinh vô cùng đúng đắn đối với tất cả chúng ta.

Nhưng thực tế có khi lại khác, bởi đâu phải ai cũng hiểu và thực hiện như thế. Lời dạy vô cùng thiết thực vậy mà đã có một thời chúng ta bỏ quyên, không để ý đến. Đạo đức, lễ nghĩa là nền tảng xây dựng xã hội tốt đẹp. Chúng ta không biết xem trọng cho nên kết qụả dẫn đến tình trạng đạo đức thanh thiếu niên học sinh chúng ta càng lúc càng đi xuống. Thực tế đã có xảy ra bao chuyện trò đánh thầy, con đánh cha mẹ, bè bạn đâm chém, giết chóc lẫn nhau. Đáng chê trách hơn là những người xem nhẹ đạo đức, coi thường bài học làm người. Họ chỉ lo học hành vun đắp kiến thức cho bản thân mà không chú ý rèn luyện đạo đức. Họ quên rằng, đâu chắc hẳn cứ học giỏi là có được đạo đức, phẩm chất cao đẹp, được người đời trọng vọng. Những người dù thất học mà biết giữ lễ nghĩa, đạo đức còn đáng quý hơn kẻ học rộng hiểu cao mà thất đức, vô nhân đạo gấp bội phần. Hiểu rõ vấn đề, mỗi chúng ta cần phải có hướng đi cụ thể: Lễ hôm nay không chỉ có lễ nghĩa đạo đức đơn thuần mà nó còn phát triển cao hơn thành tình yêu thương gắn bó với quê hương đất nước, lòng hy sinh cao cả đối với nhân dân. Chúng ta ai ai cũng mong muốn được trở thành người công dân tốt, đóng góp nhiều nhất cho xã hội. Muốn trở thành người công dân tốt, chúng ta cần thiết phải có nền nếp đạo đức. Muốn được như thế thì ngay bây giờ ta phải ra công rèn luyện tu dưỡng đạo đức bản thân, ở mọi hoàn cảnh chúng ta cần ghi nhớ trong tim lời dạy quý báu “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Tóm lại, đạo đức con người là cái đáng quý nhất, đáng trân trọng nhất. Cho nên bài học làm người bao giờ cũng là bài học đầu tiên, bài học suốt cả cuộc đời cho tất cả mọi người. Để phấn đấu trở thành công dân tốt, hôm nay bên cạnh “Tiên học lễ, hậu học văn”, chúng ta cần ghi nhớ thêm lời Bác dạy: Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó.

Giải thích câu tục ngữ Tiên học lễ hậu học văn – Bài làm 3

Xã hội ta từ trước đến nay luôn coi trọng đạo đức của con người. Người có tài và được coi trọng phải luôn đi liền với đạo đức tốt. Hiểu rõ tầm quan trọng của đạo đức tục ngữ có câu:

"Tiên học lễ, hậu học văn."

Trước tiên, ông cha ta muốn khuyên con cháu đời sau phải rèn luyện, trau dồi lễ nghĩa, đạo đức, nhân cách bản thân ta phải tự hướng ta về những truyền thống đạo đức vốn có từ lâu đời của dân tộc. Muốn trở thành một con người toàn diện, ngoài việc có nhân cách tốt, ta còn phải có trình độ chuyên môn cao, nắm vững khoa học kĩ thuật hiện đại. Vì vậy mỗi chúng ta muốn trở thành người có ích cho xã hội cần phải rèn luyện cả đức lẫn tài, phải có nhân cách cao thượng, có tâm hồn trong sáng và có sự hiểu biết rộng rãi.

Người học sinh ngoài học ở sách vở, phải biết tự học tập kiến thức và rèn luyện đạo đức ngoài cuộc sống, phải biết biến những kiến thức của thầy cô truyền đạt cho mình thành những kiến thức của bản thân để sử dụng và phát huy chính những kiến thức đó sẽ giúp ta rất nhiều trong cuộc sống khi ta tiếp xúc với xã hội.

Lễ nghĩa là một trong những truyền thống quan trọng trong xã hội Việt Nam. Điều đó sẽ giúp con người tạo mối quan hệ tốt với bạn bè, hàng xóm, đem lại một niềm tự hào cho gia đình, được mọi người yêu thương, quý mến, coi trọng. Ngoài ra, tạo được uy tín trong công việc, sự nghiệp thành đạt. Hơn thế nữa, khi có ý thức thì con người sẽ biết sắp xếp, tổ chức việc học, việc làm một cách khoa học, từ đó, công việc của họ luôn được hoàn thành, có hiệu quả, cuộc sống sẽ trở nên nề nếp và thanh thản hơn. Xin lấy ví dụ từ giáo sư Ngô Bảo Châu, sinh ra trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, nhờ được giáo dục ý thức từ nhỏ, nên ông đã có thái độ nghiêm túc trong việc học, cùng với sự cố gắng, ông đã thành công ngoài mong đợi. Vậy là đối với một con người, một nền tảng nhân cách tốt sẽ giúp họ có một tiền đồ tươi sáng, thành đạt.

Đạo đức luôn là yếu tố nhân cách cơ bản của con người. Phẩm chất đạo đức là hướng phấn đấu của con người từ nhỏ đến lớn, từ xưa đến nay khi mới chào đời đến khi bập bẹ những tiếng nói đầu tiên, những bước đi chập chững đầu đời thì con người đã được ông bà dạy dỗ bao lời nói hay, bao cử chỉ đẹp. Đó chính là tiếng chào hỏi, tiếng dạ thưa đối với người lớn tuổi. Đó chính là những cử chỉ nhường nhịn, hành động bày tỏ tình cảm yêu thương đối với các em nhỏ. Đó chính là lễ mà con người đã được học từ khi chưa bước vào nhà trường, nhân phẩm của một con người đã được học từ khi chưa bước vào nhà trường, chưa bắt đầu học văn. Phẩm chất đạo đức chính là thước đo giá trị, nhân phẩm của một con người nếu pháp luật là nền tảng kỉ cương của xã hội thì lễ giáo chính là nền tảng vững chắc của môi trường sư phạm. Tôn trọng pháp luật là thước đo một xã hội công bằng văn minh, tôn trọng lễ giáo trong nhà trường là nền tảng đạo đức của người học sinh, là bệ phóng cho tài năng phát triển cao hơn, bay xa hơn. Con người tốt luôn chú trọng đến việc rèn luyện nhân cách cá nhân. một khi đã trở nên người có phẩm chất, biết tôn trọng giá trị đạo đức thì con người sẽ đem lại những kiến thức, tri thức của mình cống hiến cho xã hội, góp phần xây dựng một xã hội ngày càng phát triển vững mạnh. Làm được điều đó thì mối tương quan giữa con người và xã hội mới ngày một thân ái, ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong xã hội, cuộc sống, con người có thể hạn chế về mặt kiến thức nhưng có phẩm chất đạo đức tốt, biết cách cư xử hòa nhã, thủy chung đối với mọi người xung quanh thì vẫn được mọi người yêu mến, xã hội trọng dụng. Một người học sinh chỉ học khá nhưng lại vui vẻ, đối xử tốt với bạn bè, thì vẫn được bạn bè yêu mến, tôn trọng. Nhưng ngược lại, một học sinh giỏi luôn đứng đầu lớp lại tỏ thái độ ta đây hống hách, khinh người thì bạn bè sẽ ngày càng xa lánh, không yêu mến, giúp đỡ. Lễ, hiếu chính là nền tảng, là mục tiêu để hướng tài năng của một cá nhân nào đó vào mục đích cao cả, tốt đẹp. Lễ là gốc, văn là ngọn. Nếu gốc không chắc thì làm sao cành lá có thể phát triển tốt tươi. Lễ là nền, văn là nhà. Nếu nền không vững chắc thì làm sao nhà có thể đứng vững được. Con người trong xã hội nếu không có lễ, biết lễ thì làm sao có thể là một xã hội trong sáng, văn minh được. Lúc ấy tự con người sẽ bị xã hội đào thải. Vì vậy người học sinh phải rèn luyện nhân cách và tài năng để sau này trở thành một công dân tốt trong xã hội. Tiên học lễ, hậu học văn cũng có nghĩa là tôn sư trọng đạo mỗi người trong tập thể học sinh phải nhận thức sâu sắc điều này. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư có Trọng thầy mới được làm thầy.

Ý nghĩa của câu tục ngữ cần được phát huy tác dụng triệt để. Trong nhà trường và xã hội ngày nay, cái xấu đang phát triển, đang có chiều hướng lấn át cái tốt vì chữ lễ chưa được coi trọng. Ngày nay điều đáng sợ là lòng tôn kính thầy cô đã có những biểu hiện xấu. Trong trường, người học trò lại dám đứng ngang nhiên cãi lời thầy cô, dám làm những điều hạ thấp nhân cách của người thầy như báo chí đã phê phán. Thử hỏi có xã hội nào, đất nước nào trên thế giới này lại không xem đạo đức, lễ giáo là nền tảng giá trị.

Ta cần phải ra sức chống lại và loại trừ những cái xấu đang phát triển. Đó chính là những sách báo, phim ảnh xấu xa đang len lỏi dần để đầu độc những tư tưởng vốn trong sáng của người học trò tạo ra khuynh hướng bạo lực đối với thầy cô. Chúng ta cần phê phán nghiêm khắc đối với các học sinh này.

Các biện pháp củng cố lễ nghĩa ở học sinh trong nhà trường của ngành giáo dục đang rất cần phát triển và duy trì để trường ra trường, trò ra trò, thầy ra thầy cho dù xã hội có phát triển đến đâu, nền khoa học kĩ thuật có tiến bộ cách mấy thì đạo đức vẫn là cơ sở để phát triển tài năng, xây dựng xã hội văn minh, giàu đẹp. Ta cần học cả lễ lẫn văn. Lễ được hiểu là đức, văn là tài, lễ là cơ sở cho văn phát triển, văn tác động giúp lễ vững bền.

Nếu chỉ học một thứ ta sẽ không làm nên được việc như Bác Hồ đã nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Thực tế cuộc sống đã chứng minh điều đó. Trong một xí nghiệp, vị giám đốc là một người có nhân cách tốt, hòa nhã, cư xử tốt với mọi người trong xí nghiệp nên ai ai cũng yêu mến, cũng hết lòng làm việc. Nhưng vị giám đốc này không có trình độ chuyên ngôn, hiểu lơ mơ về khoa học kĩ thuật hiện đại thì vẫn không đưa xí nghiệp đó tiến lên ngày càng phát triển. Ngược lại vị giám đốc đó là một người học cao, có năng lực làm việc, có tài lãnh đạo nhưng kiêu căng, đối xử không tốt với nhân viên nên không được công nhân tận tâm làm việc thì vẫn không đưa xí nghiệp đó tiến lên được. Việc học lễ là việc cả đời người nên ta phải xác định được nơi học lễ.

Ta học lễ ở mọi nơi, mọi lúc, ở những lời nói hay, cử chỉ đẹp, ở những truyền thống, ở những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của dân tộc, trọng thầy, mến bạn, hiếu nghĩa với cha mẹ, cư xử hòa nhã, lễ phép với mọi người xung quanh. Việc rèn luyện lễ của học sinh không chỉ là bổn phận, trách nhiệm của nhà trường mà còn là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội. Vì sựhình thành tài năng, nhân cách của con người không những chịu ảnh hưởng của nhà trường, thầy cô, mà còn chịu sự chi phối của cha mẹ, anh em, gia đình, bạn bè. Người rèn luyện lễ nghĩa từ nhỏ tới lớn khi còn là học sinh ta ra sức cố gắng ôn luyện, trau dồi lễ nghĩa, tài năng thì sau này khi lớn lên, ra đời tương lai mới mở rộng, tràn đầy hy vọng. Không có con đường rộng mở cho những ai lẩn tránh đấu tranh (Lỗ Tấn). Một thái độ, một hành vi trái đạo lí, trái với truyền thống tốt đẹp của tổ tiên dù nhỏ cũng hết sức tránh.

 

Lời răn dạy mà cha ông để lại có ý nghĩa thật sâu sắc. Nếu mỗi chúng ta đều có ý thức rèn luyện đạo đức và trí tuệ thì xã hội thật tốt đẹp và đáng sống biết bao. Đất nước ta sẽ nhanh chóng trở thành đất nước văn minh giàu đẹp, con người sẽ không phải lo sợ có kẻ xấu hại mình, người khó khăn sẽ được giúp đỡ kịp thời.

Giải thích câu tục ngữ Tiên học lễ hậu học văn – Bài làm 4

Từ xưa tới nay, lễ nghĩa vẫn luôn là điều mà ông cha ta muốn con cháu có được, và thực hiện tốt điều đó. Mong muốn các thế hệ sau không ngừng rèn luyện bản thân, rèn luyện cách đối nhân xử thế đúng chừng mực nhất. Cha mẹ vẫn thường khuyên chúng ta khi học kiến thức văn hóa thì trước tiền điều cần thiết đó là phải rèn luyện cho bản thân những kiến thức đạo đức, lễ nghĩa. 

Mỗi khi bước vào một ngôi trường nào đó, điều đầu tiên chúng ta vẫn thường thấy ngày đó là dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn”. Vậy thì câu tục ngữ này mang ý nghĩa gì trong cuộc sống chúng ta?

“Tiên học lễ, hậu học văn” là câu tục ngữ gồm hai vế song song với nhau, nhằm bổ sung ý nghĩa cho nhau để có thể hoàn thiện một nội dung muốn truyền tải. Câu tục ngữ của ông cha ta truyền lại tuy rất ngắn gọn, thế nhưng lại có nội dung vô cùng sâu xa nhằm để khuyên răn con người về cách sống, cách cư xử ở trên đời.

Vế đầu của câu tục ngữ là: “Tiên học lễ”. Tiên ở đây mang nghĩa chính là đầu tiên, là trước hết. Còn Lễ mang nghĩa là lễ nghi, là sự lễ phép hay hiểu đơn giản có nghĩa là đối nhân xử thế với mọi người xung quanh. Ý nghĩa của vế thứ nhất mong muốn truyền tải đó là sự khuyên răn chúng ta trước tiên ai nấy cũng đều cần phải trau dồi lễ nghĩa, cũng như cách cư xử đối với mọi người sao cho đúng mực, đúng đạo lý.

Vế thứ hai của câu tục ngữ: “hậu học văn”. Hậu trong câu nói này chính là sau, và cũng chính là những môn văn hóa được học trong các chương trình học từ tiểu học tới sau này, là những kiến thức chúng ta có thể được học từ xã hội. Dễ dàng thấy vế thứ 2 trong câu tục ngữ này đang muốn nói rằng: khi nào đã học được những phép tắc, lễ nghi thì hãy bắt đầu bước vào học những kiến thức văn hóa. Trau dồi, rèn luyện những kiến thức của bản thân khi đã biết cách ứng xử đúng mực với mọi người xung quanh.

Như vậy, ý nghĩa của  câu tục ngữ “tiên học lễ, hậu học văn” chính là muốn nhắn nhủ chúng ta hãy nên học cách ứng xử, cách đối nhân xử thế với những người xung quanh trước. Sau đó thì mới bàn đến những vấn đề về học vấn, về học tập những kiên thức văn hóa.

Bởi rằng, cho dù một người nếu có học vấn cao, được đi khắp mọi nơi, khắp năm châu bốn bể. Thế nhưng, ngược lại với trình độ học vấn ấy thì người đó lại không hề biết cách ứng xử với mọi người, xem thường mọi người và không tôn trọng từ cha mẹ cho tới quê hương. Vậy thì những thứ người đó có được cũng chỉ là “văn”, chứ không thể có được cả “lễ”. Một trong những điều quan trọng nhất tạo nên phẩm chất, nhân cách của con người.

Nếu chúng ta thiếu đi “lễ” thì bản thân chính chúng ta sẽ trở thành những người không có nhân phẩm. Dù cho kiến thức có sâu rộng bao nhiêu đi nữa thì cũng không có ý nghĩa gì hết, sẽ không thể được mọi người xung quanh tôn trọng.

Lễ nghĩa, và đạo đức chính là một trong những nền tảng quan trọng của xã hội dù ở bất cứ thời kỳ nào. Người có phẩm chất tốt, còn hơn là những người có hiểu biết kiến thức rộng mà đạo đức lại không có. Chúng ta đều biết đất nước sẽ cần phải có những người tài, thế nhưng đất nước sẽ cần hơn nữa những người có tâm, có tình và hết mình vì dân vì nước, chứ không phải là những con người chỉ có tài mà không có đức.

Mỗi người chúng ta sống trong xã hội này đều cần phải ra sức rèn luyện cả đạo đức, và lễ nghĩa để trở nên tốt đẹp hơn, thành người công dân tốt có ích cho gia đình, xã hội. Đó sẽ là nền tảng để mỗi người có thể học hỏi thêm nhiều kiến thức từ bên ngoài, và trau dồi để thành người tài.

Từ khóa tìm kiếm

  • giai thich cau tien hoc le hau hoc van de van
  • giải thích câu tục ngữ học tập tốt lao động tốt đề thi ngữ văn
  • giai thich cau tuc ngu tien hoc le hau hoc van
  • Giải thích ý nghĩa câu Tiên học lễ hậu học văn
  • xem giải nghĩa câu hậu trách nhân

Bài viết liên quan

0