06/02/2018, 15:39

Giải thích câu tục ngữ: “Có chí thì nên”

Đề bài: Em hãy giải thích câu tục ngữ: “Có chí thì nên” Bài làm Có chí thì nên chỉ là một câu tục ngữ như hàng trăm ngàn câu tục ngữ thông thường của người Việt. Nhưng theo tôi, đây là một câu tục ngữ khá đặc biệt – một câu tục ngữ rất thân thuộc đối với mỗi ...

Đề bài: Em hãy giải thích câu tục ngữ: “Có chí thì nên”

Bài làm

Có chí thì nên chỉ là một câu tục ngữ như hàng trăm ngàn câu tục ngữ thông thường của người Việt. Nhưng theo tôi, đây là một câu tục ngữ khá đặc biệt – một câu tục ngữ rất thân thuộc đối với mỗi chúng ta và rất cần có trong hành trang mỗi bạn trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp. Nó hàm chứa rất nhiều ý nghĩa triết luận và mang tính giáo dục sâu sắc.

Lục tìm trong trí nhớ, tôi còn ngạc nhiên hơn khi phát hiện hàng chục thành ngữ tục ngữ Việt cũng nằm trong trường nghĩa này: Có cấy có trông/ có trồng có ăn; Có bột mới gột nên hồ; Có chí làm quan / có gan làm giàu; Có cứng mới đứng được đầu gió; Có dại mới nên khôn; Có đi mới đến/ có học mới hay; Có gió lung mới biết tùng bách cứng/ Có ngọn lửa lừng mới biết thức vàng cao; Có học mới biết / có đi mới đến; Có học mới có hành; Có khó có nhọc mới có lọc có rang; Có khó mới có mà ăn; Có khó mới nên; Có khôn mới nên quan, có gan mới nên giàu; Có công mài sắt có ngày nên kim,… điều thú vị là tất cả các tục ngữ đều có sự tương đồng về cấu trúc (có điệp, có đối, có vần) và đều bắt đầu bằng từ Có (Một vị từ giả thiết mang tính điều kiện). Dĩ nhiên, là dù có nhiều biến thể nhưng tựu trung ngữ nghĩa chính của các câu thành ngữ đều bắt đầu từ một triết lí mang tính nhân quả đặc sắc của người Việt: Mọi điều hay, điều tốt lành chỉ đến với ai khi họ biết cố gắng nỗ lực vượt gian khó để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình.

Tuy nhiên, phải nói rằng câu tục ngữ CÓ CHÍ THÌ NÊN là một câu tục ngữ đặc biệt nhất. Ngắn gọn với 4 âm tiết, theo cấu trúc lô gích của phép kéo theo CÓ A THÌ (CÓ) B, câu tục ngữ đã giản lược tới mức triệt để mà vẫn diễn tả đầy đủ và rõ ràng một thông điệp: “Con người ta nếu có hoài bão lớn, biết nhẫn nại, kiên trì thì cuối cùng công việc chắc chắn sẽ thành công”. Chí ở đây chính là chí khí, tức là “ý muốn bền bỉ, mạnh mẽ, quyết khắc phục mọi trở ngại, thực hiện mục đích cao đẹp của cuộc sống” [Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB đà Nẵng, 2006). Chí cũng còn là chí hướng, là quyết tâm vươn tới và thực hiện hoài bão, lí tưởng, mục tiêu đích thực của cuộc đời. Người ta sống ở đời có nhiều hoàn cảnh và thân phận, nhưng lí tưởng, chí hướng là điều cần phải có. Cái đó quyết định hướng đi vào quyết định sự thành đạt, ước vọng của mỗi người. đây cũng là lời tự bạch nổi tiếng chí lí của Pavel Korchagin (trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy mà gần đây chúng ta có lần được theo dõi trên kênh truyền hình VTV1): “Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận bởi những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”. Và Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã “Khuyên thanh niên” qua một bài thơ tứ tuyệt ngắn gọn – ngắn gọn như một chân lí, một châm ngôn định hướng rất rõ ràng: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên.

Chí, tức là quyết tâm. Nhưng chỉ có quyết tâm thôi không đủ, chúng ta còn phải có tri thức. Tri thức là sức mạnh. Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của thông tin, khoa học kĩ thuật hiện nay, chúng ta còn phải biết trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ và hợp lí. Vì tri thức chính là “chìa khoá vàng” giúp ta mở cánh cửa chân trời khoa học, để chúng ta nhanh chóng tiếp cận với nền kinh tế tri thức hiện nay. Có quyết tâm mà lại thiếu tri thức thì chẳng khác nào anh xẩm đòi phóng xe trên đường cao tốc. đó là cách làm ăn theo kiểu “duy ý chí”, không những gây tai nạn cho mình mà còn đem tai hoạ cho người khác nữa.

Nhà bác học cổ Hi Lạp Archimède (287-212 TCN) từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng trái đất này”. Câu nói đó hàm chứa đầy đủ quyết tâm, ý chí, sự hiểu biết và năng lực hành động hợp quy luật, khả năng tận dụng cơ hội của nhà khoa học. Sức mạnh nhiều khi sẽ được nâng lên gấp bội nhờ người ta biết kết hợp tối đa các nhân tố của “điểm rơi cần thiết”. Và khi người ta nắm bắt được quy luật, làm theo quy luật thì người ta đã tìm ra bí quyết của sự thành công. đó cũng là vấn đề về bài học giá trị mà tuổi trẻ hôm nay có thể rút ra từ thực tiễn ngàn đời của lịch sử.

Và điều quan trọng hơn hết là bạn đừng bao giờ sợ thất bại. Bởi vì một người mà luôn sợ thất bại, lúc nào cũng muốn mình sống một đời mà không có một sai lầm nào cả thì bạn là một người ảo tưởng, hoặc là hèn nhát không bao giờ dám đối mặt với cuộc sống. Nếu lúc nào bạn cũng lo âu là mình sẽ luôn gặp thất bại thì xin lỗi, bạn chẳng bao giờ tự lập được cả. Bạn sợ té xe thì không thể nào mà đạp xe được, bạn sợ sặc nước thì mãi mãi bạn sẽ không bao giờ biết bơi.

Một người mà không chịu được mất mát thì sẽ chẳng được gì. Bạn nên nhớ rằng con đường đời trong cuộc sống không phải lúc nào cũng phải trải đầy hoa hồng và niềm vui không đâu. Nếu trong những việc nhỏ nhặt như thế mà chúng ta còn làm không xong thì làm sao mà ta có thể đương đầu với những gian nan khi ta lớn lên? Chẳng lẽ cuộc đời chúng ta chỉ có thất bại thôi sao? Bạn nên nghĩ rằng: Thất bại và sai lầm bao giờ cũng có hai mặt cả. Tuy nó đem lại cho ta không ít mất mát và thương tổn nhưng nó cũng là những bài học vô cùng đắt giá, giúp ta tránh lặp lại những sai lầm về sau.

Tuy nhiên, bạn cũng cần phải cẩn trọng. Không phải là bạn liều lĩnh hay mù quáng mà lại cố làm ra những sai lầm.Chẳng ai thích sai lầm cả. Có người sau khi phạm sai lầm thì lại chán nản. Kẻ thì sau khi phạm sai lầm lại phạm những sai lầm khác còn nghiêm trọng hơn. Vì vậy, cách xử trí của ta đối với những sai lầm cũng rất quan trọng. Bạn đừng nên bi quan, buông xuôi tất cả. Bởi vì chính trong những lúc nguy nan, những lúc khó khăn nguy nan nhất, nếu ta vẫn bình tĩnh và có ý chí, ta có thể lật ngược lại vấn đề. Ta cần phải tự tin, lạc quan, có nghị lực để vượt qua những trở ngại, khó khăn thử thách để đạt đến thành công.

Một điều quan trọng nữa là ta phải dũng cảm, trung thực nhìn nhận ra thất bại và vượt qua nó, xem thất bại như một động lực lớn giúp ta thành công. Những người khôn ngoan sẽ là người biết rút ra được kinh nghiệm và biết tìm con đường để tiến lên. Cho nên, đừng bao giờ sợ thất bại. Điều đáng trách nhất là khi chúng ta bỏ lỡ những cơ hội quý giá chỉ vì một lý do hết sức đơn giản: Chúng ta chưa cố gắng hết mình.Là học sinh, đương nhiên chúng ta vẫn gặp rất nhiều thất bai: bị điểm kém, bị thầy cô phê bình, cha mẹ không bằng lòng,…Nhưng chúng ta vẫn không nản chí, không buông xuôi mà ngược lại, ta phải cố gắng nỗ lực hơn trong học tập. Và không chỉ trong việc học tập mà còn trong gia đình, cuộc sống, với những người xung quang.Câu tục ngữ trên là một lời dạy bảo thiết thực vể những kinh nghiệm trong cuộc sống. Khi hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ rồi, ta có thể tự tin hơn trước những thất bại, khó khăn trong cuộc sống.

Có chí thì nên, câu châm ngôn “như đinh đóng cột” ấy đặt chúng ta trước một phương châm, một kim chỉ nam định hướng cho cuộc đời mình. Câu nói giản dị như một lời khuyên, lời nhắn nhủ và hơn thế nữa, như một chân lí hiển nhiên của cuộc đời, khiến cho ai đó mỗi khi đọc lên phải tự ngẫm lại mình. Với mỗi thanh niên thời đại mới, những người đang đứng trước nhiều thử thách về năng lực trí tuệ, trước những đòi hỏi lớn về tiếp nhận tri thức mới mẻ… mà “thiếu chí” và “nhụt chí” thì hẳn là khó có thể đi tới đích mình cần trên con đường lập thân, lập nghiệp. Tôi nghĩ, chắc nhiều bạn học sinh, sinh viên còn mải chơi quên học hoặc học chưa hết sức, sẽ giật mình khi nghe ai nói tới câu tục ngữ Có chí thì nên. Nhiều khi chỉ một cái hích nhẹ thôi cũng đủ làm cho ta “tỉnh ngủ” và hăng hái nhập vào đội ngũ những con người trẻ trung giàu nhiệt huyết hôm nay với một niềm phấn chấn vẫy gọi: Lên đường.

Từ khóa tìm kiếm

0