28/02/2018, 11:17

Giải mã tác dụng đặc biệt của giả dược

Một số người có thể được lập trình về mặt di truyền để cảm thấy khá hơn sau khi dùng các viên thuốc giả dược, trong khi những người khác có thể chỉ lành bệnh với các viên thuốc thực sự, theo một nghiên cứu mới. Khám phá bí ẩn tác dụng đặc biệt của giả dược Nhà nghiên cứu Kathryn ...

Một số người có thể được lập trình về mặt di truyền để cảm thấy khá hơn sau khi dùng các viên thuốc giả dược, trong khi những người khác có thể chỉ lành bệnh với các viên thuốc thực sự, theo một nghiên cứu mới.

Khám phá bí ẩn tác dụng đặc biệt của giả dược

Nhà nghiên cứu Kathryn Hall thuộc Trường Y Havard và các cộng sự đã tiến hành một cuộc khảo cứu mới đối với các công trình nghiên cứu hiện có về giả dược. Mục tiêu của họ là xem xét bằng chứng về việc các gen của một số người có thể khiến họ dễ trải nghiệm hiệu ứng giả dược hơn.

Nếu điều này được xác thực và đặc điểm di truyền của những "người phản ứng với giả dược" như vậy có thể được nhận diện, nó có thể làm thay đổi cách chúng ta kê dùng dược phẩm cũng như thiết kế các cuộc thử nghiệm thuốc.

Trên tạp chí Trends in Molecular Biology, nhóm của bà Hall lưu ý, các nghiên cứu trước đây từng cho rằng, phản ứng của con người trước các liệu pháp giả dược có thể chịu ảnh hưởng từ cách các phân tử phát tín hiệu nhất định trong bộ não và cơ thể phản ứng trước cơn đau và sự tưởng thưởng hay kỳ vọng về những trải nghiệm đó như thế nào.

Trong số các hệ thống phát tín hiệu quan trọng được nhận diện có các hệ thống liên quan đến phản ứng trước biệt dược giảm đau hoặc tâm trạng, chẳng hạn như các hệ thống serotonin và dopamine. Khác biệt giữa mọi người về cách các hệ thống này hoạt động có thể liên quan đến các biến tố trong gen của họ.

Bằng chứng về tác dụng có thực của giả dược được công bố lần đầu tiên năm 1978, sau một thử nghiệm trên những bệnh nhân nhổ răng hàm. Kết quả thử nghiệm cho thấy, một số người đã trải nghiệm cảm giác giảm đau khi dùng một viên giả dược, thay vì thuốc giảm đau narcotic.

Gần đây, các nhà nghiên cứu cũng xem xét gen COMT, vốn có vai trò điều phối lượng dopamine trong bộ não và có liên quan đến các cảm giác đau và khoái cảm. Trong một thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 dạng chữa trị giả dược đối với các bệnh nhân bị hội chứng khó chịu đường ruột. Cụ thể là, các bệnh nhân hoặc được đưa vào danh sách chờ chữa trị, được một người không thân thiện thực hiện châm cứu giả hoặc được một người trìu mến thực hiện châm cứu giả.

Sau đó, các chuyên gia đã kiểm tra xem các bệnh nhân sở hữu phiên bản COMT nào. Những người có biến thể gen này với hàm lượng dopamine cao được phát hiện là các đối tượng nhiều khả năng nhất thông báo, liệu pháp điều trị giả thực sự có tác dụng giảm đau.

Mặc dù kết quả nghiên cứu trên rất đáng chú ý, nhưng nhóm tác giả thừa nhận "việc phát hiện ra một vài tương liên giữa các biến thể gen với các phản ứng giả dược trước những loại thuốc nhất định không vạch rõ căn cứ di truyền cho phản ứng giả dược. Một câu hỏi vẫn chưa được giải đáp là liệu các đặc điểm di truyền có thúc đẩy phản ứng giả dược trước loại thuốc này tương tự như thúc đẩy phản ứng giả dược trước loại thuốc khác hay không. Chúng có thể hoàn toàn khác nhau".

Bà Hall và các đồng nghiệp cũng đề cập tới những thách thức đạo đức trong việc sử dụng mô tả di truyền để kê thuốc điều trị. Các bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành xét nghiệm di truyền trước khi kê một số loại thuốc, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bệnh nhân từ chối việc soi kiểm đó.

Các chuyên gia cũng nêu ra khả năng thay đổi tiêu chuẩn vàng cho những thử nghiệm lâm sàng đối với biệt dược mới. Hiện nay, các thử nghiêm lâm sàng đang được tiến hành với một nhóm nhận giả dược và một nhóm khác dùng thuốc thử nghiệm. Tuy nhiên, bà Hall tin là cần tăng thêm một nhóm không được điều trị gì. Bà nói, cách làm này có thể giúp đo mức độ của bất kỳ phản ứng giả dược nào và giúp xác định tác dụng của thuốc tốt hơn.

0