Giải mã nguồn gốc đống đá cuội khổng lồ ở Maroc
Nguồn gốc của một đống đá cuội khổng lồ ở Maroc, nơi mà trên đó một ngôi làng nhỏ nằm chênh vênh, đã từ lâu là một bí ẩn với các nhà khoa học. Nhưng đến nay, bí ẩn đã được giải đáp: đống đá này là kết quả của một vụ lở núi kinh hoàng xảy ra cách đây 4.500 năm trên các ngọn núi cao thuộc dãy ...
Nguồn gốc của một đống đá cuội khổng lồ ở Maroc, nơi mà trên đó một ngôi làng nhỏ nằm chênh vênh, đã từ lâu là một bí ẩn với các nhà khoa học.
Nhưng đến nay, bí ẩn đã được giải đáp: đống đá này là kết quả của một vụ lở núi kinh hoàng xảy ra cách đây 4.500 năm trên các ngọn núi cao thuộc dãy Atlas.
Các nhà khoa học đã phân tích những gì còn sót lại của một trong những khu vực đổ nát lớn nhất ở Bắc Mỹ, bãi đá lở Arroumd phía tây bắc dưới chân núi Aksoual, ngọn núi cao 3.912m so với mặt nước biển thuộc vùng núi cao trên dãy Atlas ở Maroc.
Một ngôi làng hiện đang tọa lạc trên đỉnh bãi đá với độ cao khoảng 2.000m này.
Nguồn gốc và niên đại của Arroumd đã khiến các nhà khoa học đau đầu suốt hơn 135 năm. Trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng đống đá này là một phần của băng tích-đá và trầm tích của sông băng.
Trái lại, tác giả chính của nghiên cứu Philip Hughes, một nhà địa mạo học thuộc Đại học Manchester (Anh) lại đưa ra giả thuyết rằng Arroumd là kết quả của một vụ lở đá xảy ra sau khi dòng sông băng chảy qua thung lũng ở đây tan chảy.
Ngôi làng trên bãi đá lở Arroumd thuộc dãy Atlas ở Maroc. (Ảnh: livescience.com)
Để giải mã bí ẩn của Arroumd, Hughes và các đồng nghiệp đã xác định niên đại của những hòn đá ở đây. Họ kiểm tra hàm lượng đồng vị của beryllium-10, một chất thường được tạo ra khi các tia từ vũ trụ tác động tới thạch anh trên bề mặt đá.
Hàm lượng đồng vị sẽ cho biết những tảng đá này tiếp xúc với không khí từ khi nào, cũng như cho biết khi nào mà trầm tích được hình thành.
Kết quả kiểm tra thật bất ngờ: vụ lở đá đã diễn ra sau khi sông băng tan chảy.
“Dòng sông băng đã tan chảy cách đây 11.700 năm vào cuối kỷ băng hà cuối cùng. Tuy nhiên các vách đá chỉ đổ ập xuống từ cách đây 4.500 năm, do đó không phải do hoạt động của sông băng tan chảy mà đá lở xuống".
Thay vào đó, các nhà khoa học đang nghi ngờ vụ lở đá xảy ra do các hoạt động địa chất vì nằm rất gần một khu vực hay xảy ra các hoạt động kiến tạo.
“Tôi không ngờ là vụ lở đá lại diễn ra muộn như vậy. Nhưng tôi luôn sẵn sàng để thách thức và nhìn lại, và hy vọng có thể cải thiện nghiên cứu trước đây của mình. Khoa học là thế mà", Hughes chia sẻ.
Sự xói mòn do sông băng gây ra có thể đã khiến các vách núi dốc hơn, tạo điều kiện cho đá lở lăn xuống. “Có khả năng những thung lũng từng có sông băng chảy qua sẽ sụp xuống do một vụ động đất, một trận mưa lớn, hoặc cả hai. Tại dãy Alps ở châu Âu, có những bằng chứng cho thấy cũng từng có một loạt những vụ lở núi tương tự vào cùng thời điểm, và một nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra núi lở là do một trận mưa cực lớn diễn ra hồi đó", Hughes nói thêm.
Arroumd là một nơi rất khó để làm việc, Hughes cho biết. “Đã có vài vụ tai nạn nhỏ xảy ra ở khu vực nghiên cứu, và một số người tới đó cũng bị đổ bệnh một cách bí hiểm. Tôi thường đùa với mọi người về một "lời nguyền" ở Arroumd. Năm nay chúng tôi gặp phải một vài trận gió lốc khi bước vào thung lũng, chỉ vài ngày sau khi nghiên cứu được công bố. Chúng tôi không thể đứng vững vì gió quá mạnh, một điều rất bất thường bởi khu vực này là nơi có khí hậu ấm áp và ôn hòa”.