Giải mã hiện tượng hàng loạt núi đá sạt lở domino
Nhiệt độ ngày càng ấm lên được cho là một trong những nguyên nhân gây nhiều vụ lở đá trên thế giới. Cụ thể hiện tượng này đã gây ảnh hưởng thế nào? Theo tờ The Atlantic, cuối tháng qua liên tiếp xảy ra những vụ sạt lở nghiêm trọng ở núi đá El Capitan trong vườn quốc gia Yosemite, California, ...
Nhiệt độ ngày càng ấm lên được cho là một trong những nguyên nhân gây nhiều vụ lở đá trên thế giới. Cụ thể hiện tượng này đã gây ảnh hưởng thế nào?
Theo tờ The Atlantic, cuối tháng qua liên tiếp xảy ra những vụ sạt lở nghiêm trọng ở núi đá El Capitan trong vườn quốc gia Yosemite, California, Mỹ - nơi nổi tiếng với giới leo núi mạo hiểm.
Trong đó, một vụ làm chết 1 người, cũng là ca tử vong đầu tiên liên quan tới lở núi tại vườn quốc gia này kể từ năm 1999.
Một ngày sau đó, một lượng đá lớn tiếp tục rơi xuống, ước tính khoảng 10.000m3.
Bề mặt dựng đứng của vách đá El Capitan - (Ảnh: REUTERS).
Trái đất càng ấm, đá lở càng nhiều
Theo Roger Putnam, một nhà leo núi đồng thời cũng là nhà địa chất học ở Đại học Moorpark College, những vụ sạt lở này rất kỳ lạ về mặt địa chất học. Chúng xảy ra như kiểu domino: vụ này dẫn đến vụ khác, rồi dẫn đến vụ khác nữa.
Lở đá là chuyện không mới ở Yosemite, nơi Cục Vườn quốc gia Mỹ ước tính có khoảng 80 vụ xảy ra mỗi năm.
Tuy nhiên, dù chúng diễn ra thường xuyên, các nhà khoa học vẫn tin rằng nhiệt độ ấm lên và hiện tượng biến đổi khí hậu có thể gia tăng hiện tượng sạt lở ở Yosemite nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Sạt lở có xu hướng xảy ra ở những vách đá tồn tại nhiều điểm yếu bên trong, ví dụ như các vết nứt lớn nhỏ, làm cho cấu trúc đá trở nên không ổn định.
Roy Sidle, giáo sư khoa địa lý tại trường Đại học Sunshine Coast chỉ ra 4 nguyên nhân chính của hiện tượng lở đá ở Yosemite: hoạt động kết đông - rã đông; quá trình làm ẩm - làm khô; thay đổi nhiệt độ; và tác động của con người (trong đó có cả việc leo núi).
Theo Putnam, đến nay hầu hết các nhà địa chất học nghĩ rằng chu kỳ kết đông - rã đông là nguyên nhân chính gây ra lở đá. Theo đó, nước đã thấm vào các khe nứt trong suốt những đợt mưa tuyết mùa đông, sau đó lan rộng ra khi đóng băng, tạo nên nguy cơ bất ổn cho cấu trúc.
Tuy vậy, vào năm 2016, các nhà địa chất học ở Vườn quốc gia Yosemite đã trình bày trên trang Nature Geoscience cho thấy hầu hết lở đá ở Yosemite xảy ra vào những ngày nóng nắng chứ không phải trong những hôm nhiệt độ giá lạnh.
Cụ thể, vào những ngày nắng nóng, đất đá cũng dãn nở vì nhiệt. Khi biên độ nhiệt giữa ngày và đêm hoặc giữa mùa hè và mùa đông ngày càng tăng, những hòn đá phải dãn nở và co lại nhiều hơn, tạo ra nhiều lỗ hổng, vết nứt hơn.
Sạt lở đá gây tắc nghẽn đường - (Ảnh: ABC30 Fresno).
Nhiệt độ tăng trên toàn cầu làm cho những ngày như thế trở nên thường xuyên hơn, đồng nghĩa với việc lở đá có nguy cơ xảy ra thường xuyên hơn.
Ngoài ra, nhiệt độ toàn cầu tăng góp phần làm tan chảy các sông băng và các tầng băng vĩnh cửu, vốn có nhiệm vụ nâng đỡ cấu trúc đá.
Theo Allen Glazner, một giáo sư địa chất ở trường Đại học North Carolina, hiện tượng băng tan này không để lại ảnh hưởng tới lở đá đang xảy ra ở Yosemite.
Tuy nhiên, những sông băng bị thu hẹp lại suốt 1 thế kỷ qua ở Sierra Nevada, California hay băng vĩnh cửu đang tan chảy ở những nơi lạnh hơn như dải Apls là một trong những nguyên nhân gây lở đá.
Biến đổi khí hậu cũng có thể tác động đến chu trình làm ẩm - làm khô, một trong những yếu tố có thể gây ra lở đá. Theo Glazner, thỉnh thoảng số lượng nước trong một hệ thống đá có thể quá tải, khiến cho một vài phần vỡ ra.
Đồng thời, các cơn bão mạnh sau một thời gian dài không có bão cũng làm sinh ra khối lượng nước lớn có thể gây sạt lở.
Bị động trong dự đoán
Các vụ sạt lở bất ngờ rất nguy hiểm với giới leo núi - (Ảnh: The Mercury News).
Theo tờ The Atlantic, hiện nay vẫn rất khó xác định cụ thể những tác động nào của biến đổi khí hậu gây lở đá thường xuyên. Mọi chuyện khá phức tạp.
Ví dụ, những đêm giá lạnh ngày càng ít hơn có thể làm giảm số lượng lở đá gây ra bởi quá trình làm đông - rã đông, mặt khác, thời tiết nóng ẩm lại làm gia tăng số vụ lở gây ra bởi sự dãn nở về nhiệt gây và bởi khối lượng nước quá tải.
"Tác động của biến đổi khí hậu lên lở đá ở Yosemite có thể gia tăng theo thời gian nếu chu kỳ kết đông - rã đông hay chu kỳ làm ẩm - làm khô trở nên phổ biến, nhất là khi biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn", Sidle nói.
Tuy nhiên, việc đối phó với các vụ sạt lở ngày nay rất khó khăn. "Ở những thời điểm thích hợp, dự đoán không thực sự khả thi", Sidle nói.
Ngoài ra, bản đồ 3D về các loại đá vùng El Capitan do Putham và Glazner thiết kế đã không chỉ ra những nơi đá rơi vào cuối tháng 9 là những vị trí nhạy cảm.
Putnam nói những vụ lở đá nhỏ thường khởi nguồn cho những vụ sạt lở lớn hơn nên Cục Vườn quốc gia Mỹ thường cảnh báo khách tham quan khi họ ghi nhận những vụ đá rơi nhỏ. Tuy nhiên thỉnh thoảng cũng không chính xác.
Điển hình, mọi người đều tưởng đá đã ngừng rơi vào ngày 27/9, tuy nhiên đến ngày 28/9, lở đá lại xảy ra với số lượng lớn hơn rất nhiều.