15/01/2018, 13:36

Giải bài tập SGK GDCD 11 bài 7: Thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần và tăng cường vài trò quản lí kinh tế của nhà nước

Giải bài tập SGK GDCD 11 bài 7: Thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần và tăng cường vài trò quản lí kinh tế của nhà nước Giải bài tập môn giáo dục công dân lớp 11 Bài tập môn GDCD lớp 11 được VnDoc sưu ...

Giải bài tập SGK GDCD 11 bài 7: Thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần và tăng cường vài trò quản lí kinh tế của nhà nước

Bài tập môn GDCD lớp 11

được VnDoc sưu tầm và đăng tải, tổng hợp lý thuyết. Đây là lời giải hay cho các câu hỏi trong sách giáo khoa nằm trong chương trình giảng dạy môn GDCD lớp 11. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các em học sinh.

Câu 1: Trình bày khái niệm thành phần kinh tế và căn cứ để xác định thành phần kinh tế ở nước ta?

Hướng dẫn giải:

Thành phần kinh tế là kiểu quan hệ kinh tế dựa trên một hình thức sở hữu nhất định về tư liệu sản xuất.

Căn cứ để xác định thành phần kinh tế ở nước ta: Thành phần kinh tế liên quan đến mối quan hệ giữa ngừi với người trong việc chiếm hữu tư liệu sản xuất. Sở hữu tư liệu sản xuất được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng giai đoạn khác nhau và là căn cứ trực tiếp để xác định thành phần kinh tế.

Câu 2: Phân tích tính tất yếu khách quan của sự tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta?

Hướng dẫn giải:

Về lí luận:Trong thời kì đi lên chủ nghĩa xã hội bất cứ nước nào cũng tồn tại nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần.

Về thực tiễn:

Trong thời kì quá độ lên CNXH nước ta vẫn tồn tại một số thành phần kinh tế của xã hội trước, trong quá trình xây dựng CNXH xuất hiện thêm một số thành phần kinh tế mới.

VN đi lên xây dựng CNXH với lực lượng sản xuất thấp, nhiều trình độ khác nhau, các hình thức sở hữu khác nhau nên thành phần kinh tế là khác nhau.

Câu 3: Thành phần kinh tế nhà nước là gì? Phân tích vai trò của thành phần kinh tế nhà nước. Theo em cần phải làm gì để tăng cường vai trò của thành phần kinh tế nhà nước hiện nay ở nước ta?

Hướng dẫn giải:

Thành phần kinh tế nhà nước là thành phần kinh tế dựa trên hình thức sở hữu nhà nước về tư liệu sản xuất.

Hiện nay, thành phần kinh tế nhà nước là thành phần đóng vai trò nòng cốt trong nền kinh tế nước ta. Theo đó, nền kinh tế nhà nước bao gồm có các doanh nghiệp nhà nước các quỹ dự trữ quốc gia, các quỹ bảo hiểm nhà nước và các tài sản thuộc sở hữu nhà nước có thể đưa vào sản xuất kinh doanh.

Chính vì vậy, nó nắm giữ các vị trí quan trọng, then chốt trong nền kinh tế và là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước vận hành và điều tiết nền kinh tế.

Để tăng cường vai trò của thành phần kinh tế nhà nước hiện nay, nước ta cần phải tăng quyền tự chủ và nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của DNNN, đổi mới căn bản cơ chế đại diện chủ sở hữu và cơ chế giám sát hoạt động của các DNNN. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN….

Câu 4: Thành phần kinh tế tập thể là gì? Vai trò và mối quan hệ giữa nó với thành phần kinh tế nhà nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta?

Hướng dẫn giải:

Thành phần kinh tế tập thể là thành phần kinh tế dựa trên sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất.

Vai trò và mối quan hệ giữa thành phần kinh tế tập thể với thành phần kinh tế nhà nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta:

Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể; liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các thành phần kinh tế; không giới hạn quy mô và địa bàn (trừ một số lĩnh vực có quy định riêng); phân phối theo lao động, theo vốn góp và mức độ tham gia dịch vụ; hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế làm chính, bao gồm lợi ích các thành viên và lợi ích tập thể, đồng thời coi trọng lợi ích xã hội của các thành viên, góp phần xoá đói, giảm nghèo, tiến lên làm giàu cho các thành viên.

Câu 5: Trình bày khái niệm, cơ cấu và vai trò của thành phần kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay?

Hướng dẫn giải:

Kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế dựa trên hình thức sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế.

Cơ cấu thành phần kinh tế tư nhân: Bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân.

Vai trò thành phần kinh tế tư nhân: Hội nghị T.Ư 5, khóa XII đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó còn là cơ sở để giải phóng sức sản xuất, sức sáng tạo và phát huy toàn diện vai trò kinh tế tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất. Đồng thời, tạo sức mạnh và động lực để chúng ta hội nhập sâu hơn, khai thác các thành phần kinh tế nhiều tiềm năng tốt hơn, là điều kiện để áp dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp

Câu 6: Thành phần kinh tế tư bản nhà nước là gì? Cho ví dụ. Tại sao nói thành phần kinh tế tư bản nhà nước giữ vai trò là “cầu nối” để đưa sản xuất nhỏ lạc hậu lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta?

Hướng dẫn giải:

Thành phần kinh tế tư bản nhà nước là thành phần kinh tế dựa trên hình thức sở hữu hỗn hợp về vốn giữa kinh tế nhà nước với tư bản tư nhân trong nước hoặc với tư bản nước ngoài, thông qua các hình thức hợp tác như: hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh,…

Ví dụ: Mỏ dầu Bạch Hổ - liên doanh dầu khí Việt Nam – Liên Xô.

Thành phần kinh tế tư bản nhà nước giữ vai trò là “cầu nối” để đưa sản xuất nhỏ lạc hậu lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta vì:

CN.TBNN là hình thức kinh tế cao hơn so với sản xuất nhỏ. Việc sử dụng CN.TBNN là cần thiết để phát triển lực lượng sản xuất. Sử dụng CN.TBNN, nhà nước vô sản huy động vốn, vật tư kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của các nhà tư bản và cuối cùng thay thế được CNTB bằng CNXH một cách êm thấm mà những người tư sàn vẫn có thể chấp nhận được. Chính vì thế nền kinh tế TBNN ra đời là tất yếu khách quan và nó là cầu nối giữa nền kinh tế TBCN và nền kinh tế XHCN. Vấn đề này được thể hiện rất rõ trong lý luận của Lê nin về CN.TBNN trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Trong điều kiện nước ta hiện nay việc vận dụng lý luận của Lê nin vào thực tiễn với những điều kiện, đặc thù riêng là rất cần thiết.

Câu 7: Thành phần kinh tế nhà nước khác với thành phần kinh tế tư bản nhà nước về

  1. Hình thức sở hữu.
  2. Quan hệ quản lí
  3. Quan hệ phân phối.
  4. Tất cả các phương án trên.

Hãy chọn phương án mà em cho là đúng. Vì sao?

Hướng dẫn giải:

Thành phần kinh tế nhà nước khác với thành phần kinh tế tư bản nhà nước về:

Đáp án đúng là: D. Tất cả các phương án trên.

Câu 8: Theo em, sự tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần, vấn đề tìm kiếm việc làm có gì khác với trước đây khi nền kinh tế nước ta còn tình trạng bao cấp?

Hướng dẫn giải:

Sự tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần, vấn đề việc làm lại trở nên thuận lợi hơn bởi với nhiều ngành nghề, thuộc quyền sở hữu đối tượng khác nhau thì khả năng tìm kiếm công việc cũng phong phú và đa dạng hơn, người lao động còn có quyền chọn việc nếu như họ thực sự có năng lực và mức lương cũng phù hợp hơn nhiều.

Trong khi đó, thời chúng ta còn tình trạng bao cấp, công việc khó khăn hơn, đồng lương ít ỏi, để nuôi sống bản thân và gia đình là điều khó mà thực hiện được.

Câu 9: Phân tích vai trò quản lí kinh tế của Nhà nước ở nước ta hiện nay?

Hướng dẫn giải:

Trong lịch sử hình thành và phát triển của nhà nước, ở mỗi thời kì khác nhau, vai trò quản lí kinh tế của nhà nước có mức độ khác nhau.

Trong giai đoạn đầu của kinh tế thị trường, giai đoạn mà ở đó cơ chế vận hành của nó là cơ chế thị trường tự điều chỉnh thì chưa có sự can thiệp của nhà nước. Chỉ đến những thập niên đầu thế kỉ XX, khi kinh tế thị trường tự do chuyển sang kinh tế thị trường hiện đại, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lí của nhà nước, thì lúc này việc quản lí kinh tế của nhà nước đối với nền kinh tế mới đặt ra như là một tất yếu khách quan không chỉ đối với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa mà cả với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong chủ nghĩa xã hội, nhà nước với tư cách là người đại diện cho chế độ sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất và đại diện cho xã hội thực hiện việc điều tiết và quản lí kinh tế, đảm bảo nền kinh tế - xã hội phát triển ổn định và đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ở nước ta, để phát huy vai trò tích cực, khắc phục những hạn chế của kinh tế thị trường, Nhà nước không thể không điều tiết và quản lí nền kinh tế. Cần nhấn mạnh rằng chỉ có nhà nước xã hội chủ nghĩa mới có khả năng giải quyết hiệu quả và triệt để những hạn chế của kinh tế thị trường, đưa kinh tế thị trường nước ta phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Câu 10: Em có dự định sẽ hoạt động trong thành phần kinh tế nào? Tại sao lại lựa chọn thành phần kinh tế đó?

Hướng dẫn giải:

Em dự định sẽ hoạt động trong thành phần kinh tế tư nhân bởi vì em là người khá mạo hiểm, thích học hỏi. Khi vào môi trường làm việc cho tư nhân, em sẽ được phát huy hết khả năng của mình, kiếm tiền bằng chính sự học tập và kinh nghiệm vốn có, cạnh tranh mạnh mẽ với các đồng nghiệp để nhận được sự tín dụng. Đó là phương án khá mạo hiểm nhưng còn trẻ em muốn thử sức mình, muốn được trải nghiệm.

Đó là quan điểm của em, còn mỗi người sẽ có một quan điểm và cách nghĩ khác nhau. Tuy nhiên, dù làm việc ở thành phần kinh tế nào, chỉ cần được làm việc trong môi trường năng động, được phát huy năng lực và được học hỏi nhiều điều thì đó là điều rất tốt đối với những thế hệ trẻ như em.

0