15/01/2018, 15:38

Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Tình yêu và thù hận

Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Tình yêu và thù hận Học tốt Ngữ văn 11 Giải bài tập Ngữ văn lớp 11 VnDoc.com xin giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 11 : Tình yêu và thù hận, đây ...

Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Tình yêu và thù hận

Giải bài tập Ngữ văn lớp 11

VnDoc.com xin giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Tình yêu và thù hận, đây là bộ tài liệu hay dành cho các bạn học sinh tham khảo để học tốt Ngữ văn 11, với cách giải bài tập chi tiết sẽ giúp các bạn học sinh có kết quả cao hơn trong học tập.

Lời giải hay bài tập Ngữ văn lớp 11: Tình yêu và thù hận

Gợi ý trả lời câu hỏi

1. Sáu lời thoại đầu, về mặt hình thức, là các độc thoại. Các nhân vật nói về nhau chứ không nói với nhau. Độc thoại là nói một mình, tự mình nói với chính mình. Các em có thể đưa ra các dẫn chứng:

“Ấy, khe khẽ chứ!”; “Ôi, đấy là người ta yêu? Ôi, giá nàng biết nhỉ!”; “Sao chàng lại là Rô-mê-ô nhỉ?”. Vì các độc thoại này là tiếng lòng của nhân vật, nên xét về bản chất, các lời thoại này là các độc thoại nội tâm. Nhân vật nói ra thành tiếng những suy nghĩ của mình về một đối tượng hay một hiện tượng nào đấy đang ám ảnh mình. Nhân vật nói một mình và chỉ để cho một mình mình nghe. Trong kịch, cho dù lời thoại là độc thoại nội tâm thì nhân vật cũng phải nói to (để khán giả nghe được) và giả định là nhân vật kia không nghe thấy những lời nói đó.

- Vì là độc thoại nội tâm, nên sáu lời thoại đầu chứa đựng cảm xúc yêu thương chân thành, đằm thắm. Trên cơ sở ngôn từ mượt mà, cách nói đầy những so sánh, ví von phù hợp với tâm trạng phấn chấn, rạo rực chen lẫn bồn chồn của những người đang yêu, tuy là lời độc thoại nội tâm song không phải là kiểu phát ngôn đơn tuyến một chiều mà trong độc thoại đó cũng xuất hiện tính đối thoại. Các em đưa ra các dẫn chứng về cách nói của nhân vật Rômê-ô: lúc thì như nói với Giu-li-ét khi nàng vừa xuất hiện bên cửa sổ (“vừng dương đẹp tươi ơi...”; “Hỡi nàng tiên lộng lẫy, hãy nói nữa đi !”), lúc thì như đang đối thoại với chính mình (“Kìa ! Nàng tì má lên bàn tay! Ôi! Ước gì ta là chiếc bao tay, để được mơn trớn gò má ấy!”; “Mình cứ nghe thêm nữa, hay mình nên lên tiếng nhỉ ?”). Tính đối thoại trong độc thoại làm cho lời thoại thêm sinh động.

- Mười lời thoại còn lại mang hình thức đối thoại tức là các lời thoại ấy hướng vào nhau, các nhân vật nói cho nhau nghe. Tính chất đối đáp xuất hiện.

2. Các dẫn chứng này có cả trong lời độc thoại lẫn đối thoại. Tính chất hận thù của hai dòng họ được phản ánh trong lời thoại của Giu-li-ét, năm lần (“Chàng hãy khước từ cha chàng và từ chối dòng họ của chàng đi”, “Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi”, “nơi tử địa”, “họ mà bắt gặp anh”, Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp anh nơi dây”); của Rô-mê-ô, ba lần (“từ nay, tôi sẽ không bao giờ còn là Rô-mê-ô nữa”, “tồi thù ghét cái tên tôi”, “chẳng phải Rô-mê-ô cũng chẳng phải Môn-ta-ghiu”).

- Nỗi ám ảnh về hận thù giữa hai dòng họ xuất hiện ở Giu-li-ét nhiều hơn, cho thấy nỗi lo kèm theo sự ái ngại về hoàn cảnh của Gju-li-ét không chỉ lo cho mình mà còn lo cả cho người mình yêu. Thái độ của Rô-mê-ô đối với hận thù giữa hai dòng họ quyết liệt hơn. Chàng sẵn sàng từ bỏ dòng họ của mình, thể hiện sự dũng cảm để đến với tình yêu. Điều mà Rô-mê-ô sợ là sợ không có được, không chiếm được tình yêu của Giu-li-ét, sợ nàng nhìn mình bằng “ánh mắt” của sự thù hận (“ánh mắt của em còn nguy hiểm cho tôi hơn hai chục lưỡi kiếm của họ; em hãy nhìn tôi âu yếm là tôi chẳng ngại gì lòng hận thù của họ nữa đâu”). Cả hai đều ý thức được sự hận thù đó, song nỗi lo chung của hai người là lo họ không được yêu nhau, họ không có được tình yêu của nhau. Cả hai đều nhắc tới hận thù song không nhằm khơi dậy, khoét sâu hận thù mà chỉ để hướng tới vượt lên trên thù hận. d dây, sự thù hận của hai dòng họ là cái nền còn tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét không xung đột với hận thù ấy. Đây là sự khẳng định quyết tâm xây đắp tình yêu của hai người.

3. Phân tích ý nghĩa và cách liên tưởng so sánh của Rô-mê-ô.

- Trước hết là bối cảnh đệm khuya - trăng sáng. Màn đêm thanh vắng với vầng trăng trên trời cao tạo ra chiều sâu cho sự bộc lộ tình cảm của đôi tình nhân. Thiên nhiên được nhìn qua các điểm nhìn của nhân vật. Thiên nhiên là thiên nhiên hòa cảm, đồng tình, trân trọng, chở che.

- Trong khung cảnh ấy, trăng trở thành đối tượng để Rô-mê-ô so sánh với vẻ đẹp không thể sánh được của Giu-li-ét. Cách Rô-mê-ô đưa ra là so sánh Giu-li-ét như “vừng dương” lúc bình minh; sự xuất hiện của “vừng dương” khiến “ả Hằng Nga” trở nên “héo hon”, “nhợt nhạt”. Các em nên nhớ lúc này Giu-li-ét đã xuất hiện bên cửa sổ. Theo mạch suy nghĩ của Rô-mê-ô, phù hợp tâm lí người đang khao khát yêu đương thì các so sánh này là hợp lí. Sự xuất hiện của Giu li-ét bên cửa sổ sẽ trở thành “ánh sáng” của “phương đông” và do đó “này Giu-li-ét là mặt trời”.

- Mạch suy nghĩ của Rô-mê-ô hướng vào đôi mắt: “Đôi mắt nàng lên tiếng”. Đôi mắt lấp lánh của Giu-li-ét cảm nhận như sự mấp máy của làn môi khi nói. Sự liên tưởng này là hợp lí.

- Nếu vẻ đẹp của Giu-li-ét được so sánh với “vừng dương” thì đôi mắt của Giu-li-ét được so sánh với các ngôi sao và đó là “hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời”. Sự so sánh được đẩy lên cấp độ cao hơn bằng một sự tự vấn: “Nếu mắt nàng lên thay cho sao, và sao xuống nằm dưới đôi lông mày kia thì thế nào nhỉ?” Các em cần phân tích câu hỏi tự vấn này của Rô-mê-ô qua hai khía cạnh: “mắt nàng lên thay cho sao, và sao xuống nằm dưới đôi lông mày”. Khía cạnh thứ nhất chính là khẳng định vẻ đẹp của đôi mắt vì lúc đó “cặp mắt nàng trên bầu trời sẽ rọi khắp không gian một làn ánh sáng tưng bừng...”. với khía cạnh thứ hai “sao xuống nằm dưới đôi lông mày” thì lúc đó vẻ đẹp thứ hai của Giu-li-ét sẽ xuất hiện: “Vẻ rực rỡ của đôi gò má nàng sẽ làm cho các vì tinh tú phải hổ ngươi”. Các nét đẹp trên khuôn mặt Giu-li-ét lần lượt hiện lên: đẹp của đôi mắt, vẻ đẹp của gò má. Từ đó, dẫn tới một khát vọng yêu đương hết sức mãnh liệt: “Kìa ! Nàng tì má lên bàn tay! Ôi! Ước gì ta là chiếc bao tay, để được mơn trớn gò má ấy!”. Sự suy nghĩ cũng như cách so sánh liên tưởng của Rô-mê-ô là hợp lí.

- Lưu ý trong lời thoại mở đầu cảnh kịch khi Rô-mê-ô so sánh ánh trăng với các vì sao - hiển nhiên là còn ngầm so sánh với vẻ sáng ngời của đôi mắt, của nét mặt rạng ngời của Giu-li-ét với ánh trăng ấy. Trong bối cảnh ấy, Giu-li-ét hiện ra: dưới con mắt của Rômê-ô như một “nàng tiên lộng lẫy” “toả ánh hào quang, trên đầu ta, như một sứ giả nhà trời có cánh”. Đây là cảm xúc của một con người đang yêu và đang được tình yêu đáp lại, đây cũng là một sự cộng hưởng tình cảm kì lạ của những tâm hồn đang yêu mà Sếch-xpia đã quan sát và nhận biết một cách tài tình và ông cũng miêu tả hết sức thành công, đạt tới mức điển hình tâm trạng đang yêu ấy. Hiển nhiên, tình yêu này là tình yêu chân thành, không vụ lợi và cũng rất hồn nhiên trong trắng. Cái đẹp của bối cảnh làm nền cho sự phát triển của tình yêu trong trắng.

- Sự so sánh được thể hiện dưới các dạng thức hoặc tương đồng hoặc tương phản. So sánh Giu-li-ét là “vừng dương”, là “phương đông”, là “mặt trời”... dù Rô-mê-ô chỉ nhìn thấy gương mặt mà chủ yếu qua đôi mắt, gò má của nàng nhưng cách so sánh đó không mang tính chất khuôn sáo, tán tụng mà là cách nói từ tình yêu rất chân thành. Các em cần chú ý là vào thời của Sếch-xpia, các vở kịch đều phải diễn ban ngày nên ngôn ngữ kịch phải lột tả tới mức tối đa tâm trạng, hoàn cảnh.

4. Các em cần chú ý vào ngữ cảnh khi Rô-mê-ô và Giu-li-ét đã gặp gỡ nhau trong lễ hội hoá trang trước đó không lâu. Cùng chính trong cuộc gặp gỡ này tình yêu giữa họ đã nảy sinh. Trong cuộc gặp đó, Rô-mê-ô đã thốt lên: “Nàng là họ Ca-piu-lét sao? Ôi oan trái yêu quý, đời sống của ta nay nằm trong tay người thù” và Giu-li-ét cũng nhận thức điều đó: “Một mối thù sinh một mối tình.

- Vội chi sớm gặp, biết đành muộn sao!

- Tình đâu trắc trở gian lao

- Hận thù mà lại khát khao ân tình”. Cả hai đều đã nhận thức được cái tình cảnh oái oăm, hoàn cảnh thù địch mà họ bị đặt vào.

- Sự nhận thức đó dẫn tới độc thoại của Giu-li-ét như là một sự băn khoăn day dứt một sự dằn vặt thể hiện tâm trạng rối bời trước hoàn cảnh éo le. Các lời độc thoại (2, 4, 6) của Giu-li-ét cho thấy tình yêu mãnh liệt đang bùng lên. Lời thoại thứ hai đơn giản chỉ là một cụm từ cảm thán “Ôi chao!” nhưng có cho thấy cảm xúc bị dồn nén không thể không thổ lộ ra thành lời, đồng thời cũng hàm chứa một tiếng thở dài mang dáng vẻ lo âu, vì hai lẽ; thứ nhất là hận thù giữa hai dòng họ, thứ hai là không biết Rô-mê-ô có thật sự yêu mình không.

- Tâm trạng của Rô-mê-ô đơn giản hơn nhiều. Chàng đã yêu, đã được đáp lại bằng tình yêu và đi tới dứt khoát khẳng định tình yêu, sẵn sàng từ bỏ dòng họ, từ bỏ tên họ mình (lời thoại 7, 9, 11). Các lời độc thoại 4, 6 của Giu-li-ét là sự thổ lộ tình yêu trực tiếp, không ngại ngùng. Việc thổ lộ tình yêu trực tiếp qua các lời thoại này, không phải để nói với Rô-mê-ô, bởi vì người con gái thường không chủ động thổ lộ tình yêu với người mình yêu, mà để nói với chính mình. Hơn nữa, Giu-li-ét cũng không hề biết là Rô-mê-ô đang đứng nấp gần đấy. Các lời thoại này cho thấy sự chín chắn trong suy nghĩ của Giu-li-ét qua sự tự phân tích để đi tới không định: “Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi”. Cách đặt vấn đề của Giu-li-ét rất hồn nhiên, tha thiết và trong trắng, vừa tự chất vấn mình rồi lại tự tìm cách trả lời: “Cái tên nó có nghĩa gì đâu?” rồi tự đề xuất các giải pháp: “Chàng hãy vứt bỏ tên họ của chàng đi”. Hoặc đề xuất một cách làm táo bạo thể hiện một tình yêu cháy bỏng: “Chàng hãy đem tên họ ấy, nó đâu phải xương thịt của chàng, đổi lấy cả em đây!". Câu trả lời là một giải pháp khẳng định, không có cách lựa chọn nào khác, không có cách giải quyết nào khác.

Lời thoại thứ 8, 10 (lời của Giu-li-ét) cho thấy sự bất ngờ của Giuli-ét khi biết có người đang nhìn mình, đang nghe mình thổ lộ. Sự bất ngờ của Giu-li-ét không tạo ra cảm giác sợ hãi, bởi vì, xét về mặt tâm lí, lúc đó Giu-li-ét cũng đang rất cần một sự đồng cảm, sẻ chia. Và khi biết được người đang ẩn nấp đó là Rô-mê-ô thì tâm trạng của Giu-li-ét trở nên phấn chấn: “Tai tôi nghe chưa trọn một trăm tiếng thốt từ miệng đó ra mà tôi đã nhận ra “tiếng ai rồi”. Song nỗi sợ về mối hận thù giữa hai dòng họ lại loé lên trong suy nghĩ của Giu-li-ét: “Chẳng phải anh Rô-mê-ô, và là họ nhà Môn-taghiu đấy ư?” Vế đầu của câu hỏi này vừa là để hỏi vừa trả lời khẳng định luôn, song vế hai được đưa ra, có vẻ không quan trọng, nhưng lại cho thấy nỗi ám ảnh của Giu-li-ét. Các lời thoại 7, 9, 11 của Rômê-ô mang tính khẳng định và quyết tâm được nhấn mạnh bằng các cụm từ: “nàng tiên yêu quý”, “nàng tiên kiều diễm” và các từ ngữ dứt khoát: “tôi thù ghét”, “tôi xé nát”. Nhưng Giu-li-ét vẫn e ngại và đưa ra câu hỏi: “Anh... tới làm gì thế?”. Câu hỏi này có vẻ như thừa song lại là thiếu mà Giu-li-ét cần biết: Rô-mê-ô có thực sự yêu mình không? Động cơ thúc đẩy Rô-mê-ô đến có phải tình yêu chân thành hay chỉ là sự bồng bột thoáng qua? Nàng sợ Rô-mê-ô không thành thật.

- Khi không nghĩ về dòng họ Môn-ta-ghiu nữa thì Giu-li-ét lại nghĩ đến dòng họ Ca-piu-lét của mình và khẳng định vị trí nơi hai người đang nói chuyện là “nơi tử địa” “nếu anh bị họ hàng nhà em bắt gặp nơi đây”, “họ mà bắt gặp anh, họ sẽ giết chết anh”. Đó chưa kể là khó khăn cụ thể trước mắt đối với Rô-mê-ô: “Tường vườn này cao, rất khó trèo qua”. Như vậy, Giu-li-ét đã nhận thức được các bức tường đang ngăn cách họ: bức tường đá của vườn nhà, bức tường của hận thù giữa hai dòng họ liệu Rô-mê-ô có dám vượt qua không và bức tường - tình cảm của Rô-mê-ô có thật lòng không?

- Các bức tường lần lượt được dỡ bỏ. Trước hết, điều mà Giu-li-ét cần nhất là tình yêu chân thành của Rô-mê-ô. Điều này được khẳng định ở lời thoại 13, lời của Rô-mê-ô, mà ở đó cụm từ “tình yêu” được nhấn mạnh bốn lần với một sự khẳng định dứt khoát: “Cái gì tình yêu có thể làm là tình yêu dám làm”. Bức tường thù hận được dỡ bỏ bởi chính quyết tâm của hai người, nhất là quyết tâm của Giu-li-ét trong lời thoại 16: “Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp anh nơi đây”. Còn bức tường đá của vườn nhà thì đã có “đôi cánh nhẹ nhàng của tình yêu” nâng đỡ.

- Diễn biến nội tâm của Giu-li-ét phức tạp nhưng phù hợp với tâm lí của người đang yêu. Đồng thời cũng cho thấy sự chín chắn trong tình yêu của Giu-li-ét. Sự day dứt trong tâm trạng đó cho thấy sức ép nặng nề của hoàn cảnh, thấy được sự vây hãm của mối hận thù truyền kiếp giữa hai dòng họ, thấy được mối nguy hiểm đang đe doạ cả hai người.

- Các em cần chú ý đến sắc thái biểu cảm trong ngôn từ của hai nhân vật, ngôn ngữ vừa sống động vừa hàm súc và đầy chất thơ. Ngôn ngữ của cả hai người còn thể hiện nỗi bức xúc không thể nén được của tình cảm yêu thương đã bùng phát giữa hai người, nỗi bức xúc phải thổ lộ, phải giãi bày cho dù chỉ để nói với chính mình thôi (tức là cách thức tự hỏi rồi lại tự trả lời) hay phải vượt tường để đến với nhau cho dù mọi nguy hiểm vẫn đang rình rập mà động lực cho hành vi ấy chính là sức mạnh của tình yêu: “Cái gì tình yêu có thể làm là tình yêu dám làm”. Tuy nhiên, điều cần khắc ghi ở đây là tình yêu từ hai phía, có sự rung động mãnh liệt và đồng cảm giữa hai bên chứ không phải là tình yêu đơn phương, tình yêu một phía.

5. Đối với câu hỏi này, các em cần tìm hiểu về xung đột kịch. Trong toàn vở Rô-mê-ô và Giu-li-ét, xung đột cơ bản là xung đột giữa tình yêu và thù hận. Tuy nhiên trong đoạn trích này, thù hận không xuất hiện như một thế lực cản trở tình yêu. Thù hận chỉ hiện ra qua suy nghĩ của các nhân vật, song không phải là động lực chi phối, điều khiển hành động của nhân vật.

- Đối với Rô-mê-ô, chàng đã gặp Giu-li-ét, đã có được tình yêu của Giu-li-ét và sẵn sàng làm tất cả vì tình yêu ấy (các lời thoại 7, 9, 11).

- Đối với Giu-li-ét, sự xuất hiện cảm thức về các bức tường cản trở là có thật. Điều này phản ánh sự chín chắn trong suy tư của nàng, song đây không phải là sự tính toán thiệt hơn. Điều mà Giuli-ét cần là tình yêu chân thực của Rô-mê-ô, và tình yêu của Rô-mêô dành cho nàng là tất cả. Cho nên, khi biết và khẳng định chắc chắn Rô-mê-ô đến với mình bằng tình yêu thì mọi nghi ngại không còn, các băn khoăn cũng chấm dứt.

- Như vậy, trong đoạn trích gồm mười sáu lời thoại này, tình yêu không xung đột với thù hận mà chỉ diễn ra trên nền thù hận. Thù hận bị đẩy lùi, bị xoá đi vĩnh viễn, chỉ còn lại tình người tình đời bao la, phù hợp với lí tưởng nhân văn. Chính vì lẽ đó, tác phẩm Rômê-ồ và Giu-li-ét trở thành bài ca ca ngợi và khẳng định tình yêu cao đẹp. Vấn đề Tình yêu và thù hận về cơ bản đã được giải quyết.

- Các em cần xác định cách hiểu về xung đột và xung đột kịch: xung đột là cuộc đấu tranh giữa những lực lượng đối lập. Xung đột là thành tố quan trọng nhất của truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch, bởi vì nó tạo ra những hành động mà từ đó tác giả xây dựng nên cốt truyện. Có hai loại xung đột: xung đột bên trong với cuộc đấu tranh diễn ra trong nội tâm nhân vật (tất nhiên đối với kịch thì cho dù là diễn ra bên trong tâm hồn nhân vật, xung đột đó vẫn phải được thể hiện bằng lời) và xung đột bên ngoài, ở đó nhân vật đấu tranh với những lực lượng bên ngoài để thực hiện ý nguyện ước mơ của mình. Có thể coi xung đột như là một sự đối lập, một sự mâu thuẫn với tư cách là một nguyên tắc tương tác giữa các hình tượng trong tác phẩm nghệ thuật. Xung đột nghệ thuật chỉ đơn thuần là sự va chạm của các nhân tố tình thần và đời sống đang đối chọi với nhau theo một cách thức nào đó tuỳ hoàn cảnh gắn với nhân vật. Xung đột không chỉ đơn thuần là sự va chạm bên ngoài giữa các đối lập của mâu thuẫn mà nó còn là phương tiện bộc lộ và khẳng định một tư tưởng nào đó mà tác giả muốn trình bày với người xem. Xung đột trong bi kịch là “xung đột không có lối thoát, kết quả của nó là một cuộc đấu tranh sẽ xảy ra và sẽ được kết thúc bằng cái chết của nhân vật”. Xung đột bi kịch là những xung đột có ý nghĩa xã hội, lịch sử, đạo đức, tâm lí. Nó liên quan tới lẽ sống và tình đời rộng lớn của con người.

Các em cần phân tích cách nói, lối nói hồn nhiên của cả hai người, thấy được cách sử dụng lối nói của nhau để xoá đi sự ngăn cách mà hận thù tạo ra, đồng thời cho thấy sự lo lắng tràn đầy yêu thương mà Giu-li-ét dành cho Rô-mê-ô và sự dũng cảm khi Rô-mê-ô.

0