Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Lẽ ghét thương
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Lẽ ghét thương Học tốt Ngữ văn 11 Giải bài tập Ngữ văn lớp 11 VnDoc.com mời các bạn học sinh tham khảo tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 11 : Lẽ ghét thương, tài liệu ...
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Lẽ ghét thương
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11
VnDoc.com mời các bạn học sinh tham khảo tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Lẽ ghét thương, tài liệu đã được VnDoc.com cập nhật chi tiết và kèm theo những gợi ý trả lời câu hỏi bài tập sẽ giúp các bạn học sinh học tốt Ngữ văn 11. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.
Lời giải hay bài tập Ngữ văn lớp 11: Lẽ ghét thương
1. Anh (chị) hãy đọc các chú thích, tìm những điểm chung giữa các đời vua mà ông Quán ghét và giữa những con người mà ông Quán thương. Từ đó hãy nhận xét về cơ sở của lẽ ghét thương theo quan điểm đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu.
Gợi ý trả lời
Các em cần đọc đoạn thơ về lẽ ghét và các chú thích. Từ đó có thể tìm ra điểm chung giữa các đối tượng ghét rồi nhận xét, bình giá.
- Đoạn thơ có nhiều điển tích rút ra từ sử sách Trung Quốc. Cần cho HS thấy ý nghĩa nghệ thuật của những điển tích được sử dụng tập trung trong đoạn thơ có tính triết luận này. Điều đáng chú ý là các điển tích ở đây đều được dẫn giải cụ thể nội dung, làm cho người đọc, dù chưa hiểu rõ các điển tích đó, cũng có thể biết ông Quán ghét những gì. Đời Kiệt, Trụ thì hoang dâm vô độ (vua Trụ lấy rượu chứa thành ao, lấy thịt treo thành rừng rồi cho bọn con trai, con gái thả sức ăn chơi, dâm dật, xem đó là thú vui). Đời U, Lệ thì đa đoan, lắm chuyện rắc rối (U Vương say đắm Bao Tự, để mua vui cho người đẹp có thể sai người xé mỗi ngày hàng trăm tấm lụa - vì Bao Tự thích nghe tiếng lụa xé). Đời Ngũ bá, thúc quý thì lộn xộn, chia lìa, đổ nát, chiến tranh liên miên.
Tất cả các triều đại đó đều có một điểm chung là chính sự suy tàn, Uua chúa thì say đắm tửu sắc, không chăm lo đến đời sống của dân.
Vì ai mà ông Quán ghét? Phê phán các triều đại suy tàn cũng có thể xuất phát từ những lập trường khác nhau, hoặc là để bảo vệ trật tự xã hội phong kiến, vua ra vua, tôi ra tôi, bảo vệ quyền lợi của giai cấp phong kiến, hoặc vì trách nhiệm của một tôi trung,... Với Nguyễn Đình Chiều thì không hẳn như vậy. Ở đoạn thơ này, mỗi cặp câu lục bát là một tiếng dân được nhắc đến. Điều đó có ý nghĩa như thế nào? Tất cả những lời kết tội đều xoay quanh một ý: Ở các thời đại đó, chỉ có dân là phải gánh chịu mọi tai ách, khổ sở trăm chiều (“Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang,... khiến dân luống chịu lầm than muôn phần,... làm dân nhọc nhằn,... lằng nhằng rối dân”). Như vậy, tác giả đã đứng về phía nhân dân, xuất phát từ quyền lợi của dân mà phẩm bình lịch sử. Đó là cơ sở của lẽ ghét, ghét sâu sắc, mãnh liệt đến độ tận cùng của cảm xúc: “Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm”.
- Lẽ thương: thương đức thánh nhân, thầy Nhan Tử, các ông Gia Cát, Đổng Tử, Nguyên Lượng, Hàn Dũ, Liêm, Lạc. Cũng như trên, GV cho HS đọc các chú thích, rồi tìm điểm chung ở những nhân vật được nhắc đến này; tất cả đều là những người có tài có đức và nhất là có chí muốn hành đạo giúp đời, giúp dân nhưng đều không đạt sở nguyện (Khổng Tử lận đận: “Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần, lúc Khuông”; Nhan Uyên “dở dang” chết sớm, Gia Cát “đã đành phui pha” tài năng bởi không thể xoay chuyển nổi thời vận nhà Hán; Đổng Trọng Thư chí lớn mà “không ngôi”; Nguyên Lượng phải “lui về cày”; Hàn Dũ bị “đày đi xa”; Chu Đôn Di và Trình Di, Trình Hao bị “xua đuổi”). Bấy nhiêu con người ít nhiều đều có những nét đồng cảnh với Nguyễn Đình Chiểu. Là một nhà nho, Nguyễn Đình Chiểu cũng từng nuôi chí hành đạo giúp đời lập nên sự nghiệp công danh: “Chí lăm trả nợ nước non cho rồi”. Nhưng cuộc đời dồn cho nhà thơ quá nhiều bất hạnh, lại thêm thời buổi nhiễu nhương, những người tài đức phải “Lánh nơi danh lợi chông gai cực lòng”. Bởi thế, lẽ thương ở đây chính là niềm cảm thông sâu sắc tận đáy lòng của nhà thơ Đồ Chiểu. Chuyện sách vở, mà cũng là chuyện cuộc đời. Nguyễn Đình Chiểu đã vì cuộc đời, vì sự an bình của nhân dân mà thương, mà tiếc cho những người hiền tài không gặp thời vận để đến nỗi phải “đành phui pha”. Cái đẹp, cái cao cả là ở đó.
- Lẽ ghét thương của Nguyễn Đình Chiểu xuất phát từ tình cảm yêu thương nhân dân, mong muốn nhân dân được sống yên bình, hạnh phúc, những người tài đức có điều kiện thực hiện chí nguyện bình sinh.
2. Anh (chị) có nhận xét gì về cách dùng phép đối và phép điệp ở cặp từ ghét, thương trong đoạn thơ này? Tìm hiểu giá trị nghệ thuật của biện pháp tu từ đó. Gợi ý trả lời Các em nhận xét gì về biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ:
+ Điệp từ: tần số sử dụng lớn (từ ghét được lặp lại 12 lần, từ thương cũng 12 lần).
+ Đối từ: đối trong cả đoạn thơ “ghét... ghét..”, “thương. thương...” (10 câu về lẽ ghét, 14 câu về lẽ thương) và tiểu đối trong một câu thơ (“hay ghét... hay thương”; “thương ghét, ghét thương”; “lại ghét... lại thương”).
- Biện pháp tu từ đó có ý nghĩa như thế nào trong việc biểu hiện cảm xúc?
+ Biểu hiện sự trong sáng, phân minh, sâu sắc trong tâm hồn tác giả: hai tình cảm ghét - thương cùng xuất phát từ một trái tim đa cảm tưởng như đối lập mà lại hoàn toàn thống nhất. Mở đầu đoạn thơ là một câu gắn kết: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”, kết thúc cũng một câu như thế: “Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương”. Thương là cội nguồn của cảm xúc, ghét cũng là từ thương mà ra. Thương và ghét cứ đan cài, tiếp nối, không thể tách rời, rất sâu nặng trong tâm hồn tác giả; thương ra thương, ghét ra ghét, không mập mờ, lẫn lộn, cũng không nhạt nhoà, chung chung.
+ Tăng cường độ cảm xúc: yêu thương và căm ghét đều đạt đến độ tột cùng, yêu thương rất mực và căm ghét cũng đến điều. Các em có thể phân tích hai câu thơ 7 - 8; lời lẽ bình dị, không đẽo gọt cầu kì, nhờ biện pháp lặp từ (tới 4 lần trong 2 câu thơ) nghe như đay nghiến, như xiết vào lòng người; ta có thể cảm nhận được độ sâu nặng của cảm xúc, nỗi ghét dường như đạt đến độ tận cùng của tình cảm con người (“ghét vào tận tâm”).
3. Dựa vào cảm xúc của tác giả, hãy giải thích câu thơ ở phần đầu đoạn trích: Vì chưng hay ghét cũng là hay thương. Gợi ý trả lời Để giải thích câu thơ, các em cần tìm hiểu mối quan hệ khăng khít không thể tách rời giữa hai tình cảnh ghét - thương trong tâm hồn nhà thơ. Bởi thương đến xót xa trước cảnh nhân dân phải chịu lầm than, khổ cực, thương những con người tài đức mà bị dập vùi, phải mai một tài năng và chí nguyện bình sinh nên Nguyễn Đình Chiểu càng căm ghét những kẻ làm hại dân, hại đời, đẩy con người vào những cảnh ngộ éo le, oan nghiệt. Giữa cuộc đời đầy rẫy những bất công, ngang trái, trái tim yêu thương của nhà thơ không thể không cất lên tiếng nói bất bình, căm hận những gì lỗi đạo trời, trái đạo người: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương” đó là đỉnh cao tư tưởng và tình cảm của Nguyễn Đình Chiểu.
Luyện tập
Theo anh (chị), câu thơ nào trong đoạn trích có thể thâu tóm toàn bộ ý nghĩa tư tưởng và tình cảm của cả đoạn ? Hãy viết đoạn văn trình bày cảm nhận của mình về cấu thơ đó.
Gợi ý trả lời
Các em có thể lựa chọn tuỳ theo cảm xúc của các mình, có thể chọn câu 4 hoặc câu 7, 8. Những câu thơ đó đều đã được giảng trong bài.
-------------------------------
Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu: , để giúp các bạn học tốt hơn môn Ngữ văn 11. Cùng chủ đề này, VnDoc.com mời các bạn tham khảo bài phân tích văn mẫu bài Lẽ ghét thương và đọc lại bài thơ Chạy giặc mà VnDoc.com đã sưu tầm, tổng hợp.