Giải bài tập Ngữ văn lớp 10: Tóm tắt văn bản tự sự
Giải bài tập Ngữ văn lớp 10: Tóm tắt văn bản tự sự Học tốt Ngữ văn lớp 10 Giải bài tập Ngữ văn lớp 10 VnDoc.com xin giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 10 : Tóm tắt văn bản tự sự, ...
Giải bài tập Ngữ văn lớp 10: Tóm tắt văn bản tự sự
Giải bài tập Ngữ văn lớp 10
VnDoc.com xin giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 10: Tóm tắt văn bản tự sự, với những gợi ý hay mà VnDoc.com đã tổng hợp để phục vụ các bạn học sinh làm bài tập Ngữ văn hiệu quả hơn. VnDoc.com chắc chắn tài liệu sẽ giúp các bạn học tốt Ngữ văn 10. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.
Lời giải hay bài tập Ngữ văn lớp 10: Tóm tắt văn bản tự sự
I. KIẾN THỨC CẦN NHỚ
Nắm được cách tóm tắt văn bản dựa theo nhân vật chính để vận dụng vào bài làm.
1. Mục đích, yêu cầu tóm tắt văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính
Ở trung học cơ sở, các em đã học cách tóm tắt văn bản tự sự theo nội dung câu chuyện, tức là theo cốt truyện. Lên lớp 10, có một yêu cầu mới cao hơn: tóm tắt văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính. Hai cách tóm tắt này không đối lập nhau nhưng vẫn có những chỗ khác nhau (do yêu cầu, mục đích khác nhau) cần chú ý.
Tác phẩm tự sự có cốt truyện và nhân vật, trong đó có nhân vật chính và nhân vật phụ. Nhân vật chính gắn liền với một số sự việc cơ bản của cốt truyện và có mối quan hệ với các nhân vật khác trong truyện. Vì vậy, tóm tắt văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính về cơ bản cũng là tóm tắt theo cốt truyện. Chỗ khác nhau là ở những điểm sau đây:
- Tóm tắt văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính là viết hoặc kể lại một cách ngắn gọn những sự việc cơ bản xảy ra với nhân vật đó. Như vậy, những sự việc (và những nhân vật) không liên quan đến nhân vật chính thì không cần phải kể lại trong bản tóm tắt này. Có nghĩa là, khi viết bản tóm tắt phải hướng đến, tập trung vào nhân vật chính để kể lại câu chuyện.
- Việc tóm tắt này giúp ta nắm vững tính cách và số phận của nhân vật, từ đó có thể tìm hiểu và đánh giá tác phẩm (nhân vật chính thường bộc lộ chủ đề và tư tưởng của tác phẩm). Tóm lại, bản tóm tắt phải trung thành với văn bản gốc, nêu được đặc điểm và những sự việc xảy ra với nhân vật chính.
2. Cách tóm tắt văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính
Các em đọc Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy và thực hiện những yêu cầu trong SGK.
a) Xác định những nhân vật chính của truyện.
Gợi ý:
Các nhân vật cụ già báo tin cho vua, Rùa Vàng, Triệu Đà là nhân vật phụ; còn lại ba nhân vật An Dương Vương, Mị Châu và Trọng Thủy. Các em trao đổi, xác định nhân vật nào là nhân vật chính? Theo nội dung diễn biến của truyện, căn cứ vào vai trò và hành động của từng nhân vật để tạo nên chủ đề của tác phẩm, ta thấy cả ba nhân vật đều là nhân vật chính (mỗi nhân vật đều có một ý nghĩa riêng góp phần bộc lộ chủ đề của truyện).
b) Tìm hiểu và tóm tắt truyện dựa theo nhân vật An Dương Vương.
Gợi ý
- Lai lịch của nhân vật: vị vua mở ra thời đại Âu Lạc ở nước ta.
- Hành động, việc làm của nhân vật trong diễn biến của cốt truyện:
+ Xây thành, chế nỏ để giữ nước
+ Chủ quan để mất thành, mất nước (chi tiết “điềm nhiên đánh cờ” và câu nói về Triệu Đà).
+ Chạy về phương Nam, chém con gái.
+ Theo Rùa Vàng rẽ nước đi xuống biển.
- Quan hệ giữa An Dương Vương với các nhân vật khác trong truyện:
+ Với Rùa Vàng (lúc xây thành và lúc cùng đường mất nước).
+ Với Triệu Đà (mắc mưu Triệu Đà mà không biết).
+ Với Mị Châu (yêu quý nhưng vẫn tuốt kiếm chém khi Rùa Vàng kết tội Mị Châu).
+ Với Trọng Thủy (không nghi ngờ, cho Trọng Thủy ở rể tại Âu Lạc - “nuôi ong tay áo”).
- Từ ba điều tìm hiểu trên đây, các em viết văn bản tóm tắt bằng lời văn của mình. Như vậy, các chi tiết về buổi chia tay giữa Mị Châu - Trọng Thủy và đoạn cuối truyện (sau khi An Dương Vương đi xuống biển) không cần phải tóm tắt vì chúng không liên quan đến nhân vật An Dương Vương.
c) Tìm hiểu và tóm tắt truyện dựa theo nhân vật Mị Châu. Các em dựa vào cách làm ở mục b trên đây về nhân vật An Dương Vương để tóm tắt truyện dựa theo nhân vật Mị Châu.
d) Cho biết cách thức tóm tắt tác phẩm tự sự dựa theo nhân vật chính:
- Đọc kĩ văn bản gốc, chọn được các sự việc cơ bản xảy ra với nhân vật chính và diễn biến của các sự việc đó;
- Tóm tắt rõ các hành động, lời nói, tâm trạng của nhân vật theo diễn biến của cốt truyện (một vài chỗ có thể kết hợp dẫn nguyên văn từ ngữ, câu văn trong văn bản gốc).
II. LUYỆN TẬP
1. Gợi ý:
a). Xác định phần tóm tắt văn bản Chuyện người con gái Nam Xương trong đoạn trích (2): từ “Chàng Trương đi đánh giặc ....... không kịp nữa”.
- Mục đích tóm tắt:
+ Đoạn (1): ghi lại toàn bộ câu chuyện để giúp người đọc hiểu, nhớ văn bản. Đây là tóm tắt cốt truyện.
+ Đoạn (2): tóm tắt câu chuyện dùng làm dẫn chứng để làm sáng tỏ một ý kiến trong bài nghị luận. b) Cách tóm tắt:
+ Đoạn (1): tóm tắt đầy đủ câu chuyện theo diễn biến của cốt truyện.
+ Đoạn (2): chỉ lựa chọn một số sự việc, chi tiết tiêu biểu phục vụ cho việc làm sáng tỏ ý kiến trong bài nghị luận của mình. Cách tóm tắt rất cô đúc, gọn, rõ và nổi bật được các nội dung cần thiết.
2. Cách làm giống như tóm tắt truyện dựa theo các nhân vật An Dương Vương và Mị Châu trên đây
3. Gợi ý: Để tóm tắt truyện Tấm Cám dựa theo nhân vật Tấm, cần tiến hành theo các bước:
- Đọc lại truyện để nắm được nhân vật Tấm.
- Xác định các sự việc, hành động của nhân vật trong diễn biến cốt truyện để tóm tắt.
- Xác định mối quan hệ của Tấm với mẹ con Cám, với Bụt, vua, bà lão hàng nước.
- Từ những điều trên, viết bản tóm tắt bằng lời văn của mình.
-----------------------------------
Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: . Để học tốt môn Ngữ văn lớp 10. Cùng chủ đề này, VnDoc.com mời bạn đọc tham khảo bài soạn văn mẫu bài Tóm tắt văn bản tự sự mà VnDoc.com đã sưu tầm, tổng hợp.