22/02/2018, 23:02

Giải bài 1,2,3, 4,5,6 trang 138 SGK Hóa 8: Dung dịch

Lý thuyết và giải bài 1,2,3 ,4,5,6 trang 138 SGK Hóa 8: Dung dịch – Chương 6 Dung dịch A. Lý thuyết: Dung dịch 1. Dung dịch là hỗn hợp đồng chất của dung môi và chất tan. 2. Ở nhiệt độ xác định: a) Dung dịch chưa bão hòa là dung dịch có thể hòa tan thêm chất tan. b) ...

Lý thuyết và giải bài 1,2,3 ,4,5,6 trang 138 SGK Hóa 8: Dung dịch – Chương 6 Dung dịch

A. Lý thuyết: Dung dịch

1. Dung dịch là hỗn hợp đồng chất của dung môi và chất tan.

2. Ở nhiệt độ xác định:

a) Dung dịch chưa bão hòa là dung dịch có thể hòa tan thêm chất tan.

b) Dung dịch bão hòa là dung dịch không thể hòa tan thêm chất tan.

3) Muốn chất rắn tan nhanh trong nước, 1, 2 hoặc cả ba biện pháp sau:

– Khuấy dung dịch.

– Đun nóng dung dịch.

– Nghiền nhỏ chất rắn.

B. Hướng dẫn giải bài tập SGK Hóa 8 trang 138: Dung dịch

Bài 1. (SGK Hóa 8 trang 138)

Thế nào là dung dịch, dung dịch chưa bão hòa, dung dịch bão hòa ? Hãy dẫn ra những thí dụ để minh họa.

Giải bài 1:

Dung dịch là hỗn hợp đồng chất của dung môi và chất tan. Dung dịch chưa bão hòa là dung dịch có thể hòa tan thêm chất tan. Dung dịch bão hòa là dung dịch không thể hòa tan thêm chất tan.

VD dung dịch:  Ví dụ: Cho BaO vào nước tạo thành dung dịch Ba(OH)2.

VD dung dịch chưa bão hòa : là muối ăn, sau khi em hòa tan muối ăn vào nước. Tạo thành dung dịch muối. Ở cùng nhiệt độ này, em cho thêm muối ăn vào mà muối vẫn tan vào nước chứng tỏ dung dịch chưa bão hòa.

VD dung dịch bão hòa :  Em hòa tan muối ăn: NaCl vào nước. Em cứ cho thêm muối vào nước đến 1 thời điểm nào đó lượng muối k thể tan ra được nữa ở cùng nhiệt độ đó. Gọi là dung dịch đã bão hòa


Bài 2. (SGK Hóa 8 trang 138)

Em hãy mô tả những thí nghiệm chứng minh rằng muốn hòa tan nhanh một chất rắn trong nước ta có thể chọn những biện pháp: nghiền nhỏ chất rắn, đun nóng, khuấy dung dịch.

Giải bài 2:

+ Trong thí nghiệm, cho một ít muối ăn (sử dụng muối đã nghiền nhỏ) vào dung dịch nước, ta sẽ thấy muối được nghiền nhỏ sẽ tan nhanh hơn so với loại chưa được nghiền.

+ Trong thí nghiệm, cho một thìa nhỏ đường vào cốc nước nóng, đường sẽ tan mạnh hơn so với cho vào cốc nước lạnh vì ở nhiệt độ càng cao, phân tử nước chuyển động càng mạnh làm tăng số lần va chạm giữa các phân tử nước với bề mặt chất rắn.

+ Cũng với thí nghiệm trên nhưng khi cho chất tan vào dung dịch, ta khuấy dung dịch lên thì tốc độ hòa tan cũng sẽ tăng lên.


Bài 3. (SGK Hóa 8 trang 138)

Em hãy mô tả cách tiến hành những thí nghiệm sau:

a) Chuyển đổi từ một dung dịch NaCl bão hòa thành một dung dịch chưa bão hòa (ở nhiệt độ phòng).

b) Chuyển đổi từ một dung dịch NaCl chưa bão hòa thành một dung dịch bão hòa (ở nhiệt độ phòng).

Giải bài 3:

a) Ta có dung dịch NaCl đã bão hòa trong ống nghiệm, ta cho thêm vào ống nghiệm một lượng nước nữa và có được dung dịch NaCl chưa bão hòa.

b) Thêm NaCl vào dung dịch NaCl chưa bão hòa khuấy kĩ tới khi dung dịch không hòa tan thêm được NaCl. Lọc qua giấy lọc. Nước lọc là dung dịch NaCl bão hòa ở nhiệt độ phòng.

Hoặc có thể đun nóng dung dịch NaCl chưa bão hòa cho đến khi có muối NaCl kết tinh ở đáy cốc. Để cốc này trở lại nhiệt độ phòng rồi lọc qua giấy lọc. Nước lọc là dung dịch NaCl bão hòa ở nhiệt độ phòng.


Bài 4. (SGK Hóa 8 trang 138)

Cho biết ở nhiệt độ phòng thí nghiệm (khoảng 200C), 10 gam nước có thể hòa tan tối đa 20 gam đường; 3,6 gam muối ăn.

a) Em hãy dẫn ra những thí dụ về khối lượng của đường, muối ăn để tạo ra những dung dịch chưa bão hòa với 10 gam nước.

b) Em có nhận xét gì nếu người ta khuấy 25 gam đường vào 10 gam nước; 3,5 gam muối ăn vào 10 gam nước (nhiệt độ phòng thí nghiệm) ?

Giải bài 4:

a) Hòa tan một lượng đường dưới 20 gam; hay một lượng muối ăn dưới 3,6 gam trong 10 gam nước ở nhiệt độ phòng thí nghiệm ta được dung dịch chưa bão hòa.

b) Nếu người ta khuấy 25 gam đường vào 10 gam nước thì chắc chắn rằng lượng đường sẽ không hòa tan hết sẽ còn lại 25 – 20 = 5 g;

Hòa tan 3,5 gam muối ăn vào 10 gam nước ta sẽ được dung dịch chưa bão hòa vì dung dịch còn có thể hòa tan thêm một lượng muối ăn nữa (3,6 – 3,5 = 0,1 g)


Bài 5. (SGK Hóa 8 trang 138)

Trộn 1 ml rượu etylic (cồn) với 10 ml nước cất. Câu nào sau đây diễn đạt đúng:

A. Chất tan là rượu etylic, dung môi là nước.

B. Chất tan là nước, dung môi là rượu etylic.

C. Nước hoặc rượu etylic có thể là chất tan hoặc là dung môi.

D. Cả hai chất nước và rượu etylic vừa là chất tan, vừa là dung môi.

Giải bài 5:

Vì rượu etylic tan vô hạn trong nước, hay nước tan vô hạn trong rượu etylic. Ta có thể tích rượu etylic (1 ml) ít hơn thể tích nước (10 ml) nên câu a đúng.


Bài 6. (SGK Hóa 8 trang 138)

Hãy chọn câu trả lời đúng:

Dung dịch là hỗn hợp:

A. Của chất rắn trong chất lỏng.

B. Của chất khí trong chất lỏng

C. Đồng nhất của chất rắn và dung môi

D. Đồng nhất của dung môi và chất tan.

Giải bài 6:

Câu D đúng (đồng nhất của dung môi và chất tan)

Bài sau: Giải bài 1,2,3, 4,5 trang 142 SGK Hóa 8: Độ tan của một chất trong nước

0