Francis Bacon với dự án "Đại phục hồi khoa học"

Phranxi Bêcơn (Francis Bacon, 1561 – 1626) - ông tổ của chủ nghĩa duy vật Anh và khoa học thực nghiệm đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử triết học nói riêng, lịch sử tư tưởng nói chung với phong cách tư duy mới, thể hiện bước phát triển tất yếu của tư duy con người trước những biến ...

Phranxi Bêcơn (Francis Bacon, 1561 – 1626) - ông tổ của chủ nghĩa duy vật Anh và khoa học thực nghiệm đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử triết học nói riêng, lịch sử tư tưởng nói chung với phong cách tư duy mới, thể hiện bước phát triển tất yếu của tư duy con người trước những biến đổi của thực tiễn.
Tinh thần phê phán và khám phá của triết học Bêcơn đã ảnh hưởng sâu rộng đến các trào lưu triết học Anh và Tây Âu thế kỷ XVII – XVIII. Đặc biệt, tuyên bố “Tri thức là sức mạnh” mà ông đưa ra đã trở thành tuyên ngôn của thời đại. Khẳng định này của ông về vai trò của tri thức khoa học trong đời sống xã hội suốt mấy thế kỷ qua vẫn tiếp tục được triển khai bởi các trào lưu triết học ở phương Tây. Sau gần 400 năm, tinh thần triết học Bêcơn vẫn đang được chứng minh trong thời đại chúng ta.

Những thay đổi mang tính bước ngoặt ở nước Anh cũng như ở châu Âu về kinh tế, chính trị, xã hội cuối thế kỷ XVI đến trước cách mạng tư sản Anh đã tạo ra xu hướng cải cách đối với các vấn đề xã hội ở các nhà tư tưởng, đặc biệt là tư tưởng cải cách khoa học và dự án "Đại phục hồi khoa học" (The Great Instauration) của Bêcơn. Trên lĩnh vực kinh tế, phương thức sản xuất tư bản từng bước trở thành phương thức sản xuất thống trị. Về chính trị - xã hội, cơ cấu giai cấp có những biến đổi cơ bản. Những biến đổi trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đã tác động đến đời sống sinh hoạt tinh thần tại Anh, đặc biệt là sinh hoạt tôn giáo và môi trường sinh hoạt khoa học, văn hóa, thể hiện bước quá độ từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản mà Anh là nước tiên phong. Xét một cách tổng thể, mâu thuẫn giữa cải cách và bảo thủ, giữa tiến bộ và phản động, giữa cái mới và cái cũ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội nước Anh đã tác động đáng kể đến tư tưởng cải cách khoa học của Bêcơn.
(*)

Tiền đề lý luận và khoa học tự nhiên cho sự hình thành quan điểm của Bêcơn về tri thức khoa học là: Thứ nhất, truyền thống khoa học và chủ nghĩa duy vật Anh với những tên tuổi lớn như R.Bêcơn (1214-1294) – người đề xướng khoa học thực nghiệm và phê phán gay gắt chủ nghĩa kinh viện; W.Ốcccam (1300 - 1349) – đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa duy danh, người nhấn mạnh sự tự do trong nghiên cứu khoa học; T.More (1478 - 1535) – nhà nhân đạo duy lý, một trong những người sáng lập chủ nghĩa nhân đạo không tưởng. Thứ hai, văn hoá nhân văn Phục hưng và xu hướng cải cách từ chính trị đến tôn giáo. Thứ ba, các phát minh khoa học thời đại Phục hưng gắn liền với tên tuổi của Nicôlai Côpécnic, Galilêô Galilê, Giôhen Képlơ…, những người đã làm nên “cuộc cách mạng trên trời”, báo trước một cuộc cách mạng trong các quan hệ xã hội, phá vỡ những chuẩn mực của phong cách tư duy kinh viện, mở đường cho phong cách tư duy sáng tạo để làm nên thời đại của những khám phá, phát minh mà Bêcơn là một trong những người mở đường về mặt lý luận.

Bêcơn cho rằng, mục đích của “Đại phục hồi khoa học” là: Thứ nhất, khôi phục lại vị trí của khoa học trong đời sống xã hội; thứ hai, xác định nhiệm vụ của khoa học trong điều kiện lịch sử mới, chỉ ra khả năng của “thế giới trí tuệ” một cách phù hợp với những biến đổi to lớn đang diễn ra trong xã hội; thứ ba, xác lập phương pháp khoa học giúp con người khám phá sự bí ẩn của tự nhiên và mở ra một thế giới mới. Theo ông, mục đích cao nhất của tri thức khoa học, xét đến cùng, là đem đến cho con người một phương tiện hiện thực và năng lực biến đổi thế giới. Về thực chất, quan điểm này của Bêcơn về vai trò của tri thức khoa học là ở chỗ, tri thức khoa học phải bám sát nhu cầu của thực tiễn, gắn liền với khát vọng chiến thắng của lý trí trước cái phi lý đang tồn tại ở nước Anh khi đó do sự thống trị của tri thức kinh viện Trung cổ.

Xét về nguồn gốc xuất thân thì Bêcơn là một nhà quí tộc đã từng làm đến chức Thủ tướng, được phong Huân tước. Song, dưới tác động của những chuyển biến kinh tế, chính trị, xã hội ở Anh và toàn châu Âu lúc bấy giờ, với tư cách nhà chính trị có nhiều hiểu biết về cuộc sống, bằng kinh nghiệm và trực giác của mình, Bêcơn đã nhận ra xu thế vận động tất yếu của lịch sử và trở thành nhà cải cách trong lĩnh vực sinh hoạt khoa học và đại diện cho tầng lớp quí tộc mới liên minh với giai cấp tư sản trong thực tiễn chính trị, mặc dù xét đến cùng, ông vẫn là người bảo vệ lợi ích cho nước Anh thực dân. Từ đỉnh cao quyền lực, với vốn sống và kinh nghiệm của mình, Bêcơn đã đón nhận xu hướng cải cách khoa học như một tất yếu. Các công trình nghiên cứu của ông được phân thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất bàn về sự phát triển của khoa học và nhận thức khoa học, bao gồm các tác phẩm gắn liền với dự án “Đại phục hồi khoa học”, một dự án đồ sộ nhưng còn dang dở, chỉ có phần hai của dự
án là tương đối hoàn chỉnh - đó là phương pháp nhận thức mới được Bêcơn xác lập trong “Công cụ mới” (Novum Organum). Nhóm thứ hai tập hợp các tác phẩm về những vấn đề xã hội, hoặc mang tính tổng thể, như “New Atlantis”, “Tiểu luận đạo đức, kinh tế và chính trị”, “Lịch sử Henrich VII”, “Các nguyên lý và cơ sở”, v.v..

Không hài lòng với thực trạng triết học ở thời đại mình, Bêcơn muốn xây dựng một triết học mới mang tính định hướng thực tiễn. Theo ông, triết học là công cụ thực sự và nó không bao giờ trói buộc con người trong một giới hạn nhất định; nó cũng không bị kiềm chế bởi các trường phái, bởi cái gọi là tính phổ biến và sự hoàn thiện của lý luận. Với quan điểm này, Bêcơn muốn nhấn mạnh việc con người cần phải quyết thử xem liệu có thể đạt được một cơ sở vững chắc cho sức mạnh thực sự của con người và mở rộng ranh giới của mình. Nhưng, để đem đến cho con người một công cụ tin cậy có thể cải tạo thế giới xung quanh thì cần phải loại trừ các chướng ngại trên con đường nhận thức thế giới đó, nghĩa là cần phải “tẩy rửa trí tuệ” con người khỏi những lầm lẫn và luẩn quẩn, đưa nó đến gần trạng thái Tabula rasa. Từ đây, Bêcơn đã  đưa ra cương lĩnh nổi tiếng của ông về sự “tẩy rửa lý trí”, cái cương lĩnh được biết đến bởi tính chính xác về cơ cấu và sự tiến hành, đồng thời hàm chứa một nội dung mang tính thực tiễn, cụ thể - lịch sử và lý luận chung. Bêcơn gọi phần thứ nhất của “Novum Organum” là “Pars destruens” và điều đó hoàn toàn lôgíc: Ông muốn phá bỏ tất cả những gì trái với lý trí, trước khi đưa ra sự lý giải tự nhiên thay cho việc mô tả tự nhiên. Sau Bêcơn, vấn đề giải phóng lý trí khỏi ảnh hưởng tai hại của dục vọng, thiên hướng chủ quan, thói quen, thiên kiến truyền thống đã được Đềcáctơ, Hốpxơ, Xpinôda… tiếp tục triển khai.                                                                                     

Theo Bêcơn, lý trí với tư cách sự qui định bản chất con người cần phải trở nên đồng nhất với tính độc lập, tính tích cực của sự tự do trong mỗi nhân cách. Dưới tuyên ngôn đó, các nhà tư tưởng tiên phong của thời Cận đại theo tinh thần khôi phục sự hài hoà giữa “lý trí và sự vật” đã cố gắng khắc phục các thế lực mà hàng mấy thế kỷ đã phá vỡ sự hài hoà đó, làm thui chột và xuyên tạc, bóp méo “qui luật của sự vật”.

Bêcơn viết: “Đòi hỏi phải tiến hành cải cách một cách cương quyết, không khoan nhượng trong toàn bộ lĩnh vực rộng lớn của tư duy và nhận thức con người đã buộc chúng ta phải tuân theo phong cách mới là hướng tới sự vật với những phương tiện tối ưu nhất và thực hiện việc khôi phục các khoa học và nghệ thuật, cũng như toàn bộ tri thức loài người nói chung dựa trên cơ sở cần có con người”
(1). Nhiệm vụ này không dễ dàng, con đường nhận thức cũng không dễ dàng. Sự nghiệp “Đại phục hồi khoa học” chỉ có thể thực hiện được khi nào con người nghiên cứu một cách nghiêm túc các nguyên lý của nhận thức. Con người với tư cách chủ thể sáng tạo, thực thể có lý trí cần phải từ bỏ các lý luận và kinh nghiệm không đúng đắn. Do vậy, dễ hiểu vì sao học thuyết về sự “tẩy rửa lý trí” đã được Bêcơn phân ra làm ba phần chính: Bác bỏ những nguỵ biện, bác bỏ những lý giải sai lầm và bác bỏ những “ngẫu tượng” (idola) hay ảo ảnh. Cái cuối cùng - bác bỏ “idola” là kết quả lao động khoa học nghiêm túc và sự suy ngẫm của Bêcơn về tình trạng của nhân cách và sự phát triển của khoa học ở thời đại mình. Cho đến nay, quan niệm của Bêcơn về “ngẫu tượng” - một trong những đóng góp nổi bật nhất và hay nhất của triết học Bêccơn vẫn chưa mất đi ý nghĩa và giá trị của nó.

Theo Bêcơn, “Đại phục hồi khoa học” phải được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả để khôi phục lại vị trí danh dự cho khoa học và để khoa học từ trên chín tầng mây đến với tự nhiên, với sự vật, hoàn thành nhiệm vụ thực tiễn của mình. Có thể nói, tư tưởng “Đại phục hồi khoa học” là tư tưởng xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp sáng tạo của Bêcơn và được ông trình bày dưới những hình thức khác nhau với tất cả tính kiên trì và lòng nhiệt thành đáng khâm phục. Tiếc thay, dự án này vẫn còn dang dở. Điều đáng trân trọng ở Bêcơn là ông đã hình dung được những gì có thể xảy ra, nên ông quyết tâm xuất bản ngay những gì đã hoàn tất được càng nhiều càng tốt, vì ông hy vọng trong trường hợp ông không còn tồn tại trên đời thì vẫn còn bản phác thảo hoặc những dự án mà ông đã vạch ra như một bằng chứng cho lòng nhiệt thành của ông hướng đến lợi ích loài người.

Mục đích của dự án “Đại phục hồi khoa học” mà Bcơn muốn thực hiện là hết sức lớn lao và thiết thực. Bởi thứ nhất, nó khôi phục lại vị trí cho khoa học trong đời sống xã hội; thứ hai, nó xác định nhiệm vụ của khoa học trong điều kiện lịch sử mới, chỉ ra khả năng của “thế giới trí tuệ” một cách phù hợp với những biến đổi to lớn đang diễn ra trong đời sống xã hội; thứ ba, nó xác lập phương pháp khoa học giúp con người khám phá sự bí ẩn của tự nhiên
, mở ra thế giới mới cho mình. Mục đích cao nhất của tri thức khoa học, xét đến cùng, là đem đến cho con người phương tiện hiện thực và năng lực biến đổi thế giới. Theo Bêcơn, hai khát vọng của con người – khát vọng tri thức và khát vọng quyền lực - là ngang bằng nhau. Có tri thức ắt có quyền lực, sức mạnh. “Tri thức là sức mạnh” – tư tưởng chủ đạo của triết học Bêcơn cũng là tuyên ngôn của thời đại mới. “Đại phục hồi khoa học” cũng chính là nhằm làm sao để tri thức khoa học thực sự trở thành sức mạnh và hữu dụng đối với con người.

“Con người - đầy tớ và kẻ giải thích tự nhiên… chiến thắng được tự nhiên chỉ khi nào bắt tự nhiên khuất phục... Hai khát vọng của con người – khát vọng tri thức và khát vọng quyền lực, trên thực tế là nhất trí ở cùng một điểm”. “Thất bại trong thực tiễn là do không nhận thức được nguyên nhân”
(2). Bằng tất cả sự hiểu biết và tinh thần nhiệt huyết với khoa học, với mong muốn đưa khoa học phục vụ cho cuộc sống tốt đẹp của con người, Bêcơn đã phác thảo dự án “Đại phục hồi khoa học” với sáu nội dung:

1.
    Phân loại khoa học.
2.    “Công cụ mới” hay những chỉ dẫn cho việc giải thích tự nhiên.
3.    Các hiện tượng của thế giới hay lịch sử tự nhiên và lịch sử thực nghiệm dành cho cơ sở của triết học.
4.    Bậc thang lý trí.
5.    Trước ngưỡng cửa triết học thứ hai.
6.    Triết học thứ hai (đệ nhị triết học) hay khoa học hữu dụng.

Bêcơn thực hiện các dự án này bằng những tác phẩm tương ứng với ý tưởng trong mỗi dự án đó:

Với dự án thứ nhất: De Dignitate et Augmentis Scientiarum.
Với dự án thứ hai: Novum Organum Scientiarum.
Với dự án thứ ba: Những tác phẩm, những trích đoạn liên quan đến lịch sử tự nhiên, các hiện tượng và các quá trình tự nhiên.
Với dự án thứ tư: Những trích đoạn.
Với dự án thứ năm: Những trích đoạn.
Với dự án thứ sáu: Đây mới chỉ là dự định, chưa kịp thực hiện. Tuy nhiên ý tưởng của dự án này thật rõ ràng, dứt khoát, nói lên mục đích cuối cùng của “Đại phục hồi khoa học”.

Ở dự án thứ nhất – “Phân loại khoa học”, Bêcơn trình bày một bản tóm tắt hay mô tả chung về tri thức hiện có của nhân loại. Theo ông, con người nên suy ngẫm lại những gì đã được thừa nhận để qua đó, dễ dàng hơn trong việc làm cho cái cũ trở nên hoàn hảo và cái mới trở nên dễ tiếp nhận hơn. Vì thế, kế hoạch của ông là tiến hành một cuộc du hành quanh các “bến bờ” của nghệ thuật và khoa học đã được công nhận và tiện thể, mang lại cho chúng những điều hữu ích. Ở nội dung này, Bêcơn nêu quan điểm của mình một cách thẳng thắn: “Khi phân chia các khoa học, tôi đã nghiên cứu không chỉ những cái đã được phát minh và được biết đến, mà cả những cái vốn phải có nhưng đã bị bỏ qua. Bởi lẽ, chúng ta thấy có những vùng đất lãng phí cũng như các vùng đất đã khai hoang trong cả lãnh địa trí tuệ lẫn trên địa cầu. Do vậy, không có gì là ngạc nhiên nếu đôi lúc tôi buộc phải khởi hành từ những sự phân chia thông thường, bởi khi thêm vào cho cái toàn bộ thì tất yếu, bạn sẽ biến đổi cái bộ phận và các phân khu; còn sự phân chia đã được thừa nhận của các khoa học thì chỉ phù hợp với một số đã được thừa nhận như chúng đang có mà thôi”(3). Bêcơn nhận thấy bên cạnh những tri thức chân chính mà nhân loại đã đạt được vẫn hiện diện một sự khiếm khuyết và sai lầm trong nhận thức và tư duy. Khoa học chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống cũng như chưa khai thác được sức mạnh của con người.

Ở dự án thứ hai – “Công cụ mới” hay những chỉ dẫn cho việc giải thích tự nhiên, Bêcơn đưa ra học thuyết về việc sử dụng lý tính con người một cách tốt hơn, và hoàn hảo hơn trong việc tiếp cận cac sự vật và những sự giúp đỡ đích thực cho sự hiểu biết đó để qua đó, trong những chừng mực cho phép, trí tuệ có thể được nâng lên và đưa lên vị trí cao và có thể vượt qua những khó khăn, trở ngại của tự nhiên. Sự lý giải tự nhiên của ông là một loại lôgíc học và theo ông, so với lôgíc thông thường thì rất khác nhau. “Lôgíc thông thường tự cho là đã tạo ra và chuẩn bị những sự trợ giúp, những lính canh cho sự hiểu biết, điểm này giống với lôgíc của tôi. Nhưng lôgíc học của tôi khác với nó đặc biệt ở ba điểm – đó là mục tiêu nhắm đến, trình tự chứng minh và xuất phát điểm nghiên cứu”
(4).

Mục tiêu của Bêcơn là phát minh ra các khoa học chứ không phải phát minh ra các lập luận; không phải phát minh ra các sự vật phù hợp với các nguyên tắc, mà phát minh ra chính các nguyên tắc; không phải là các lập luận chắc chắn, mà là phát minh ra các mẫu thiết kế và các bảng hướng dẫn cho công việc. Trên thực tế, xuất phát từ ý đồ khác nhau nên dẫn đến kết quả khác nhau. Một bên, kết quả là người ta vượt qua một đối thủ trong tranh luận; còn lại, kết quả là người ta chi phối trong tự nhiên, trong hành động, không dừng lại ở câu chữ trống không. Đây cũng chính là mục đích của Bêcơn trong việc trả lại phẩm giá đích thực cho tri thức, để tri thức thực sự có giá trị, hữu dụng trong đời sống. Phù hợp mục tiêu này, theo Bêcơn, cũng chính là bản tính và trình tự của những sự chứng minh. Khi bàn đến sự chứng minh, Bêcơn phê phán hình thức tam đoạn luận là thiếu chặt chẽ. “Mặc dù không ai nghi ngờ rằng những điều phù hợp trong một hạn từ trung gian thì cũng phù hợp với nhau (đây là một mệnh đề về tính chắc chắn toán học). Tuy nhiên, nó lại bỏ cửa ngỏ cho sự lừa gạt, tức là: tam đoạn luận gồm các mệnh đề – các mệnh đề của các từ; và các từ đều là những dấu hiệu, ký hiệu của các khái niệm. Giờ đây, nếu chính các khái niệm của tâm trí (tức linh hồn của các từ và cơ sở của toàn bộ cấu trúc) được trừu tượng hoá một cách không đúng và quá hấp tấp từ các sự kiện vốn mơ hồ, không đủ xác định, sai lầm – tóm lại, trên nhiều phương diện, thì toà nhà sẽ sụp đổ”(5). Do đó, khi xử lý bản tính của các sự vật, Bêcơn quyết định sử dụng phương pháp qui nạp trong các thứ đề cũng như trong chính đề, vì ông cho rằng, phương pháp qui nạp là hình thức chứng minh chứng thực cho giác quan, đến gần với tự nhiên hơn và dường như có thể giải quyết được vấn đề, nếu không thực sự xử lý nó. Kế hoạch của ông là tiến hành một cách đều đặn và dần dần từ tiên đề này đến tiên đề khác để cái chung nhất đến cuối cùng mới đạt được, và khi đạt được rồi, chúng không phải là những khái niệm trống rỗng, mà là những khái niệm đã được xác định đầy đủ. Đó là tất cả những gì tự nhiên hẳn sẽ được thực sự thừa nhận như những nguyên tắc đầu tiên của nó, được rút ra từ độ sâu của trí tuệ và từ chính cốt lõi của tự nhiên. Với hoài bão xây dựng một cách nhìn nhận mới về thế giới thật sự khách quan, Bêcơn còn chỉ ra những hạn chế trong khả năng nhận thức của con người. Những hạn chế này, theo ông, không chỉ dẫn đến những sai lầm vụn vặt và nhất thời, mà cả những sai lầm nghiêm trọng không thể tránh khỏi của con người trong nhận thức. Ông gọi chúng là các “ngẫu tượng” (Idola / Idols, theo tiếng cổ Hi Lạp, nghĩa là hình ảnh bị xuyên tạc). Để nhận thức chân lý và khắc phục được các “ngẫu tượng” này thì cần phải vạch ra cơ chế và bản chất của chúng. Do vậy, Bêcơn coi học thuyết về các “ngẫu tượng” như phần mở đầu trong nhận thức và phương pháp luận của mình.

Dự án thứ ba chứa đựng “các hiện tượng của vũ trụ”, tức là kinh nghiệm thuộc mỗi loại, và một lịch sử tự nhiên có thể đóng vai trò nền tảng để xây dựng triết học. Bêcơn khẳng định rằng, ông “không chỉ dựng lên kế hoạch để trình bày và vạch ra các con đường, mà còn bước vào những con đường ấy”
(6). Ông phê phán mạnh mẽ sự hiểu biết với những chất liệu rất kém về tự nhiên nhưng lại được coi là cơ sở cho triết học và các khoa học hiện thời. Theo ông, hy vọng duy nhất cho mọi thăng tiến hay tiến bộ vĩ đại hơn nằm ở sự tái thiết các khoa học. “Đối với sự tái thiết này, chúng ta phải xây dựng nền tảng trong lịch sử tự nhiên và nền tảng ấy phải thuộc một loại mới và được tập hợp trên một nguyên tắc mới… Việc cần thiết là phải trang bị cho trí tuệ phù hợp với vấn đề mà nó đang thực hiện, chẳng hạn như bằng sự bảo vệ để hướng dẫn hoạt động của nó”(7). Với khát vọng gợi mở cho trí tuệ con người những chân trời mới trong việc khám phá giới tự nhiên, Bêcơn đã xây dựng lịch sử tự nhiên của mình một cách hoàn toàn mới về cả mục tiêu lẫn chức năng, về cả phương diện cấu tạo lẫn tập hợp, về cả phương pháp thực nghiệm để đạt đến tri thức đúng đắn, phù hợp với bản chất của đối tượng nghiên cứu…

Dự án thứ tư - Bậc thang lý trí - chính là phần ứng dụng dự án thứ hai một cách chi tiết và trọn vẹn, tức là phê phán các “ngẫu tượng” cản trở con đường nhận thức và xác lập phương pháp nhận thức mới cho khoa học để giúp con  người đạt đến tri thức khoa học. Khẳng định sự nỗ lực của mình, Bêcơn viết: “Tôi đã bao quanh trí tuệ với những sự trợ giúp, những lính gác đáng tin và đã tập hợp chúng lại thành một đoàn quân thần thánh có quy củ với những sự lựa chọn cẩn thận nhất”(8). Việc đưa ra các ví dụ mẫu mực làm tiền đề cho nhận thức sự vật để từ đó, làm tiền đề cho nhận thức khoa học nói chung của Bêcơn thực sự đã gợi mở cho việc xác định đối tượng của các khoa học và xây dựng mô hình cho từng loại khoa học - đó là một đóng góp vượt bậc của ông ở thời đại bấy giờ.

Dự án thứ năm - Trước ngưỡng cửa của triết học thứ hai. Với mục đích dành cho việc sử dụng tạm thời, làm đối trọng cho sự hoàn tất phần còn lại, Bêcơn đã đưa vào phần này những điều mà chính ông khám phá, chứng minh bằng sự hiểu biết trong việc nghiên cứu và khám phá, không phải theo những quy tắc và phương pháp thông thường. Bêcơn hy vọng những kiến giải của ông sẽ là một nấc thang hữu ích cho tiến trình nhận thức của nhân loại, những kiến giải không mệt mỏi trên con đường phục hồi khoa học.

Dự án thứ sáu của “Đại phục hồi khoa học” với tên gọi “Triết học thứ hai hay khoa học hữu dụng” (so với phần này, những phần còn lại chỉ có tính phụ thuộc và trợ giúp) chính là nội dung thể hiện tư tưởng vĩ đại của Bêcơn về việc xây dựng một hệ thống triết học mới. Tuy nhiên, ông cho rằng, sự hoàn tất việc vạch trần và trình bày triết học ấy bằng tiến trình nghiên cứu chính đáng, giản dị và nghiêm ngặt mà ông đã giải thích, phát triển và xác lập đầy đủ đã vượt quá cả sức lực lẫn hy vọng của ông. Bêcơn hy vọng đã đưa ra được một sự khởi đầu cho công việc, một sự khởi đầu không phải không
quan trọng, và nó sẽ tiếp tục được triển khai khi thực tiễn chứng minh về sự nảy sinh các vấn đề buộc con người phải lý giải. Ông cho rằng, “con người chỉ là người hầu và là người lý giải của tự nhiên: điều mà họ làm, cái mà họ biết chỉ là cái mà họ đã quan sát về trật tự của tự nhiên trong thực tế hoặc trong tư tưởng; vượt khỏi điều ấy, họ chẳng biết gì và chẳng thể làm được gì. Vì chuỗi nguyên nhân không thể làm chùng lại hoặc bị cắt đứt bằng bất kỳ sức mạnh nào, và tự nhiên không thể bị khuất phục ngoại trừ việc tuân theo nó. Vì vậy, hai đối tượng song sinh này, tức nhận thức và năng lực của con người, thực sự kết hợp lại làm một; và chính sự vô tri về các nguyên nhân đã khiến cho sự vận hành chúng bị thất bại”(9). Bêcơn mong muốn những người đương thời và thế hệ mai sau quan tâm đến sự phát triển của khoa học và làm điều đó vì lợi ích của cuộc sống và thực tiễn, vì lợi ích và phẩm giá của con người.

Bêcơn tin tưởng rằng, với ngọn đuốc trí tuệ được thắp sáng một lần nữa, với sự hỗ trợ của hoạt động khoa học thực nghiệm, sự nghiệp “Đại phục hồi khoa học” sẽ thành công, đẩy lùi tri thức kinh viện ra khỏi đầu óc con người, khôi phục trật tự tự nhiên trong khoa học - một trật tự mà nhờ tuân thủ nó, người Hy Lạp đã đạt được những thành quả to lớn.
q
 

(1) The English Philosophers from Bacon to Mill, The Modern Library, New York, (1939), p.6.
(2) Ibid., p.28.
(3) Ibid., p.14.
(4) Ibid., p.15.
(5) Ibid., p.16.
(6) Ibid., p.18.
(7) Ibid., p.19.
(8) Ibid., p.21.
(9) Ibid., p.22 - 23.
0