Em hãy phân tích bài thơ: Cửa ải Quỷ Môn Quan của thi hào Nguyễn Du
Em hãy phân tích bài thơ: Cửa ải Quỷ Môn Quan của thi hào Nguyễn Du Quỷ Môn Quan rút trong Bắc hành tạp lục là một trong những bài thơ tuyệt tác của Nguyễn Du. Bài thơ mở ra một không khí trang nghiêm, một sắc thái cảm xúc mới lạ ít thấy trong thơ chữ Hán Nguyễn Du: cảm xúc về một vùng núi non ...
Em hãy phân tích bài thơ: Cửa ải Quỷ Môn Quan của thi hào Nguyễn Du
Quỷ Môn Quan rút trong Bắc hành tạp lục là một trong những bài thơ tuyệt tác của Nguyễn Du. Bài thơ mở ra một không khí trang nghiêm, một sắc thái cảm xúc mới lạ ít thấy trong thơ chữ Hán Nguyễn Du: cảm xúc về một vùng núi non hùng vĩ, hiểm trở, nơi phên giậu của đất nước, đã chôn vùi bao quân tướng của thiên triều từng sang xâm lược nước ta.
Tiếng thơ ai động đất trời,
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu...
(Kính gửi cụ Nguyễn Du - Tố Hữu)
Nguyễn Du (1765 - 1820) là nhà thơ thiên tài của dân tộc, niềm tự hào vô cùng lớn lao của nhân dân ta. Ngoài kiệt tác Truyện Kiều và Văn chiêu hồn bằng thơ Nôm, thi hào còn để lại 3 tập thơ chữ Hán có giá trị tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc: Nam trung tạp ngâm, Thanh Hiên thi tập và Bắc hành tạp lục. Bác hành tạp lục - tập thơ đi sứ của Nguyễn Du. Nó mở ra trước mắt người đọc một thế giới bao la, xa lạ, những tên đất tên người, những nẻo đường phương bắc xa xôi, “những nẻo đường trông thấy'” nơi quê người mà Nguyễn Du đã đi qua, đã nhìn thấy và xúc động. Có đọc Bắc hành tạp lục ta mới cảm nhận hết hồn thơ Nguyễn Du với cảm hứng nhân văn và tinh thần dân tộc cao đẹp.
Quỷ Môn Quan rút trong Bắc hành tạp lục là một trong những bài thơ tuyệt tác của Nguyễn Du. Bài thơ mở ra một không khí trang nghiêm, một sắc thái cảm xúc mới lạ ít thấy trong thơ chữ Hán Nguyễn Du: cảm xúc về một vùng núi non hùng vĩ, hiểm trở, nơi phên giậu của đất nước, đã chôn vùi bao quân tướng của thiên triều từng sang xâm lược nước ta.
Viết về ải “Quỷ Môn Quan", Nguyễn Du có hai bài thơ: Quỷ Môn đạo trung và Quỷ Môn Quan. Cửa ải Quỷ Môn Quan thuộc Chi Lăng, tính Lạng Sơn, ở đó có núi đầu ma, đầu quỷ nên có tên là núi Hàm Quỷ, còn gọi là Quỷ Môn Quan. Núi cao dựng thành đường hẹp uốn lượn, dốc thăm thẳm, bãi lầy chia cắt, từng là then khoá cửa ngõ phía bắc. Quỷ Môn Quan từng là bãi chiến trường đẫm máu khốc liệt. “Ngày 18 trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế! Ngày 20, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu” (Bình Ngô đại cáo). Đó là vào năm 1427. Người phương Bắc đến nay vẫn lưu truyền câu ca kinh hãi: “Quỷ Môn Quan, thập nhẫn khứ, cửu bất hoàn” - Cửa ải Quỷ Môn, mười người qua, chín người (bỏ xác) không về!
Quỷ Môn Quan - bài thơ thất ngôn bát cú bằng chữ Hán, đây là bản dịch thơ.
Dịch núi giăng giăng cao tựa mây
……………………………………….
Công cán khen gì tướng Hán hay.
Bài thơ như một trang ký sự viếng chiến trường xưa. Câu đầu là một nét vẽ hoành tráng về Quỷ Môn Quan: núi dựng thành cao vút, liên tiếp tận mây xanh. Vừa có núi có mây. Núi trập trùng, liên tiếp cao vút (liên phong cao sáp). Trời xanh làm hiện lên dãy núi cao hùng vĩ. Câu thơ thứ nhất miêu tả bằng trực giác; câu thơ thứ hai đi sâu vào suy ngẫm: Nam Bắc chia ranh giới ở chỗ này! Câu thơ tự hào khẳng định cõi bờ Tổ quốc thiêng liêng:
Dịch núi giăng giăng cao tựa mây,
Cửa chia Nam Bắc chính là đây.
Ba chữ “tựu thử phân" là một tứ thư mang tính truyền thống. Lý Thường Kiệt đã viết trong Nam quốc sơn hà . “ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” (Vằng văc sách trời chia xứ sở). Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã tuyên bố: “ Như nước Đại Việt ta từ trước... Núi sông bờ cõi đã chia". Vua Quang Trung trên đường tiến binh thần tốc đánh quân Thanh từng nói với tướng sĩ: “ Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phưong Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị (...) Bắc, Nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài... " (Hoàng Lê nhất thống chí) - Nguyễn Du đã kế thừa người xưa để nói lên niềm tự tôn dân tộc khi đứng trước Quỷ Môn Quan hùng vĩ.
Giọng thơ trở nên trầm mặc, vần. Thơ hàm chứa chất suy tưởng nói lên cái nghịch lý, cái cực kỳ vô lý trong xã hội và lịch sử. Quỷ Môn Quan là đất hiếm sinh tử (sinh tử địa) thế mà vô số người vẫn phải lại qua (vô số khứ nhân lai). Hai chữ "khả liên" (thương cho, hoặc là khá thương thay) diễn tả niềm xót thương của nhà thơ đối với bao người đã phải bỏ mạng nơi cửa ải hiểm trở này:
Tử sinh có tiếng nơi nguy thế
Qua lại bao người, chuyện xót thay!
Vần thơ thể hiện một tấm lòng nhân đạo mênh mông. Mộng bành trướng xâm lăng của bọn vua chúa phương Bắc đã xô đẩy vô số binh sĩ, tướng tá của chúng phải giãi thây khắp Quỷ Môn Quan! Đó là chiều sâu trữ tình - cảm hứng lịch sử của bài thơ. Như ta đã biết, Quỷ Môn Quan là “đất chết'”của lũ giặc phương Bắc! Nơi đây, năm 981, Lê Hoàn đại phá giặc Tống; năm 1285, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng mới thoát chết lúc chạy qua cửa ải; năm 1427, An Viễn hầu Liễu Thăng bị liêu diệt, hàng vạn giặc bị đánh tơi bời! Quỷ Môn Quan đúng là “sinh tử địa". Hai câu trong phần luận nói rõ núi Đầu quỷ, núi Hàm quỷ này là “sinh tử địa" như thế nào? Câu thơ chữ Hán với bốn nét vẽ gợi tả không khí thê lương, thảm đạm và rùng rợn của chiến trường xưa:
Tắc đồ tùng măng tàng xà hổ
Bố dã yên lam tụ quỷ thần.
Thật là hiểm trở “bụi gai lấp đầy đường” thật là mịt mờ, hoang vắng và ghê sợ "khí độc đầy đồng”. Cái hiện tại đang rình rập "rắn hổ ẩn nấp”. Cái kinh dị ẩn hiện "Quỷ thần nhóm họp”. Bằng trực giác, bằng cảm giác và bằng tưởng tượng, nhà thơ đã tái hiện cảnh tượng chiến trường xưa vô cùng hiểm trở và khủng khiếp. Cái mất đi và cái hiển hiện, cõi âm và cõi dương, thú dữ và quỷ không đầu được đặc tả làm ta nhớ lại điều mà Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáơ. “Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường - Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước". Câu thơ dịch đã lột tả được phần nào ý thơ và nghệ thuật đối của nguyên tác:
Bụi rậm đầy đường, hùm rắn núp,
Khói mây khắp chốn, quỷ ma đầy.
Hai câu kết biểu lộ cách nhìn độc đáo, đầy tinh thần nhân đạo của nhà thơ đối với binh lính chết chóc thảm thương trong những cuộc xâm lược từ phương Bắc tới. Gió lạnh như có thổi xương trắng phơi khắp cửa ải - gió lạnh thổi xương trắng (hàn phong xuy bạch cốt) là một hình ảnh làm xúc động lòng người. Hàng vạn sinh mạng của binh lính Trung Hoa phải trả giá một cách vô nghĩa để thực hiện mộng xâm lăng bành trướng của bọn vua chúa Thiên triều. Nếu “ Đằng giang tự cổ huyết do hồng” thì Quỷ Môn Quan cho đến nay vẫn ào ào suốt đêm ngày “hàn phong xuy bạch cốt”. Câu thơ của Nguyễn Du rất gần gũi với vần thơ “Chinh phụ ngâm' của Đặng Trần Côn qua bản dịch thơ của Đòan Thị Điểm (?):
Hồn sĩ từ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi,
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn... ”
Câu thơ cuối bài mang giá trị tố cáo và châm biếm sâu sắc. Nhà thơ nghe gió lạnh thổi, nhìn bãi chiến trường xưa đầy “xương trắng” chất đống mà cất tiếng hỏi: "Kỳ công của tướng quân nhà Hán có gì đáng khen” .Hỏi mà không trả lời. Nói “có gì đáng khen" là cách nói, lối nói phản ngữ.; nói mỉa, để lên án và chế giễu Hán tướng quân là Mã Viện, năm 42 đã mang quân sang xâm lược nước ta, dìm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào biển máu. Chính hắn đã dựng cột đồng trụ với lời hăm dọa hiểm độc: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt. Nguyễn Du có một số bài thơ viết về Mã Viện, trong đó có những câu đầy khinh bỉ:
Những tưởng cột đồng lòe gái Việt,
Chẳng dè xe ngọc lụy đàn con,
Đài Mây tên họ sao không để?
Cùng tế phương Nam, chết vẫn bòn.
(Miếu Mã Phục Ba ỏ Giáp Thành)
Câu thơ “Công cán khen gì Hán tướng hay” xuất hiện sau hình ảnh "gió lạnh phơi xương trắng” mang giá trị tố cáo sâu sắc tội ác lũ xâm lăng xưa và nay đối với đất nước ta. Bài thơ viếng chiến trường không chỉ hàm chứa tinh thần nhân đạo mà còn nêu lên bài học lịch sử đối với lũ giặc phương Bắc.
Tóm lại, cảm hứng lịch sử được diễn tả bằng phương thức trữ tình tạo nên những vần thơ chứa chan tinh thần nhân đạo. Hay nhất của bài thơ là bốn câu trong phần luận và phần kết. Giọng thơ từ u uất xót thương chuyển thành châm biếm mỉa mai. Quỷ Môn Quan không chỉ có núi cao vút lên tận mây xanh, là nơi rắn hổ ẩn nấp, nơi quỷ thần nhóm họp mà còn có những gò, những đống xương trắng ù ù gió lạnh thổi suốt đêm ngày. Sự kết hợp giữa ngôn ngữ hình tượng với sự suy ngẫm, liên tưởng và bình giá đã tạo nên cốt cách bài thơ. Nguyễn Du đã đứng trên tinh thần dân tộc để nói về Quỷ Môn Quan, nơi cửa ải hiểm yếu, từng là mồ chôn lũ xâm lược. Quỷ Môn Quan là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc đem đến cho ta biết bao yêu mến, tự hào.
Trích: loigiaihay.com