Em hãy nêu định nghĩa truyện cổ tích? Qua đó, em hãy làm rõ thể loại của tác phẩm Sọ Dừa: Truyện cổ tích là một loại truyện dân gian...
Đề văn tích hợp lớp 6 – Em hãy nêu định nghĩa truyện cổ tích? Qua đó, em hãy làm rõ thể loại của tác phẩm Sọ Dừa.. Truyện cổ tích là một loại truyện dân gian phản ánh cuộc sống hằng ngày của nhân dân ta. Truyện cổ tích là một loại truyện dân gian phản ánh cuộc sống hằng ngày của nhân dân ta. ...
Truyện cổ tích là một loại truyện dân gian phản ánh cuộc sống hằng ngày của nhân dân ta. Trong truyện có một số kiểu nhân vật chính: nhân vật bất hạnh (người mồ côi, con riêng, người em út, người có hình dạng xấu xí…), nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật thông minh, nhân vật ngốc nghếch, nhân vật là động vật (các con vật biết nói năng, có hoạt đông và tính cách như con người…)’ Trong truyện cổ tích thường có những yếu tố hoang đường, kì ảo, đóng vai trò cán cân công lí, thể hiện khát vọng công bằng, mơ ước và niềm tin của nhân dân về sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt với cái xấu.
Sọ Dừa là một câu chuyện cổ tích nổi tiếng của dân tộc ta.
Truyện kể về Sọ Dừa, nhân vật ngay từ khi ra đời đã mang lốt xấu xí. Chính sự ra đời khác thường ấy bao hàm khả năng mở ra những tình huống khác thường để phát triển cốt truyện.
Tác phẩm có nhiều yếu tố kì lạ, hoang đường. Đầu tiên là sự ra đời của Sọ Dừa. Mẹ Sọ Dừa uống nước mưa ở cái sọ dừa bên gốc cây to, khi về nhà thì mang thai. Sọ Dừa khi sinh ra không chân không tay, tròn như một quả dừa. Tuy hình dạng khác thường nhưng Sọ Dừa biết nói như người. Lớn lên vẫn không khác lúc nhỏ, “cứ lăn lông lốc trong nhà”.
Không chỉ vậy, Sọ Dừa còn là một chàng trai tài giỏi. Chàng chăn bò rất giỏi, thổi sáo rất hay và rất tự tin (xin mẹ đi chăn bò, giục mẹ hỏi con gái phú ông làm vợ và lo đủ sính lễ theo điều kiện phú ông đặt ra). Chàng còn thi đỗ Trạng nguyên, có tài dự đoán lương lai chính xác: khi đi sứ, đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà, dặn vợ phải luôn giắt trong người.
Đọc truyện cố tích Sọ Dừa, có thể thấy mối quan hệ giữa hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật. Về hình thức bề ngoài, Sọ Dừa dị dạng (tròn như sọ dừa) đối lập với phẩm chất bên trong (thông minh, tài giỏi). Sự đối lập giữa hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật này khẳng định giá trị bản chất và chân chính của con người, đồng thời thể hiện ước mơ mãnh liệt về sự đổi đời của người xưa.
Bên cạnh đó, tác phẩm còn thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân ta về ước mơ hạnh phúc và khát vọng công lí. Cô út xinh đẹp con gái phú ông đồng ý lấy chàng Sọ Dừa dị dạng. Có điều này vì cô nhận biết được thực chất vẻ đẹp bên trong của Sọ Dừa “không phải người phàm trần”. Thậm chí, trước khi biết rõ về Sọ Dừa, cô đã là một người đáng mến. Khác với hai cô chị “ác nghiệt, kiêu kì, thường hắt hủi Sọ Dừa; cỏ út “hiền lành, tính haythương người, đối đãi với Sọ Dừa rất tử tế” ngay cả khi Sọ Dừa mới đến ở chăn bò và còn mang lốt xấu xí. Cô út là người thông minh, biết lo xa và xử trí kịp thời trước tình huống hiểm nguy để thoát nạn (đâm chết cá, khoét bụng cá chui ra, cọ đá vào nhau bật lửa, nướng cá sống ăn qua ngày, chở có thuyền đi qua thì gọi vào cứu). Cóthể nói, nhân vật cô út là con người biết dùng tình thương, tình yêu con người để đi đến hạnh phúc, nên xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Cùng với sự khẳng định tài năng đặc biệt của nhân vật Sọ Dừa, sự tô đậm những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật cô út chính là dụng ý của tác giả dân gian, nhằm thể hiện ranh giới giữa cái tốt và cái xấu rõ nét hơn.
Sọ Dừa có hình dạng xấu xí nhưng cuối cùng đã được trút bỏ lốt, cùng cô út hưởng hạnh phúc, còn hai cô chị phải bỏ nhà trốn đi. Qua kết cục này, người lao động xưa thể hiện những mơ ước về sự đổi đời: Sọ Dừa từ thân phận thấp kém, xuất thân trong một gia đình đi ở, dị hình xấu xí… trở thành người đẹp đẽ, có tình thương và thông minh tài giỏi, được hưởng hạnh phúc. Đồng thời, đó cũng là mơ ước về sự công bằng: người thông minh, tài giỏi thì được hưởng hạnh phúc, kẻ tham lam, độc ác thì bị trừng trị đích đáng.
Truyện cổ tích Sọ Dừa đề cao, ca ngợi vẻ đẹp bên trong của con người. Từ đó, truyện nêu một bài học kinh nghiệm khi đánh giá con người: phải xem xét toàn diện, không chỉ dừng lại ở biểu hiện bề ngoài. Đó là ý nghĩa nhân bản, thể hiện đạo lý truyền thống của nhân dân. Truyện còn đề cao lòng nhân ái: “Thương người như thể thương thân”. Chính lòng nhân ái sẽ đem lại hạnh phúc cho con người. Tác phẩm còn đồng thời khẳng định niềm tin vào sự chiến thắng cuối cùng của sự công bằng đối với những bất công, khẳng định sự chiến thắng của tình yêu chân chính đối với sự tham lam, độc ác.