03/06/2017, 22:27
Đường nét tương phản và giá trị nhân đạo của An-đéc-xen trong truyện ngắn “Cô bé bán diêm”
Kính thưa Ban giám khảo! Kính thưa quý thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến! Em tên là: Nguyễn Hoàng Hải Dương Học sinh lớp 8/2 – Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi. Đến với Hội thi TTVH hôm nay, em xin chúc ban giám khảo, quý thầy cô giáo và các bạn học sinh sức khỏe. Em xin trình bày bài ...
Kính thưa Ban giám khảo! Kính thưa quý thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến!
Em tên là: Nguyễn Hoàng Hải Dương
Học sinh lớp 8/2 – Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi.
Đến với Hội thi TTVH hôm nay, em xin chúc ban giám khảo, quý thầy cô giáo và các bạn học sinh sức khỏe.
Em xin trình bày bài thuyết trình của mình với đề tài: Đường nét tương phản và giá trị nhân đạo của An-đéc-xen trong truyện ngắn “Cô bé bán diêm”.
Thời gian là chiếc bóng vô hình, chiếc bóng ấy có thể phủ đen để xóa nhòa tất cả những gì thuộc về quá khứ. Nhưng chắc chắn một điều rằng, thời gian không thể xóa nhòa được những tình cảm mà con người dành cho nhau.
Ai đã từng có tuổi thơ cắp sách đến trường hẳn đều đã biết đến An-đéc-xen, một nhà văn nổi tiếng của Đan Mạch chuyên viết truyện cho trẻ em với một tình cảm đặc biệt – Đó là tình yêu thương cao cả dành cho con người, và nhất là con người nghèo khổ. Đặc biệt, qua những tác phẩm của mình, nhà văn xứ Bắc Âu này đã để cho người đọc cảm nhận được rằng: tất cả những điều tốt đẹp trên thế gian này đều thuộc về con người. Tiêu biểu trong các sáng tác của An-đéc-xen là truyện ngắn “Cô bé bán diêm”. Câu chuyện đưa người đọc vào một khung cảnh một đêm giao thừa rét buốt của đất nước Đan Mạch cuối thế kỉ XIX. Có một cô bé nhà nghèo, mồ côi mẹ, bà vừa mất, bố sai đi bán diêm kiếm từng đồng xu nhỏ. Suốt cả ngày cuối năm cho đến đêm giao thừa, em bé chẳng bán được bao diêm nào. Vừa đói, vừa rét…, em bé thu mình lại trong cái xó tường của một tòa nhà lớn để ước ao, mơ tưởng. Những khát vọng chính đáng của tuổi thơ ấy cứ dần sáng lên, sáng lên rạng ngời và tuyệt đep song cũng thật đau khổ làm sao. Thể hiện điều này, nhà văn đã biết cách xây dựng những đường nét tương phản độc đáo và nghệ thuật đan cài giữa thực tế và mộng tưởng làm bộc lộ rõ nét tình cảnh đáng thương của em bé. Qua nghệ thuật độc đáo đó, An-đéc-xen đã thực sự làm lay động lòng người đọc bởi tình cảm chân thành, da diết về số phận của trẻ em. Chúng là những người cần phải được hưởng hạnh phúc trong cuộc đời. Đó là quyền tất yếu của con người trong xã hội loài người.
Ngay phần đầu vào tác phẩm, nhà văn đã cho người đọc nhận ra hoàn cảnh tội nghiệp của cô bé bằng nghệ thuật tương phản độc đáo. Đó là sự tưởng phản giữa hiện tại mà cô bé đang gánh chịu và cả sự tương phản giữa quá khứ vàng son của cô bé với một hiện tại đau lòng đến mức tột cùng. Với lời văn êm dịu như lời thỏ thẻ, người đọc dường như bị cuốn ngay vào câu chuyện đầy cảm động. Bên ngoài trời là hoàn cảnh của một đêm giao thừa đầy băng giá với cái lạnh thấu xương của xứ Bắc Âu “trời đông giá rét”, ấy vậy mà “cô bé đầu trần chân đất đang dò dẫm trong đêm tối”. Ngoài đường lạnh buốt và tối đen, nhưng “cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn”. Cô bé “bụng đói” cả ngày chưa ăn uống gì mà “trong phố sực nức mùi ngỗng quay”. Xây dựng những đường nét tương phản ấy trong câu chuyện, An-đéc-xen như muốn làm nổi bật tình cảnh đáng thương của cô bé, gợi lên trong lòng người đọc một tình yêu thương trắc ẩn. Tình cảm ấy vốn là tình cảm thiêng liêng giữa con người với con người – Đó là tình đồng loại. Cái rét, cái đói, công việc kiếm sống đang giày vò cô bé, đang cố tình đày đọa em đến cùng kiệt. Em đã rét, đã khổ lại càng rét, càng khổ hơn khi cửa sổ mọi nhà rực ánh đèn đón năm mới. Em đã đói, có lẽ lại càng đói hơn khi ngửi thấy mùi ngỗng quay sực nức.
Ngoài sự đối lập về hoàn cảnh hiện tại của cô bé bán diêm, nhà văn còn tinh tế lồng ghép vào câu chuyện sự đối lập giữa hiện tại đáng thương mà cô bé đang gánh chịu với quá khứ vàng son của em. Hãy lắng nghe ngòi bút của nhà văn: “Cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn và trong phố sực nức mùi ngỗng quay. Chả là đêm giao thừa mà! Em tưởng nhớ lại năm xưa, khi bà nội hiền hậu của em đang sống, em cũng được đón giao thừa ở nhà. Nhưng Thần Chết đã đến cướp bà em đi mất, gia sản tiêu tán, và gia đình em phải lìa ngôi nhà xin xắn có dây thường xuân bao quanh, nơi em đã sống những ngày đầm ấm để đến chui rúc trong một xó tối tăm, luôn nghe những điều mắn nhiếc, chửi rủa”. Rồi giờ đây, giữa đêm giao thừa này, “em ngồi nép trong một góc tường, thu đôi chân vào người, mỗi lúc càng thấy rét hơn”. Cuộc đời sao đầy đau khổ, với tuổi thơ của mình, đáng ra cô bé phải được hạnh phúc, được sự chăm sóc của gia đình và xã hội, lẽ ra em phải được đến trường. Ấy vậy mà…Cô bé giờ đang đau khổ lại càng đau khổ hơn khi nhớ lại những hạnh phúc bên bà. Em bé đang đói có lẽ lại càng đói hơn khi nhớ lại cái tết đầy đủ bên bà ngày xưa. Cả nhà, chỉ có bà là người yêu thương em nhất, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho em. Nhưng giờ đây…bà không còn nữa.
Cảnh ngộ của cô bé bán diêm, qua ngòi bút của An-đéc-xen, thật côi cút làm sao. Đọc thấy số phận côi cút của tấm lòng thơ dại của cô bé, người đọc ai mà chẳng não lòng, rớm lệ. Quả thật tình người ở nhà văn vĩ đai ấy đã có sức lan tỏa đến tận tâm can của mỗi con người.
Theo dõi đến tận cùng số phận đáng thương của cô bé bán diêm, ta vẫn thấy nghệ thuật đối lập được xây dựng hết sức độc đáo. Giữa ngày đầu năm hứa hẹn những mầm sống mới mọc lên, có một em bé chết. Người chết trong băng giá từ đêm khuya mà đến rạng sáng đôi má vẫn hồng, đôi môi đang “mỉm cười”. Mọi người bảo nhau: “chắc nó muốn sưởi cho ấm”. Tất cả là sự đối lập, đối lập đến trái ngược. Ngày đầu năm là ngày hân hoan và hạnh phúc của mọi người thế mà có sinh mạng lại từ giã cỏi hạnh phúc của trần gian. Đó chẳng lại là sự đối lập nghiệt ngã sao? Đã chết từ đêm qua, trong băng giá đến vậy mà như em bé vẫn cười, má vẫn hồng, đó chẳng phải là sự đối lập sao? Trong truyện, em bé chết trong niềm vui vì được gặp bà. Từ giã cõi đời mà hạnh phúc, đó cũng là sự đối lập.
Hàng loạt các đường nét đối lập trong câu chuyện đều tập trung làm nổi rõ tình cảnh đáng thương của cô bé bán diêm. Đó là tình người mà An-đéc-xem muốn nói với mọi người.
Kính thưa quý thầy cô giáo và các bạn!
Đường nét đối lập, tương phản càng gay gắt trong mỗi lần em bé quẹt diêm. Mỗi lần quẹt diêm là mỗi lần em bé đốt sáng lên những ước mơ, khát vọng. Mỗi lần quẹt diêm là mỗi lầm thực tế và mộng tưởng đan cài vào nhau, cuộc đời và ảo ảnh cứ sóng đôi hiển hiện, nó như tranh chấp nhau, nâng dần lên, bay cao lên.
Trong cái đói rét đến kiệt sức, em bé chợt nghĩ: “Chà! Giá quẹt một que diêm mà sưởi cho đỡ rét một chút nhỉ? Giá em có thể rút một que diêm ra quẹt vào tường mà hơ ngón tay nhỉ?” Cuối cùng em đánh liều quẹt một que. Diêm bén lửa thật nhạy. Ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biến đi , trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông rất vui mắt. Em bé nhìn que diêm lóe sáng, em tưởng chừng như “đang ngồi trước một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng…Lửa cháy nom rất vui mắt và tỏa ra hơi nóng dịu dàng”. Nhưng em vừa dủi chân ra thì “lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất”. Niềm vui của em cũng vụt tắt theo. Em bần thần nghĩ đến nhiệm vụ bán diêm và lời cha quở mắng. Cô bé quẹt que diêm thứ hai: “Bức tường như biến thành một tấm rèm bằng vải màu. Bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay… Ngỗng ta nhảy ra khỏi đĩa và mang cả dao ăn, phuốc-sắt cắm trên lưng, tiến về phía em bé”. Nhưng diêm vụt tắt. Trước mặt em chỉ còn là những bức tường dày đặc và lạnh lẽo. Phố xá vắng teo. Mấy người khách qua đường vội vã hoàn toàn lãnh đạm với em. Em cố tìm lại ngọn lửa để tiếp tục sưởi ấm, xua đi bóng tối và giá lạnh. Em quẹt que diêm thứ ba: Một cây thông Nô-en hiện lên, “Cây này lớn và trang trí lộng lẫy hơn cây thông mà em đã được thấy năm ngoái qua cửa kính một nhà buôn giàu có: Hàng ngàn ngọn nến sáng rực…”. Nhưng diêm vụt tắt, tất cả các ngọn nến bay lên, bay lên mãi, rồi biến thành những ngôi sao trên trời. Đường nét tương phản được thể hiện khá độc đáo trong cái thực tại đau khổ, đói rét của cuộc đời em bé đang trải và những hạnh phúc trong mộng tưởng được đan xen độc đáo đến bất ngờ. Từ lần quẹt diêm thứ nhất đến lần quẹt diêm thứ hai, thực tế đã xóa nhòa đi mộng tưởng của em bé. Mộng tưởng hiện lên chỉ là những ảo ảnh mà thôi. Ảo giác đã đánh lừa em chứ thực tế thì làm gì có lò sưởi, chỉ có cái lạnh làm em thấy rét buốt mà thôi. Làm gì có bàn ăn nào, chỉ có cái đói đang hành hạ em. Làm gì có cây thông Nô-en rực rỡ sắc màu mà chỉ là bất hạnh mà em đang gánh chịu. Những mộng tưởng ấy cũng đã nối tiếp mất đi mỗi khi que diêm vụt tắt. Thế nhưng, đến que diêm thứ ba lóe sáng thì mộng tưởng đã vươn dậy, cố vượt lên trên thực tế. Vì thế, khi que diêm tắt, em thấy “tất cả các ngọn nến bay lên, biến thành những ngôi sao trên trời”. Nhìn những ngôi sao, em bé lại nhớ đến bà thân yêu của em. Em liền quẹt que diêm thứ tư thì bà em hiện lên. Em sung sướng reo lên, trò chuyện với bà, xin bà cho em theo. Đối với em, bà em là một thiên thần nhân hậu nhất, bà sẽ là người truyền cho em sức mạnh và cũng chính bà giúp cho em thoát khỏi cảnh địa ngục của trần gian mà em đang là nạn nhân trong đó. Thế nhưng, dù rằng hạnh phúc đã đến với em bé khi em và bà “bay lên chầu Thượng đế” thì thực tại đau lòng vẫn không chịu buông tha cho em. Em bé tội nghiệp ấy đã sức tàn lực kiệt đang gục xuống cạnh bức tường giá buốt. Em lịm dần, lịm dần và trôi vào một giấc mơ đẹp. “Em thấy bà em to lớn và đẹp lão…Bà cụ cầm lấy tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đoe dọa họ nữa...”. Rõ ràng, mỗi lầm quẹt diêm là mỗi lầm cô bé đau khổ ấy lại biết ước mơ, biết khát vọng. Những khát vọng của em thật giản dị. Em khao khát có cuộc sống vật chất đầy đủ, được hưởng những thú vui tinh thần, được sống trong hạnh phúc gia đình. Những ước mơ thật chính đáng của mọi trẻ em nói riêng và của mỗi con người nói chung. Thể hiện sự đối lập và đan cài giữa thực tế và mộng tưởng của cô bé bán diêm, nhà văn Đan Mạch ấy hẳn đã cháy lòng mong muốn rằng: mọi người phải biết quan tâm đến trẻ em, nhất là những trẻ em bất hạnh. Ông mong muốn những kiếp người đau khổ phải biết vượt qua thực tế phủ phàng để vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Khát vọng ấy ở nhà văn cứ cháy lên, sáng lên để giục giã con người, động viên con người.
Em bé bán diêm đã chết. Nhưng qua ngòi bút của nhà văn, em bé có một cái chết đẹp. Hình hài, thể xác em bé thì đã chết nhưng linh hồn, khát vọng của em vẫn sống trên đôi má hồng, đôi môi đang mỉm cười. Nói về cái chết là nói đến bi kịch. Thế nhưng, cái chết của cô bé bán diêm là một bi kịch lạc quan. Rõ ràng, đến những phút cuối cùng của câu chuyện, nghệ thuật đối lập vẫn có giá trị làm rõ nét tinh thần nhân đạo của An-đéc-xen. Đó là tình thương, niềm tin mãnh liệt về con người và khát vọng những điều tốt đẹp nhất cho con người.
Xin mượn ý của một học giả phương Tây để kết thúc câu chuyện mà An-đéc-xen để lại cho mọi người: Một ánh lửa sẻ chia là ánh lửa lan tỏa; một đồng tiền kinh doanh là đồng tiền sinh lợi; đôi môi có hé mở mới thu nhận nụ cười; bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập hạnh phúc. Cô bé bán diêm đã chết. An-đéc-xen cũng không còn. Nhưng chắc chắn một điều rằng, cả cô bé bán diêm và nhà văn đã biết cách cảm động trái tim con người bằng tình thương và lòng nhân ái.
Em tin rằng, ngọn lửa diêm mà cô bé thắp lên qua ngòi bút của An-đéc-xen sẽ đốt lên trong lòng mỗi người đọc chúng ta niềm tin mãnh liệt về tình người.
Em xin mượn lời bài hát Dấu chấm hỏi để kết thúc bài thuyết trình của em hôm nay.
Xin cảm ơn sự chú ý của quý thầy cô và các bạn! Một lần nữa, em kính chúc Hội thi TTVH của chúng ta thành công tốt đẹp.