Dù được sáng tác theo trào lưu lãng mạn hay hiện thực, những trang viết của các nhà văn đầy tài năng và tâm huyết đều thấm đượm tinh thần nhân đạo sâu sắc. Qua các tác phẩm “Gió lạnh đầu mùa” (Thạch Lam), “Những ngày thơ ấu” (Nguyên Hồng), “Lão Hạc” (Nam
Dù được sáng tác theo trào lưu lãng mạn hay hiện thực, những trang viết của các nhà văn đầy tài năng và tâm huyết đều thấm đượm tinh thần nhân đạo sâu sắc. Qua các tác phẩm “Gió lạnh đầu mùa” (Thạch Lam), “Những ngày thơ ấu" (Nguyên Hồng), “Lão ...
Dù được sáng tác theo trào lưu lãng mạn hay hiện thực, những trang viết của các nhà văn đầy tài năng và tâm huyết đều thấm đượm tinh thần nhân đạo sâu sắc. Qua các tác phẩm “Gió lạnh đầu mùa” (Thạch Lam), “Những ngày thơ ấu" (Nguyên Hồng), “Lão Hạc” (Nam Cao), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên
YÊU CẦU
1. về kiểu bài: Đây là loại bài tổng hợp đòi hỏi phân tích, chứng minh và một phần bình luận.
2. về nội dung: Học sinh căn cứ vào ba tác phẩm làm rõ những điểm cơ bản sau:
– Các trào lưu lãng mạn và hiện thực chủ nghĩa có cách thức và nội dung phản ánh hiện thực khác nhau, nhưng trên những trang viết, các nhà văn tài năng và tâm huyết đều thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc.
– Tinh thần nhân đạo là gì? Đó là lòng yêu thương con người, thái độ trân trọng con người, ca ngợi vẻ đẹp của tình người, sự cảm thông với những số phận đau khổ và bất hạnh.
– Tinh thần nhân đạo thể hiện ở các khía cạnh nào?
+ Thái độ trân trọng, ngợi ca, tin tưởng vào phẩm giá tốt đẹp của con người (dẫn chứng).
+ Phê phán, tố cáo những cái ác, cái xấu, sự bất công, ngọn nguồn của những khổ đau, bất hạnh (dẫn chứng).
+ Thái độ khoan dung, nhân hậu khi nhìn nhận, đánh giá con người, nhất là với những người có địa vị thấp kém, có đời sống vật chất thiếu thốn, khổ cực (dẫn chứng).
3. về cách trình bày: Học sinh có thể nêu những vấn đề chung, khái quát và phân tích dẫn chứng từ ba tác phẩm để chứng minh. Cũng có thể phân tích từng tác phẩm và làm rõ tinh thần nhân đạo thể hiện trong đó. Tuy nhiên, cách làm thứ nhất đảm bảo tính chất khái quát, chặt chẽ và tránh trùng lặp.
BÀI LÀM
Từ xa xưa, cảm hứng nhân đạo và cảm hứng yêu nước đã trở thành một đề tài lớn xuyên suốt các tác phẩm văn học. Có thể nói cùng với cảm hứng yêu nước, tinh thần nhân đạo là tình cảm truyền thống có tính muôn thuở của thi ca cũng như của các nhà văn. Chính vì thế nên dù viết theo khuynh hướng hay trào lưu nào, tinh thần nhân đạo vẫn thấm đẫm trong từng tác phẩm. Và khi nhận xét về tinh thần nhân đạo trong văn xuôi giai đoạn 1930-1945, có ý kiến cho rằng: “dù được sáng tác theo trào lưu lãng mạn hay hiện thực, những trang viết của các nhà văn đầy tài năng và tâm huyết đều thấm đượm tinh thần nhân đạo sâu sắc”. Điều đó thểhiện rõ trongnhiều tác phẩm mà tiêu biểu là “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam, “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng và “Lão Hạc” của Nam Cao.
Nói đến tinh thần nhân đạo là nói đến mối quan hệ giữa con người với con người, những gì vì con người, cho con người, cho sự tốt đẹp của bản thân mỗi con người, cho cộng đồng thế giới loài người… đều nằm trong phạm trù nhân đạo. Hai mặt cảm hứng lớn trong cảm quan nghệ thuật của tác giả là nhiệt tình ca ngợi và nhiệt tình phê phán. Tinh thần nhân đạo, nhân văn, nhân bản gắn liền nhau.
Từ đó ta có thểkhẳng định tinh thần nhân đạo thấm đượm trong từng trang viết của các nhà văn đầy tài năng và tâm huyết. Tinh thần nhân đạo được thể hiện ở rất nhiều khía cạnh khác nhau với phong cách riêng của từng tác giả nhưng mục đích cuối cùng vẫn là vì và cho con người. ỞThạch Lam, yếu tốlãng mạn và hiện thực kết hợp hài hòa và nhuần nhị, vì vậy, truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” như một bài thơ trữ tình xinh xắn. Khác với Thạch Lam, tác phẩm “Những ngày thơ ấu” cũng như một số tác phẩm vào mảng đề tài to lớn này, Nguyên Hồng thể hiện qua từng trang hồi kí xúc động về chính tuổi thơ cay đắng của mình. Dù là hiện thực hay lãng mạn song tất cả đều hướng về con người, ca ngợi và bênh vực, đòi quyền sống cho họ.
Trước hết, tinh thần nhân đạo của tác giả bộc lộ thông qua những lời ca ngợi, nâng niu những phẩm chất đáng quý của con người. Đó là tình cảm đẹp đẽ truyền thống của con người Việt Nam, tình cha con, mẹ con, anh em, láng giềng. Dù sống trong xã hội thực dân nửa phong kiến thối nát và xấu xa đó, họ vẫn giữ được bản chất của mình.
Ai cũng có một người mẹ và trên đời này có ai yêu thương con hơn mẹ. Tình mẹ là nỗi khát khao của con trẻ, đấy chính là mạch cảm xúc chân thành của nhà văn khi hướng ngòi bút của mình vào con người.
Cũng là một đứa con nhưng khốn khổ thay, bé Hồng trong chương hồi kí “Trong lòng mẹ” lại là kết quả của một cuộc hôn nhân không tình yêu để rồi phải xa mẹ, sống trong sự ghẻ lạnh của gia đình. Hồng sống trong nhớ nhung, khát khao thì mẹ Hồng, người đàn bà bất hạnh đó cũng luôn canh cánh trong lòng hình bóng của hai đứa con thân yêu sớm thiếu thốn tình cảm của người mẹ. Giữa những lời tai tiếng chê cười của họ hàng thì mẹ Hồng là người vợ không thủy chung, chưa đoạn tang chồng mà đã chửa đẻ với người khác. Trong xã hội đương thời, đó là trọng tội mà “cạo đầu bôi vôi” là một cực hình đau đớn nhất. Nhưng có ai hiểu được nỗi lòng của người đàn bà đó, tiếng gọi của tình yêu và trái tim chưa một lần được yêu của bà luôn thôi thúc khát khao một tình yêu đích thực. Từ giã con song bà luôn nghĩ tới con trong nhớ thương, day dứt khôn nguôi. Và có ở trong địa vị của bà ta mới cảm nhận hết tình yêu thương con của bànó sâu sắc và thấm thìa tới tận trái tim của người đọc, để cứ mỗi lần giở lại trang truyện là một lần ta thổn thức yêu thương, chua xót.
Không những tình cảm mẹ con sâu nặng mà tình cảm cha con cũng được các tác giả ca ngợi và thể hiện sâu đậm trong tác phẩm của mình.
Hình ảnh lão Hạc trong truyện ngắn “Lão Hạc" của Nam Cao là một điển hình tiêu biểu. Mặc dù đã sớm mất đi người vợ hiền thân yêu nhất, nhưng lão Hạc không đi bước nữa vì lão sợ con lão phải khổ, sợ con phải sống trong cảnh “mẹ ghẻ con chồng”. Có thể nói trong thâm tâm lão, hình ảnh anh con trai – đứa con độc nhất là nguồn vui, là lẽ sống mà lão dành cho nó cả tình cảm của mình. Lão Hạc đau đớn và day dứt khi không có tiền cưới vợ cho con, còn nỗi khổ nào hơn cha nhìn con đau khổ tuyệt vọng mà cũng chẳng giúp được gì ngoài những lời động viên nhẹ nhàng như những khúc tâm can của người bố già nua đau khổ. Tấm lòng người cha của lão Hạc được khắc sâu và thể hiện cảm động nhất qua đoạn truyện tả cái chết của lão. Lão chết là vì con và cho con, bởi lão không muốn sống để tiêu hết tiền cưới vợ của con. Thật đáng thương bao nhiêu trước lời nói của lão: “Tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của cháu, tiêu nhiều chỉ chết nó”. Lão đã chết, để lại cho con tất cả tài sản và cao quý hơn vẫn là tấm lòng người cha không lúc nào không nghĩ tới con.
Bên cạnh việc ca ngợi tình cảm mẹ con, cha con, các nhà văn cũng rất am hiểu và xúc động trước tình hiếu thảo của những người con dù là còn rất bé. Nghĩ về trẻ thơ với tấm lòng người con, hay là nghĩ về chính cuộc đời thơ trẻ của mình mà Nguyên Hồng đã khắc hoạ rất thành công tình cảm đối với mẹ của Hồng trong chương “Trong lòng mẹ”, sống giữa những lời chê bai, khích bác của bà cô nhưng bé Hồng vẫn giữ trọn trong tim mình hình bóng mẹ kính yêu, mặc cho mọi người gièm pha chê trách. Tấm lòng của người con khi nhắc tới mẹ là nỗi đau, là vết thương lòng để “cười dài trong tiếng khóc”. Cười mà lại ra nước mắt ư? Hay đó chỉ là tiếng cười đau đớn đập vào mặt bà cô vô lương tâm, đập vào tất cả những cổ tục đã làm cho mẹ Hồng khổ. Còn giọt nước mắt, những giọt máu đỏ tươi trào ra từ trái tim non nớt sớm bị tổn thương là nỗi đau thương cho cuộc đời mẹ. Lúc ấy, trái tim bé Hồng như thốt lên, gào lên tuyệt vọng: “Nếu những cổ tục đã đày đoạ mẹ tôi như hòn đá, cục thuỷ tinh hay đầu mẩu gỗ tôi quyết vồ lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiền cho kì nát mới thôi”. Lòng yêu thương như giúp cho bé Hồng có một sức mạnh vô biên, hay sức mạnh đó là sức mạnh của tình con trẻ?
Ngoài những tình cảm gia đình đó, còn những mối quan hệ xã hội mà tác giả cũng hết lời ca ngợi, nâng niu.
Mặc dù mới chỉ là cậu bé nhưng Sơn trong “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam đã sớm có tình thương ấm áp thông qua việc làm rất có ýnghĩa: cho Hiên cái áo bông cũ. Đó là hành động rất bình thường, một tình thương bột phát của trẻ thơkhông suy tính mà có chăng chỉ là sự mách bảo của trái tim, thấy bạn không có áo thì cho và trong lòng cảm thấy “ấm áp vui vui”. Sơn vui, vui vì mình vừa làm việc tốt và thấy cái Hiên mặc áo bông thì Sơn thấy mình cũng ấm hơn. Đó là hơi ấm của tình người sưởi ấm cho cả một không gian lạnh se sắt khi gió lạnh đầu mùa đông tràn về mà Thạch Lam đã phát hiện, miêu tả sinh động trong truyện của mình. Đó là tình cảm láng giềng khi tối lửa tắt đèn có nhau của lão Hạc đối với ông giáo trong tác phẩm “Lão Hạc” của Nam Cao. Trong lúc xã hội rối ren mà mối quan hệ giữa con người với conngười là mối quan hệ giữa người và chó sói thì lão Hạc vẫn tin một niềm tin bất diệt vào ông giáo. Chuyện gì lão cũng kể với ông giáo, hỏi ông giáo và ông giáo đã thực sự là chỗ dựa tin tưởng nhất trong cuộc đời lão.
Ngợi ca và trân trọng, kính phục và yêu thương, các tác giả như Nam Cao, Nguyên Hồng, Thạch Lam đã ghi lại hết sức tinh tế phẩm chất tốt đẹp của người dân, từ một cậu bé Sơn vô tư đến một bé Hồng bất hạnh và cao hơn hết là hình ảnh một lão Hạc thật thà, chân chất, yêu thương.
Cùng với việc ngợi ca phẩm chất của người dân và trẻ thơ, các tác giả còn tập trung hướng ngòi bút của mình lên án xã hội đương thời, đấu tranh đòi quyền sống cho con người. Càng thương cảm cho cuộc đời của mỗi nhân vật, các tác giả càng căm phẫn những thế lực làm khổ cuộc đời họ.
Qua hai tác phẩm “Gió lạnh đầu mùa” và “Lão Hạc”, nhà văn Nam Cao và Thạch Lam đã gián tiếp lên án xã hội với bọn quan lại sâu dân mọt nước đương thời.
Vì sao cả cuộc đời “đầu tắt, mặt tối, không dám chơi không ngày nào” mà mẹ Hiên vẫn khổ, mà lão Hạc vẫn phải chết? Đó là câu hỏi bức thiết, là lời tốcáo đanh thép và mạnh mẽ quất thẳng vào bộ mặt của xã hội đương thời. Họ làm mà không có ăn vì đâu ư? Vì bọn quan lại tham lam bòn rút, vì thuế má ngặt nghèo như xiết cổ người dân trong bần cùng đói rách. Ta biết rằng cái chết của lão Hạc là trường hợp bị bức tử. Nếu lão có sống thì sẽ sống mòn và chết mòn, chết từ từ, chết dần dần trong bàn tay gớm ghiếc của xã hội đã tước đi quyền sống của lão và của bao nhiêu người khác. Hai cái gông phong kiến và thực dân đã đánh gục bao kiếp người như lão Hạc, như mẹ cái Hiên, chết đói, chết rét, cái chết mà lẽ ra phải dành cho bọn quan lại và địa chủ sâu dân mọt nước. Khổ vì nghèo, vì đói, vì quan đã là nhục nhã lắm rồi nhưng chưa hết, sống dưới xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời, người dân, mà đặc biệt là lão Hạc, mẹ Hồng còn khổ vì thủ tục phong kiến. Nam Cao và Nguyên Hồng đã tập trung phản ánh nạn nhân của nó, có thể nói mỗi số phận như cô gái người yêu con trai của lão Hạc, rồi mẹ bé Hồng là lời kêu cứu thất thanhvăng vẳng trong trái tim các tác giả. Cũng chỉ vì thủ tục trong hôn nhân, cưới xin mà anh con trai lão Hạc không lấy được người mình yêu. Nhà gái thách cưới cao quá, gia đình anh làm sao lo đủ, rồi cuốicùng mỗi người một ngả. Cô gái người yêu anh con trai lão Hạc lấy một người chồng giàu sang mà mình không yêu rồi sốphận đưa đẩy ra sao? Đó là sốphận, là tương lai mù mịt của cô hay chính là mẹ bé Hồng sau này trong tác phẩm “Những ngày thơ ấu”. Cuộc hôn nhân không tình yêu để rồi tất cả cùng đau khổ, bốbé Hồng chết, mẹ bé Hồng vì “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nên đành vùi chôn tuổi thanh xuân mà sau này “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” đã khiến bà phải sống tha hương, cầu thực, bèo dạt mây trôi, tương lai rồi cũng chỉ là một vũng bùn đen tối. Nguyên Hồng đã thể hiện tình cảm gay gắt của mình thông qua hình ảnh bé Hồng muốn tiêu diệt những hủ tục đã đoạ đày mẹ mình.
Nói tóm lại, văn xuôi giai đoạn 1930 – 1945 mà đặc biệt là ba tác phẩm “Gió lạnh đầu mùa”, “Những ngày thơ ấu”, “Lão Hạc” cho ta thấy được tinh thần nhân đạo cao cả của các nhà văn. Dừ là ở các trào lưu khác nhau, hiện thực hay lãng mạn, họ đều thể hiện được tinh thần nhân đạo bao la với mọi kiếp người: là em bé khổ đau, là cụ già bất hạnh, là tình người ấm áp trong cơn gió lạnh đầu mùa. Nhưng tinh thần nhân đạo của ba tác phẩm chưa đạt chủ nghĩa nhân đạo cách mạng. Bởi các nhà văn chỉ thấy nhân vật khổ mà thương xót chứ chưa tìm ra con đường giải phóng họ vì vậy mà kết thúc câu chuyện dù lãng mạn hay hiện thực vẫn có chỗ bế tắc, Hồng vẫn khổ, lão Hạc phải chết; song đó là tiếng kêu đòi quyền sống cho con người mà ta rất kính trọng nâng niu ở các nhà văn. Hạn chế đó cũng là hạn chế trong tư tưởng tác giả và lịch sử một thời đại.
Cảm hứng nhân đạo đã, đang và sẽ là cảm hứng cho tất cả các trào lưu văn học nghệ thuật vị nhân sinh, đó chính là tiếng lòng của một nhà thơ sau này và mãi mãi về sau:
Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau.
(Tố Hữu)