24/02/2018, 19:18

Đọc Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam, Trong lòng mẹ (trích Những ngày thơ ấu) của Nguyên Hồng, Bốcủa Xi-mông của Mô-pa-xăng, ta gặp những em bé đáng yêu, đáng quý, đáng thương. Bằng vốn hiểu biết của mình, em hãy chứng minh.

Trẻ em là những mảnh hồn trong trẻo, là sự khởi đầu của những cuộc đời. Trong những trang văn: “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam, “Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng, “Bố của Xi-mông” của Mô-pa-xăng, trẻ em đều rất đáng yêu, đáng ...

 

Trẻ em là những mảnh hồn trong trẻo, là sự khởi đầu của những cuộc đời. Trong những trang văn: “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam, “Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng, “Bố của Xi-mông” của Mô-pa-xăng, trẻ em đều rất đáng yêu, đáng quý, đáng thương.

Đến với truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa”, người đọc có cảm giác ấm áp khi được chứng kiến sự thơm thảo của những tấm lòng trẻ thơ nhân hậu. Mùa đông đến, đem theo những cơngió lạnh là nỗi lo sợ của những đứa trẻ nhà nghèo. “Chúng ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo nâu bạc rách vá nhiều chỗ”. Và thế là mùa đông lạnh lẽo đã hành hạ chúng: “Hôm nay, môi chúng tím lại và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi, mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hai hàm răng đập vào nhau”. Cuộc đời đã không mỉm cười với những đứa trẻ nhà nghèo. Trong đám trẻ nhà nghèo, hình ảnh bé Hiên được mô tả tỉ mỉ nhất. Hiên đứng co ro bên cột quán: “chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay”. Manh áo rách kia không đủ che ấm cho em trong thời tiết mùa đông khắc nghiệt. May mà cuộc sống còn có tình thương. Tình thương của chị em Sơn đem đến cho Hiên. Khi thấy Hiên đứng co ro chịu rét, áo rách tả tơi, Sơn đã động lòng thương. Sơn bàn với chị Lan lấy chiếc áo bông cũ của đứa em đã mất cho Hiên. Khi chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo, “Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui”. Thì ra cái bản chất tự nhiên của con người là nhân hậu, là hướng thiện. Cái hăm hở của bé Lan mới đáng quý làm sao. Đó không chỉ là biểu hiện ngây thơ của tuổi trẻ mà còn là hành động của một tấm lòng ấm áp tình yêu thương. Giữa bao nhiêu giá rét của mùa đông vẫn còn sự ấm áp của những tấm lòng nhân hậu. Bằng việc làm của mình, bằng sự gần gũi thân thiết, Sơn và Lan đã vượt qua bức tường ngăn cách của hai tầng lớp giàu nghèo đến với đám trẻ nhà nghèo, trong vòng tay bè bạn.

Khi cho Hiên áo, hai chị em Lan và Sơn đâu biết rằng đã cho đi một kỉ vật thiêng liêng cùa gia đình. Cho nên khi nghĩ lại, chị em Sơn đâm lo lắng, rồi nảy ra ý định đòi lại áo. Đó cũng là một biểu hiện hồn nhiên rất đáng yêu của chị em Sơn. Dù sao sự thông cảm và tình thương yêu hồn nhiên của chị em Sơn cũng đã làm dịu một phần những ngày đông giá lạnh, đem lại một chút ấm áp cho lòng người.

Đọc “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng, ta gặp phải một bé Hồng sớm phải chịu những mất mát, thiếu thôn về tình cảm, tuổi thơ của Hồngkhông được sống trong mái ấm gia đình. Từ bé, bé đã mất cha, xa mẹ. Chắc chỉ có Chúa mới biết chú đã khóc bao nhiêu lần trong nỗi đau khổ, dằn vặt. Và trái tim non nớt của chú đã bao lần nức nở trước những lời bàn tán về mẹ không lấy gì làm tốt đẹp, đầy tâm địa xấu xa của bà cô: “Hai tiếng em bé mà cô tôi ngân dài ra thật ngọt, quả nhiên đã xoắn chặt lấy tâm can tôi như ýcô tôi muốn". Tuy vậy, Hồng đã tự khẳng định tình yêu thương mẹ của mình: “Nhưng đời nào tình yêu thương và lòng kính trọng mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến… Mặc dầu nom một năm ròng mẹ tôi không gửi cho tôi lấy một lá thư, nhắn người thăm tôi lấy một lời và gửi cho tôi lấy một đồng quà”. Hồng không ruồng rẫy mẹ. Em xót xa khi thấy mẹ chưa đoạn tang thầy mà đã phải xa quê để chửa đẻ với người khác. “Lòng tôi thắt lại, khóe mắt tôi cay cay”, rồi (nước mắt tôi đã ròng ròng rớt xuống hai hên mép rồi chan hòa và đầm đìa ở cằm, ở cổ”. Nỗi đau đớn ấy đã khiến cho “cổ họng tôi đã nghẹn ứ không khóc ra tiếng”. Hồng đã khóc, khóc bởi thương mẹ bị đọa đày, bị đối xử một cách bất công, vô nhân đạo. Tuy nhiên từ tận đáy sâu tâm hồn Hồng vẫn còn le lói một ngọn lửa của niềm tin, niềm tin thiêng liêng của một người con luôn hướng về mẹ. Hồng đã cất lên tiếng khóc đầy hạnh phúc khi gặp lại người mẹ muôn vàn kính yêu của mình. Ta hiểu rằng để có được tiếng khóc ấy chú bé đã phải chờ đợi mỏi mòn suốt bao tháng ngày dài đằng đẵng.

Đọc những trang tác phẩm của Nguyên Hồng, chúng ta cảm thông trân trọng bé Hồng và thấm thìa sâu sắc tấm lòng nhân đạo sáng ngời của nhà văn.

Đến với truyện ngắn “Bố của Xi-mông’’ của nhà văn Mô-pa-xăng, ta gặp chú bé Xi-mông không có bố. Em sống và lớn lên trong tình yêu thương và bàn tay chăm sóc của mẹ. Một lần, bị bạn bè chế giễu, quá đau đớn, em đã lang thang ra bờ sông và định tìm đến cái chết. Thế nhưng thiên nhiên đã thức tỉnh em: “Một chú nhái con màu xanh lục nhảy dưới chân em. Em định bắt nó, nó thoát được. Em đuổi theo nó và lại vồ hụt ba lần liền”. Hình ảnh chú nhái gợi cho Xi-mông nhớtới một thứ đồ chơi ở nhà, rồi gợi cho em nhớ đến nhà, đến mẹ và em đã khóc. “Người em run lên, em quỳ xuống và đọc kinh cầu nguyện như trước khi đi ngủ. Nhưng em không đọc hết được bài kinh vì những cơn nức nở lại trở lại, dồn dập, xốn xang, choáng ngợp lấy em”. Xi-mông hiện lên thật đáng thương. Em phải sống trong hoàn cảnh thiếu bàn tay chăm sóc của cha và chịu sự trêu chọc của bạn bè. Nỗi đau ấynhư một bàn tay vô hình bóp lấy trái tim thơ ngây của em. Em chỉ biết khóc. Không biết em đã khóc bao nhiêu lần?

Thế nhưng, một niềm vui bất ngờ đã đến với em. Người ta đã cho em một ông bố, một bác thợ rèn khỏe khoắn và tốt bụng. Trong giây phút thiêng liêng ấy, Xi-mông nghẹn ngào xúc động: “Bé Xi-mông đứng dậy mặt tái nhợt nói run run:

–   Bố tớ đấy, bố tớ là Phi-líp Rê-mi (…) bốtớ hứa sẽ kéo tai tất cả những đứa nào bắt nạt tớ”.

Những tiếng nói thật mạnh mẽ và tự hào. Đó cũng là tiếng nói của lòng tin, đem đến cho người đọc cảm giác ngọt ngào, sưởi ấm lòng người, hướng lòng người vươn tới cái thiện, cái đẹp.

Thạch Lam, Nguyên Hồng, Mô-pa-xăng đã dẫn ta vào thế giới của trẻ em. Thế giới ấy có nắng nhẹ, trời trong, có cả những giọt nước mắt đau khổ nhưng trội lên là những tâm hồn trắng trong, nhân hậu. Các em thật đáng thương, đáng quý, đáng yêu. Qua hình ảnh các em, các nhà văn đã cất lên một tiếng nói phê phán xã hội xấu xa, vô nhân đạo đã chà đạp lên cả những tâm hồn trẻ thơ hồn nhiên trong trắng, cướp đi cả cuộc sống và ước mơ bình dị của các em. Hôm nay, đọc lại những trang tác phẩm đó của nhà văn, chúng ta càng hiểu thêm những gì tốt đẹp mà xã hội mới đã đem lại cho tuổi thơ chúng ta, chúng ta thấy mình càng phải sống sao cho có ý nghĩa hơn, có ích cho đời hơn.

EllType

0 chủ đề

23825 bài viết

0