Diễn viên Mai Huỳnh “Gạo nếp gạo tẻ” sinh năm bao nhiêu?
Diễn viên Mai Huỳnh “Gạo nếp gạo tẻ” – Mai Huỳnh được xem là một diễn viên gạo cội trong làng giải trí Việt. Anh đã đóng hơn 100 vai diễn và được khán giả dành nhiều tình cảm. Khi bộ phim Gạo nếp gạo tẻ phát sóng trên kênh HTV, cái tên của anh đến gần ...
Diễn viên Mai Huỳnh “Gạo nếp gạo tẻ” – Mai Huỳnh được xem là một diễn viên gạo cội trong làng giải trí Việt. Anh đã đóng hơn 100 vai diễn và được khán giả dành nhiều tình cảm. Khi bộ phim Gạo nếp gạo tẻ phát sóng trên kênh HTV, cái tên của anh đến gần với công chúng hơn nữa. Trong phim anh vào vai ông Vương – một người đàn ông mẫu mực, hiền lành và điềm đạm.
Diễn viên Mai Huỳnh “Gạo nếp gạo tẻ”
Thông tin về tiểu sử diễn viên Mai Huỳnh
Diễn viên Mai Huỳnh sinh năm 1967 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nước Việt Nam.
Mai Huỳnh là một nam diễn viên truyền hình nổi tiếng. Anh từng là ca sĩ của đoàn nhạc kịch thanh niên xung kích, sau đó mới đi học lớp kịch nghệ. Cơ duyên khiến anh đến với nghề diễn, đó là khi anh được đạo diễn Phạm Kỳ Nam mời đóng vai bác sĩ trong phim Tự thú trước bình minh.
Đến nay, Mai Huỳnh đã tham gia gần 100 bộ phim, với nhiều nhân vật khác nhau, từ chính diện, đến phản diện… Dù ở thể loại nào thì anh cũng để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả. Nhắc đến diễn viên Mai Huỳnh, nhiều khán giả yêu thích phim truyền hình có thể kể vanh vách những vai diễn chính của anh như: vai Tu Thương trong Chuyện ở quê, Thầy giáo Thành trong Người đẹp tây Đô, bác sĩ Thanh trong Tự thú trước bình minh….
Đồng nghiệp của Mai Huỳnh nhận xét anh là một người có lỗi diễn thật, không gượng ép ở hình thể, không chau mày, nhăn mặt mà mọi thứ đều rất từ nhiên, nhưng từ ánh mắt, lời thoại, cho đến dáng đi lại toát lên được tính cách hoàn chỉnh của nhân vật đó, cứ như thể anh chính là nhân vật đó.
Diễn viên Mai Huỳnh sinh ra ở 18 thôn vườn trầu Bà Điểm, cũng vì thế mà anh rất mê hát. Khi nghe được tin trên thành phố đang có tuyển diễn viên cho đoàn ca nhạc kịch thanh niên xung kích, anh cảm thấy mừng thầm trong bụng vì có cơ hội được thực hiện đam mê của mình. Và anh đã thi đỗ. Vai diễn đầu tiên của anh đã được nhiều khán giả yêu thích, chính vì thế anh cũng dễ dàng được các đạo diễn chú ý tới.
Nhờ có vóc dáng cao ráo, gương mặt hiền lành, phúc hậu, đôi mắt biết nói, anh đã dễ dàng được đạo diễn tin tưởng giao cho một số vai chính diện từ giám đốc, đến người cha mẫu mực, người đàn ông hiền lành… để rồi không biết từ khi nào anh bị đóng đinh vào những vai diễn như thế.
Mai Huỳnh bước vào nghiệp diễn bằng những cơ duyên không định sẵn của đường đời lắm ngã rẽ, khúc quanh. Để rồi từ đó miệt mài theo đuổi đam mê, dù thật sự nghề không thể đem lại cho anh cuộc sống sung túc như bao người. Ngày đó, Mai Huỳnh đã bất chấp lời khuyên của gia đình để quyết tâm thi cho bằng được vào Đoàn ca nhạc kịch thanh niên xung kích. Từ một chàng trai chỉ biết hát bằng cả trái tim, bằng sự đam mê hoang sơ chưa từng được gọt giũa, Mai Huỳnh đã quyết định chuyển sang học kịch nghệ.
Ngay những năm đầu còn ngồi trên ghế nhà trường, Mai Huỳnh đã lọt vào mắt xanh của đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Phạm Kỳ Nam ngày ấy quyết mời cho bằng được Mai Huỳnh vào vai bác sĩ trong phim Tự thú trước bình minh. Cho đến bây giờ, khi hỏi lại Mai Huỳnh, anh cũng không thể giải thích tại sao đoàn phim lại cất công đi mời mình đến 4 lần. Lần thứ nhất, Mai Huỳnh đến gặp Phạm Kỳ Nam tại khách sạn Bến Nghé, nghe tin nhận được vai, chàng trai trẻ mừng đến không ngủ nổi.
Nhưng sau đó Mai Huỳnh lại thất vọng ngay, vì trưởng đoàn không đồng ý cho anh nghỉ học quá lâu để theo đoàn làm phim ra Nha Trang quay ngoại cảnh. Ai ngờ, nửa tháng sau đoàn làm phim quay lại, và giữ nguyên ý định giao vai cho Mai Huỳnh. Lần này, Mai Huỳnh cũng không thể thuyết phục được vị trưởng đoàn khó tính. Không hiểu vì lẽ gì, mà đoàn làm phim Tự thú trước bình minh tiếp tục tìm đến lần thứ hai, rồi lại đến thêm lần nữa. Phạm Kỳ Nam nhất quyết nhân vật của mình phải có cho bằng được ánh mắt, điệu cười và cả nỗi buồn không tên phảng phất trên gương mặt Mai Huỳnh.
Bởi vậy, dù là lần thứ tư, nhưng đoàn phim vẫn không hề nản. Và lần này, nghệ sĩ Bạch Lan, giáo viên của Mai Huỳnh đã phải ra mặt đảm bảo sẽ dạy ngoài giờ cho Huỳnh thì anh mới được đi đóng phim. Nhờ cơ may kỳ lạ đó, công chúng mới có được một Mai Huỳnh luôn cống hiến cho khán giả những vai diễn nặng nề thân phận, mang một nỗi đau thật đến xót lòng.
Hơn nửa đời theo đuổi đam mê, có lúc Mai Huỳnh đứng trên đỉnh cao của danh vọng, nhưng cho đến bây giờ, anh thú thực là hơn nửa đời người anh đã không thể sống nổi bằng nghề. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, Mai Huỳnh đã thấm thía lắm nỗi chật vật của cuộc sống thiếu trước hụt sau.
Thế nhưng, chính anh cũng không thể ngờ rằng sau khi mình đã trở thành nghệ sĩ nổi tiếng thì cuộc sống vẫn không đầy đủ hơn. Thậm chí, hạnh phúc riêng của anh đã đổ vỡ chỉ vì anh không thể nào vun vén đủ cho gia đình. Mai Huỳnh tâm sự: “Tôi chỉ mong sao nghề có thể nuôi sống được nghệ sĩ. Dù nghệ sĩ đó có nổi tiếng hay chưa nổi tiếng, vai chính hay vai phụ. Bởi vì bản thân tôi đã trải qua hơn nửa đời khốn khó mới bắt đầu “dễ thở” hơn”.
Tuy vậy, Mai Huỳnh vẫn thấy mình may mắn. Bởi vì anh không bị vòng xoáy của vật chất cuốn vào. Anh chia sẻ: “Người ta thường nghĩ, nghệ sĩ phải có cái này, cái kia, phải xuất hiện ở những nơi sang trọng, khoác lên mình những bộ cánh hào nhoáng. Chính điều này đã khiến những người nghệ sĩ dù khó khăn đến đâu vẫn cố gắng chạy vạy cho bằng người khác. Tôi thì không như vậy, tôi quan niệm, vật chất phải phục vụ con người, chứ con người không thể phụ thuộc vào vật chất.
Đối với tôi, khi xuất hiện trước công chúng chỉ cần gọn gàng, lịch sự, phù hợp với hoàn cảnh là đủ. Chạy theo vật chất để rồi bị nó điều khiển, quả thật không đáng”. Như một nghịch lý, những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật chân chính, không bám vào scandal, không vịn vào tai tiếng lại thường có cuộc sống khó khăn, chật vật. Nhưng Mai Huỳnh không buồn, vì với anh dòng máu đam mê lúc nào cũng cuồn cuộn chảy. Mai Huỳnh nói: “Nghèo khó quen rồi, đắng cay trải nhiều rồi, chuyện gì rồi cũng ổn theo cách của nó. Không bao giờ tôi từ bỏ phim ảnh, vì đó là nguồn sống của tôi”.
Mai Huỳnh tâm sự, anh sợ nhất là phải diễn chung với những người có lối diễn “quỷ quyệt”, không thật, chỉ dùng sức mạnh hình thể để che giấu cảm xúc. Anh nói: “Những người như thế chỉ đem lại cho khán giả chiếc vỏ của hạt đậu, nhìn bóng bẩy, trơn tru nhưng không thể khiến người ta cảm thấy ngọt bùi, dễ chịu”.
Diễn viên Mai Huỳnh từng chia sẻ: “Khắc khe trong nghiệp diễn chính là chìa khóa duy nhất dẫn đến thành công. Một diễn viên có thể trẻ, đẹp, bắt mắt, nhưng họ không thể mãi mãi dùng vẻ bên ngoài để chinh phục được khán giả. Và ngược lại, có những diễn viên không được trời ưu ái về thanh sắc nhưng họ có nghề, tâm huyết với từng nhân vật thì dù là vai phụ vẫn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Đó mới là điều mà bất kỳ ai theo nghiệp diễn cũng phải phấn đấu hết sức mình để đạt được”.
Lại hỏi Mai Huỳnh sau khi làm phó đạo diễn liệu khán giả có nên chờ mong một bộ phim do chính anh làm đạo diễn không, thì Mai Huỳnh lắc đầu. Bởi với Mai Huỳnh, đạo diễn không phải vai trò mà bất cứ diễn viên lâu năm nào cũng có thể làm được. Tự nhận mình chỉ là một “người thợ xây lành nghề”, Mai Huỳnh nói: “Từ khi nhận vai trò phó đạo diễn, tôi mới biết làm đạo diễn khó như thế nào.
Gần 40 năm rong ruổi theo nghiệp diễn, những gì Mai Huỳnh có được là sự yêu mến của người hâm mộ. Người ta không thể quên một thầy giáo Thạnh hiền lành, cam chịu nhưng cũng đầy chí khí trong Người đẹp Tây Đô, càng không thể quên tên trung úy trong Phong lan đỏ.
Không cần gì cao sang, với Mai Huỳnh chỉ bấy nhiêu đã đủ. Nhưng Mai Huỳnh vẫn chưa thể an nhiên, bởi anh còn trăn trở nhiều, lo lắng nhiều cho những điều không phải của riêng mình. Anh sợ lớp trẻ mất lửa, sợ phim ảnh ngày nay chú trọng doanh thu sẽ sa đà vào sự dễ dãi… Và điều anh sợ nhất, chính là tuổi già khiến anh không còn đủ sức khỏe để theo đuổi con đường mà anh đã mải miết bước đi không ngơi nghỉ gần suốt cuộc đời. Vì đối với Mai Huỳnh: “Ngày nào còn được làm nghề là ngày đó tôi còn sống”.
Mai Huỳnh là điểm sáng trong bức tranh gia đình hỗn loạn Gạo nếp gạo tẻ
Gạo nếp gạo tẻ – bộ phim gia đình Việt tạo nên cơn sốt trong thời gian gần đây được xem như hiện tượng của phim Việt, khi liên tục chiếm sóng cả trên các kênh truyền hình cũng như các trang mạng xã hội. Phim được HTV2 mua bản quyền và chuyển thể từ bộ phim gia đình ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2013 – Wang’s Family. Phim khai thác những đề tài gần gũi trong mỗi gia đình Việt Nam, kịch bản và văn hóa cũng được cải biên cho phù hợp với phong tục tập quán của người Việt. Bên cạnh đó, nét diễn của các diễn viên trong phim mang đến cho khán giả một cách nhìn mới về lối sống của mỗi gia đình.
Sự thể hiện của các nhân vật qua từng vai diễn tạo ra sự tranh cãi cho nhiều khán giả theo dõi bộ phim. Song, dưới ngòi bút của biên kịch, nhân vật ông Vương (Mai Huỳnh) hiện lên như hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho nhân cách của một người chồng mẫu mực và một người cha có trách nhiệm.
Ông Vương được giới thiệu là một nhà giáo đang công tác tại một trường THCS. Ông sống cùng người mẹ – bà Đào (NSƯT Minh Đức), người em trai – Quang (Ngọc Thuận) và vợ mình – bà Mai (NSND Hồng Vân) cùng ba cô con gái và một cậu con trai út. Chính vì muốn chiều lòng mẹ để có đứa cháu đích tôn mà ông gặp khó khăn trong việc thăng tiến sự nghiệp. Sống hiếu kính và tôn trọng mẹ, ông Vương luôn muốn bà vui lòng trong tất cả mọi việc, kể cả bảo bọc cậu em trai mãi không chịu lớn.
Trong chuyện hôn nhân của con cái, cụ thể là gia đình Hân (Thúy Ngân) và Kiệt (Trung Dũng), ông lúc nào cũng là người đứng ra để tiết chế cho sự thiên vị, quá quắt của bà Mai dành cho Hân khi anh trắng tay, làm con gái bà mất đi cuộc sống nhung lụa. Ông Vương chưa bao giờ bênh vực Hân, vì ông biết cô con gái của mình đã sai trái quá nhiều. Bắt Hân chăm sóc cha chồng từ quê lên thăm con, ông dạy con mình phải biết sống đồng cam cộng khổ cùng chồng khi khó khăn chứ không phải quát nạt, kêu gào, giày vò khi chồng mình thất bại. Ông cảm nhận rõ được nổi khổ của Kiệt và chính ông chứng kiến những giọt lệ đắng cay của anh. Đứng ra nhận hết mọi lỗi lầm thay vợ và con gái mình, con người cư xử bằng lí trí và hiểu chuyện như ông là một người bạn để Kiệt có thể trút cạn bầu tâm sự của anh.
Về phần cuộc sống vợ chồng của người con gái lớn – Hương (Lê Phương) và Công (Hoàng Anh), dù cho Hương luôn bị mẹ ruột mình ghẻ lạnh, thì với ông, cô vẫn là đứa con gái ông yêu thương hết mực. Ông luôn muốn bù đắp, thương cô thay cả phần người mẹ. Rơi lệ và nói câu xin lỗi khi Hương mua được nhà, vì ông luôn canh cánh bên lòng mình về cuộc sống của đứa con chịu nhiều tủi nhục. Dù chưa lần nào nói những ngôn từ hoa mỹ, nhưng ông Vương luôn bên cạnh Hương, động viên, bảo ban khi cô mệt mỏi, ngã quỵ.
Khán giả xem phim còn ấn tượng với hình ảnh người cha thấu hiểu tâm nguyện của con mình như ông Vương. Ông không bắt ép con gái mình – Minh (Phương Hằng) phải gò mình vào công việc bác sĩ với biết bao áp lực cô gặp phải, mà ông để con theo đuổi niềm yêu thích của bản thân, thậm chí ông còn thay cô thuyết phục người mẹ khó tính. Với cậu con trai út Khoa (Bảo Bảo), tuổi mới lớn với bao biến chuyển trong suy nghĩ, ông để cho con dần nhận ra điều quan trọng nhất và thay đổi theo hướng tích cực. Lấy phần thưởng là dàn máy vi tính để làm quà mừng cho cậu út vì sự thay đổi tốt đẹp, một người cha tâm lý, chịu lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các con mình như ông Vương đã chiếm được cảm tình của phần đông khán giả trẻ xem phim.
Chẳng những vậy, cách cư xử của ông đối với sui gia cũng khiến người xem nể phục. Nhận lỗi với ông Tuấn (cố nghệ sĩ Nguyễn Hậu) vì những lỗi lầm và cách đối xử vô lễ của con gái, ông xuống tận nhà ông Tuấn để mời rượu và xin phép ông Tuấn để Kiệt dọn về ở cùng gia đình ông. Thấu hiểu được nỗi lòng của người cha khi để con mình sống cùng nhà vợ, sợ rằng sẽ xuất hiện cảnh “chó chui gầm chạn”, cách hành xử mẫu mực của ông Vương là một nét đẹp mà khó tìm trong cuộc sống hiện nay.
Nói đi cũng phải nói lại, nét đẹp về nhân cách, về con người của ông Vương là điều không phải bàn cãi, nhưng dường như ở ông, cái tính hiền lành của một nhà giáo có vẻ bị lấn át trong tất cả mọi việc. Ông vẫn nói đúng lẽ phải, nhưng cứ hễ bà Mai vặn lại thì cuối cùng ông cũng chỉ im lặng. Nếu đặt ông đứng vào vị trí của Kiệt, có lẽ ông cũng tự giải thoát cho bản thân mình. Chỉ vì thương Hân, không muốn gia đình cô tan vỡ, nên ông chỉ biết cách an ủi Kiệt, bầu bạn cùng anh để con rể vơi đi nỗi sầu. Nói về Hương, trên cương vị là một người cha, dẫu rằng cô có thai rồi mới cưới, mang lỗi lầm, nhưng giọt máu nào cũng là con. Chẳng lẽ lúc con gái ông một lưng bế con, hai tay rửa chén, ông không thể nào lên tiếng để cả gia đình giúp đỡ con mình hay sao ? Điều này cũng nói lên phần nào sự yếu đuối trong con người ông Vương.
Một con người không thể thập toàn thập mỹ, song nhân vật của Mai Huỳnh vẫn đang chiếm được cảm tình từ khán giả xem phim. Liệu rằng những tình tiết tiếp theo của bộ phim sẽ khiến ông thay đổi? Gia đình ông sẽ hạnh phúc? Cuộc sống hôn nhân của hai người con gái sẽ mang đến cho ông những bất ngờ gì tiếp theo?