14/01/2018, 23:27

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc (Lần 1) Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Văn có đáp án Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn Nhanh tay download: . Đề ...

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn

Nhanh tay download: . Đề thi sẽ giúp các bạn rèn luyện khả năng giải đề, làm quen với dạng đề, rút ra cách phân bổ thời gian hợp lý,...Đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các bạn học sinh.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT thị xã Quảng Trị (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT thị xã Quảng Trị (Lần 2)

TRƯỜNG PTTH VĨNH YÊN
(Đề thi gồm có 02 trang)
ĐỀ KTCL ÔN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2017 LẦN 1
Môn: Ngữ Văn
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

"Mẹ ạ, nếu kiếp sau, con được chọn, con vẫn chọn là con của mẹ. Mẹ con ta sẽ yêu thương và bù đắp cho nhau mẹ nhỉ? Ở trên này, con ít khi thành công lắm nhưng khi con mệt mỏi, con thất bại, con sắp gục ngã, con đã biết đi tìm mẹ...

Mẹ ơi, hãy là một bà tiên hiền dịu và cho con một điều ước nhỏ nhoi đi mẹ. Con ước giản dị thôi, bà tiên ấy được sống lại với con một ngày, để con được chăm sóc - việc mà trước đây con chưa hề làm. Con sẽ không làm mẹ khóc đâu, con hứa. Và điều cuối cùng con muốn nói với mẹ rằng: "Con nhớ mẹ quá nhiều, nợ mẹ quá nhiều... Kiếp sau, dù sao đi nữa, mẹ sẽ mãi là mẹ của con. Con thương mẹ nhiều!"

(Trích Thư gửi mẹ hiền - Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 9 - Báo Dantri.com ngày 20/10/2016)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạtchính của đoạn trích trên. (0,5 điểm)

Câu 2. Anh chị hiểu thế nào về câu văn: "Ở trên này, con ít khi thành công lắm nhưng khi con mệt mỏi, con thất bại, con sắp gục ngã, con đã biết đi tìm mẹ...". (1,0 điểm)

Câu 3. Theo anh chị, vì sao bạn Anh Thư lại viết cho mẹ đã mất 2 năm trước của mình. "Con nhớ mẹ quá nhiều, nợ mẹ quá nhiều..." (1,0 điểm)

Câu 4. Đoạn trích trên gợi cho anh chị điều gì tâm đắc nhất (0,5 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm )

Anh chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về món nợ mẹ quá nhiều được bạn Anh Thư nhắc đến trong đoạn trích.

Câu 2. (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh, chị về đoạn thơ sau

Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như lá đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Dấu chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

(Trích Việt Bắc, Tố Hữu - Ngữ văn 12, tập 1, NXBGDVN 2010, trang 112)

---------HẾT-------

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh:.......................................; Số báo danh:...............

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1. Văn bản đã cho được viết theo phương thức biểu đạt biểu cảm/biểu cảm.

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng theo cách trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 2. Nội dung của câu văn: trên cuộc đời khi không còn mẹ, con từng trải qua thành công và nhiều thất bại, mệt mỏi và bi quan, tiêu cực, những lúc đó, con tìm đến mẹ, để được an ủi, chia sẻ và mong được mẹ chỉ bảo. Mẹ vẫn là chỗ dựa tinh thần vô cùng quan trọng của con, dù là trong suy nghĩ và tâm tưởng.

Có thể diễn đạt theo các cách khác nhau nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục.

  • Điểm 1,0: Trả lời đúng, đầy đủ ý trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí.
  • Điểm 0,5: Nêu được ý nhưng diễn đạt còn lúng túng.
  • Điểm 0,25: Trả lời chung chung, chưa thật rõ ý.
  • Điểm 0,0: Trả lời sai nội dung hoặc không trả lời.

Câu 3. Bạn Anh Thưviết như vậy hiểu là: rất thương yêu và kính trọng mẹ, không lúc nào quên hình bóng mẹ yêu. Con nợ mẹ nhiều, hiểu là còn nhiều lỗi với mẹ: lời xin lỗi, lòng hiếu thảo, lòng biết ơn, chưa cố gắng trong mọi việc, chưa biết thương mẹ, chưa hiểu mẹ và thờ ơ, chưa quan tâm chăm sóc mẹ ...Con làm mẹ lo lắng và buồn lòng.

  • Điểm 1,0: Trả lời đúng và khá đủ; diễn đạt hợp lý.
  • Điểm 0,5: Nêu được từ 4 việc con nợ mẹ. Diễn đạt còn lúng túng.
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng 2 đến 3 việc con chưa làm được.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 4. Đoạn trích trong đề bài, gợi nhiều điều tâm đắc nhất. Thí sinh có thể chọn và diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu một trong những điều tâm đắc nhất sau.

  • Tình yêu thương mẹ là thiêng liêng nhất.
  • Mẹ là quý nhất, mẹ là tất cả, không có ai bằng mẹ.
  • Hãy biết sống hiếu thảo và yêu thương, kính trọng, chăm sóc mẹ.
  • Điều đau khổ nhất, bất hạnh nhất là không còn mẹ.
  • Hãy sống đúng phận làm con, đừng để mẹ lo lắng và khóc nhiều vì con.
  • Hãy làm điều gì đó ngay cho mẹ vui, khi chưa muộn.

Học sinh có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.

  • Điểm 0,5: Nêu được điều tâm đắc nhất.
  • Điểm 0,25: Nêu chưa rõ điều tâm đắc nào hoặc nêu nhiều hoặc diễn đạt ý hiểu lúng túng.
  • Điểm 0: không nêu được đúng ý hoặc không có câu trả lời.

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về đoạn văn nghị luận xã hội để viết đoạn khoảng 200 chữ, tương đương ½ trang giấy thi. Đoạn văn viết có cảm xúc; diễn đạt dễ hiểu, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Đoạn văn đầy đủ phần Mở đoạn, Thân đoạn, Kết đoạn. Câu Mở đoạn nêu được đúng chủ đề; phần Thân đoạn, các câu văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; câu Kết đoạn nêu được ý khái quát về vấn đề.
  • Điểm 0,25: Viết được đoạn văn nhưng chưa đảm bảo mạch lạc, chính xác về bố cục ba phần.
  • Điểm 0: Không biết viết đoạn văn hoặc quá ngắn, sơ sài vài câu.

b) Nêu đúng vấn đề: (1,25 điểm)

Suy nghĩ về món nợ mẹ quá nhiều, yêu cầu thí sinh diễn đạt cụ thể nội dung trả lời của câu hỏi 3, phần đọc hiểu.Thí sinh có thể viết theo cách trình bày đoạn văn khác nhau nhưng cần làm rõ các gợi ý sau: Con nợ mẹ nhiều, hiểu là còn nhiều lỗi với mẹ: lời xin lỗi, lòng hiếu thảo, lòng biết ơn, chưa cố gắng trong mọi việc, chưa biết thương mẹ, chưa hiểu mẹ và thờ ơ, chưa quan tâm chăm sóc mẹ ...Con làm mẹ lo lắng và buồn lòng.

  • Điểm 1,25: Cơ bản đáp ứng được các nội dung; diễn đạt rõ ràng; liên kết câu chặt chẽ.
  • Điểm 0,75: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các nội dung; diễn đạt, liên kết câu còn lúng túng.
  • Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các nội dung trên; có thể còn lỗi câu và dùng từ, chính tả.
  • Điểm 0: hiểu sai lạc nội dunghoặc không viết được đoạn văn.

c) Sáng tạo (0,25 điểm)

  • Điểm 0,25: cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); thể hiện được cảm xúc chân thành và sâu sắc về nội dung.
  • Điểm 0: cách diễn đạt lan man; mắc nhiều lỗi dùng từ, dựng câu; chữ viết cẩu thả hoặc sai chính tả nhiều.

Câu 2 (5,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Về kĩ năng: Có kĩ năng phân tích thơ. Từ đó biết cách viết một bài nghị luận văn học có kết cấu đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc. Bài viết cần có những đánh giá, bình luận sắc sảo, diễn đạt biểu cảm.

c) Về kiến thức:

Đoạn thơ gồm 12 câu có thể xác lập ý như sau:

  • Sáu câu đầu: Tràn đầy âm hưởng anh hùng ca về một Việt Bắc chiến đấu và chiến thắng.
  • Hai câu tiếp: Với cảm hứng lãng mạn, hào hùng, ý thơ phóng xa vào viễn cảnh tương lai tươi sáng của dân tộc.
  • Bốn câu còn lại: Việt Bắc căn cứ địa hào hùng với những tên đất, tên làng gắn liền với những chiến công oanh liệt
  • Nhận xét về đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ

Kết hợp các thao tác lập luận Lập dàn ý

Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm

Giới thiệu đoạn trích: Đoạn thơ trích trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu diễn tả cảm xúc đầy chất sử thi và lãng mạn của cái Tôi thi sĩ về một Việt Bắc – căn cứ kháng chiến hào hùng với biết bao kỉ niệm chiến đấu và chiến thắng.

Thân bài

Ở những đoạn thơ trước, Tố Hữu bày tỏ nỗi niềm về Việt Bắc cảnh và người ân tình, ân nghĩa, thuỷ chung son sắt; một Việt Bắc nghèo mà chân tình, rộng mở thì ở đoạn thơ này, nhà thơ dẫn người đọc vào khung cảnh Việt Bắc chiến đấu và chiến thắng với không gian núi rừng rộng lớn, với những hoạt động tập nập, những hình ảnh hào hùng, những âm thanh sôi nổi, dồn dập, náo nức. Cách mạng và kháng chiến đã xua tan vẻ âm u, hiu hắt của núi rừng; đồng thời khơi dậy sức sống mạnh mẽ của thiên nhiên, con người Việt Bắc cùng sức mạnh vô địch của khối đoàn kết toàn dân kháng chiến:

Những đường Việt Bắc của ta
Ngày đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

Khổ thơ tràn đầy âm hưởng anh hùng ca, mang dáng vẻ của một sử thi hiện đại. Chỉ một vài nét phác hoạ khung cảnh hùng tráng của cuộc kháng chiến ở Việt Bắc, Tố Hữu đã cho người độc thấy khí thế hào hùng, mạnh mẽ của khối đoàn kết toàn dân toàn diện, của sự hoà quyện, gắn bó giữa thiên nhiên với con người – tất cả tạo thành hình đất nước đứng lên chiến đấu vì độc lập tự do, vì hạnh phúc, tương lai của dân tộc.

+ Bức tranh hoành tráng trước hết được thể hiện ở không gian rộng lớn, những nẻo đường chiến khu Việt Bắc giờ đây là của ta. Đêm đêm những bước chân hành quaan rầm rập, làm rung chuyển của đất trời, bước chân của những con người khổng lồ đội trời đạp đất, làm nên những kì tích anh hùng.

+ Nổi bật lên là hình ảnh quân đội nhân dân Việt Nam, ý thơ phô trương sức mạnh hùng hậu: Quân đi điệp điệp trùng trùng/Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan, chỉ với hai câu mà tạc được bức phù điêu điệp trùng, hùng vĩ của Việt Bắc kháng chiến. Càng đẹp đẽ và sống động hơn là hình ảnh ánh sao đầu úng lấp lánh dười trời đêm, khiến người đọc nhớ đến "Đầu súng trăng treo" của Chính Hữu. Những câu thơ giàu chất tạo hình, vừa hiện thực, vừa lãng mạn gợi nhiều liên tưởng về vẻ đẹp của người chiến sĩ.

+ Hình ảnh của Dân công đỏ đuốc từng đoàn cũng kì vĩ và tràn đầy sức mạnh. Kháng chiến của chúng ta là cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện, người người đánh giặc, nhà nhà đánh giặc, nông dân miền xuôi tấp nập lên đường đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến lớn. Hình ảnh của họ thật hào hùng, hoành tráng qua câu: Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay, sự kết hợp kì diệu giữa hình ảnh thực và những liên tưởng lãng mạn bay bổng vừa làm sống dậy nguồn sức mạnh to lớn của một dân tộc, vừa thần thoại hoá sức mạnh của con người, sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bước chân của họ là bước chân của những con người đội đá vá trời, rung chuyển càn khôn, đạp bằng mọi gian nguy làm nên chiến thắng kì diệu khiến thế giới phải khâm phục.

Cảm hứng sử thi lãng mạn, hào hùng đã khiến ý thơ được mở rộng đến viễn cảnh tương lai tươi sáng:

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Nhà thơ sử dụng hình ảnh Nghìn đêm thăm thẳm sương dày/ Đèn pha bật sáng như ngày mai lên diễn tả cảm hứng tự hào, lạc quan tin tưởng về một tương lai tươi sáng của chiến khu trường kì gian khổ. Dù hôm này cà cả nghìn đêm đã qua, dân tộc phải chìm trong thăm thẳm của khói lửa đau thương; tăm tối, mịt mù của chiến tranh, của đói nghèo thì hãy tin rằng ngày mai, ngày mai chúng ta sẽ chiến thắng. Cuộc đời sẽ rộng mở, tươi sáng như ánh đèn pha đang chiếu vào bóng tối, sương mù, mở đường cho xe ta ra mặt trận. Chúng ta sẽ được độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc. Nhịp thơ cũng từ cảm hứng ấy mà trở nên mạnh mẽ, dồn dập như âm hưởng bước chân hành quân của quân và dân ta, nườm nượp, trùng điệp trên những nẻo đường ra trận. Hệ thống từ vựng mở căng độ diễn tả (Nát đá, thăm thẳm, bật sáng.). Hình ảnh con người kì vĩ, ý thơ phóng xa vào viễn cảnh. Tất cả tạo nên một bức tranh sử thi hoành tráng để ngợi ca sức mạnh của nhân dân anh hùng, đất nước anh hùng.

Việt Bắc là căn cứ địa hào hùng, mồ chôn giặc Pháp, nhà thơ không thể không nhắc đến những tên đất, tên làng, tên sông, tên núi của trăm miền hoà với những chiến công lừng lấy cùng Việt Bắc đã đi vào sử xanh của dân tộc.

Tin vui chiến thắng trăm miềm
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

Niềm vui chiến thắng tràn ngập những câu thơ, tràn vào tâm tư người độc niềm vui chiến thắng bất tận của chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Kết bài

Viết về Việt Bắc chiến đấu và chiến thắng, Tố Hữu không thể viết riêng về một vùng đất mà trở thành biểu tượng cho sức mạnh kháng chiến, cho linh hồn cách mạng, cho ý chí của toàn dân tộc trong cuộc trường chinh vĩ đại. Thơ ca cách mạng đã tìm được vẻ đpẹ toàn bích trong thành công của bài thơ Việt Bắc. Nhà thơ nói về lí tưởng, về cách mạng, về truyền thống tinh thần của dân tộc, đất nước với tình cảm say mê nồng nhiệt, với những rung động của một trái tim yêu nước. Tiếng lòng của nhà thơ cũng là tiếng lòng của nhân daan kháng chiến, của dân tộc Việt Nam anh hùng.

0